Từ việc Hà Nội cấm xe máy vào nội đô: Nên cấm ô tô trước?
(Dân trí) - Nhiều độc giả cho rằng, TP Hà Nội lên kế hoạch cấm xe máy vào nội đô năm 2030 để giảm ô nhiễm, tắc đường là không khả thi. Thay vì cấm xe máy thì nên cấm ô tô trước, vì 1 ô tô bằng 4 - 6 xe máy.
Thông tin Hà Nội lại lên kế hoạch cấm xe máy vào nội đô thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Nhiều người cho rằng, hiện Hà Nội có khoảng 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó có đến 6 triệu phương tiện là xe máy, vậy cấm xe máy nội đô khác gì "phong tỏa" các quận trung tâm.
Hầu hết độc giả quan ngại rằng, việc cấm xe máy dù nội đô hay "ngoại đô" cũng đều ảnh hưởng nặng nề đến việc di chuyển, thậm chí là ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, đặc biệt là những người ở trong "ngách của ngách" ở Hà Nội.
Độc giả có nickname TenMienNgon bình luận: "Phương tiện và hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân trong nội đô mà cấm xe máy thì khác nào "phong tỏa" luôn mấy quận lõi của thủ đô?"
"Nếu hệ thống giao thông Hà Nội tốt, xe buýt đủ phục vụ nhân dân thì không vấn đề gì, còn không thì nó là tác hại khôn lường cho người lao động, vì xe máy là phương tiện chính của nhân dân, nó chiếm đến 80%", độc giả Nguyễn Thái Bình chia sẻ.
Độc giả Đoàn Mạnh Công: "Cấm thì cũng là một giải pháp nhưng cần đồng bộ, nếu cấm thì số lượng xe máy hiện tại của người dân nội thành giải quyết như thế nào. Rồi những ngõ nhỏ, ngách nhỏ đi ra sao. Người dân đi đổi bình ga bình nước thì không thể cuốc bộ hoặc đi xe đạp được. Cấm xe máy xăng vì môi trường, vậy xe máy điện có được dùng không? Nếu được dùng thì với ý thức tham gia giao thông hiện tại, cộng với quy hoạch không phù hợp thì lại tắc đường".
"Hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, đường sắt trên cao làm 10 năm mới xong, một đường có vài chục chung cư, quy hoạch không dứt điểm, giờ cấm xe máy cộng thêm thu phí thì quá khó cho người dân", độc giả Đức Anh Vũ.
Độc giả Vũ Anh Đỗ cho rằng: "Thay vì cấm xe máy, cấm toàn bộ phương tiện cá nhân, chỉ cho phương tiện công cộng và xe đạp, vừa đỡ ô nhiễm, vừa đường thông hè thoáng. Cấm xe máy thì tăng ô tô, 1 xe con chiếm diện tích bằng 4-6 xe máy nhưng có mấy người trên xe? Và nếu toàn bộ những người đi xe máy đều đi bằng xe ô tô thì sao? Cái chính là phải tìm ra giải pháp quy hoạch hoàn chỉnh và đồng bộ, tăng cường năng lực của hệ thống giao thông công cộng thì mới giải quyết được vấn đề".
Cùng chung quan điểm trên, độc giả Lê Văn Dũng: "Tôi nghĩ trước mắt cấm ô tô cá nhân sau đó cấm xe máy, vì thực tế xe ô tô cá nhân gây ùn tắc nhiều hơn xe máy, vì 1 người lái 1 chiếc ô tô cá nhân chiếm diện tích bằng 5 xe máy".
Độc giả Dang Hoang Anh thì so sánh: "Không thể cấm được. Nhìn thủ đô Jakarta của Indonesia để học tập. Ý thức của người tham gia giao thông cần được nâng cao thì mới giải quyết được bài toán này".
Bên cạnh những quan điểm chưa đồng tình, cũng có số ít quan điểm ủng hộ kế hoạch trên.
Độc giả Hiep do: "Tôi rất thích chủ trương này. Tôi đã chuyển ra ngoại ô sống được mấy tháng, không khí trong lành, giao thông thông thoáng, sạch sẽ vô cùng. Mỗi lần có việc vào nội thành, thấy đường xá đông đúc, bụi bặm, nhiều rác, hàng quán bày bán khắp nơi mà thấy buồn, không biết đến bao giờ mới văn minh sạch đẹp được. Giờ cấm xe máy, xây thêm nhiều khu thương mại để dân buôn bán thuận tiện thì chẳng còn chợ cóc, hàng quán la liệt, giá đất mặt phố cũng vì thế mà giảm".
"Đề nghị lãnh đạo thành phố quyết liệt chỉ đạo chủ trương đúng đắn này. Không thể lấy lý do hạ tầng giao thông của thành phố chưa hoàn chỉnh mà trì hoãn chủ trương này. Hiện giờ chỉ còn có Việt Nam là nước chưa cấm xe máy hoạt động trong các thành phố", độc giả Xa Nguyen Van.