DBiz

Tập đoàn Hoa Sen: Từ "không thiếu tiền" đến xem xét khởi kiện MC Quyền Linh

Khổng Chiêm
Tập đoàn Hoa Sen: Từ "không thiếu tiền" đến xem xét khởi kiện MC Quyền Linh

(Dân trí) - Chủ tịch tập đoàn Lê Phước Vũ tự tin Hoa Sen không thiếu tiền, sử dụng vốn với chi phí lãi rất thấp. Ngành tôn thép được dự báo nhiều khó khăn, hoạt động xuất khẩu bị trì trệ.

Trong thông cáo báo chí gửi đi gần đây, Công ty TNHH Truyền thông Bee và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết đang tập hợp các chứng cứ liên quan để tiến hành thủ tục khởi kiện nghệ sĩ - MC Quyền Linh.

Bởi MC này hợp tác với những chương trình, đơn vị khác có format tương tự như chương trình "Mái ấm gia đình Việt", có thể gây nhầm lẫn cho khán giả, gây tổn hại đến uy tín, thương hiệu của tập đoàn và chương trình "Mái ấm gia đình Việt".

Trên trang cá nhân, MC Quyền Linh cho biết anh không phải là MC độc quyền cho bất cứ chương trình nào, cũng không phải là đơn vị sản xuất hay có quyền quyết định về nội dung, thể lệ hay chiến lược truyền thông của các chương trình.

Nam MC gửi lời xin lỗi vì sự xuất hiện của anh ở một chương trình khác gây ra hiểu lầm hay ảnh hưởng đến đơn vị khác.

Tập đoàn Hoa Sen kinh doanh thế nào?

Tập đoàn Hoa Sen tiền thân được thành lập từ năm 2001, gắn liền với tên tuổi ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Doanh nghiệp này sản xuất và kinh doanh tôn, thép, vật liệu xây dựng, nội thất.

Từ năm 2020, thị phần xuất khẩu của Hoa Sen đạt 47% và giảm dần xuống 31% vào năm 2023. Với thị phần trong nước, tập đoàn duy trì vị trí dẫn đầu ở cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam, giữ mức 25%.

Còn số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hoa Sen chiếm 28,89% thị phần toàn ngành tôn mạ Việt Nam. Doanh nghiệp này xuất khẩu sản phẩm đi hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới.

Lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu cũng giữ vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn Hoa Sen.

Kết quả kinh doanh của Hoa Sen từ niên độ 2017-2018 đến nay có nhiều đợt tăng, giảm. Lợi nhuận tăng trưởng tốt vào 2 niên độ 2019-2020 và 2020-2021. Tuy nhiên, từ 2021-2022, lợi nhuận bắt đầu giảm và xuống thấp vào niên độ 2022-2023.

Thời gian này, doanh nghiệp cho biết ngành thép tiếp tục đối mặt với những diễn biến hết sức phức tạp, tác động đáng kể đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Cụ thể là nhu cầu thép tại hầu hết quốc gia và khu vực trên thế giới giảm mạnh do hoạt động xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng suy giảm, ảnh hưởng từ vấn đề lạm phát, chi phí năng lượng tăng cao và các cuộc xung đột địa chính trị. Bên cạnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép với tốc độ giảm giá nhanh đã củng cố xu hướng giảm giá thép trên toàn thế giới.

Trong nước, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý khi kinh doanh, xây dựng dự án vẫn còn hiện hữu. Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa yếu khiến các doanh nghiệp trong ngành liên tục phải điều chỉnh giảm dần giá bán để cạnh tranh. Ngoài ra, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khả quan trở lại cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Niên độ 2023-2024, tập đoàn đạt doanh thu thuần 39.272 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 515 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với năm trước đó và vượt kế hoạch đề ra. Doanh nghiệp lý giải do doanh thu tăng 24% và lợi nhuận gộp cũng tăng 39%.

Tính tại ngày 31/12/2024, Hoa Sen có tổng tài sản hơn 19.800 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm 49%. Doanh nghiệp không có nợ vay tài chính dài hạn, khoản nợ ngắn hạn gần 6.410 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,57 lần.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2024 là 4.689 tỷ đồng. Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hoa Sen - mới đây thừa nhận công ty "không thiếu tiền", đang sử dụng vốn với chi phí lãi rất thấp.

Những thách thức phải đối mặt

Niên độ 2024-2025, Tập đoàn Hoa Sen xác định tập trung ổn định sản xuất kinh doanh, đặc biệt là mảng tôn thép truyền thống. Công ty lập 2 kịch bản kinh doanh. Ở kịch bản thứ nhất, doanh thu thuần đạt 35.000 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất 400 tỷ đồng. Ở kịch bản thứ 2, doanh thu thuần đạt 38.000 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng.

Nói với cổ đông tại cuộc họp thường niên vừa qua, ông Lê Phước Vũ nhận định năm nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ với nhiều chính sách thuế quan khác nhau. Xu thế các quốc gia bảo hộ lớn hơn, doanh nghiệp suy thoái nhiều hơn, việc xuất khẩu cũng gặp khó khăn hơn, nhất là với công ty có kim ngạch xuất khẩu lớn như Hoa Sen.

Theo ông Vũ, doanh nghiệp ông làm chủ tịch HĐQT trong 10 năm qua tăng trưởng liên tục nhờ xuất khẩu với tỷ trọng trên 60%. Tuy nhiên, hiện nay, việc xuất khẩu đi Mỹ gặp nhiều vấn đề như bị áp thuế 25% từ năm 2018 (thời Trump 1.0), bị 2 vụ kiện chống phá giá... Xuất khẩu đi châu Âu cũng rất khó khăn, đã giảm sản lượng 20.000-30.000 tấn/tháng còn 15.000-20.000 tấn/tháng. Ấn Độ cũng khởi xướng chống bán phá giá....

Chủ tịch tập đoàn cho rằng trong trung hạn, vấn đề xuất khẩu sẽ khó với các doanh nghiệp, bao gồm cả Hoa Sen. Tuy nhiên, trong điều kiện khách quan, doanh nghiệp phải thích nghi và điều chỉnh chiến lược, chiến thuật.

Nhận định tình hình thế giới nhiều trở ngại, ông Vũ nói "ngành tôn thép giỏi lắm đi ngang, xu thế chung là đi xuống". Ông thẳng thắn thừa nhận như vậy để "khỏi lòng vòng". Bởi, tổng công suất nhà máy nội địa hiện nay gấp 3 lần so với nhu cầu trong nước, trong khi xuất khẩu khó khăn nên ngành đi ngang là giỏi lắm rồi.

Lãnh đạo tập đoàn này còn nhận định tại thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp. Nguồn cung sản phẩm tôn, thép đang dư thừa. Các doanh nghiệp cùng ngành cạnh tranh ngày càng gay gắt, khó đảm bảo biên lợi nhuận. 

Ban lãnh đạo Hoa Sen dự báo tình hình kinh tế nói chung và thị trường ngành tôn - thép nói riêng sẽ biến động phức tạp, tạo ra nhiều thách thức đối với Tập đoàn Hoa Sen nói riêng và các doanh nghiệp cùng ngành nói chung. Vì vậy, Hoa Sen chọn con đường định hướng tái cấu trúc mô hình hoạt động cho các năm tiếp theo.