DMagazine

Sếp Dragon Capital Việt Nam hé lộ sự khác nhau người giàu Việt và Thụy Sĩ

(Dân trí) - Ông Hans Nguyễn, quản lý cao cấp đào tạo của quỹ Dragon Capital Việt Nam chia sẻ nhiều thông tin thú vị về nghề quản lý tài sản cho người giàu tại Việt Nam và thế giới.

Sếp Dragon Capital Việt Nam hé lộ sự khác nhau người giàu Việt và Thụy Sĩ

Tác phong nhanh nhẹn, chính xác, rõ ràng, trước khi bước vào cuộc phỏng vấn, ông Hans Nguyễn - quản lý cao cấp đào tạo kênh phân phối của quỹ Dragon Capital Việt Nam (Dragon Capital) cho biết mình chỉ có 30 phút nói chuyện với Dân trí để kịp chuyến bay vào TPHCM. Ông chia sẻ nhiều thông tin thú vị về nghề quản lý tài sản cho người giàu tại Việt Nam và thế giới.

Chân dung một nhà quản lý danh mục 5 tỷ USD

Mọi người thường biết ông là quản lý cao cấp đào tạo kênh phân phối của quỹ Dragon Capital Việt Nam, ông có thể giải thích rõ hơn về công việc của mình? 

- Để giải thích về công việc của tôi thì trước hết cần giới thiệu về Dragon Capital Việt Nam. Dragon Capital Việt Nam là một công ty quản lý quỹ đầu tư lâu đời tại đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1994.

Trong nhiều năm qua, công ty rất trăn trở với việc giúp nhà đầu tư đại chúng hiểu biết thêm về đầu tư tài chính do mặt bằng chung về kiến thức đầu tư còn hạn chế. Rất nhiều người chưa hề nghe về kênh đầu tư chứng chỉ quỹ mặc dù họ biết về bất động sản, gửi tiết kiệm, vàng, cổ phiếu... Do đó, công việc chính của tôi là trang bị và truyền tải những kiến thức đầu tư, giúp các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là người trẻ hiểu hơn về tài chính cá nhân, cập nhật thêm những kênh đầu tư mới chẳng hạn như chứng chỉ quỹ, quỹ ETF...

Thứ hai là tôi giúp các nhà đầu tư đã có tài sản giữ được tài sản của mình để đón chờ những cơ hội đầu tư tốt trên thị trường. 

Ông từng quản lý danh mục đầu tư lên tới 5 tỷ USD tại Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ. Đây liệu có phải là công việc ông ước mơ từ bé? Con đường nào dẫn ông tới ngày hôm nay?

- Không, hoàn toàn không. Công việc mơ ước hồi bé của tôi là thành nhạc sĩ, ước mơ chơi được một nhạc cụ rất giỏi như piano, violon, guitar… Tôi chọn học guitar.

Công việc quản lý tài sản thực sự đến từ môi trường xung quanh. Ví dụ môi trường Việt Nam về nông sản nông nghiệp, còn tại Thụy Sĩ là tài chính. Rất nhiều người làm việc trong ngành tài chính, chính vì vậy cũng có nhiều cơ hội.

Sếp Dragon Capital Việt Nam hé lộ sự khác nhau người giàu Việt và Thụy Sĩ - 1
Công việc quản lý tài sản thực sự đến từ môi trường xung quanh. Ví dụ môi trường Việt Nam về nông sản nông nghiệp còn tại Thụy Sĩ là tài chính.
Ông Hans Nguyễn Quản lý cao cấp đào tạo quỹ Dragon Capital Việt Nam

UBS của Thụy Sĩ là một trong các ngân hàng quản lý tài sản lớn nhất trên thế giới. Tôi đầu quân cho UBS sau khi tốt nghiệp. Tại đây, tôi từng quản lý tài sản cho các nhà đầu tư khắp thế giới và cũng tìm cơ hội đầu tư khắp nơi, đặc biệt thị trường lớn như London, Frankfurt, New York, Tokyo, Hongkong, Singapore.

Tại Dragon Capital, chúng tôi quản lý tiền cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, tìm cơ hội trên thị trường tài chính Việt Nam. Đặc biệt là cơ hội đầu tư bền vững đi cùng sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Người ta thường hình dung những chuyên gia tài chính, quản lý tiền bạc cho người giàu phải là có thần kinh thép, lạnh lùng, lý trí, liệu điều này có đúng?

- Điều này đúng phần lớn vì làm việc với tiền, nhiều tiền thì cần thiết có một số tính cách như cẩn trọng, chính xác, rõ ràng, trung thực, bình tĩnh… Hầu hết, người ta đều rèn luyện được những tính cách này. 

