Những năm gần đây, các ngân hàng vẫn theo đuổi mục tiêu giảm phụ thuộc vào tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu. Do đó, các đơn vị tìm kiếm cơ hội tăng trưởng nhờ vào các hoạt động ngoài lãi, trong đó đặc biệt là hoạt động dịch vụ.
Tuy nhiên, trong cơ cấu thu nhập hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm thu nhập ở hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) và chi phí cho dịch vụ tăng. Nguyên nhân chính này cũng làm thu hẹp tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các nhà băng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ nhiều ngân hàng co hẹp
Theo số liệu tổng hợp của phóng viên Dân trí từ báo cáo tài chính 29 ngân hàng niêm yết, tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ các ngân hàng lũy kế 6 tháng đầu năm nay đạt 32.342 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Mảng doanh thu này bình quân đóng góp tỷ trọng 10-15% trong tổng thu nhập hoạt động các ngân hàng. Số liệu từ báo cáo cũng cho thấy, 14/29 ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ sụt giảm, mức giảm trung bình 10-25%.
Xét về tốc độ sụt giảm, NCB ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ở mức 12,3 tỷ đồng, giảm 89% so với 6 tháng đầu năm 2022, đồng thời cũng là đơn vị có mức giảm mạnh nhất.
Theo sau là Sacombank với sự sụt giảm 60%, lãi giảm từ 3.276 tỷ đồng xuống còn hơn 1.312 tỷ đồng. SeABank cũng ghi nhận lãi từ mảng này giảm hơn phân nửa, xuống còn 365 tỷ đồng. Tại BVBank ghi nhận lãi giảm 36%, còn 38,6 tỷ đồng; MB giảm 27%, xuống 1.550 tỷ đồng; ACB giảm 17%, còn 1.431 tỷ đồng; HDBank giảm 11% còn 1.278 tỷ đồng; VIB giảm 10%, còn 1.404 tỷ đồng…
Trong số những đơn vị ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm còn có hai ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và Agribank. Trong đó, Vietcombank ghi nhận khoản lãi 3.078 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Tại Agribank, lãi từ hoạt động này đạt 2.457 tỷ đồng, giảm 8%.
Tuy nhiên ở hướng ngược lại, nhiều ngân hàng lại ghi nhận mức tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ nửa đầu năm tăng mạnh.
Cao nhất là Nam A Bank với mức tăng 146%, lãi tăng từ 151 tỷ đồng lên hơn 371 tỷ đồng. Tiếp theo là ABBank với 289 tỷ đồng, tăng 92,4%. MSB đứng thứ ba khi ghi nhận mức tăng hơn 86% lên 1.081 tỷ đồng. BaoVietBank tăng 67% lên 49 tỷ đồng.
Tuy nhiên xét về con số tuyệt đối, Techcombank, VietinBank và VPBank hiện là 3 ngân hàng có lãi lớn nhất từ mảng hoạt động dịch vụ.
Thu từ bán chéo bảo hiểm "xuống dốc"
Bancassurance được biết là hoạt động có đóng góp không nhỏ trong doanh thu phi tín dụng của các ngân hàng.
Tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường liên tục xuất hiện những vụ khiếu nại về việc khách gửi tiết kiệm hoặc vay vốn bị ép mua bảo hiểm nhân thọ. Không ít trường hợp khách hàng đồng ý mua bảo hiểm nhưng khi kiểm tra lại là sản phẩm liên kết đầu tư, thậm chí có người đi gửi tiết kiệm lại thành mua hợp đồng bảo hiểm.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh gửi các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm về hoạt động bancassurance.
Bộ Tài chính mới đây cũng chỉ ra hoạt động bancassurance có nhiều sai phạm dù chỉ mới thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sun Life).
Bộ Tài chính cho biết kể từ khi đường dây nóng về các sản phẩm bảo hiểm đi vào hoạt động từ ngày 21/2, tính đến hết ngày 31/7, Bộ đã tiếp nhận, xử lý 213 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 479 kiến nghị, phản ánh qua hộp thư điện tử.
Nhiều chuyên gia cho rằng sau giai đoạn tăng nóng, và có nhiều sai phạm trong kinh doanh bảo hiểm thì sự sụt giảm thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm là không thể tránh khỏi.
