(Dân trí) - "Tôi tin vào tri thức người Việt. Tri thức của giới trẻ, của người Việt không phải là tồi, chỉ có hướng nghiệp có vấn đề...", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung: "Phải có mục tiêu đủ cao, để tạo áp lực cho lãnh đạo thực hiện bằng được chiến lược quốc gia"
Chia sẻ về ước vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, mục tiêu năm 2045, Việt Nam trở thành nước thu nhập cao, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng phải có mục tiêu đủ cao, để tạo áp lực cho lãnh đạo, cho tư duy đổi mới để thực hiện bằng được chiến lược của quốc gia.
Báo Dân trí xin trích đăng nội dung trao đổi với chuyên gia Nguyễn Đình Cung về câu chuyện thực hiện chiến lược và tham vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Thưa TS. Nguyễn Đình Cung, năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển. Theo ông, những thách thức, khó khăn để thực hiện tham vọng này là gì? Về tầm vĩ mô, tốc độ tăng trưởng Việt Nam cần duy trì bao lâu, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới bất định, phức tạp như hiện nay?
TS. Nguyễn Đình Cung: Về tổng thể phát triển quốc gia của Việt Nam đến năm 2045 đã thấy rõ chiến lược và tham vọng, nhưng về các giải pháp cụ thể, chúng ta vẫn chưa rõ lắm, vẫn xem nhẹ trong việc thực thi.
TĂNG TRƯỞNG TRÊN 8% TRONG 10 NĂM
Có mục tiêu đến năm 2045 như vậy, tôi nghĩ từ năm 2030 trở đi Việt Nam phải xác định nằm trong "top" đầu của các nước thu nhập trung bình cao, phải ở nhóm nước có thu nhập bình quân trên 10.000 - 12.000 USD/năm. Từ đó, những năm tiếp theo Việt Nam mới có thể đạt được thu nhập từ 15.000 - 18.000 USD/năm, trở thành nước thu nhập cao, nước phát triển.
Nếu tốc độ tăng trưởng giai đoạn sắp tới chỉ 5-6%/năm, chúng ta rất khó thực hiện được tham vọng, ước mong trở thành nước thu nhập cao. Muốn trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng GDP phải cao và ổn định trong thời gian dài.
Việc đặt mục tiêu trở thành nước phát triển có lý do riêng, bởi nếu không tăng trưởng cao, không đặt tham vọng, Việt Nam khó có thể thu hẹp được khoảng cách với các nước phát triển.
Muốn bắt kịp được, tăng trưởng kinh tế, cần phải có tốc độ tăng trưởng từ 7 đến 8%/năm, mục tiêu đặt ra lớn, chiến lược thì phải yêu cầu lãnh đạo giỏi, tư duy chiến lược.
Chúng ta phải có mục tiêu đủ cao, để tạo áp lực cho lãnh đạo, cho tư duy đổi mới để thực hiện bằng được chiến lược của quốc gia. Và lúc đó, người giỏi mới nổi lên được, mục tiêu đủ cao để chỉ có người giỏi mới làm được và loại bỏ người không làm được. Chúng ta phải có mục tiêu đủ cao, tham vọng để chỉ có người giỏi mới làm được.
Theo ông, năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam có khả năng thực hiện được các chiến lược đề ra hay không?
Bản thân nền kinh tế Việt Nam hiện nay có đủ khả năng tăng trưởng cao, tất cả nguồn lực đang đầy đủ, bày sẵn.
Điều quan trọng là Việt Nam phải làm sống lại nguồn lực. Lao động của chúng ta vẫn tạo ra của cải vật chất của nền kinh tế nhưng ở các khu vực kinh tế đã có sự chênh lệch lớn. Điều này đặt ra vấn đề là phải nâng cao năng lực của họ, phải xây dựng cơ chế để phát triển tối đa sức mạnh toàn dân tộc.
Hiện nay, tổng đầu tư toàn xã hội là 34% số chi ngân sách, nếu hạ chỉ số Icor (hiệu quả đầu tư trên đồng vốn) từ chỗ mất 6 đồng để có 1 điểm tăng trưởng, xuống chỉ mất 4 đồng, đổi lấy 1 điểm tăng trưởng, Việt Nam sẽ có tăng trưởng trên 8,5% mỗi năm.
Đấy chưa nói đến việc khôi phục lại nguồn lực trong nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, phát triển hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân, rồi việc đánh thuế vào tài sản nơi rất nhiều người giàu đang đổ tiền vào bất động sản, nằm bất động ở nhiều nơi.
