DMagazine

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai "bầu" Hiển

(Dân trí) - Nhiều chia sẻ cũng như những chuyện lần đầu tiên kể về Đỗ Vinh Quang, Chủ tịch Hà Nội FC, con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), được hé lộ.

Hâm mộ "Man đỏ" (Manchester United) nhưng lại là một trong những nhân tố quan trọng trong việc đàm phán để đưa được "Man xanh" (Manchester City) về Việt Nam thi đấu giao hữu năm 2015. Khát vọng kinh doanh bóng đá chuyên nghiệp. Khát vọng tạo nên những cầu thủ đỉnh cao. Công việc đầu tiên là làm chuyên viên trong công ty của bố và vẫn bị ăn mắng như thường. Trở thành Chủ tịch CLB bóng đá khi mới 25 tuổi. Biết nấu ăn sau quãng thời gian du học và cũng là "thổ địa" của những điểm ăn uống vỉa hè ngon số một Hà Nội…

Đỗ Vinh Quang là con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T. Anh được bổ nhiệm làm Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC) vào năm 2020, khi mới 25 tuổi, cũng là chủ tịch CLB bóng đá trẻ nhất tại Việt Nam và là một trong những chủ tịch CLB bóng đá trẻ nhất trên thế giới, trong khu vực.

Rất hiếm khi Đỗ Vinh Quang xuất hiện trên truyền thông, nếu có, cũng chỉ là trả lời về những trận đấu của CLB. Đây có lẽ là lần hiếm hoi Đỗ Vinh Quang chia sẻ rất sâu về đam mê bóng đá, về con đường trở thành Chủ tịch CLB, về việc kinh doanh bóng đá và những khát vọng cũng như về bản thân.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 1

Học thạc sĩ quản trị tài chính nhưng Quang lại về làm thể thao. Dường như điều này hơi ngược đời?

- Nhiều người nghĩ học ngành nào sẽ làm việc theo ngành đó nhưng điều này không thực sự đúng với tôi. Tôi tốt nghiệp cao học ngành tài chính tại Anh, nơi có thể coi là cường quốc số một về bóng đá, cũng là nơi được đánh giá là bậc thầy về kinh doanh thể thao. Quá trình xuyên suốt của việc du học này giúp cho tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm cũng như bài học sống, để sau này khi được đảm nhiệm vị trí Chủ tịch CLB thì những bài học kinh nghiệm này đã giúp tôi có được sự tự tin cũng như có thêm những động lực để hoàn thành tốt những công việc được giao tại CLB.

Việc học ngành tài chính giúp cho tôi khá nhiều. Vì khi làm bóng đá chuyên nghiệp, điều tiên quyết là quản trị tài chính cũng như việc phát triển hoạt động kinh doanh. Nên việc vận hành một CLB bóng đá chuyên nghiệp thì cũng chẳng khác vận hành một doanh nghiệp là mấy, kinh doanh là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp cũng như CLB phát triển bền vững. Do đó mà người quản lý CLB cũng có vài điểm tương đồng với người quản lý, quản trị doanh nghiệp. Điểm chung của cả 2 là đều quản trị nhân sự, tổ chức bộ máy tuy rằng một số mô hình cũng có những đặc thù riêng biệt. 

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 3

Tôi nghĩ việc quản lý, vận hành một đội bóng thành công có khi còn khó hơn quản lý một doanh nghiệp vì trong bóng đá đặc thù là không có một công thức nào cả. Điều này hoàn toàn khác với việc chúng ta quản trị một doanh nghiệp thành công bằng những quy trình, biểu mẫu thống nhất. Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới thì những kinh nghiệm có được trên trường học cũng giúp cho tôi nhiều hơn trong phát triển CLB.

Việc học quản trị kinh doanh, sau đó về tiếp quản làm Chủ tịch Hà Nội FC có được "quy hoạch" sẵn cho anh, hay nói cách khác là được lên kế hoạch trước khi anh du học, được gia đình định hướng?

