Người giàu tiêu tiền, nhìn từ World Cup
Chúng ta thường nghe một số kênh truyền thông xây dựng hình ảnh các tỷ phú Ả Rập tiêu tiền như nước. Nào là cung điện, khách sạn dát vàng, máy bay và du thuyền siêu sang, bỏ cả tỷ USD cho thú vui nghệ thuật, ném cả tỷ đô la vào thú vui bóng đá (câu lạc bộ Man City của Anh và PSG của Pháp).
Ngay Qatar, nước chủ nhà World Cup vừa rồi cũng được truyền thông xây dựng hình ảnh chi hơn 200 tỷ USD tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới, số tiền lớn hơn tất cả số tiền chi cho tất cả các kỳ World Cup trước đây cộng lại.
Xin thưa đấy là hình ảnh lệch lạc, chỉ phản ánh một góc nhỏ về cách đầu tư, tiêu tiền của các tỷ phú Ả Rập. Sự thực thì các tỷ phú Ả Rập đầu tư và tiêu tiền rất khôn ngoan, không trọc phú như truyền thông hay vẽ ra để câu khách.
Theo số liệu thống kê được công khai, trong 5 năm 2017-2021, Quỹ Đầu tư Hoàng gia Qatar QIA kiếm được 223,48 tỷ USD từ các khoản đầu tư trên toàn cầu, trong đó riêng năm 2021 thu được 97,9 tỷ USD, năm 2019 thu được 82,8 tỷ USD.
Các công ty Anh trên sàn chứng khoán London, từ đầu năm 2022 đến nay, đã trả cổ tức cho QIA Holding (công ty con của QIA) đã lên đến 0,5 tỷ USD (riêng Glencore là 387 triệu USD).
Tuy là quốc gia dầu mỏ, sản lượng dầu thô trên đầu người cao gấp 14 lần Mỹ, gấp 7 lần Nga; sản lượng khí đốt trên đầu người gấp 20 lần Mỹ, gấp 12 lần Nga, thế nhưng hiện tại dầu khí chỉ đóng góp cỡ 50% GDP quốc gia, còn các khoản đầu tư ra nước ngoài mang lại 50% cho GDP của Qatar.
Hiện tại QIA đang quản lý một lượng tiền đầu tư lên đến 445 tỷ USD (cuối năm 2021). QIA đầu tư ở 40 quốc gia, trong đó có Anh (gần 40 tỷ USD), Mỹ (45 tỷ USD), Đức (25 tỷ USD), Pháp (10 tỷ USD), Tây Ban Nha (5 tỷ), Australia, Trung Quốc (10 tỷ USD), Malaysia (5 tỷ USD)... Chưa hết, người dân Qatar còn đầu tư cỡ 5,9 tỷ USD vào bất động sản ở Anh.
QIA là cổ đông lớn của rất nhiều tên tuổi lẫy lừng của châu Âu trong đó có các ngân hàng Barclays, Credit Suisse, Deutsche bank, sàn giao dịch chứng khoán London; các tập đoàn dầu khí Total, Shell; các tập đoàn công nghệ: Siemens, France Telecom, Điện lực Đức RWE, ô tô Volkswagen, Porsche, Hochtief, Technip; các khách sạn, trung tâm mua sắm Ritz Hotel, Harrods, Lagardere, Sainsbury; các sân bay Heathrow (Anh), Islamanad (Pakistan), cảng Tarraco Marina (Tây Ban Nha).
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của QIA ở những tập đoàn lớn kể trên cỡ từ 4,6% đến 21% (20% sân bay Heathrow, 21% Siemens, 17% Volkswagen, 22% Sainsbury 22).
Riêng World Cup vừa rồi, thực ra Qatar chỉ chi có 10 tỷ USD để xây 8 sân vận động, còn 190 tỷ USD còn lại là xây một thành phố mới, xây tàu điện ngầm, nâng cấp sân bay, hệ thống hạ tầng giao thông, xây khách sạn, toàn những công trình đầu tư lâu dài. Như vậy thực chất con số hơn 200 tỷ USD chỉ để truyền thông.
Nhìn vào các khoản đầu tư, các doanh mục đầu tư và lợi nhuận thu về thì thấy các tỷ phú Ả Rập đâu có ném tiền qua cửa sổ, họ đầu tư khôn ngoan và hiệu quả đấy chứ.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!