Theo báo cáo tài chính quý II, chỉ có 8 ngân hàng hạch toán chi tiết các khoản mục thu - chi từ hoạt động bảo hiểm. Trong đó, 7 ngân hàng ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm sụt giảm.
Tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ bảo hiểm nửa đầu năm của 7 nhà băng trên đạt 6.432 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại MB, thu từ dịch vụ bảo hiểm ghi nhận 4.150 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, chi phí cho khoản mục này cũng ghi nhận hơn 2.643 tỷ đồng, do đó lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm chỉ còn hơn 1.500 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
VPBank ghi nhận thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm giảm 8% còn 1.385 tỷ đồng. VIB giảm 46% còn 315 tỷ đồng; Techcombank ghi nhận thu nhập 290 tỷ đồng, giảm 53%; TPBank là hơn 223 tỷ đồng, giảm 55%; SeABank ghi nhận khoản thu 46 tỷ đồng, giảm 81%; Kienlongbank thu về 11 tỷ đồng, giảm 63%.
Duy chỉ có PGBank ghi nhận thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm gấp đôi cùng kỳ từ 5,4 tỷ đồng lên gần 11 tỷ đồng.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính - ngân hàng, cho rằng doanh thu từ bancassurance của các ngân hàng năm nay sụt giảm là xu hướng tất yếu trong bối cảnh niềm tin của khách hàng vào các sản phẩm bảo hiểm suy giảm. Doanh thu từ bancassurance có thể sẽ được cải thiện nếu như niềm tin của khách hàng phục hồi và củng cố.
Để khôi phục lại được niềm tin ấy, các đơn vị phải tư vấn để khách hàng có thể hiểu rõ, đúng và đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm mà họ tham gia. Ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm cần kiểm tra, rà soát lại từ khâu tư vấn, phải đảm bảo nhân viên tư vấn hiểu rõ được sản phẩm rồi mới tư vấn cho khách hàng, tư vấn minh bạch, rõ ràng thông tin…
Vị chuyên gia này cũng đưa ra quan điểm rằng không nên để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm như hiện nay. Ông cho rằng cần tách bạch nghiệp vụ giữa hai đơn vị. Việc bán bảo hiểm thì nên để cho hãng bảo hiểm có nghiệp vụ bán, cũng như ngân hàng thì nên chú trọng các nghiệp vụ tài chính ngân hàng.
Sự hợp tác giữa ngân hàng và hãng bảo hiểm, theo ông, nên chăng chỉ dừng ở việc ngân hàng giới thiệu khách, còn việc tư vấn là do hãng bảo hiểm trực tiếp làm và ngược lại. Trong tương lai, nếu bancassurance không thể lấy lại niềm tin của khách hàng, tiếp tục gặp khủng hoảng thì đây là lúc các hãng bảo hiểm và các ngân hàng cần xem xét lại "mối liên kết" này.
Doanh thu phí bảo hiểm lần đầu tăng trưởng âm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng hai chữ số.
Doanh thu phí bảo hiểm được công bố định kỳ lần đầu trong báo cáo của GSO từ năm 2016, đến năm 2017 mới có dữ liệu ghi nhận tăng trưởng 6 tháng so với cùng kỳ.
Từ năm 2017 đến năm 2022, chỉ tiêu này luôn ghi nhận tăng trưởng hai chữ số trung bình từ 11% đến 23% so với cùng kỳ, với động lực chính là bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên đến nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh đại lý cá nhân, kênh đại lý tổ chức - bán qua ngân hàng... ước đạt 81.400 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2017-2022, GSO chỉ công bố con số tăng trưởng của doanh thu phí bảo hiểm mà không có chi tiết về con số tuyệt đối, bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ. Giai đoạn nửa đầu năm 2017 ghi nhận mức tăng trưởng 19%, năm 2018 tăng 23%, năm 2019 là 17%...
Thậm chí năm 2020 - giai đoạn "đỉnh cao" của dịch Covid-19, doanh thu từ phí bảo hiểm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 11%. GSO thời điểm đó cho biết dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với đặc thù cần có sự gặp mặt trực tiếp để tư vấn cho khách hàng.
Doanh thu phí bảo hiểm tiếp đà tăng trưởng trong năm 2021, 2022 lần lượt tăng 17% và 14%.