DNews

Trái chiều quan điểm sau đề xuất tăng trần giá vé máy bay

Văn Hưng Huyền Thanh

(Dân trí) - Trước đề xuất tăng trần giá vé máy bay, các hãng hàng không và người tiêu dùng đang có ý kiến không đồng nhất. Trong khi hãng cho rằng đề xuất sát thực tế, hành khách lại lên tiếng đòi quyền lợi.

Trái chiều quan điểm sau đề xuất tăng trần giá vé máy bay

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các chặng bay nội địa.

Theo đó, mức giá trần vé máy bay chặng nội địa được đề xuất tăng từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng (đối với các đường bay từ 500km trở lên) so với mức giá tối đa được quy định năm 2019. Đáng chú ý, đường bay từ 1.280km trở lên được đề xuất giá vé tối đa là 4 triệu đồng/vé một chiều, cao hơn 250.000 đồng so với quy định hiện hành.

Hãng nói sát thực tế

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Vietravel Airlines cho rằng đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải theo sát tình hình thực tế của ngành khi các chi phí đầu vào có nhiều biến động so với khung giá trần đã được ban hành cách đây 8 năm.

Dựa trên kết quả hoạt động của hãng trong những năm qua, cho thấy trung bình giá vé của các chặng bay do hãng khai thác luôn dưới khung giá vé trần theo Thông tư 17/2015. Việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các chi phí đầu vào biến động như thời gian qua.

Trái chiều quan điểm sau đề xuất tăng trần giá vé máy bay - 1

Nhiều chuyên gia ủng hộ bỏ trần giá vé máy bay (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tương tự, chia sẻ tại một buổi tọa đàm diễn ra hồi tháng 2, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng giá nhiên liệu và tỷ giá, giá dịch vụ đầu vào đều tăng, trong khi giá thành cơ quan quản lý Nhà nước ban hành từ năm 2015 so với 2023 đã không còn phù hợp. Vì vậy, Bamboo Airways kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần sớm nâng giá trần, đồng thời xem xét cơ chế phụ thu nhiên liệu trên thị trường nội địa. Về dài hạn, cần xem xét gỡ bỏ khung giá trần trên các đường bay có tối thiểu 2 hãng bay tham gia khai thác.

Lãnh đạo hãng hàng không này nhấn mạnh việc bỏ giá trần, nâng giá trần sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Không những thế, đây là cơ hội để đa dạng các mức giá, bù đắp chi phí đầu vào phát sinh, làm thị trường vận tải hàng không phát triển lành mạnh.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cũng cho rằng hiện các yếu tố đầu vào cấu thành giá vé máy bay đã thay đổi rất nhiều nhưng khung giá vẫn không thay đổi. Theo ông, các hãng hàng không đang rất khó khăn nên cần được tháo gỡ về việc quy định giá trần.

Thực tế, hồi tháng 6/2022, do giá nhiên liệu tăng cao, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines đồng loạt đề nghị nới giá trần, thậm chí bỏ giá trần vé máy bay.

Vấn đề giữ hay bỏ, hoặc tăng giá trần cũng được nhiều chuyên gia nêu quan điểm. TS Cấn Văn Lực cho rằng nên bỏ trần giá vé máy bay nhưng có điều kiện. Ông lý giải Việt Nam đã hội nhập, việc bỏ trần giá vé máy bay nhằm tăng thu hút đầu tư cho lĩnh vực này; giá cả và các yếu tố cấu thành giá hàng không thay đổi rất nhanh; thị trường hàng không có sự cạnh tranh rất lớn.

Ngoài ra, các hãng cần tập trung giải quyết câu chuyện chất lượng dịch vụ bay phải xứng đáng với số tiền hành khách bỏ ra, đồng thời có nhiều phân khúc giá để người dân lựa chọn. Việc quản trị về giá vé cũng cần phải minh bạch hơn nữa.

Đồng quan điểm, TS Lương Hoài Nam cho rằng sự duy trì giá trần vé máy bay cho đến nay là sự vô lý, cần phải chấm dứt. Ông cho rằng trên thế giới hiện nay không còn nước nào quản lý bằng giá trần, mà đa phần để các hãng tự do.

Ảnh hưởng đến quyết định đi máy bay của khách?

Chia sẻ quan điểm về đề xuất trên, chị Nguyễn Dung (Hà Nội), hiện làm việc tại một đại lý phân phối vé máy bay, cho biết thời điểm này, các nước đã mở cửa du lịch và triển khai nhiều chiến dịch kích cầu để thu hút du khách nước ngoài. Chính vì thế, giá tour nước ngoài, trong đó bao gồm giá vé máy bay cũng hay được ưu đãi.

