DMagazine

Tăng giá, lạm phát và giải mã đằng sau chuyện "giá đó thì lên tivi mua"

(Dân trí) - Mở cửa lại chậm hơn các nước khác nên tới thời điểm này chúng ta mới cảm nhận nhiều hơn áp lực tăng giá. Cũng đúng thôi vì chỉ có ra đường, đổ xăng, đi ăn hàng mới cảm nhận rõ hơn về mặt bằng giá.

Bài viết dưới đây thể hiện góc nhìn của ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán SSI. Ông Hưng nhiều năm liên tục được Asiamoney Broker Polls vinh danh là chuyên gia phân tích vĩ mô hàng đầu Việt Nam. 

Mở cửa lại chậm hơn các nước khác nên tới thời điểm này chúng ta mới cảm nhận nhiều hơn áp lực tăng giá. Cũng đúng thôi vì chỉ có ra đường, đổ xăng, đi ăn hàng mới cảm nhận rõ hơn về mặt bằng giá. 

Nhưng, nhìn vào con số thì tính trung bình quý I, CPI cũng chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 4% của Chính phủ, và cũng chẳng phải ở mức cao kiểu vài thập kỷ như các quốc gia khác. Vậy có phải lạm phát chỉ là những con số, giá rẻ chỉ có thể lên tivi mua?

Lạm phát trên thế giới: Mãi mãi là bao lâu?

Với các quốc gia khác trên thế giới, lạm phát là câu chuyện được bắt đầu nói tới từ quý II/2021 với các tranh cãi kiểu lạm phát chỉ là tạm thời hay mãi mãi.

Sang năm nay, dù phe "mãi mãi là bao xa" có vẻ đang thắng thế và những xung đột địa chính trị gần đây có thể là một lý do, nhưng đó có thể chỉ là giọt nước tràn ly, khi mà ly nước vốn đã đầy tràn từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ (gọi nôm na là bơm tiền) trong 2 năm trở lại đây.

Một cách sách vở thì đây không chỉ là lạm phát cầu kéo (kéo bằng cả chính sách tiền tệ nới lỏng và việc mở cửa trở lại nền kinh tế) mà còn cả lạm phát chi phí đẩy (không chỉ đẩy bằng ảnh hưởng của Covid-19 đối với Trung Quốc, mà còn đẩy bằng xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tăng giá, lạm phát và giải mã đằng sau chuyện giá đó thì lên tivi mua - 1

Chỉ số giá lương thực toàn cầu của FAO và giá dầu thế giới.

Do vậy, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) (kèm với việc giảm quy mô bảng cân đối tài sản) sẽ không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề lạm phát, có chăng chỉ có tác động về phía cầu. Các vấn đề về phía nguồn cung, logistics vẫn còn đó và cần thời gian để giải quyết.

Một cách giải quyết lạm phát nhanh và hiệu quả hơn, đó chính là suy thoái kinh tế. Các dự báo gần đây về suy thoái kinh tế tại Mỹ đã có các mốc thời gian gần hơn (2023 - 2024) dựa trên những tính toán về kỳ vọng lãi suất.

Và giai đoạn trung gian từ nay tới đó, chính là lạm phát kèm suy thoái với đặc trưng là tăng trưởng chậm lại đi kèm giá cả leo thang giống như giai đoạn những năm 1970. Kịch bản hạ cánh cứng đi kèm với các sai lầm khi thực thi chính sách một cách "2 Fast 2 Furious" có lẽ sẽ là hệ lụy rủi ro nhất mà lạm phát có thể mang lại cho kinh tế thế giới.

Nói một cách triết lý hơn, Fed phải đối diện với một sự lựa chọn theo kiểu là "chẳng có lựa chọn nào". Nói nôm na là chọn một thứ đỡ xấu hơn so với việc không làm gì. Không làm gì sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề hơn rất nhiều nên thôi đành "nhắm mắt đưa chân".

Việt Nam: Lạm phát có phải chỉ là những con số?

Đó là chuyện lạm phát trên thế giới.

Tăng giá, lạm phát và giải mã đằng sau chuyện giá đó thì lên tivi mua - 2

Quay lại với Việt Nam, việc mở cửa trở lại chậm hơn các quốc gia khác do ảnh hưởng từ làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, có lẽ tới thời điểm này chúng ta mới cảm nhận được nhiều áp lực từ giá cả gia tăng.