Nếu chúng ta tăng hiệu quả đầu tư, tính bền vững của nền kinh tế sẽ gia tăng và có thể hệ quả tăng trưởng cao sẽ kéo dài đến 10 năm hoặc lâu hơn thế.
Người ta nhắc nhiều đến tính hiệu quả, đến chất lượng tăng trưởng và tính lan tỏa của đồng vốn, theo ông, thực hiện nhiệm vụ chiến lược, Việt Nam cần cải cách ở đâu trong sử dụng đồng vốn trong quá trình phát triển?
Hiệu quả của tăng trưởng, hiệu quả của sử dụng vốn và nguồn lực là vấn đề Việt Nam phải đặc biệt quan tâm.
Ví dụ như đầu tư công hiện nay kém hiệu quả, dàn trải và ít lan tỏa, vậy phải cải thiện cái gì, ở đâu? Tôi cho rằng, trong đầu tư công, bây giờ chúng ta phải chọn một số lĩnh vực, dự án cần chú trọng đổ vốn để dồn lực làm dứt điểm.
Ai cũng biết hạ tầng quan trọng, vậy thì hãy tập trung vào một số dự án trọng điểm, có tính lan tỏa và tác động lớn đến nền kinh tế. Đừng chia đều như hiện nay, chỉ nên tập trung vào một hai dự án lớn, làm nhanh, dứt điểm cho xong.
PHẢI "DỒN" VỐN CHO NƠI CÓ GIÁ TRỊ GIA TĂNG LỚN NHẤT
Ví dụ, chúng ta có 10 tỷ USD đầu tư công, chỉ nên đổ vào 2 dự án lớn mà thôi, làm nhanh, dứt điểm cho xong rồi đi làm dự án khác. Tôi chắc chắn, hai dự án này sẽ tạo tính lan tỏa, tạo công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp khác nếu chúng ta làm quyết liệt, làm đến nơi đến chốn và và làm hiệu quả.
Nếu năm nay chúng ta có vài chục dự án, nhưng tận 10 năm mới xong, nhưng nếu gom lại, làm hiệu quả vài dự án trước, sau đó tính các dự án tiếp theo thì sẽ tốt hơn nhiều. Đặt mục tiêu, làm một đại dự án trong 2-3 năm phải xong thì hiệu quả, tác động sẽ rất lớn thay vì các dự án cứ kéo dài như hiện nay.
Theo tôi, đồng vốn đầu tư công là đi vay, là tiền ngân sách thì phải ưu tiên trước tiên là tính hiệu quả.
Không nên rút vốn của trung tâm động lực kinh tế như TP.HCM chẳng hạn, hãy tập trung vốn để phát triển họ trở thành động lực, không cào bằng vốn và so tính hiệu quả như chúng ta đã từng làm.
Ví dụ như đường sắt tốc độ cao, chúng ta không phải không có nguồn lực nhưng chúng ta phải xác định làm nó thế nào cho hiệu quả kinh tế. Đường sắt tốc độ cao phải ưu tiên chở hàng, lưu thông, vận tải thương mại chứ không phải ưu tiên chở người. Chở người có đường hàng không, đường bộ rồi.
Như vậy bài toán sẽ tìm đâu ra động lực để thực hiện nhiệm vụ lớn, chiến lược quan trọng? Chúng ta không thể mãi dựa vào vay vốn nước ngoài hay vốn FDI để thực hiện tham vọng chiến lược cho mình?
Thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm quen thuộc để đưa đất nước đi theo quỹ đạo đổi mới của thế giới đã, đang và sẽ biến đổi nhanh chóng, từng phút, từng giây. Chỉ khi chúng ta nghĩ đến hiệu quả sử dụng đồng tiền, chúng ta mới giải phóng tư duy, có cách làm quyết liệt hơn.
Việt Nam không phải không có tiền, mà có rất nhiều nguồn lực, tiền Nhà nước, tiền tư nhân, tiền của cả xã hội, người dân vẫn còn. Quan trọng là phải biết khơi thông nguồn lực, đổ nguồn lực vào đúng chỗ cần và hiệu quả.
Để gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, nên bỏ tất cả các thứ xin cho, chia chác, cấp phát... như hiện nay. Muốn làm được vậy, hãy mạnh dạn cơ cấu lại bộ máy các Bộ, ngành hiện nay vì quá nhiều bộ giải quyết một vấn đề, gây cản trở phát triển. Cần thiết có thể bỏ một số bộ.
Việt Nam cần có một cơ quan tập trung đầu não đủ mạnh về hoạch định, đủ mạnh về chuyên môn, đủ mạnh về vị thế chính trị và thực thi trực thuộc Chính phủ. Chứ không thể để tình trạng các Bộ, địa phương chen lấn vào chính sách, ra quyết định phải nhanh, phải chạy đua với thời cuộc.