Tuy nhiên, cũng có các tố chất đặc biệt khi cần giải quyết những tình huống đặc biệt. Ví dụ bạn phải quyết định mua hay bán món tiền rất lớn tới 100 triệu USD trong một thương vụ phức tạp, thời gian rất ngắn hoặc thiếu thông tin. Ở đây có thể cần phải "bản lĩnh" đến từ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và tố chất cá biệt.

Ông tự nhận xét mình là người như thế nào?

- Tôi khá điềm tĩnh, có thể do đặc điểm nghề nghiệp như vậy. Với nghề này, tôi làm việc với con người nhiều. Có thể trong thời gian đầu khi mới bắt đầu vào nghề, bạn cần phải trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng, đầu tư, tính toán nhưng khi đã có nhiều kinh nghiệm thì sẽ đòi hỏi kỹ năng mềm nhiều hơn.

Bạn phải hiểu, lắng nghe, giải quyết vấn đề khéo léo hơn chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật. Trong thời gian dài làm việc như vậy tôi cũng có tính cách phù hợp ví dụ như lắng nghe nhiều hơn, phân tích, không vội vàng, điềm đạm, trầm tĩnh rất quan trọng với nghề này.

Không để các yếu tố bên ngoài từ thị trường tới con người ảnh hưởng đến mình, giữ được vững lập trường của mình rất quan trọng. Dùng từ máu lạnh hơi ghê (cười) nhưng thỉnh thoảng mình vẫn phải lạnh để làm việc.

Ông là người quản lý tài sản cho người khác thế còn quản lý tài sản của mình như thế nào?

- Nó cũng không khác lắm. Tôi tự coi mình là một khách hàng. Nguyên tắc là mình có một mức tỷ suất sinh lời kỳ vọng hợp lý.

Cụ thể tôi đang đầu tư tại Việt Nam sẽ mong đợi khác ở Thụy Sĩ. Và tùy vào nhu cầu cá nhân, ví dụ tôi đang sống ở đây khỏe mạnh không lo lắng khác với một năm sau bệnh tật hay có vấn đề gì đó. Tất cả những vấn đề đó ảnh hưởng đến việc đầu tư của mình.

Một điều rất quan trọng nhưng nhiều người Việt làm chưa tốt là mong đợi không hợp lý. Đám đông chưa có kinh nghiệm đầu tư nên thích càng nhiều càng tốt nhưng lại không thích mất nhiều. Trong khi nguyên tắc là muốn được nhiều thì phải chuẩn bị mất nhiều.

Điểm khác biệt giữa người giàu Thụy Sĩ và Việt Nam

Trong hơn 20 năm ông làm việc tại Thụy Sĩ, hơn 10 năm quản lý danh mục hơn 5 tỷ USD, có những kỷ niệm hay câu chuyện nào thú vị về việc giữ tiền cho người giàu?

- Một trong những điều khá thú vị đó là sự khác biệt về tính cách của khách hàng đến từ nhiều nơi trên thế giới. Tính cách con người, tính cách đầu tư của họ rất đa dạng. Khách hàng là những người thành công nên tính cách nào thì họ cũng có cái hay để mình học hỏi.

Một kỷ niệm đáng nhớ liên quan đến bong bóng dot.com bị vỡ năm 1999. Trước đó vì UBS có chiến lược đầu tư rất thận trọng nên không đầu tư cho khách hàng nhiều vào các công ty dot.com. Và kết quả khi thị trường này tăng nhiều thì danh mục đầu tư của khách hàng không nhiều như ở các ngân hàng khác, chúng tôi bị trách rất nhiều vì "underperform badly" (tạm dịch: hiệu suất dưới cả mức tệ).

Nhưng khi bong bóng dot.com vỡ vào năm 1999, hầu hết khách hàng của UBS mất ít tiền hơn vì không đầu tư vào đây và chính những khách hàng trách móc nhiều bây giờ trở lại cảm ơn chúng tôi. Một bài học thử thách tính kiên trì.

Ông có từng đưa ra quyết định sai lầm khiến danh mục tài sản của nhà đầu tư sụt giảm chưa? Họ phản ứng ra sao?

- Đầu tư thì không tránh được sai lầm, lớn hoặc nhỏ. Ví dụ chỉ cần để nhầm tài khoản thôi đã tốn cả triệu USD.

Lỗi lớn ví dụ làm sai quy định, mình vượt ranh giới mà không biết. Ví dụ khách hàng Đạo hồi có quy tắc không đầu tư liên quan đến lãi suất hoặc thịt heo. Như vậy bạn sẽ không được đầu tư vào cổ phiếu McDonald's hay ngân hàng. Nếu mình kiểm soát không chặt chẽ, lỡ đầu tư, mất tiền thì rất khó giải thích.

