DMagazine

TS. Huỳnh Thế Du: Kinh tế khó khăn nhưng chưa u ám như nhiều người nghĩ

(Dân trí) - TS. Huỳnh Thế Du cho rằng con số GDP 6 tháng tăng 5,64% phản ánh thực chất nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn qua, dù có thể nhiều người sẽ đặt ra dấu hỏi về con số này.

"KINH TẾ KHÓ KHĂN NHƯNG CHƯA U ÁM NHƯ NHIỀU NGƯỜI NGHĨ"

Trao đổi với Dân trí, TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho rằng con số GDP 6 tháng tăng 5,64% khiến nhiều người đặt dấu hỏi. Song theo ông, con số này phản ánh thực chất nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn qua. Ông cũng cho rằng 6 tháng cuối năm, kinh tế có thể sẽ "căng hơn" khi dịch bệnh kéo dài.

TS. Huỳnh Thế Du: Kinh tế khó khăn nhưng chưa u ám như nhiều người nghĩ - 1

3 ĐIỀU CHO THẤY KINH TẾ VẪN TĂNG TRƯỞNG

- Dù dịch diễn biến phức tạp, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt hơn 5,64%. Ông nghĩ sao về con số này?

Dựa vào thông tin trên truyền thông và một số quan điểm trên mạng xã hội có thể thấy có một số người nghi ngờ hay đặt dấu hỏi về con số này.

Thu ngân sách đạt đến 57,7% dự toán (6 tháng đầu năm các năm trước thường thấp hơn 50%) và thu nội địa đạt 55,9% dự toán. Có hoạt động kinh tế thì mới có thể thu được ngân sách.

Tuy nhiên, tôi cho rằng con số này phản ánh thực chất nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn qua. Vì cơ bản có một bộ phận rất khó khăn vì dịch bệnh nhưng không phải tất cả. Đa số các hoạt động kinh tế không quá khác biệt nhiều so với thời điểm trước khi có dịch.

Có 3 dấu hiệu dưới đây phản ánh nhận định này.

Thứ nhất, các hoạt động ngoại thương vẫn rất sôi động, thể hiện ở tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng 28,4% và nhập khẩu tăng 36,1%.

Thứ hai, thu ngân sách đạt đến 57,7% dự toán (6 tháng đầu năm các năm trước thường thấp hơn 50%) và thu nội địa đạt 55,9% dự toán. Có hoạt động kinh tế thì mới có thể thu được ngân sách. Thực tế, tôi đi một số địa phương thấy các hoạt động kinh tế vẫn sôi động.

Thứ ba, các hoạt động của người dân và mức tiêu dùng trong xã hội vẫn bình thường. Tôi thấy sức mua tại chợ Tân Mỹ, quận 7, TPHCM gần đây không khác nhiều so với hai năm trước đây và các hoạt động mua bán ở chợ Đồng Xoài, Bình Phước hôm chủ nhật tuần trước vẫn rất sôi động. Tôi thấy nó bình thường như rất nhiều chợ trung tâm ở các tỉnh lỵ trước đó.

Những sai số về tính toán luôn là chuyện muôn thuở trong thống kê, nhất là ở Việt Nam. Tôi thừa nhận có những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như vận tải, du lịch, nhà hàng... Nhưng phải xem tỷ trọng những ngành này chiếm bao nhiêu trong tổng thể nền kinh tế.

Rõ ràng không phải toàn bộ nền kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đa số vẫn duy trì chứ không hẳn phải đóng cửa triền miên, tê liệt đến vài tháng, nửa năm...

Việt Nam đạt được kết quả kinh tế như hiện nay và kết quả chống dịch vẫn hết sức tích cực, cho dù ở giai đoạn khó khăn nhất, nhưng so với nhiều nước khác thì mức độ nghiêm trọng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều, là do cách chống dịch rất Việt Nam, thấy vậy mà không phải vậy.

TS. Huỳnh Thế Du: Kinh tế khó khăn nhưng chưa u ám như nhiều người nghĩ - 2

Doanh nghiệp ở Bắc Giang vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ngay thời điểm tâm dịch. Không có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa triền miên nhiều tháng.

CÁC ĐỐI TƯỢNG YẾU THẾ BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI COVID-19 NẶNG NỀ NHẤT 

- Ông có thể giải thích rõ hơn về "cách chống dịch rất Việt Nam, thấy vậy mà không phải vậy"?

