(Dân trí) - Việc Ukraine có thể tiếp tục nhận viện trợ hay Nga có thể né đòn cấm vận bằng tiền số được hay không đang là giải thiết được nhiều người đặt ra trong thời gian tới.
TIỀN SỐ GIỮ VAI TRÒ GÌ TRONG CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE?
Mới đây, chia sẻ trên Twitter, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov đã đăng tải các địa chỉ ví tiền số với thông điệp: "Hãy ủng hộ người dân Ukraine. Chúng tôi nhận quyên góp bằng tiền số".
Chỉ trong một tuần, chính quyền Ukraine và các tổ chức nhân đạo tư nhân đã huy động được hơn 54,7 triệu USD tiền số từ 102.000 khoản quyên góp, theo hãng phân tích Elliptic. Đây là số tiền điện tử lớn nhất mà chính phủ Ukraine huy động và được sử dụng để mua sắm thiết bị quân sự, vật tư y tế và hàng hóa khác.
Theo Elliptic, khoảng 1,86 triệu USD tiền quyên góp cũng được gửi cho Chính phủ Ukraine thông qua việc bán NFT. Ban đầu, số NFT được bán để huy động tiền cho nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange. NFT là một loại tài sản số sử dụng blockchain, đại diện cho quyền sở hữu các tài sản ảo như tác phẩm nghệ thuật, nhân vật game.
Hiện tại, tiền số đang trở thành công cụ giúp chính phủ Ukraine huy động quyên góp trong bối cảnh xung đột vũ trang với Nga leo thang sau khi quân đội Nga tiến vào miền Đông nước này hôm 24/2.
Come Back Alive, một tổ chức phi chính phủ cung cấp trang thiết bị cho quân đội Ukraine đã bắt đầu nhận quyên góp bằng tiền số kể từ năm 2018. Kể từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, tổ chức này đã huy động được hàng triệu USD bằng tiền điện tử.
"Các loại tài sản số như bitcoin đang nổi lên như một công cụ thay thế quan trọng để huy động tiền từ cộng đồng", Tom Robinson, nhà phân tích của Elliptic nhận định. "Phương thức này cho phép các khoản quyên góp nhanh chóng, xuyên biên giới, qua mặt các tổ chức tài chính kể cả họ có quyền chặn giao dịch với những tổ chức này".
Trước đó một tuần, trang gây quỹ trên nền tảng Patreon của tổ chức Come Back Alive đã bị đình chỉ hoạt động. Patreon nói rằng nền tảng này "không cho phép bất kỳ chiến dịch gây quỹ nào có liên quan tới bạo lực hay mua bán thiết bị quân sự".
Quân đội Ukraine ban đầu nói rằng họ không nhận quyên góp bằng các loại tiền ảo như bitcoin, do chính phủ nói rằng "pháp luật quốc gia không cho phép Bộ Quốc phòng sử dụng các hệ thống thanh toán khác (Webmoney, Bitcoin, PayPal,..). Tuy nhiên, theo CNBC, chính phủ Ukraine đã có quan điểm bớt hà khắc hơn.
GIÚP NGA "NÉ" LỆNH CẤM VẬN MỚI?
Những lo ngại về kinh tế Nga ngày càng trở nên rõ rệt hơn sau khi phương Tây gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính của nước này thông qua việc áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt mới.
Nhiều ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi SWIFT - hệ thống hỗ trợ thanh toán và kết nối các tổ chức tài chính toàn cầu. Các quốc gia phương Tây cũng ngăn Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng lượng lớn ngoại hối để bảo vệ nền kinh tế.
Gần đây, một số quan chức Ukraine và Mỹ bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Nga và các ngân hàng của nước này hoàn toàn có thể xem xét sử dụng tiền điện tử để né các lệnh cấm vận. Tuy nhiên, những lo ngại của giới chức các nước về việc Nga có thể coi tiền điện tử như một cách "né" lệnh trừng phạt cũng không hoàn toàn vô căn cứ.
Tiền điện tử có thể "né" hệ thống ngân hàng quốc tế - vốn là chìa khóa để thực thi các biện pháp trừng phạt. Không những vậy, tiền điện tử còn là một "trạm nghe ngóng" cho các giao dịch tài chính trên toàn thế giới thông qua cách thức mới để thực hiện các giao dịch xuyên biên giới. Đây là đặc điểm mà các cơ quan giám sát và ngân hàng trung ương trên thế giới tỏ ra không ủng hộ tiền điện tử.
Trên thực tế, một số quốc gia đã sử dụng bitcoin để tránh các lệnh cấm vận. Iran, một quốc gia chịu lệnh trừng phạt "nặng nề" song có nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch dồi dào, đã chuyển đổi nguồn năng lượng phong phú của mình thành tiền mặt bằng cách mua bitcoin từ các công ty khai thác có trụ sở tại Iran, sau đó sử dụng đồng tiền ảo này để mua hàng nhập khẩu.