Cũng đúng thôi vì chỉ có ra đường, đổ xăng, đi ăn hàng quán... mới có cảm nhận tốt hơn về mặt bằng giá cả. Nhưng, nhìn vào con số thì tính trung bình quý I, CPI cũng chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 4% của Chính phủ, và cũng chẳng phải ở mức cao kiểu vài thập kỷ như các quốc gia khác. Vậy có phải lạm phát chỉ là những con số?

Giải thích bằng sự khác biệt của rổ hàng hóa tiêu biểu của người Việt Nam có thể là một cách, do nhóm hàng thực phẩm, ăn uống chiếm tỷ trọng cao trong khi mức tăng giá lại không quá nhiều do giá thịt lợn duy trì ở mức thấp.

Nhìn rộng hơn một chút thì Việt Nam cũng không áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu mà thực hiện quản lý giá đối với nhiều hàng hóa/dịch vụ thiết yếu. Do đó, ít nhất trong ngắn hạn, các biện pháp mang tính hành chính này sẽ có thể làm giảm thiểu tác động của những cú sốc về giá cả, bằng cách nếu phải tăng giá thì sẽ dàn đều ra cho cả năm chứ không tập trung vào một vài thời điểm.

Rồi còn có thể giải thích bằng lý do là các quốc gia đang ở các giai đoạn hồi phục kinh tế khác nhau, nên mức độ tăng giá phải khác nhau.

Nhưng có thể đó là góc nhìn của người làm chính sách hay nhà kinh tế học. Với người dân, mức tăng giá 1,9% sẽ rất khó để giải thích, khi mà nhìn đâu cũng thấy giá cả tăng, từ những thứ như bát phở ăn sáng, cốc cà phê, hay những thứ như vé tàu, vé xe khách, vé máy bay và vô vàn những thứ khác nữa.

Ở Việt Nam chúng ta hay có câu "giá đó thì lên tivi mà mua" còn như ở Trung Quốc thì chị em phụ nữ cũng có một cách để đánh giá về chi phí sinh hoạt thông qua 15 trạng thái tự do tài chính. Cụ thể, có một bài viết khá nổi tiếng của một nhân vật nữ có mức lương tương đương 30 triệu đồng/tháng nhưng không thể đạt tới "level 6", "cherry freedom", hay dịch nôm na là có thể ăn cherry (hoa quả nhập khẩu) không cần phải suy nghĩ.

Nhìn vào những thang bậc tự do tài chính này, các độc giả nữ có thể tự đánh giá mình đang ở đâu vào năm 2019, 2022 và khả năng cao là nếu chỉ là người lao động làm công ăn lương bình thường, thì có lẽ khả năng tụt hạng là khó tránh khi mà lương không tăng và đôi khi lại rơi về mốc 1 hoặc 2 (có thể dịch đùa là "level" xiên bẩn hoặc trà sữa).

Đối với những người có thu nhập cao thì cũng có một điểm thú vị là "level 13", "handbag freedom", đang trở nên khó đạt một cách kỳ lạ với việc giá túi xách hàng hiệu đang tăng giá trong thời đại dịch. Với phái mạnh, có lẽ thay túi xách bằng đồng hồ và các bạn có thể sẽ được nghe câu chuyện về đồng hồ đã qua sử dụng được bán với giá cao hơn giá mới của hãng.

Một ví dụ khác về cách nhìn của người dân Việt Nam về lạm phát đến từ mức giảm trừ gia cảnh, vốn thấp một cách lạ lùng, và khả năng điều chỉnh là rất khó khi mà CPI hầu như tăng rất thấp qua từng năm.

Quay lại với cái nhìn mang tính vĩ mô hơn, lạm phát sẽ làm ảnh hưởng tới tăng trưởng là điều khó tránh khỏi. Cụ thể có thể lấy gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 để làm ví dụ. Về phần kích cầu, giảm thuế VAT 2% cũng là một nỗ lực lớn từ phía Chính phủ, nhưng khi mà giá cả các mặt hàng đang tăng cao hơn khá nhiều so với con số 2% thì cũng làm ý nghĩa của chính sách không còn được như dự tính ban đầu.

Rồi cấu phần đầu tư công trong gói kích thích kinh tế, khi mà chi phí vật liệu xây dựng đồng loạt tăng cao, thì việc giải ngân sẽ trở nên khó khăn, nhất là khi các nhà thầu theo hình thức trọn gói sẽ ngần ngại triển khai do sợ thua lỗ.

Tuy nhiên đối với Việt Nam các công cụ hay không gian chính sách để kiểm soát lạm phát, ít nhất là trong năm nay, vẫn còn nên cũng chưa có lý do để quá lo lắng nếu không xuất hiện thêm các yếu tố tiêu cực mới.

