DNews

Sau vụ nợ thẻ 8,8 tỷ đồng, 10.000 người tra cứu thông tin tín dụng mỗi ngày

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Số khách hàng tra cứu thông tin tín dụng tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tăng gấp 5 lần, lên 10.000 tài khoản/ngày sau vụ lùm xùm nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng.

Sau vụ nợ thẻ 8,8 tỷ đồng, 10.000 người tra cứu thông tin tín dụng mỗi ngày

Sau vụ việc khách hàng ở Quảng Ninh nợ thẻ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) với số tiền nợ ban đầu gần 8,5 triệu đồng từ năm 2013 nhưng qua 11 năm, nợ lãi phát sinh tới nay lên tới 8,8 tỷ đồng, không ít khách hàng băn khoăn về thông tin dư nợ của mình tại các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.

Phóng viên Dân trí có cuộc phỏng vấn với ông Lê Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Không vay nhưng kiểm tra vẫn ra thông tin nợ, khách cần làm gì? 

Lượng người dân tra cứu thông tin tín dụng tại CIC có thay đổi nhiều sau vụ việc kể trên hay không, thưa ông? Thay đổi cụ thể ra sao?

- Sau sự việc một khách hàng ở Quảng Ninh phát sinh nợ xấu thẻ tín dụng và dư nợ bị tăng đột biến được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, CIC đã dự báo được nhu cầu cần kiểm tra tình trạng tín dụng của người dân. Chúng tôi cũng tăng cường các biện pháp kỹ thuật, đội ngũ cán bộ trực xử lý các yêu cầu tra cứu thông tin của khách hàng.

Theo số liệu thống kê, số lượng người dân đăng ký tài khoản trên Cổng Thông tin kết nối khách hàng vay của CIC để kiểm tra thông tin tín dụng của bản thân tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Trước đây, trung bình một ngày có khoảng 1.200-2.000 tài khoản đăng ký, thì từ ngày 15/3 đến nay, số lượng đăng ký đã tăng lên 8.000-10.000 tài khoản/ngày. Số báo cáo tín dụng thể nhân CIC cung cấp trong những ngày gần đây là khoảng 10.000 báo cáo/ngày, gấp 5 lần so với trước đây.

Ngoài ra, các kênh hỗ trợ, tương tác với người dân cũng ghi nhận một số lượng lớn các thắc mắc, yêu cầu giải đáp liên quan đến dư nợ, tình trạng nợ, điểm tín dụng… đặc biệt là dư nợ thẻ thẻ, vay tiêu dùng của mình tại các tổ chức tín dụng.

Theo phản ánh chúng tôi nhận được, có một số khách hàng không vay nhưng bất ngờ phát sinh dư nợ, thậm chí là nợ xấu trên hệ thống của CIC. Đâu là nguyên nhân?

- Trên thực tế, CIC cũng nhận được một số thắc mắc của khách hàng về việc không vay nhưng kho dữ liệu CIC vẫn ghi nhận thông tin dư nợ của khách hàng.

Có nhiều nguyên dân có thể dẫn đến tình huống này như: khách hàng đứng tên vay hộ cho người thân, bạn bè; cho mượn, để lộ, hoặc làm mất giấy tờ cá nhân; kẻ xấu làm giả/trộm cắp giấy tờ cá nhân để lợi dụng tiến hành các thủ tục vay vốn/sử dụng dịch vụ tài chính tại các tổ chức tín dụng mà bản thân khách hàng không biết; khách hàng quên nộp phí thẻ tín dụng; mất thẻ tín dụng…

Sau vụ nợ thẻ 8,8 tỷ đồng, 10.000 người tra cứu thông tin tín dụng mỗi ngày  - 1

Ông Lê Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (Ảnh: CIC).

Ông có lời khuyên gì cho khách hàng để tránh tình trạng này?

- Để chủ động bảo vệ bản thân trong các giao dịch và phòng tránh những tình huống gian lận, khách hàng nên tuân thủ chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng với tổ chức tín dụng; có biện pháp bảo mật thông tin cá nhân; tuyệt đối không cung cấp giấy tờ cá nhân, thẻ tín dụng, thông tin tài khoản, mật khẩu tài khoản đăng nhập cho người khác.

Khách hàng tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, khách hàng dù không vay hay đã vay tiền/mở thẻ tín dụng tại TCTD cũng nên chủ động kiểm tra thông tin tín dụng của bản thân định kỳ tại ứng dụng "iCIC" trên điện thoại thông minh hoặc website: cic.gov.vn của CIC để đảm bảo thông tin của mình chính xác, phát hiện kịp thời các gian lận.

Khi phát hiện thông tin có sai sót, cần liên hệ với các tổ chức tín dụng hoặc CIC để được hỗ trợ kịp thời.