Ông David Carlisle - Giám đốc chính sách và quy định của Elliptic cho rằng, khai thác tiền điện tử là một trong những phương án khả thi nhất đối với Nga. Quốc gia này có lợi thế khi vốn đã là quốc gia khai thác bitcoin lớn thứ 3 trên thế giới, theo dữ liệu do Đại học Cambridge tổng hợp.
Ông Carlisle cũng chia sẻ thêm rằng sau khi sở hữu một lượng lớn tiền ảo, Nga hoàn toàn có thể dùng số tiền ảo đó để thanh toán cho việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ - vốn nước này khó có thể tiếp cận do các biện pháp hạn chế từ Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Khi những lời đồn đoán về việc liệu Nga sẽ sử dụng tiền ảo xuất hiện, phía Nhà Trắng đã có những động thái xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với thị trường tiền điện tử của Nga, theo WSJ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc ban hành các biện pháp trừng phạt đối với tiền số sẽ rất khó khăn vì chúng đa phần được thiết kế để nằm ngoài hệ thống tài chính chính thức, song việc này không hẳn là bất khả thi.
Theo hãng phân tích blockchain Chainalysis, bản chất minh bạch của các blockchain khiến việc sử dụng tiền điện tử để né tránh các biện pháp trừng phạt trở nên khó khăn hơn. Bà Caroline Malcolm - trưởng bộ phận nghiên cứu và chính sách công quốc tế tại Chainalysis, cho biết các hoạt động trốn tránh lệnh trừng phạt đều sẽ bị ghi lại trên các sổ cái blockchain công khai, vĩnh viễn và bất biến.
Khác với bà Malcolm, ông Carlisle lại cho rằng chính phủ Nga có thể sử dụng một mạng lưới trao đổi riêng để bảo mật quyền sở hữu tiền điện tử. Ngoài ra, ông gợi ý một số loại tiền điện tử có khả năng bị theo dõi thấp, chẳng hạn như Monero chuyên tập trung vào bảo mật danh tính của người dùng.
Song ông Carlisle cũng thừa nhận rằng quy mô của các biện pháp hạn chế tài chính áp đặt lên nền kinh tế Nga lớn đến mức thị trường tiền điện tử sẽ không đủ để giúp nước này đối phó với tất cả các lệnh trừng phạt.
Ông Eric Michaud - đồng sáng lập của hội nghị chuyên về bảo mật blockchain "Off The Chain" - cho rằng với thị trường tiền điện tử còn trong giai đoạn sơ khai, những đồng tiền phi tập trung này thiếu các cơ quan chính thức và cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể phục vụ các thực thể tài chính lớn như Nga.
LỜI KÊU GỌI "KHÔNG HỒI ĐÁP" CỦA UKRAINE
Ở một diễn biến khác, vào 27/2, Phó Thủ tướng Ukraine Fedorov đã kêu gọi các sàn tiền ảo lớn chặn các giao dịch thanh toán cho người dùng Nga.
"Cần phải đóng băng không chỉ các tài khoản có liên quan tới chính trị gia Nga và Belarus mà còn cả những người dùng thông thường", ông Fedorov chia sẻ trên trang cá nhân Twitter.
Sau đó, ngày 28/2, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới Binance cho biết sẽ chặn các tài khoản cá nhân Nga bị liệt vào danh sách đen, nhưng không "đơn phương" đóng băng tài khoản của mọi người dân Nga theo lời kêu gọi trước đó của Ukraine.
"Chúng tôi sẽ không đơn phương đóng băng hàng triệu tài khoản của những người dân thường", phát ngôn viên của Binance cho biết.
"Tiền ảo được phát minh nhằm đem lại sự tự do về tài chính cho mọi người trên toàn cầu. Việc đơn phương cấm mọi người truy cập đến các tài sản số của chính họ là đi ngược lại với phương châm trên", phát ngôn viên của Binance nói thêm.
Trước đó, ông Mykhalio Fedorov đã kêu gọi các sàn giao dịch tiền ảo hàng đầu thế giới như Binance, Coinbase chặn mọi người dùng Nga.
"Cần phải đóng băng không chỉ các tài khoản có liên quan tới chính trị gia Nga và Belarus. mà còn cả những người dùng thông thường", ông Fedorov chia sẻ trên trang cá nhân Twitter.
Binance cho biết họ "đang có những tính toán cẩn trọng để đảm bảo rằng những hành động chặn người dùng bị trừng phạt sẽ được thực hiện nghiêm túc, đồng thời giảm thiểu tác động tối đa đối với những dùng vô tội".
"Nếu các tổ chức quốc tế mở rộng các lệnh trừng phạt hơn, khi đó chúng tôi cũng sẽ áp dụng và tuân thủ chặt chẽ hơn", đại diện phía Binance nói thêm.
Jesse Powell, CEO của sàn giao dịch tiền ảo Kraken, từng chia sẻ trên Twitter rằng công ty này "không thể đóng băng tài khoản của khách hàng Nga nếu không có bất kỳ yêu cầu hợp pháp nào".
