DBiz

"Đại gia muốn đi tu" Lê Phước Vũ ở trên núi lãnh đạo tập đoàn ra sao?

Mai Chi
"Đại gia muốn đi tu" Lê Phước Vũ ở trên núi lãnh đạo tập đoàn ra sao?

Đóng cửa phiên giao dịch 6/6, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng 1,5% lên 23.500 đồng/đơn vị với khớp lệnh xấp xỉ 16 triệu cổ phiếu. Trong phiên, có thời điểm HSG được giao dịch ở mức giá 24.000 đồng, vượt qua mức đỉnh hồi tháng 4.

Trước đó, HSG cũng gây chú ý ở phiên 4/6 khi tăng giá mạnh 3,58% với khối lượng giao dịch đột biến lên 31,58 triệu đơn vị, gấp 3 lần so với bình quân giao dịch mỗi phiên trong nhiều tháng qua.

Đại gia muốn đi tu Lê Phước Vũ ở trên núi lãnh đạo tập đoàn ra sao? - 1

Tại mức thị giá hiện nay, HSG đã tăng gần 15% trong vòng 1 tháng và tăng hơn 48% so với 1 năm trước.

Sở hữu gần 2.500 tỷ đồng, làm chủ tịch một loạt doanh nghiệp

Chủ tịch HĐQT Hoa Sen là ông Lê Phước Vũ. Tháng 7/2020, ông Vũ làm lễ quy y tại chùa Viên Minh, Hà Nội sau nhiều năm tìm hiểu về Phật giáo.

Năm 2021, trong phiên họp đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Hoa Sen, ông Vũ nói, dù ở trên núi, mỗi tháng ông vẫn về một lần nhưng ông vẫn phối hợp nhịp nhàng với ban lãnh đạo công ty. Ông Vũ từng nói, đến năm 2026 (dấu mốc 25 năm thành lập của Hoa Sen) sẽ chính thức xuất gia, giao lại mọi thứ cho một người nào đó xứng đáng, "ra đi vì trách nhiệm chứ không phải ra đi để gom một mớ tiền", ông sẽ bán hết cổ phần cho các nhà đầu tư đến sau.

Ông Vũ bày tỏ mong muốn xuất gia, sống cuộc đời trong sạch, thanh tịnh của một người tu hành sau năm 2026.

Mặc dù vậy, tại kỳ họp cổ đông năm 2024 mới diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, ông Vũ nói kế hoạch đã có sự thay đổi, do còn nhiều công trình nên chưa thể nghỉ sớm, có thể thêm 5-10 năm nữa, đồng nghĩa với chậm lại quá trình đi tu.

Theo báo cáo quản trị công ty năm 2023, trong năm ngoái, ông Lê Phước Vũ vẫn tham dự 100% với tổng số 53 buổi họp của HĐQT công ty này.

Đáng chú ý, báo cáo còn thể hiện cơ cấu quản trị khác lạ ở Hoa Sen. Tập đoàn này có 4 ủy ban trực thuộc HĐQT gồm Ủy ban Phát triển chiến lược; Ủy ban Quản trị công ty và Bổ nhiệm, lương thưởng Ủy ban Kiểm toán; Ủy ban Tài chính và Quan hệ cổ đông.

Các ủy ban trực thuộc HĐQT là những đơn vị trực tiếp đề ra và tổ chức thực hiện các chủ trương, định hướng của HĐQT liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn trên cơ sở ý kiến, tham mưu, đề xuất của các đơn vị chức năng thuộc tập đoàn.

Đồng thời, thay mặt HĐQT theo dõi, giám sát các đơn vị chức năng thuộc Ban tổng giám đốc trong việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương đã được HĐQT/ĐHĐCĐ thông qua. Bên cạnh đó, Ban điều hành của tập đoàn này cũng số lượng thành viên lên đến chục người.

Cũng theo báo cáo, tại ngày 31/12/2023, ông Lê Phước Vũ đang sở hữu 17,02% vốn điều lệ doanh nghiệp (tương ứng 104,85 triệu cổ phiếu HSG). Tính theo thị giá HSG trên thị trường, tài sản mà ông Vũ thông qua nắm giữ trực tiếp cổ phần tại Hoa Sen là 2.464 tỷ đồng. Ông Vũ có 3 người con là Lê Hoàng Vũ Trí, Lê Hoàng Diệu Tâm và Lê Hoàng Diệu Thiện đều không nắm giữ cổ phần công ty.