Cụ thể có thể lấy ví dụ là để điều hành giá xăng, Chính phủ đã giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường, và vẫn còn đó thuế nhập khẩu, thuế TTĐB để giảm nếu cần. Các bạn có thể nói điều này làm giảm thu ngân sách, nhưng chắc cũng không nhiều người để ý là 3 tháng đầu năm thu từ dầu thô tăng tới 67,6% so với cùng kỳ, tính vo thu thêm được gần 2.000 tỷ đồng/tháng, và đó là chỉ tính trên mức giá dầu ở mức trung bình 90 USD/thùng. So với kế hoạch năm chỉ ở mức 60 USD/thùng, có lẽ cũng không phải quá lo cho kế hoạch thu năm nay.

Làm gì cho đỡ "trầm cảm" thời lạm phát?

Là một nhà đầu tư, chúng ta phải làm gì? Mặc dù tôi rất ghét phải nói ra điều này, nhưng có lẽ trên thế giới lạm phát đã đạt đỉnh trong tháng 3 và có thể sẽ giảm trong tháng 4, nhưng nhìn chung vẫn sẽ duy trì ở mức cao và việc trở lại ngưỡng bình thường (hoặc bình thường mới) chỉ có thể hy vọng vào năm 2023 trở đi.

Những ảnh hưởng từ đại dịch đối với chuỗi cung ứng sẽ dần biến mất, và nhu cầu yếu đi sẽ làm quá trình tìm lại điểm cân bằng cho cung cầu tới nhanh hơn. Và với việc lạm phát có thể vẫn cao, nhưng không phải ngoài tầm kiểm soát, lựa chọn cho hoạt động đầu tư sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tăng giá, lạm phát và giải mã đằng sau chuyện giá đó thì lên tivi mua - 3

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán SSI (Ảnh: LH).

Đầu tiên, khi lạm phát cao thì cầm tiền cũng có rủi ro mất giá chứ không chắc là một lựa chọn phi rủi ro. Các tài sản thực vốn có thể tăng giá để bù lạm phát như bất động sản (kể cả REIT), các công trình dự án cơ sở hạ tầng hay hàng hóa cơ bản sẽ là các lựa chọn tốt.

Tuy nhiên, trên thực tế, các lựa chọn này không phải dễ thực hiện đối với nhà đầu tư cá nhân. Các lựa chọn cổ điển sẽ là vàng, bất động sản, cổ phiếu giá trị đặc biệt là nhóm trả cổ tức tiền mặt cao để duy trì dòng tiền…. Các lựa chọn của giới trẻ sẽ là các tài sản số kiểu bitcoin (vốn được cho là không liên quan đến giá trị của các đồng tiền hiện nay trên thế giới, nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi lạm phát), hay thậm chí là cả nhóm đầu tư thay thế kiểu như đồ sưu tầm ví dụ như túi xách, đồng hồ… hay NFT.

Còn về phải làm gì trong thời điểm này thì với quan điểm về lạm phát như trên chúng ta cũng không có gì phải hốt, phải vội vàng nhảy từ kênh đầu tư này sang kênh đầu khác. Điều cần làm có lẽ là có sự thay đổi, cấu trúc lại trong danh mục của từng kênh đầu tư của chúng ta theo hướng bớt dần tính đầu cơ, giảm bớt hoặc hạn chế vay nợ trong bối cảnh lãi suất tăng.

Cổ phiếu luôn là một lựa chọn tốt trong bối cảnh lạm phát, khi lợi nhuận của nhà đầu tư vẫn có thể tăng cùng với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai. Nhóm cổ phiếu kiểu định giá cao, lợi nhuận chưa thấy đâu, kiểu bánh vẽ và đếm cua sẽ khó tồn tại khi lãi suất tăng và thủy triều xuống. Cái thời tiền rẻ, ăn bằng lần có lẽ đã qua và nhà đầu tư vẫn cần quay lại với tầm nhìn dài hạn hơn để có thể sống sót qua giai đoạn này.

Với trái phiếu doanh nghiệp, thực sự đây không phải là kênh đầu tư dễ chịu ngay cả đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp với các vấn đề về minh bạch thông tin, thanh khoản và các rủi ro về nội tại doanh nghiệp phát hành.

Cũng giống như cổ phiếu, nếu việc tự đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn thì việc ủy thác qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có thể là một lựa chọn để hạn chế rủi ro.

Phạm Lưu Hưng
Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán SSI