Ra Luật, Quyết định, Nghị định nào phải làm nhanh không phải theo trình tự "Xuân - Thu nhị kỳ" sẽ khiến chúng ta đi sau, thậm chí lỡ dở các vận hội, thời cuộc. Nếu chúng ta không cải cách cơ cấu hành chính, từ việc ra chính sách đến hiệu quả thực thi, trong thời gian tới các chính sách từ trên xuống của Việt Nam vẫn sẽ bị chia rẽ, cục bộ.
Kinh tế tư nhân có thể là nơi chúng ta kỳ vọng vào đổi mới, thay đổi đất nước. Làm thế nào để vực dậy các cánh chim đầu đàn, nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ thành các doanh nghiệp tầm trung, doanh nghiệp lớn?
Tư nhân cần nhiều cái tự do. Tự do làm gì thì tại Việt Nam họ đã được thỏa mãn rồi, nhưng tự do làm thế nào thì cần cải thiện, đừng bắt họ theo quy trình nữa mà như thế thì phải thay đổi chính sách, cải cách nhiều hơn.
Nhiều rào cản phải bỏ đi để họ làm thế nào cũng được, quan trọng là hiệu quả, quan trọng không phạm luật. Triết lý này nên được ngấm vào trong tư duy người làm luật, chính sách.
Về độ an toàn, nên bỏ thanh tra theo kế hoạch, thanh tra tuân thủ luật pháp đi vì cái này không hiệu quả, hiệu lực, hãy để cho thị trường quyết định cuộc chơi. Điều này sẽ tăng rất nhiều sự an toàn, lo đối phó với các cuộc thanh tra kiểm tra gây sách nhiễu như hiện nay.
Đặc biệt là hiện nay chúng ta phải có hệ thống tòa án kinh tế dân sự theo quy chuẩn quốc tế, để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư. Cần đứng ở vị trí độc lập, dùng pháp luật quốc tế để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong các tranh chấp dân sự hiện nay.
Ví dụ như một cơ quan đứng ra bảo vệ việc có tổ chức ỷ lại việc cơ quan nhà nước ra chính sách áp đặt, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cho tự do kinh doanh hoặc thanh tra, kiểm tra nhũng nhiễu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Cơ quan này phải có đủ thẩm quyền, đủ năng lực và đủ quyền lực để bảo vệ cho tư nhân.
"TÔI LUÔN TIN VÀO NĂNG LỰC CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM"
Theo ông, để thực hiện tham vọng và chiến lược của đất nước, mỗi người dân, con người Việt cần phải xác định được mục tiêu và nỗ lực của bản thân. Ông có lo lắng về chất lượng nhân lực Việt Nam, nhất là khi có nhiều quan điểm cho rằng nhân lực Việt có thể yếu kém trước đòi hỏi lớn của dân tộc?
Tôi không lo nhân lực, chúng ta cứ mở thị trường ra, xây dựng cơ chế thị trường mở trong tuyển dụng lao động đi. Thị trường tự tái cơ cấu và tự đòi hỏi những người giỏi làm được việc thay vì tuyển người có quan hệ để giữ ghế.
Việt Nam hiện tham gia thị trường lao động toàn cầu rồi, khi ký kết hiệp định FTA với các nước, chúng ta mở cửa và chấp nhận chu chuyển lao động nước ngoài, các công ty đều có kế hoạch "săn đầu người'' khắp nơi.
Không nên quan tâm họ là ai, chỉ cần họ năng động, họ giỏi và họ dám chấp nhận thay đổi vì đại cuộc thì doanh nghiệp cần, Việt Nam cần. Khi chúng ta mở cửa, doanh nghiệp cần người giỏi thì tự tạo ra nhu cầu lao động, tự cải cách chất lượng lao động.
Tôi vẫn luôn tin vào năng lực của con người Việt Nam, nếu chúng ta có môi trường tốt thì người tài khắp nơi sẽ về và ngược lại.
Đối với Việt Nam, tôi tin vào tri thức người Việt, tri thức của giới trẻ, của người Việt không phải là tồi, chỉ có hướng nghiệp có vấn đề. Không được để tình trạng người dốt được lương cao, người giỏi lương thấp, làm vậy không bao giờ chúng ta chọn được người tài, người có đức và thúc đẩy được học hành. Không thể để giá trị đảo lộn được, nhất là các cơ quan nhà nước, nơi ban hành chính sách!.
Trân trọng cảm ơn ông!