DBiz

Số liệu "gây choáng": Nhà băng chi hơn 310.000 tỷ đồng để trả lãi huy động

Nhật Quang
Số liệu "gây choáng": Nhà băng chi hơn 310.000 tỷ đồng để trả lãi huy động

Theo số liệu tổng hợp của phóng viên Dân trí từ báo cáo tài chính 29 ngân hàng, tổng chi phí lãi huy động các ngân hàng 6 tháng đầu năm là gần 312.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, chi phí lãi huy động tại hầu hết đơn vị đều tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà băng chịu chi phí lãi gấp 2, thậm chí gấp gần 3 lần.

Xét về tốc độ tăng chi phí lãi, Techcombank là đơn vị có mức tăng mạnh nhất. Nếu 6 tháng năm 2022, chi phí này chỉ ở mức 3.553 tỷ đồng, thì sang đến nửa đầu năm nay tăng lên 10.041 tỷ đồng, tương đương gấp 2,8 lần.

Theo sau Techcombank là MSB khi ghi nhận khoản phí cho việc trả lãi tiền gửi là hơn 4.000 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ. MB và TPBank cùng ghi nhận khoản phí trả lãi gấp 2,3 lần cùng kỳ lên lần lượt 10.803 tỷ đồng và gần 6.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng như Kienlongbank, VPBank, HDBank, ABBank và VIB cùng ghi nhận mức tăng trên 100%, tương đương gấp đôi cùng kỳ 2022.

Nhóm big 4 (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) là nhóm ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất hệ thống, do đó cũng tương ứng với việc trả lãi tiền gửi nhiều nhất. Tổng số tiền lãi mà 4 ngân hàng này đã trả trong nửa đầu năm chiếm tỷ trọng gần 50% hệ thống, tương đương với hơn 151.473 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2022.

Xét về con số tuyệt đối, Agribank chi nhiều tiền nhất để trả lãi tiền gửi với hơn 45.487 tỷ đồng, tăng 48%. Tuy nhiên, Agribank là đơn vị nằm trong nhóm có tốc độ tăng chi phí trả thấp thứ hai chỉ sau Bac A Bank (40%). 

Hầu hết các đơn vị còn lại như ACB, Sacombank, LPBank, Eximbank… đều ghi nhận mức tăng từ 60% đến 96% so với cùng kỳ năm 2022.

Chi phí trả lãi tăng cao do đâu?

Lý giải về việc vì sao chi phí lãi tăng, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) - cho rằng lãi suất huy động có xu hướng tăng mạnh từ nửa cuối năm 2022, kéo theo một lượng tiền lớn gửi vào ngân hàng. Do đó, chi phí trả lãi huy động tăng là tất yếu. Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng huy động được lượng tiền gửi lớn sẽ phải chịu mức chi phí trả lãi cao hơn.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tiếp tục giảm, do đó khoản chi phí lãi này cũng có thể giảm trong thời gian tới, tuy nhiên tốc độ giảm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Ông cho biết việc giảm lãi suất cũng đang gặp không ít "vật cản". Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa dừng tăng lãi suất, lãi suất vẫn neo ở mức cao.

Ở góc độ kinh tế vĩ mô, nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm do đó nhu cầu giảm lãi suất để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là cấp thiết. Ngân hàng Nhà nước, Chính Phủ cũng liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét tiếp tục hạ lãi suất.

Tuy nhiên, ông Đức Độ cũng cho rằng để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất thì từ phía Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ ngân hàng, hoặc áp trần mức lãi suất huy động.

Số liệu gây choáng: Nhà băng chi hơn 310.000 tỷ đồng để trả lãi huy động - 1

Nửa cuối năm 2022, các ngân hàng đi vào cuộc "chạy đua" lãi suất huy động, kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao. (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn)

Theo báo cáo giải trình nguyên nhân biến động lợi nhuận, TPBank, LPBank, hay BVBank đều ghi nhận chi phí vốn đầu vào tăng cao do lãi suất đầu vào huy động tăng cao trong giai đoạn nửa cuối 2022.

Đại diện TPBank cho biết trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động và khó khăn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao khiến chi phí lãi tăng mạnh, từ đó kéo giảm thu nhập lãi thuần.

Nửa cuối năm 2022, các ngân hàng đi vào cuộc "chạy đua" lãi suất huy động, kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao. Theo số liệu tổng hợp biểu lãi suất huy động các ngân hàng của phóng viên Dân trí, 3 tháng cuối năm 2022, tính riêng kỳ hạn 12 tháng tại quầy, nhiều ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động 8-9%/năm, thậm chí 10-12%/năm với điều kiện đặc biệt như gửi khoản tiền lớn.

Ngoài ra, các khoản tiền gửi cũ khi đáo hạn cũng được áp theo khung lãi suất mới càng kéo chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng tăng vọt.

Lãi suất dần "hạ nhiệt"

Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng có động thái cắt giảm lãi suất huy động. Ngoại trừ nhóm big 4 ngân hàng giữ nguyên lãi suất, còn lại các ngân hàng tư nhân đều "đua" giảm lãi suất. Thậm chí, có ngân hàng đã đưa lãi suất xuống thấp hơn cả nhóm big 4.

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, lãi suất giảm tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, mức giảm bình quân 0,3-0,5 điểm %/năm.

Tính đến 18/8, chỉ còn 5 ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất từ 7%/năm trở lên cho người gửi tiền, gồm DongA Bank, NCB, PVcomBank, HDBank, VietABank. Khoảng 25 nhà băng còn lại niêm yết lãi suất dưới 7%/năm.

Như vậy, sau giai đoạn "tăng nóng" vào cuối 2022, lãi suất tiết kiệm bắt đầu hạ nhiệt khi bước vào đầu năm nay. So với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3-4 điểm % với kỳ hạn 6-12 tháng.

Số liệu gây choáng: Nhà băng chi hơn 310.000 tỷ đồng để trả lãi huy động - 2

Diễn biến này, theo giới phân tích, do thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào, thậm chí dư thừa hơn trước. Ngân hàng Nhà nước cũng 4 lần hạ lãi suất điều hành, phần nào khiến mặt bằng lãi suất giảm sâu như hiện tại.

Trong bối cảnh lãi suất đầu vào hạ nhiệt nhanh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2 điểm %/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023. MBS cho rằng lãi suất điều hành có thể giảm thêm 1 lần nữa (khoảng 0,5%) đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn Covid- 19 (lần lượt là 4% và 2.5%), từ đó sẽ điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động từ việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bổ sung tiền gửi Kho bạc Nhà nước vào cách tính LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi).

Đơn vị phân tích nhận định lãi suất huy động giảm sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn, từ đó giúp các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn vẫn chưa thật sự phục hồi, các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh về thị phần tín dụng sẽ trở nên gay gắt hơn.

Vì vậy việc cạnh tranh để cho vay các doanh nghiệp tốt cũng sẽ là cuộc đua giữa các ngân hàng. Trên cơ sở đó, những ngân hàng nào cung cấp lãi suất hấp dẫn do có chi phí vốn thấp hơn là những ngân hàng sẽ có lợi thế hơn.