"Có thời điểm, vé bay Hàn Quốc khứ hồi chỉ có giá 3 triệu đồng/vé. Khách hàng sẽ có xu hướng đặt lên bàn cân để so sánh giá vé nội địa và nước ngoài. Vốn dĩ nhiều người chuộng du lịch nước ngoài hơn nên chỉ cần chênh lệch giá vé không nhiều, họ có thể sẽ chọn phương án du lịch nước ngoài. Tôi cho rằng việc tăng giá trần vé máy bay sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quyết định của khách hàng", chị Dung cho biết.

Trái chiều quan điểm sau đề xuất tăng trần giá vé máy bay - 2

Việc tăng trần giá vé máy bay ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cũng theo chị Dung, trong bối cảnh thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chung, một bộ phận đã chuyển sang những địa điểm du lịch nội địa ở gần hơn để di chuyển bằng đường bộ, tiết kiệm chi phí.

"Ngày trước, có thể khách hàng không tính toán nhưng bây giờ là câu chuyện khác. Họ có thể so sánh và cân nhắc dù chỉ là vài chục nghìn đồng. Trong khi đó, khách công vụ cũng có thể hạn chế đi công tác hơn vì thời đại 4.0 có thể trao đổi qua hình thức trực tuyến", chị Dung nói thêm.

Ông Lê Tùng (TPHCM), CEO một đơn vị cung cấp tour du lịch, cho biết giá vé máy bay nội địa thời điểm này đang khá cao so với những năm trước. Theo ông, hiện các hãng hàng không cũng phải chịu nhiều chi phí và đã thiệt hại không ít trong thời gian đại dịch.

Do đó, việc đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa cũng phù hợp. Hơn nữa, điều này không có nghĩa là vé sẽ luôn nằm ở mức trần nếu đề xuất được thông qua. Ông Tùng cho rằng việc đề xuất được thông qua có thể không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của công ty mình nói riêng và các đơn vị khác nói chung.

"Bên cạnh việc tăng giá, các hãng chắc chắn sẽ tung ra nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu. Nếu vé tăng thì giá dịch vụ tour cũng sẽ tăng thêm. Quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách đối với các chặng bay nội địa năm 2019 hầu như không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của chúng tôi", ông Tùng cho biết thêm.

Về phía người tiêu dùng, hiện cũng có nhiều ý kiến xoay quanh đề xuất trên.

Chị Phương Thúy (Hà Nội) chia sẻ, hiện tại chị chưa lập gia đình, không có nhiều gánh nặng về tài chính nhưng nếu việc tăng mức giá trần vé máy bay được thông qua, chị sẽ có tâm lý chọn phương án di chuyển bằng phương tiện khác như xe máy, ô tô và tàu hỏa đối với những chặng có khoảng cách từ 500km trở lên.

"Vì còn trẻ nên tôi có thể đi phượt bằng xe máy, vừa tiết kiệm tiền, vừa có cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ mà việc di chuyển bằng máy bay hay các phương tiện khác không đem lại được", chị Thúy bày tỏ.

Chị Ngọc Vân (Hà Nội) cũng có chung quan điểm. "Thời buổi kinh tế khó khăn, tôi cho rằng hầu như ai cũng chi tiêu tiết kiệm hơn. Nếu giá vé máy bay tăng, dù là vài chục nghìn đồng hay vài trăm nghìn đồng cũng sẽ khiến mọi người cân nhắc hơn. Ví dụ với gia đình đông người, chi phí sẽ tăng lên đáng kể trong khi họ có thể dùng số tiền đó để chi cho các dịch vụ khác như ăn uống, giải trí", chị Vân chia sẻ.

Thông tư 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách đối với các chặng bay nội địa. Theo đó, khung giá hạng phổ thông được tính theo khoảng cách của đường bay.

Cụ thể quy định như sau (vé một chiều):

Đường bay dưới 500km: Mức giá vé tối đa là 1,6 triệu đồng/vé cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé cho các đường bay khác.

Đường bay từ 500km đến dưới 850km: Giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/vé.

Đường bay từ 850km đến dưới 1.000 km: Mức giá tối đa là 2,79 triệu đồng/vé.

Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km: Mức giá tối đa là 3,2 triệu đồng/vé.

Đường bay từ 1.280 km trở lên: Mức giá tối đa là 3,75 triệu đồng/vé.

Nội dung: Văn Hưng - Huyền Thanh