Nếu chỉ đọc tin tức trên truyền thông và mạng xã hội thì sẽ thấy rằng trong hơn một năm qua, nhiều thời điểm nền kinh tế Việt Nam dường như phải dừng hẳn lại vì ưu tiên chống dịch. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Kết quả chống dịch tốt là nhờ Việt Nam đã áp dụng nhất quán những giải pháp cơ bản, chi phí thấp đối với các cá nhân và toàn xã hội gồm: (1) đeo khẩu trang (điều này được thực thi hết sức nghiêm ngặt); (2) giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập đông người; và (3) truy vết và cách ly các đối tượng F có nguy cơ bị bệnh và lây nhiễm cao.

Đối với nền kinh tế, hầu hết hoạt động vẫn bình thường. Ví dụ, trong những ngày "nước sôi lửa bỏng" ở TPHCM gần đây thì các quy định về chống dịch, giãn cách, dừng hoạt động chỉ được thực thi nghiêm ngặt đối với những trường hợp, tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc hiển hiện trước mắt truyền thông, trong khi nhiều hoạt động khác vẫn bình thường.

Cuối cùng, dịch bệnh như hiện tại thì các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài ra một số ngành như vận tải, du lịch... vô cùng khó khăn...

Nói cách khác, đời sống và mức sinh hoạt cơ bản của rất nhiều người dân vẫn bình thường. Các chợ truyền thống về cơ bản vẫn vậy, các hoạt động bị ảnh hưởng nhiều là các trung tâm mua sắm hoặc một số hoạt động dịch vụ cao cấp cho tầng lớp thu nhập khá trong xã hội mà thôi. Thực tế, số sử dụng các hoạt động dịch vụ cao cấp chưa nhiều nên mức độ ảnh hưởng của chúng là không lớn.

TS. Huỳnh Thế Du: Kinh tế khó khăn nhưng chưa u ám như nhiều người nghĩ - 3

Dịch bệnh như hiện tại thì các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cuối cùng, dịch bệnh như hiện tại thì các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là việc của Nhà nước và cộng đồng. Trên thực tế, Nhà nước có nhiều hạn chế và giới hạn nên các chính sách chăm lo các đối tượng yếu thế trong xã hội chưa thực sự hiệu quả. Đối với cộng đồng, cho dù có những hình ảnh đẹp, nhưng vai trò của trụ cột này trong xã hội, so với nhiều nơi khác trên thế giới, vẫn còn rất khiêm tốn.

DOANH NGHIỆP TẠM NGỪNG TĂNG MẠNH

- Một trong những chỉ số cũng được mọi người quan tâm đó là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Số liệu quý II vẫn tiếp tục cho thấy lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể còn lớn hơn số doanh nghiệp lập mới, điều đó có đáng lo ngại thưa ông?

- Đây là điều đáng lưu tâm. Con số này chúng ta thấy từ năm 2020 khi dịch Covid-19 ập đến. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đều khó khăn vì Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Hoạt động nền kinh tế Việt Nam chia làm 3 phần. Trong đó, khu vực FDI vẫn tốt. Khu vực phi chính thức dùng dằng. Ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là khu kinh tế tư nhân chính thức. Con số thống kê về tình hình doanh nghiệp đã phản ánh đúng điều đó. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là con số chênh lệch giữa doanh nghiệp thành lập mới so với tạm ngừng kinh doanh không phải quá lớn.

TS. Huỳnh Thế Du: Kinh tế khó khăn nhưng chưa u ám như nhiều người nghĩ - 4

Doanh nghiệp cũng đang dần thích nghi, cố gắng tìm mọi cách sống chung với dịch.

Tôi thấy Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng nặng về dịch Covid-19 như nhiều nước. Trước khi có dịch Covid-19, Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt. Đáng lẽ mức tăng trưởng có thể 7% hoặc cao hơn nữa nhưng do có dịch nên khựng lại. Tuy nhiên, vừa qua cơ bản các hoạt động kinh tế vẫn cố gắng được duy trì ở mức có thể, không đóng cửa hoàn toàn. Điều này đã giảm thiệt hại cho kinh tế.

Một nhóm đối tượng các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch vẫn là vận tải, du lịch, nhà hàng ăn uống… Tuy nhiên, như ngành du lịch, dù bị ảnh hưởng rất nặng, thực tế lại chiếm một phần rất nhỏ trong giỏ chi tiêu của người dân. Theo thống kê, dịch vụ ăn uống và lưu trú chỉ chiếm rất nhỏ, 3,8% GDP. Trong khi một số nước ngành du lịch có thể chiếm tới 30% GDP thì mức độ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế lớn hơn rất nhiều.

- Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chúng ta có bàn đến các vấn đề hỗ trợ, "giải cứu"... Năm ngoái, khi Covid-19 ập đến, chúng ta cũng thiết kế những gói hỗ trợ song việc tiếp cận thì còn nhiều điều đáng bàn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Chúng ta đặt ra "giải cứu" doanh nghiệp nhưng thực sự rất khó để làm. Vì sao? Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không chứng minh được thiệt hại khi số liệu trước đây chưa minh bạch, hạch toán không rõ ràng, đặc biệt là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Thậm chí có doanh nghiệp trước khi Covid-19 cũng báo lỗ triền miên. Đó là một trong những nguyên nhân khiến gói hỗ trợ khó giải ngân.

Còn đối với những doanh nghiệp lớn thì sao? Rất khó khi mỗi lần bàn tới "giải cứu". Bởi nếu làm chính sách thì trước hết và chủ yếu là vừa và nhỏ. Còn khi giải cứu "ông lớn" thì rất dễ bị phản ứng, khó nhận được sự đồng thuận.

6 THÁNG CUỐI NĂM TÌNH HÌNH CÓ THỂ SẼ "CĂNG" HƠN

- Vậy khi nhìn vào tổng thể bức tranh kinh tế qua số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê công bố, có điều gì khiến ông thấy cần lưu ý, băn khoăn hay không? Chẳng hạn như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hay xuất nhập khẩu…?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II ước tính chỉ giảm 8,4% so với quý trước nhưng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Chúng ta cần lưu ý quý I là quý có tháng Tết, sức mua tiêu dùng lớn. Chưa kể, giai đoạn vừa qua là cao điểm về dịch bệnh.

Tôi thừa nhận có một bộ phận những người yếu thế bị tác động rất nhiều, nhưng còn lại đa phần công việc vẫn bình thường. Ở quê nhiều người vẫn duy trì sinh hoạt như thế. Đội ngũ công chức, nhà báo, văn phòng… có thể làm việc online. Thời gian tới, chính sách cần tập trung hỗ trợ đối tượng yếu thế.

TS. Huỳnh Thế Du: Kinh tế khó khăn nhưng chưa u ám như nhiều người nghĩ - 5

Vắc xin là chìa khóa cho nền kinh tế Việt Nam (Ảnh: Reuters).

Tôi thấy sự khó khăn đôi khi còn nằm ở vấn đề tâm lý, nhiều ý kiến nghiêm trọng về sức ảnh hưởng của Covid-19 trước mọi vấn đề. Đến lúc công bố số liệu thì không hoàn toàn như gì họ suy nghĩ nên dẫn đến vấn đề nghi ngờ về số liệu. Tuy nhiên để hiểu thực chất vấn đề cần "bóc tách" nhiều lớp thông tin chứ không đơn thuần là suy đoán, nhận định.

- Vấn đề lạm phát có đáng lo khi giá rất nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh xây dựng tăng cao không, thưa ông?

Việc kiểm soát lạm phát đến nay tôi vẫn thấy tương đối ổn. Tôi chưa thấy rõ ràng về nguy cơ lạm phát. Mặc dù rủi ro là có trong bối cảnh này song không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Nhìn chung vấn đề lo ngại nhất mà chúng ta sợ đó là dịch bệnh kéo dài.

- Ông có khuyến nghị gì cho chính sách điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm?

Tôi cho rằng tình hình 6 tháng cuối năm căng thẳng hơn. Vấn đề lo ngại nhất vẫn là thiếu vắc xin. Nguy cơ bùng phát mạnh với số ca nhiễm tăng lên. Lúc đó mới "lock down" thực sự, doanh nghiệp vô cùng khó khăn.

Việc chống Covid-19 thời gian qua của chúng ta hiệu quả là do chi phí thấp, tính tuân thủ của người dân tương đối cao, mọi người đều đeo khẩu trang, giảm tụ tập, truy vết, cách ly y tế tốt, cố gắng duy trì tối đa hoạt động kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.

Tuy nhiên cách thức giải pháp của chúng ta chỉ hiệu quả khi số ca nhiễm ít. Đến khi số ca nhiều lên và thậm chí ngoài kiểm soát thì sẽ khác, lúc đó sẽ phải dừng lại toàn bộ, thiệt hại là vô cùng lớn chứ không như giai đoạn trước. Vắc xin vẫn là chìa khóa cho Việt Nam.

- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!