Về phản ứng, ở đây có sự khác biệt rất lớn của tính chuyên nghiệp của cả chuyên gia tư vấn và khách hàng. Phía chuyên gia nếu chuyên nghiệp thì phải có cơ sở rất tốt trước khi quyết định và giải trình cho khách hàng. Phía khách hàng cũng phải đánh giá được phía chuyên gia có làm đúng quy trình không.

Nếu chuyên gia làm đúng thì dù có mất tiền khách quan do thị trường thì khách hàng chuyên nghiệp vẫn chấp nhận dễ dàng, vẫn tiếp tục hợp tác.

Nếu ví công việc quản lý tài sản như một môn thể thao, ông thấy nó giống môn thể thao nào? Vì sao?

- Đó là môn chạy việt dã (trail running). Bạn có đích đến, có chiến lược, có con đường phía trước với rất nhiều chướng ngại không biết trước được, vừa chạy vừa quan sát, quyết định chọn đường đi tiếp. Bạn vừa cần có chiến lược, vừa cần sự linh hoạt xử lý tình huống, cần sự kiên trì, bền bỉ.

Nói như vậy thôi nhưng vẫn có phương pháp để đơn giản hóa việc này.

Sếp Dragon Capital Việt Nam hé lộ sự khác nhau người giàu Việt và Thụy Sĩ - 2
Quản lý tài sản giống môn chạy việt dã (trail running). Bạn vừa cần có chiến lược, vừa cần sự linh hoạt xử lý tình huống, cần sự kiên trì, bền bỉ.
Ông Hans Nguyễn Quản lý cao cấp đào tạo quỹ Dragon Capital Việt Nam

Trở về Việt Nam làm công việc quản lý tài sản, ông nhận thấy có gì khác biệt giữa người giàu Thụy Sĩ và người giàu Việt Nam?

- Điểm chung giữa họ đều là những người thành công và những người giỏi.

Điểm khác biệt thứ nhất là người giàu Việt Nam chưa quen với việc tin tưởng ai đó để ủy thác. Cũng dễ hiểu vì ở Việt Nam công việc này còn quá mới nên chưa có nhiều người để tin tưởng và ủy thác. Đó là con đường hai chiều, người muốn tin thì cũng cần có người đáng tin.

Điểm thứ hai là người giàu Việt Nam vì chưa hiểu nên chưa đánh giá đúng mức quan trọng của việc tư vấn quản lý tài sản và gia sản. Vì vậy trong khi hầu hết những người giàu Thụy Sĩ đều dùng dịch vụ tư vấn đầu tư, quản lý tài sản, gia sản thì hầu hết người giàu Việt Nam lại tự làm công việc này.

Ông đánh giá sao về nghề quản lý tài sản tại Việt Nam về quy mô, nhận thức của nhà đầu tư?

- Nhu cầu được tư vấn và quản lý tài sản và gia sản ngày càng cao và các bên cung cấp dịch vụ này ngày càng nhiều, tuy nhiên hiện tại vẫn còn rất non trẻ.

Quy mô tài sản của người giàu Việt Nam cũng đang tiến gần với những nước lớn trong khu vực, vì vậy tiềm năng phát triển mảng tư vấn đầu tư, quản lý tài sản và gia sản rất lớn.

Sếp Dragon Capital Việt Nam hé lộ sự khác nhau người giàu Việt và Thụy Sĩ - 3

Điểm khác biệt giữa người giàu trên thế giới và Việt Nam là người giàu Việt chưa quen với việc tin tưởng ai đó để ủy thác (Ảnh: Unsplash).

Giới trẻ hiểu lầm về tự do tài chính

Thế hệ trẻ ngày nay rất quan tâm đến thuật ngữ "tự do tài chính", theo ông tự do tài chính được hiểu là gì? 

- Tự do tài chính có thể hiểu đơn giản là tự làm điều mình thích và không lo kiếm tiền nữa vì có thu nhập thụ động đủ để trang trải mọi chi phí. Nhưng lưu ý tự do tài chính chỉ là trạng thái ở một lúc nào đó và bạn vẫn cần làm những công việc cần thiết để duy trì được tình trạng này trong thời gian dài, cho đến lúc chết! Bạn vẫn phải làm việc tiếp để duy trì nó. Nhưng mặt khác là khi đó bạn được làm điều mình muốn và hạnh phúc.

Các bạn trẻ hiện đang hiểu nhầm không phải lo về tài chính tại thời điểm nào đó với tự do tài chính.

Thế hệ trẻ tại Việt Nam hiện nay rất năng động và muốn làm giàu nhanh để đạt được tự do tài chính nhưng lại hiếm người có được một lộ trình cụ thể. Ông có thể chỉ ra con đường nào đó để số đông họ đạt được? Họ cần phải chuẩn bị những gì?