Cam kết bảo mật hoàn toàn thông tin cá nhân

Một số khách hàng có tâm lý e ngại, chưa tin tưởng khi phải kê khai các thông tin định danh cá nhân như: căn cước công dân, ảnh chụp... trong quá trình đăng ký tài khoản và khai thác báo cáo tín dụng của bản thân tại CIC. Ông có thể chia sẻ gì về vấn đề này?

- Thông tin tín dụng là thông tin cá nhân nhạy cảm và cần được bảo vệ chặt chẽ theo các quy định. Do vậy, CIC khẳng định rằng, việc khách hàng cung cấp hình ảnh căn cước công dân cho chúng tôi chỉ phục vụ cho việc định danh, xác thực khách hàng để CIC cung cấp báo cáo tín dụng cho chính khách hàng, tránh trường hợp khách hàng bị người khác giả mạo, đánh cắp danh tính để khai thác thông tin phục vụ cho các mục đích trái pháp luật.

Đồng thời, bên cạnh việc xây dựng quy trình xử lý, lưu trữ dữ liệu chặt chẽ, hệ thống công nghệ thông tin của chúng tôi cũng tăng cường các biện pháp bảo mật để đảm bảo tối đa an toàn thông tin của khách hàng.

Sau vụ nợ thẻ 8,8 tỷ đồng, 10.000 người tra cứu thông tin tín dụng mỗi ngày  - 2

Một số khách hàng có tâm lý e ngại/chưa tin tưởng khi phải kê khai các thông tin định danh cá nhân (Ảnh: IT).

Nếu khách hàng phát hiện thông tin của mình bị sai sót và khiếu nại với CIC, phía CIC sẽ xử lý ra sao?

- Theo Quy định tại Điều 18, Thông tư số 03/2013/TT-NHNN về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước: Khi khách hàng vay phát hiện thông tin tín dụng về bản thân có sai sót, khách hàng có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng/CIC kiểm tra, xử lý sai sót (nếu có).

Cụ thể, trường hợp phát hiện thông tin bị sai sót, khách hàng phản ánh với CIC qua Tổng đài 1800585891 hoặc chuyên mục "Khiếu nại/phản hồi" tại website: https://cic.gov.vn (gửi kèm giấy tờ chứng minh). Tùy từng trường hợp cụ thể, CIC sẽ có hướng giải quyết phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật:

Nếu sai sót trong quá trình xử lý dữ liệu, CIC có trách nhiệm điều chỉnh sai sót và thông báo kết quả cho khách hàng. 

Trường hợp dữ liệu tại CIC đúng, CIC sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm tra, xác minh thông tin. Tổ chức tín dụng sau khi xác minh thông tin, gửi văn bản trả lời cụ thể cho CIC và đề xuất điều chỉnh dữ liệu (nếu cần). CIC căn cứ vào kết quả phản hồi từ tổ chức tín dụng, xử lý và thông báo kết quả cho khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

Theo phản ánh của báo Dân trí, ông P.H.A tại Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank và nợ hơn 8,5 triệu đồng vào năm 2013, đến năm 2023 khoản nợ này tăng lên thành hơn 8,83 tỷ đồng , trong đó phần nợ lãi là hơn 8,8 tỷ đồng, và 8,5 triệu đồng là nợ gốc.

Ông H.A nói từ năm 2013, ông nhờ một nhân viên làm việc tại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh đăng ký mở một thẻ tín dụng. Nhưng thực tế sau đó, ông không được nhận thẻ tín dụng này và không phát sinh chi tiêu.

Đến năm 2017, khi đến một ngân hàng khác vay vốn, ông mới được nhân viên thông báo phát sinh nợ xấu tại Eximbank và không được vay vốn. Khi đó, ông mới biết mình nợ tín dụng.

Trong 5 năm đó, ông cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía Eximbank kể cả bằng văn bản rằng ông bị nợ xấu. Ông khẳng định chữ ký trong biên lai hai giao dịch đều không phải của mình.

Về phía Eximbank, ngân hàng lại cho biết cách tính lãi, phí này hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký ngày 15/3/2013.

Ngân hàng cho biết, ông P.H.A phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.

Tuy nhiên, ông P.H.A lại nhấn mạnh rằng những chia sẻ từ phía ngân hàng là không chính xác.

Trong thông cáo phát ra chiều 20/3, Eximbank cho biết đại diện ngân hàng đã gặp gỡ khách hàng P.H.A tại Hà Nội. Ngân hàng và khách hàng đã trao đổi thẳng thắng trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ. Hai bên thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Eximbank bố trí lãnh đạo Eximbank trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.

Đại diện nhà điều hành cũng yêu cầu ngân hàng khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng.