DBiz

Tình trạng nợ và "nỗi ám ảnh" lỗ lũy kế của bầu Đức

Mai Chi
Tình trạng nợ và "nỗi ám ảnh" lỗ lũy kế của bầu Đức

"Tôi quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi. Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều", ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) - nói trong một sự kiện năm 2022.

Khi ra mắt thị trường sản phẩm heo ăn chuối, bầu Đức đã tự tin về việc "HAGL thoát nạn" và "đang bước sang trang mới tươi sáng". Thời điểm đó, ông kỳ vọng rằng, nếu mọi chuyện thuận lợi, HAGL sẽ xóa hết nợ ngân hàng trong khoảng 2024-2025.

Vậy đến nay, tình hình nợ của HAGL ra sao?

Nợ ngắn hạn của HAGL vẫn lớn hơn tài sản ngắn hạn

Trong công văn vừa gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), HAGL cho biết công ty đã hoàn tất việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ và thu được số tiền 1.300 tỷ đồng.

Trong đó, công ty đã thanh toán được gốc và lãi trái phiếu do công ty phát hành theo bản công bố thông tin ngày 25/4/2012 áp dụng cho 300 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu của đợt phát hành ngày 18/6/2012, đáo hạn ngày 30/9/2025 và cơ cấu lại các khoản nợ của công ty con, giảm được chi phí lãi vay.

Công ty của bầu Đức khẳng định sẽ tiếp tục các biện pháp tái cơ cấu tài chính nhằm giảm mạnh hơn nữa số dư nợ phải trả ngân hàng, giảm chi phí lãi vay và duy trì dòng tiền ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.

Những vấn đề này được HAGL trình bày nằm trong số các biện pháp để khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 vừa được HAGL công bố, tại ngày 30/6, tập đoàn này còn 13.126,8 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 1.099 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, nợ ngắn hạn là 9.096,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 70% tổng nợ phải trả và giảm 613,5 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ dài hạn ở mức 4.029,9 tỷ đồng và cũng giảm 485,5 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong khi đó, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 21.559,7 tỷ đồng, tăng 656,4 tỷ đồng sau nửa năm. Điểm mà HAGL vẫn chưa khắc phục được cho đến thời điểm cuối quý II chính là số dư nợ ngắn hạn vẫn vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn.

Cụ thể, tài sản ngắn hạn của tập đoàn này tại ngày 30/6 là 8.327,1 tỷ đồng, thấp hơn gần 770 tỷ đồng so với con số nợ ngắn hạn. Vay ngắn hạn là 3.950,4 tỷ đồng, giảm 578,2 tỷ đồng.

Lượng tiền mặt ghi nhận đạt 136 tỷ đồng, mặc dù khiêm tốn so với nhiều doanh nghiệp lớn nhưng cũng đã tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2023.

Công ty bầu Đức vay nợ ai?

Theo thuyết minh tài chính, trong cơ cấu nợ ngắn hạn của HAGL, tại thời điểm 30/6, tập đoàn này có 2.218,9 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng; 1.329 tỷ đồng trái phiếu thường trong nước đến hạn trả trong vòng 1 năm; 339,8 tỷ đồng vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả trong vòng 1 năm và 57,7 tỷ đồng vay dài hạn tổ chức khác đến hạn trả trong vòng 1 năm.

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) là chủ nợ lớn nhất của HAGL với số dư nợ cho vay lên tới 1.528,8 tỷ đồng (gấp đôi thời điểm 31/12/2023).

Trong khi tăng vay nợ với LPBank thì dư nợ tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) lại giảm mạnh từ 848 tỷ đồng hồi cuối năm còn 411,1 tỷ đồng và tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm từ 751,2 tỷ đồng còn 278,9 tỷ đồng.

HAGL có khoản nợ 4.248 tỷ đồng trái phiếu thường trong nước do BIDV và Chứng khoán BSC thu xếp phát hành, trong đó, trái phiếu dài hạn là 2.899,9 tỷ đồng và trái phiếu dài hạn đến hạn trả trong vòng 1 năm là 1.329 tỷ đồng.

Trong văn bản công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu vào hồi tháng trước, HAGL cho biết, 30/6 là ngày thanh toán lãi định kỳ theo kế hoạch đối với mã trái phiếu HAGLBOND16.26 với số tiền lãi phải thanh toán hơn 139,6 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày 30/6, HAGL có số tiền lãi chậm thanh toán hơn 3.349 tỷ đồng và số tiền gốc chậm thanh toán là 1.015 tỷ đồng.

Nguyên nhân chậm thanh toán được HAGL giải thích là chưa nhận đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã chứng khoán: HNG) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty. Theo HAGL, hiện tại đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tại ngày 30/6, khoản cho vay ngắn hạn của HAGL đối với nhóm HAGL Agrico còn 1.120,2 tỷ đồng.

Tập đoàn của bầu Đức cho hay, thời gian dự kiến thanh toán phần còn lại cho BIDV là vào quý III năm nay.

Tình trạng nợ và nỗi ám ảnh lỗ lũy kế của bầu Đức - 1

Bầu Đức đang dần nhẹ gánh nợ nần (Ảnh: Hải Long).

Về phần vay dài hạn ngân hàng, có 3 đơn vị đang là chủ nợ của HAGL, bao gồm Ngân hàng Liên doanh Lào Việt với số tiền 262,7 tỷ đồng; Sacombank với 55 tỷ đồng và TPBank với 48 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay tại ngày 30/6 là 3.786,6 tỷ đồng, tăng 164,1 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là chi phí lãi vay ngân hàng, trái phiếu lên tới 3.767,3 tỷ đồng, tăng 193,2 tỷ đồng.

Công ty còn có khoản phải trả công ty và cá nhân 134,1 tỷ đồng trong ngắn hạn và 201,9 tỷ đồng trong dài hạn. Một số doanh nghiệp có dư nợ cho vay dài hạn đối với HAGL lớn là Công ty TNHH Nông nghiệp Phú Quý Gia Lai với số tiền 109,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ M.I.S.C Bình Dương với 74,7 tỷ đồng và Công ty cổ phần Giấy Đức Phú với 39,5 tỷ đồng.

Liên quan đến chủ nợ LPBank, mới đây, Hội đồng quản trị HAGL thông qua việc thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai tại LPBank.

Theo đó, HAGL sẽ thế chấp gần 166 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thuộc sở hữu của HAGL để đảm bảo cho tổng số tiền vay tối đa 1.050 tỷ đồng thuộc các khoản vay lần này của Chăn nuôi Gia Lai tại LPBank. Tại thời điểm ngày 30/6, HAGL nắm giữ 85% vốn điều lệ của Chăn nuôi Gia Lai.

Kinh doanh lãi lớn từ trái cây, lỗ lũy kế giảm dưới ngưỡng 1.000 tỷ đồng

HAGL cho biết, thời điểm hiện tại tập đoàn chỉ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp gồm 2 ngành nghề chăn nuôi và trồng trọt với các sản phẩm chủ đạo là chuối, sầu riêng và heo. Trong nửa đầu năm, công ty tăng diện tích sầu riêng từ 1.500ha lên 1.947ha, diện tích chuối vẫn duy trì 7.000ha.

Tại ngày 30/6, trong tổng số 4.962 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAGL thì hầu hết đều phục vụ cho nông nghiệp. Cụ thể, chi phí phát triển vườn cây ăn quả là 3.709 tỷ đồng; dự án chăn nuôi là 979 tỷ đồng; nhà xưởng và nhà văn phòng nông trường là 110,2 tỷ đồng. Khoản chi phí xây dựng dở dang tại học viện bóng đá HAGL-JMG chưa tới 1 tỷ đồng.

Tập đoàn của bầu Đức vừa có một quý kinh doanh khả quan khi báo cáo tài chính hợp nhất quý II cho thấy doanh thu thuần tăng 4,9% so cùng kỳ, lên 1.518,1 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại giảm 19% nên lãi gộp đạt 488,3 tỷ đồng, tăng 177% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ các chi phí, HAGL báo lãi sau thuế 280,9 tỷ đồng, tăng 243%.

Trong quý II, nguồn doanh thu thuần đến từ mảng trái cây là chủ yếu với đóng góp 1.116 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Mảng bán heo mang lại 319,9 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 72,1% cùng kỳ. Doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa và doanh thu cung cấp dịch vụ đóng góp lần lượt 58 tỷ đồng và 24,2 tỷ đồng cho HAGL, giảm mạnh so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần từ trái cây đạt 2.000,7 tỷ đồng (tăng 57% so với nửa đầu năm 2023); doanh thu thuần từ bán heo đạt 611,5 tỷ đồng (giảm 39,3%); doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 73,8% còn 43,8 tỷ đồng.

Kết quả, nửa đầu năm nay, tập đoàn có 2.759,1 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 87,7% cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế đạt 507,3 tỷ đồng, tăng 31,7%; trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 484,8 tỷ đồng.

Nhờ kết quả kinh doanh có lãi trong nửa đầu năm, tính đến 30/6, HAGL đã giảm lỗ lũy kế xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế còn 903,8 tỷ đồng.

Còn nhớ, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra hồi tháng 5, bầu Đức cho biết, lỗ lũy kế là "nỗi ám ảnh lớn" của ông, bị kiểm toán cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục. Ông bày tỏ, bản thân và công ty đang nỗ lực để xóa lỗ lũy kế, phấn đấu đến cuối năm nay phải xóa được lỗ lũy kế bằng nhiều cách khác nhau.

Trong đó, công ty có giải pháp đưa hơn 200 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển chuyển sang lợi nhuận chưa phân phối để hỗ trợ xóa lỗ lũy kế. Mặc dù vậy, cùng với mục tiêu lợi nhuận năm nay 1.320 tỷ đồng nữa thì bầu Đức thừa nhận, công ty vẫn chưa thể xóa lỗ lũy kế.