KuCoin, một sàn giao dịch tiền điện tử khác, cũng chia sẻ với CNBC rằng họ sẽ không khóa tài khoản của người Nga.
"Là một nền tảng trung lập, chúng tôi sẽ không đóng băng tài khoản của bất kỳ người dùng ở bất cứ quốc gia nào nếu không có yêu cầu pháp lý. Và trong thời điểm khó khăn, những hành động gây gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến dân thường không nên được ủng hộ", Johnny Lyu, CEO của KuCoin, chia sẻ với CNBC.
Tuy nhiên, Dmarket - một nền tảng cho phép mọi người giao dịch công cụ game ảo, cho biết sẽ "cắt đứt mọi quan hệ với Nga và Belarus vì cuộc xâm lược Ukraine", trong một bài đăng trên Twitter.
Công ty này cho biết người dùng Nga và Belarus sẽ bị cấm đăng ký tài khoản mới trên Dmarket và các tài khoản từ hai nước này sẽ bị đóng băng. Hiện tại, đồng rúp của Nga cũng đã bị xóa bỏ khỏi nền tảng giao dịch này.
THỊ TRƯỜNG TIỀN SỐ ĐANG RA SAO?
Lúc 6h sáng 6/3, bitcoin (BTC) giao dịch quanh ngưỡng 39.417 USD với tổng giá trị vốn hóa của thị trường đạt 748 tỷ USD. So với đầu tuần, giá bitcoin đã giảm nhẹ vì không giữ nổi mốc 40.000 USD.
Hiện tại, thị trường tiền số đang phủ sắc xanh nhưng giá các đồng tiền lại có chiều hướng đi xuống so với nhiều ngày trước. Cụ thể, ethereum giao dịch tại 2.661 USD, XRP là 0,75 USD, avalanche về ngưỡng 77,05 USD, terra chỉ còn 86,17 USD.
Theo Kitco, một số nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro khi tình hình địa chính trị giữa Nga và Ukraine trở nên cẳng thẳng. Không chỉ tiền số, thị trường chứng khoán cũng rung lắc với các cuộc bán tháo lớn.
Nhà phân tích Edward Moya từ hãng OANDA cho biết: "Phố Wall đang bật chế độ loại bỏ các yếu tố rủi ro. Do đó, bitcoin cũng không nằm ngoài cuộc thanh lọc".
Theo dự báo, trong thời gian tới, thị trường tiền điện tử sẽ rơi vào vòng xoáy bất ổn khi căng thẳng chính trị nổ ra. Thêm vào đó, các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ để chống lại lạm phát.
"Nếu mối quan hệ giữa Nga và Ukraine không được cải thiện, áp lực bán tháo bitcoin sẽ diễn ra liên tục, tăng 10 - 15% trong thời gian tới", ông Moya nhấn mạnh.
Trang đo lường tâm lý nhà đầu tư tiền mã hóa Alternative.me đưa ra con số, chỉ số Fear and Greed (sợ hãi và tham lam) đang ở mức 22 điểm, tức ngưỡng "sợ hãi tột độ". Trong khi tuần trước, trang đo lường này xác định tâm lý nhà đầu tư trên thế giới chỉ ở ngưỡng "nỗi sợ".
Hiện tại, bitcoin đã mất giá khá nhiều giá trị kể từ khi đạt đỉnh 69.000 USD vào tháng 11/2021. Sự sụt giảm trên là liều thuốc khiến nhiều người tỉnh ngộ khi tung hô bitcoin như là một loại "vàng kỹ thuật số" hay hàng rào chống lại lạm phát.
Trong một bài phát biểu, chuyên gia John Roque từ hãng 22V Research còn nhận định bitcoin sẽ ngày càng suy yếu, trong khi kẻ thù truyền kiếp của chúng là vàng sẽ thăng hoa.
"Ngay bây giờ, mọi người đã có câu trả lời về việc, bitcoin có coi là một tài sản đảm bảo, an toàn hay không", ông John Roque nói.
Trước những sự bất ổn về thị trường tiền số, giới chuyên gia từng dự báo khả năng cao là mùa đông tiền số (crypto winter), một hiện tượng chỉ sự sụt giảm mạnh của thị trường tiền điện tử, sắp đến.
Trước đó, sự kiện mùa đông tiền số từng xuất hiện vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018 sau khi bitcoin giảm tới 80% giá trị so với mức cao nhất mọi thời đại.
Ông Vijay Ayyar - Phó Chủ tịch sàn giao dịch tiền mã hóa Luno đưa ra khuyến nghị, mức quan trọng để theo dõi bitcoin là khi giá về mốc 30.000 USD. Nếu đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất thị trường duy trì vùng giá này trong một tuần hoặc hơn một tuần và khả năng cao là mùa đông tiền số sẽ xuất hiện.
Hoàng Dung (tổng hợp)