Theo chia sẻ của ông Vũ, ông từng quyết định chọn giao tập đoàn lại cho một đại gia, nhưng không đạt được sự thống nhất với các thành viên khác. Sau khi thảo luận với các lãnh đạo khác của tập đoàn, ông Vũ đang xem xét chuyển giao cổ phần tại tập đoàn cho con gái út, dự kiến cần thời gian 10 năm nữa, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, nếu con gái không có tố chất thì sẽ không giao lại cổ phần tập đoàn.

Mặc dù xuất gia nhưng ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ còn làm Chủ tịch của Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tam Hỷ, Chủ tịch của công ty chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Đầu tư Hoa Sen Nghệ An, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Tổ chức Biểu diễn Nghệ thuật và Hòa nhạc Quốc tế Hoa Sen, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Giải pháp Sức khỏe Công nghệ cao Hoa Sen.

Báo lãi hơn 422 tỷ đồng trong nửa đầu niên độ

Cách đây ít ngày, Tập đoàn Hoa Sen công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ cho kỳ bán niên (1/10/2023-31/3/2024).

Trong 6 tháng đầu niên độ, tập đoàn đạt 18.322,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 2.067,9 tỷ đồng, tăng mạnh 89% (biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ 7,34% từ lên 11,29%).

Sau khi khấu trừ các chi phí, Hoa Sen báo lãi sau thuế 422,6 tỷ đồng, lật ngược vị thế so với mức lỗ 424,2 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ trước.

Trong một diễn biến đáng chú ý, mới đây tập đoàn của ông Lê Phước Vũ đã hoàn tất việc góp thêm 200 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái từ 421 tỷ đồng lên mức 621 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành tăng vốn là ngày 7/5.

Mục đích huy động vốn nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án. Sau tăng vốn, Hoa Sen sẽ sở hữu 97,26% vốn điều lệ còn các cổ đông khác sở hữu 2,74% vốn điều lệ tại Hoa Sen Yên Bái.

Hoa Sen Yên Bái được thành lập ngày 5/5/2016, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà. Công ty này là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái (Khách sạn Yên Bái).

Hoa Sen cũng cho thấy sự chuyển hướng rõ nét sang bất động sản. Trước kỳ ĐHĐCĐ, HĐQT tập đoàn đã thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó, Hoa Sen sẽ sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại 60% là các cổ đông sáng lập khác.

Công ty mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.

Tồn kho gần 12.000 tỷ đồng cuối quý II

Tại ngày 31/3, Hoa Sen có 21.976,6 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 4.611,3 tỷ đồng so với đầu niên độ; trong đó, tài sản ngắn hạn là 16.304,4 tỷ đồng, tăng 5.029,6 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối tháng 3 là 11.919,9 tỷ đồng.

Giới phân tích ước tính, giá vốn hàng tồn kho của Hoa Sen ở mức 565-575 USD/tấn - tương đương với vùng giá thấp hồi tháng 10, tháng 12/2023.

Theo cập nhật của giới phân tích, trong tháng 5, giá tôn mạ tăng trung bình 200 đồng/kg so với tháng trước, kết thúc xu hướng giảm kéo dài từ đầu năm tới nay. Giá thép được kỳ vọng sẽ quay trở lại xu hướng tăng và bắt đầu một chu kỳ mới trong nửa cuối năm nay nhờ giá HRC tạo đáy trung hạn.

Sản lượng thép dự báo sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay và năm 2025 nhờ thị trường bất động sản quay trở lại. Tại tháng 4, ngành thép đã có các dấu hiệu hồi phục: Sản lượng thép nội địa khả quan, các đại lý đang tích lũy trái vụ trong bối cảnh quý 2 thường là mùa xả hàng.

Cụ thể, sản lượng thép nội địa miền Bắc ước tính tăng 30-35% so với tháng trước và tăng hơn 40% so với cùng kỳ, tương đương với cùng kỳ năm 2021 - giai đoạn trước khi ngành bất động sản bị siết chặt.

Trước đó, vào ngày 19/4, các nhà sản xuất tôn mạ trong nước đã nộp hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đến ngày 3/5, Cục Phòng vệ thương mại đã có thông báo tiếp nhận đầy đủ, hợp lệ hồ sơ. Trong vòng 45 ngày kể từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.