- Có thể tạm chia thành hai cách làm giàu: Nhanh và chậm.

Những cách làm giàu nhanh như kinh doanh truyền thống, bất động sản, thương mại điện tử, youtube, tiktok, làm showbiz,… Những cách này đều đòi hỏi rất nhiều yếu tố như vốn, kỹ năng, thời gian nên rất ít người có thể làm giàu nhanh được, tạm ước tính ít hơn 10%.

Như vậy 90% còn lại phải chọn làm giàu chậm bằng 2 con đường tự đầu tư chứng khoán hoặc ủy thác đầu tư. Tự đầu tư cần nhiều kiến thức, kinh nghiệm nên cũng rất ít người thành công, chỉ khoảng 5%.

Như vậy, con đường hợp với số đông không cần nhiều vốn, không có kiến thức, kinh nghiệm, thời gian là ủy thác đầu tư. Điều kiện tiên quyết ở đây là phải kiên trì chấp nhận chậm.

Có con số hay cách tính nào để cho ra được một con số cụ thể về tự do tài chính không, ví dụ 5 tỷ đồng, 10 tỷ đồng hay 1 triệu USD?

- Con số 5, 10 tỷ đồng hay 1 triệu USD là tượng trưng. Bạn cần bao nhiêu để tự do tài chính tùy vào phong cách sống của bạn. Sống đơn giản thì có thể tự do tài chính với 5 tỷ đồng, sống xa hoa thì 1 triệu USD cũng chưa đủ.

Sếp Dragon Capital Việt Nam hé lộ sự khác nhau người giàu Việt và Thụy Sĩ - 4
Sống đơn giản thì có thể tự do tài chính với 5 tỷ đồng, sống xa hoa thì 1 triệu USD cũng chưa đủ.
Ông Hans Nguyễn Quản lý cao cấp đào tạo quỹ Dragon Capital Việt Nam

Để đạt được tự do tài chính, từ kinh nghiệm thực tế của ông, một người cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản nào? 

- Các bạn cần làm tốt tài chính cá nhân để có tích lũy, điều kiện không thể thiếu để đầu tư. Tiếp đó là tìm hiểu từ thị trường, kênh đầu tư cũng như cách thức đầu tư. Và kiên trì bám theo kế hoạch.

Ông có lời khuyên đầu tư chính cho người trẻ trong năm 2023 trong bối cảnh vĩ mô có nhiều biến động?

- Trong đầu tư chúng tôi quan niệm thị trường tài chính giống thời tiết, có ngày xấu ngày đẹp thậm chí thỉnh thoảng có giông bão. Đó là bản chất của thời tiết và bạn không nên ngạc nhiên.

Có phải vì thời tiết xấu thì bạn sẽ không đi uống cà phê không? Không! Bạn vẫn đi làm, vẫn đi uống cà phê, hẹn hò. Đầu tư cũng tương tự như vậy. Có ngày thị trường lên, có ngày thị trường xuống, có năm tốt, có năm xấu và thỉnh thoảng có những cuộc khủng hoảng ví dụ Covid, khủng hoảng Ukraine. Và mình phải chuẩn bị như khi ra đường thấy trời mưa thì cầm ô. Bạn hiểu khi mưa thì cần làm gì, nếu có bão luôn thì nên ở nhà luôn. Bạn cần áp dụng tương tự trong đầu tư, hiểu thị trường và đánh giá tốt, làm đúng.

Sếp Dragon Capital Việt Nam hé lộ sự khác nhau người giàu Việt và Thụy Sĩ - 5

Thị trường tài chính giống thời tiết, có ngày xấu ngày đẹp thậm chí thỉnh thoảng có giông bão (Ảnh: Quân Đỗ).

Nhưng cũng như thời tiết mưa rồi cũng tạnh, bão rồi cũng qua. Đầu tư cũng vậy, phải tích cực, đặc biệt ở Việt Nam mình được phép tích cực vì nền kinh tế rất tốt, tăng trưởng. Chuyện đầu tư đường dài cứ vững tâm làm, đừng lo!

Ông có lời chúc nào cho độc giả Dân trí trong năm 2023?

- Chúc các bạn trang bị được kiến thức để đừng hoang mang vì mặt bằng chung hiện nay đang hoang mang. Đừng quá hoang mang, quá sợ hãi quá. Sợ hãi quá hay tham lam quá cũng không tốt.

Chúc các bạn độc giả Dân trí tỉnh táo, đặc biệt là tỉnh táo trước khi đầu tư!

Nội dung: Mộc An

Ảnh: Quân Đỗ