- Thực ra, mỗi chặng đường của tôi đều được định hướng từ rất sớm. Tuy nhiên, việc có cơ hội đảm nhiệm vị trí cao nhất tại CLB là một cơ duyên. Khi trên ghế nhà trường, tôi chỉ nghĩ mình phải học thật tốt lĩnh vực về tài chính cũng như là ngân hàng vì đó là những lĩnh vực chính mà gia đình mình, bố mình thành lập và phát triển xuyên suốt chiều dài kinh doanh của doanh nghiệp. Thể thao là đam mê, và tôi rất vui khi trưởng thành, lớn lên mình lại có cơ hội làm những công việc đúng với đam mê của mình. Thực sự đó là cơ duyên tôi cũng không biết trước?

Anh có chia sẻ về CLB bóng đá và doanh nghiệp. Vậy theo anh giữa làm "ông bầu" một CLB bóng đá và làm doanh nhân có điểm gì giống và khác nhau?

- Quản lý ở đâu cũng thế, chúng ta đều phải tổ chức, lập kế hoạch, định hướng rất rõ nét để một doanh nghiệp cũng như một CLB bóng đá phát triển ngắn, trung, dài hạn. Mô hình bóng đá thực sự cũng giống như một doanh nghiệp. Để mà vận hành nó thì mũi nhọn chính là công tác kinh doanh, tạo ra dòng tiền, nó giống như dòng máu chảy trong mỗi một doanh nghiệp. Cũng như là CLB, để muốn có được nguồn ngân sách ổn định và bền vững, sự thành công thì kinh doanh quảng cáo cũng như là đa dạng hóa các nguồn thu là yếu tố tiên quyết.

Nhưng có thể một người quản lý doanh nghiệp tốt chưa chắc đã là một người quản lý CLB bóng đá tốt đâu nhé. Vì như tôi nói đấy, 30 cầu thủ là 30 cá tính khác nhau, sẽ khó để mà có một công thức chung giống như điều hành một phân xưởng sản xuất, một quy trình sản xuất với nhân công được đào tạo theo công thức. Bóng đá không thể có công thức 1 + 1 bằng 2. Đó chính là những đặc thù cũng như là điều thú vị mà sau quãng thời gian vừa rồi tôi đúc kết ra. Tôi học hỏi được rất nhiều khi làm bóng đá.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 5

Kiến thức của ngành quản trị tài chính giúp anh ra sao trong quản trị CLB vì như anh chia sẻ thì 30 cầu thủ mỗi người một cá tính và chẳng có công thức gì cả?

- Khi đi học thì tôi học được những nguyên lý cơ bản. Thật ra, tất cả công việc, phát sinh hàng ngày đều sẽ được giải quyết một cách êm đẹp nếu như chúng ta nắm được nguyên lý chung. Vì trên ghế nhà trường trong ngành học của tôi tôi luôn cố gắng là học hỏi thầy cô làm sao để một bài toán khó thì phải có công thức, nguyên lý nào đó để chúng ta giải được bài toán đó.

Khi tham gia vào vai trò Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội thì rất nhiều phát sinh, từ các công tác quản lý cầu thủ, vận hành CLB cũng như đa dạng hóa các nguồn kinh doanh quảng cáo. Tuy nhiên, khi đã nắm được bản chất vấn đề cũng như là biết được mục tiêu cần hướng tới thì từ đó cũng có được những kế hoạch, giải pháp để chúng ta đi từ ngắn hạn đến dài hạn.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 7

Vậy nguyên lý mà anh áp dụng cho vận hành CLB là gì?

- Mỗi một công việc cần đặt ra mục tiêu cao nhất và từ mục tiêu đó thì chúng ta tổ chức thực hiện và lập các kế hoạch, phân công công việc. Vì mỗi người sẽ nắm rõ một mảng chứ không thể một người mà biết được hết mọi thứ. Vì thế mà tôi hy vọng sự phối hợp, tương tác giữa các phòng ban, cấp lãnh đạo, cấp trên, cấp dưới làm sao có thể hài hòa và mọi người đều hiểu rất rõ vai trò, chức năng của mình để làm sao khi khớp nối lại, chúng ta tạo thành một bộ máy thống nhất, một thể thống nhất thì lúc đó cả tổ chức sẽ vận hành rất trơn tru, thành công.

Đương nhiên trong quá trình làm việc hàng ngày có những khó khăn, vướng mắc xảy ra. Tuy nhiên với vai trò là người lãnh đạo thì điều quan trọng nhất tôi nghĩ là mình phải luôn có tinh thần, giúp và động viên mọi người đúng lúc đúng chỗ. Vai trò của người lãnh đạo là phải hướng dẫn, dẫn dắt được người ở dưới làm sao cả bộ máy có thể chạy, cùng nhìn về một hướng, đó mới là cái quan trọng nhất của người lãnh đạo.

Quang còn trẻ, khi nhận chức Chủ tịch CLB thì anh mới 25 tuổi thôi. Có khi nào trong điều hành khó quá mà anh phải cầu cứu "bầu" Hiển?

- Trong gia đình thì hai bố con tôi cũng hay chia sẻ về công việc của bố, công việc của con. Rồi mọi người trong nhà đều nắm giữ những vị trí quan trọng trong các lĩnh vực kinh doanh. Công việc luôn được đặt lên hàng đầu để khi mà mình gặp khó khăn, vướng mắc thì người đầu tiên mà mình tìm đến chính là bố. Vì đó là một may mắn, một cơ hội mà, đâu phải ai cũng có người để hỏi đâu. Chính vì cơ hội đó mà tôi cảm thấy rất lạc quan trước những khó khăn mà tôi gặp phải cũng như mỗi khi tình huống mà tự mình không giải quyết được thì đương nhiên mình cũng phải cầu cứu đến bố. (Cười).

Đỗ Vinh Quang chia sẻ góc nhìn về 2 thế hệ doanh nhân.

Anh chia sẻ là mê bóng đá từ nhỏ. Đam mê ấy là do "bầu" Hiển truyền cho con trai?

- Đối với tôi, thể thao, đặc biệt là bóng đá, là đam mê lớn nhất, điều này đúng là được thừa hưởng từ bố. Khi còn rất nhỏ, tôi đã được cùng bố xem những trận bóng đá đỉnh cao của châu Âu trên sóng tivi, cũng rất vui là bố con lại có chung sở thích.

Mỗi khi có cơ hội xem bóng đá với nhau là 2 bố con lại cùng bình luận từng pha bóng. Còn giờ thì có cơ hội để ra sân, trực tiếp xem từng trận bóng đá chất lượng của giải V-League. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi chuẩn bị đi học, năm đó là 1999 có trận chung kết giữa Manchester United của Anh và Bayern Munich của Đức, có pha lội ngược dòng lịch sử. Lúc đó tôi bé tý, có 4 tuổi thôi nhưng 2 bố con đã cùng nhau ngồi xem. Nói chung là xem thì ngấm dần và từ đó tôi cũng yêu thích luôn Manchester United.

Còn đam mê, sở thích thì được định hình và lớn dần theo thời gian. 2 bố con đều mê bóng đá. Tuy thế, bố tôi chẳng có CLB yêu thích nào cố định đâu, ông thích các trận cầu hay. Còn tôi thì vì lớn lên cùng với sự sôi động của giải Ngoại hạng Anh nên là có đội tuyển hâm mộ. Nhiều khi bố tôi hay trêu, kiểu như có những trận mà Manchester United đấu với đội khác thì ông lại quay sang cổ vũ đội khác chẳng hạn. Đó là những kỷ niệm vui. Đến giờ, không còn nhiều cơ hội để cùng với bố xem những trận bóng như vậy nữa.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 8

Mê "Man đỏ" nhưng tôi nhớ không nhầm thì hồi SHB mời CLB Anh về thi đấu thì đó lại là "Man xanh"?

- Đó thực sự là nhân duyên. Vì thật ra, để mời được một CLB bóng đá nước ngoài đến Việt Nam là rất khó. Năm ấy, thuận lợi là khi Manchester City có những hợp tác nhất định với phía ngân hàng và khi họ hoãn trận đấu giao hữu tại Indonesia thì kết nối để đến Việt Nam. Thâm tâm tôi vẫn mong muốn một ngày nào đó có thể mang được đội bóng yêu thích của mình đến Việt Nam, thi đấu và giao hữu với đội tuyển mình.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 10

Chuyện Manchester City sang Việt Nam thi đấu tạo được hiệu ứng khá tốt. Tôi tò mò là việc trao đổi thông tin để đưa CLB này sang Việt Nam diễn ra thế nào? Nghe nói Quang cũng là một trong những nhân tố quan trọng để "deal done"?

- Để mà kể lại thì đó là câu chuyện đáng nhớ lắm. Lần ấy, bố tôi sang công tác và làm việc tại trụ sở của Manchester City tại thành phố Manchester. Trong cuộc làm việc đó, ngài Phó chủ tịch CLB này có đề cập khả năng có thể sang Việt Nam thi đấu giao hữu vào mùa hè năm 2015 sau khi CLB này thay đổi kế hoạch đá giao hữu tại Indonesia. Nghe thế, bố tôi rất hứng thú, vì để có cơ hội ngay lúc đó, khi mà CLB này đang đạt được đẳng cấp tại giải Ngoại hạng Anh có dễ đâu, nên ngay lập tức  bố tôi đồng ý luôn.

Khâu chuẩn bị, tất tần tật từ buổi làm việc hôm đó đến khi diễn ra trận đấu chỉ có 1,5 tháng. Xuyên suốt đó là những nỗ lực, cố gắng của tất cả thành viên liên quan. Vì để mà đạt được tiêu chí mà Manchester City đưa ra, bao gồm từ khâu chuẩn bị đi lại, ăn ở cũng như công tác hậu cần, vấn đề an ninh cũng như chất lượng mặt cỏ thi đấu… khó lắm. Rất là may mắn là chúng tôi có một đội ngũ rất xuất sắc để đáp ứng được tất cả tiêu chí đó. Khó nhé, là có những sự chuẩn bị cho rủi ro về thiên tai, lũ lụt trong trường hợp trận đấu không thể diễn ra. Cần phải có bảo hiểm cho trận bóng, mà đối với Việt Nam thì bảo hiểm trận bóng là điều còn rất mới mẻ.

Chính tôi cũng phải tìm kiếm đơn vị cung cấp bảo hiểm ở nước ngoài vì ở Việt Nam có sản phẩm đó đâu. May quá, trận bóng diễn ra vào cuối tháng 7, hôm đó thời tiết đẹp lắm, lượng cổ động viên đến sân cũng đạt 90%. Đó thực sự là một trải nghiệm quý báu mà tôi được tham gia ở góc độ hỗ trợ nào đó từ khâu làm hợp đồng đến chuẩn bị các yêu cầu từ Manchester City.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 12

Lúc đó vẫn đi học, thời gian đâu để anh tham gia?

- À khi đó tôi chuẩn bị tốt nghiệp. Rất may là sự kiện diễn ra quãng thời gian tôi chuẩn bị được nghỉ hè. Chuyến công tác của bố tôi sang Anh vừa là công tác, vừa là kết hợp thăm con luôn.

Vậy tổng chi phí cho việc mời "Man xanh" sang Việt Nam thi đấu là bao nhiêu?

- Cái này thì tôi không tiết lộ được con số đâu. Nhưng có thể nói là nó bao gồm rất nhiều chi phí phát sinh, đặc biệt là khoản phí để đáp ứng được điều kiện Manchester City có thể ra sân thi đấu, con số khá là lớn, có thể lớn hơn chi phí đợt Arsenal sang Việt Nam đấu giao hữu.

Như vậy có thể nhìn nhận đó không phải là một thương vụ mang ý nghĩa kinh tế đơn thuần?

- À, nguồn thu không bù lại được khoản chi mà SHB cũng như đơn vị tổ chức bỏ ra để mời Manchester City sang Việt Nam đâu. Nhưng giá trị mang lại cho trận đấu đó là rất lớn vì các cầu thủ rất đỉnh cao của thế giới đã có thời gian sang thăm Việt Nam, quảng bá đất nước Việt Nam, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tôi nghĩ đó là một giá trị vô hình mà chúng ta không thể đo lường được. Tôi đánh giá đó là một sự kiện thành công.

"Bật mí" về deal mời Manchester City về Việt Nam đá giao hữu

Nói ngoài lề thì với các đơn vị tổ chức chuyên nghiệp thì họ luôn có kế hoạch về nguồn thu với quảng cáo. Nhưng chị biết đấy, hoạt động này phát sinh từ một doanh nghiệp thì chắc chắn các hợp đồng quảng cáo chuyên nghiệp không thể đáp ứng đủ đâu.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 13

Liệu việc hỗ trợ của Quang trong lần mời CLB nổi tiếng về Việt Nam có phải là một trong những nhân tố để sau này về Việt Nam, anh được giao làm Chủ tịch Hà Nội FC?

- Thật ra ban đầu tôi học về tài chính và công việc đầu tiên tôi đảm nhiệm cũng không liên quan bóng đá đâu. Về Việt Nam, tôi bắt đầu với vị trí chuyên viên ở ban quản lý đầu tư của Tập đoàn T&T. Hơn 1,5 năm sau thì tôi mới được tiếp quản vị trí cao nhất ở Hà Nội FC.

Ở T&T, công việc của tôi là phân tích, thẩm định, đánh giá về các cơ hội đầu tư, M&A tài chính, đầu tư bất động sản. Thật ra ban đầu đó cũng là trải nghiệm khá là bỡ ngỡ vì sau khi học xong, về làm việc tại doanh nghiệp thì tôi cũng giống như các bạn đồng trang lứa khác thôi, đi làm phải tuân thủ hết các quy định khắt khe mà lúc đi học chưa được tiếp cận. Nhưng tôi cũng may mắn là thời gian đầu ấy thì được mọi người coi là em út, cùng nhau giúp tôi hòa nhập, chỉ dẫn cho tôi những kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống. Quãng thời gian đó thực sự giúp tôi trưởng thành.

Có khi nào anh cảm thấy mọi người không cởi mở hết với mình chỉ vì mình là thiếu gia nhà Chủ tịch Đỗ Quang Hiển?

- Thật ra tôi cũng chẳng biết mọi người đánh giá thế nào. Nhưng tôi thấy mình cũng như một thực tập viên thôi mà, cũng có những khó khăn, vướng mắc nhất định trong khâu hòa nhập. Tôi cũng không biết mọi người nghĩ gì đâu, chỉ xác định là thôi thì mình cầu thị, làm sao để hòa nhập nhanh nhất và xác định luôn là những người đi trước có rất nhiều kinh nghiệm trong công việc, làm sao mình tương tác, chủ động để giúp cho công việc trôi cũng như tích lũy được thêm các kinh nghiệm vì sự nghiệp của mình còn rất là dài.

Khi mình xác định là một chuyên viên của tập đoàn thì hoàn toàn chẳng có bất cứ sự ưu ái nào cả. Nếu có sai sót nào đó trong công việc, chắc chắn vẫn phải chấp nhận lắng nghe lời khuyên răn có phần nóng nảy từ người đi trước, anh chị cấp trên.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 15

Nếu chỉ vì đam mê thì hình như hơi lạ khi mà Quang đang làm ở ban đầu tư, mảng việc khá gần với ngành học, thì lại chuyển sang CLB?

- 2020 là năm may mắn của tôi khi được các anh, các chú động viên, định hướng cũng như là chỉ định đảm nhận Chủ tịch CLB. Đối với tôi, việc được làm công việc gắn với đam mê là ước mơ từ nhỏ, may mắn quá giờ lại thành hiện thực. CLB quy tụ toàn ngôi sao, chắc chắn áp lực, nhưng tôi lại rất hứng thú. Vì tôi xác định luôn là chủ tịch một tổ chức thì kiểu gì cũng có áp lực. Đặc biệt, việc kế thừa cũng như phát huy những giá trị cốt lõi của những bậc cha chú đi trước lại càng gây nên những áp lực lớn hơn. Tuy nhiên, với sự động viên, hướng dẫn của các anh chị đi trước thì tôi đã tự tin, sẵn sàng đảm nhiệm vai trò đó, sau một thời gian được tôi luyện tại ban quản lý đầu tư của T&T.

Hỏi thật là anh có lobby các bác các chú bên CLB không vì rõ ràng để một 9X đảm nhiệm Chủ tịch CLB thì cũng khá là táo bạo?

- Tôi không đủ điều kiện mà lobby về vật chất đâu (cười). Nhưng chắc sau quãng thời gian trước đây gắn bó cùng CLB, trải qua nhiều bài học, kỷ niệm đẹp với CLB từ năm 2006, khi CLB được thành lập, thì cũng được đánh giá. Thật ra, mỗi khi CLB có trận thi đấu thăng hạng thì tôi đều xuất hiện cùng với gia đình. Chắc các anh, các bậc cha chú cũng nhìn thấy gì đó trong tôi và thật ra tôi cũng có lợi thế là hiểu rất rõ CLB. Nhưng điểm yếu của tôi lại là kinh nghiệm, thì thật ra cũng được các bậc cha chú động viên, hướng dẫn để làm sao trong quá trình công tác thì họ luôn đồng hành. Đó cũng là lý do mà tôi chia sẻ tôi tự tin dám nhận vị trí này với lời cam kết sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khi đó, "bầu" Hiển nói gì?

- Rất khó để thuyết phục được bố tôi vì bố khá kỹ tính. Ông cũng phải đánh giá một cách sâu sắc xem con trai đã đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để đảm nhiệm vị trí quan trọng như thế tại CLB hay chưa. Với sự động viên, hỗ trợ từ các bậc cha chú đi trước thì tôi cũng có thêm động lực cũng như có cơ sở để tạo dựng được niềm tin, thuyết phục được bố tôi để được chính thức đảm nhiệm vị trí trên.

Nói chung là bố tôi cũng có đánh giá xuyên suốt, có thể từ khi tôi còn đi học đến khi tiếp nhận vị trí chuyên viên ban đầu tư. Kể cả suốt quá trình này thì tôi vẫn luôn đồng hành với các hoạt động của CLB. Hay trong các trận quan trọng tôi cũng đưa ra những đánh giá cá nhân, góp ý để làm sao những người đi trước có thể tổng hợp, có thêm góc nhìn khác. Nói thật coi như lúc đó tôi là một cổ động viên nhiệt thành nên tôi cũng có đánh giá tổng thể, mong muốn CLB phát triển.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 16

Và Chủ tịch 25 tuổi làm việc với các cầu thủ như thế nào khi mà mỗi người lại có một cá tính và đội cũng có nhiều ngôi sao?

- Đối với tôi thì đó thực sự là thách thức. Đội hình quy tụ toàn cầu thủ ngôi sao hàng đầu Việt Nam. Dù thế, lợi thế với tôi là các bạn ấy cũng đa phần còn rất trẻ, có thể nói là cùng thế hệ với mình. Thiếu sót với tôi khi là Chủ tịch CLB thì là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm trong lĩnh vực bóng đá mà những bậc cha chú đi trước đã có. Nhưng cái đó thì mình hoàn toàn có thể học hỏi, trau dồi từ chính người đi trước mà, đúng không? Còn điểm mạnh của mình lại là nhiệt huyết, cộng với những kinh nghiệm từ trên ghế nhà trường, đam mê rồi tìm tòi, tìm hiểu, được tiếp xúc với những nền bóng đá hàng đầu thế giới. Nên tôi có thể tự tin kết hợp với các tài năng xuất sắc trong tập thể cũng như tất cả chúng ta cùng nhìn một hướng thì chắc chắn toàn thể đội bóng sẽ đi đến đỉnh vinh quang.

Trước khi về làm Chủ tịch CLB thì tôi cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc gần gũi với các cầu thủ cũng như tham gia các buổi liên hoan với đội bóng. Tất cả đều coi nhau như một gia đình. Vì thế mà khi tôi tiếp quản thì đó là cơ hội, tôi cũng không mất nhiều thời gian để làm quen, thích nghi với những cá nhân xuất sắc đó. Người hơn tôi 1-2 tuổi thì coi tôi là em, còn ít hơn thì coi tôi là anh. Dù thế, công việc là công việc, còn ngoài công việc thì là anh em, là gia đình.

Nhưng cầu thủ toàn ngôi sao, mà lại cá tính. Chắc hắn cũng có tình huống quan điểm khác biệt?

- Chắc chắn rồi. Trong môi trường công việc thì kiểu gì cũng xảy ra chuyện này chuyện kia. Nhưng tôi nghĩ việc quan trọng nhất của mình là hài hòa lợi ích các bộ phận, cá nhân trong đội bóng cũng như thành viên trong CLB. Khi thi đấu tốt, có kết quả, chúng ta mới hoàn thành mục tiêu. Còn nếu như không hoàn thành mục tiêu thì chắc chắn sẽ có mâu thuẫn phát sinh. May mắn với tôi là từ trước đến giờ thì các bạn, thành viên trong CLB đều thấu hiểu nhau, đặt lợi ích chung của đội bóng lên hàng đầu. Vì vậy, việc nhỏ dễ xảy ra nhưng cũng dễ xử lý vì môi trường khá đoàn kết. Còn việc lớn thì ít khi xảy ra lắm. Đó cũng là may mắn với tôi.

Tôi ưu tiên việc tất cả cùng nhìn về một hướng. Nếu như mọi người cùng nhìn về một hướng thì cái tôi cá nhân sẽ được dẹp sang một bên và tất cả sẽ cùng đưa ra cái chung để cả tập thể đạt được mục tiêu cao nhất đề ra. Tôi luôn duy trì giám sát việc đó định kỳ, thậm chí là hàng tuần, hàng tháng để làm sao tất cả phải cùng nhau trên một đường ray và khi đó đoàn tàu với các khớp nối luôn thống nhất, đi đúng hướng.

Cầu thủ và thành viên CLB luôn mang tinh thần tự giác nhưng đâu đó cũng có sự việc phát sinh, có khó khăn thì lúc đó tôi quan niệm là cần định hướng đồng nghiệp làm sao để đồng hành với các cầu thủ. Mình chia sẻ khó khăn hàng ngày, hàng giờ để các cầu thủ cảm thấy lãnh đạo CLB có thể chia sẻ được, để các cầu thủ xa gia đình từ nhỏ cảm thấy yên tâm, toàn tâm toàn ý cống hiến cho CLB, đó mới là quan trọng. Không khí gia đình rất quan trọng.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 18

Hà Nội FC luôn có thành tích rất tốt, nhưng nếu tôi không nhầm thì 2020 - năm anh được bổ nhiệm làm Chủ tịch CLB - thì CLB lại không vô địch V. League. Cảm xúc của anh?

- Đáng tiếc là năm đầu tiên tôi được tham gia môi trường bóng đá đỉnh cao của Việt Nam thì Hà Nội FC không thể đạt được chức vô địch. Tuy nhiên, năm đầu tiên đó thì CLB cũng giành được siêu cúp quốc gia mà. Tôi đánh giá đó vẫn là mùa giải chấp nhận được bởi thất bại tại đấu trường V. League giúp cho tôi cũng như toàn CLB nhìn nhận lại những thiếu sót, những cái mà mình chưa làm được để mình có thể trau dồi, hoàn thiện hơn, sẵn sàng cho những mùa sắp tới.

Khi đó, các thành viên, lãnh đạo CLB nói gì?

- Thật ra thì xuyên suốt lịch sử hình thành CLB, thành tích luôn phải đặt lên hàng đầu và đó là vô địch. Nhưng cũng có một vài năm CLB không thể hoàn thành. Tôi cũng được các bậc cha chú chia sẻ, động viên, định hướng để làm sao khâu chuẩn bị tốt hơn. Mỗi khi mình nhận thất bại thì mình phải nhìn nhận, đánh giá từ góc cạnh nào đó để giúp cho tập thể đội bóng đi lên, hướng đến những mùa giải sắp tới thành công nhất.

Đó là bài học lớn để CLB và cá nhân phải trau dồi, hoàn thiện các vận hành đội bóng. Vì môi trường bóng đá cạnh tranh rất khốc liệt, khi chúng ta không tự hoàn thiện cũng như thay đổi mình hàng năm thì chúng ta sẽ không theo được guồng cạnh tranh đó. Vì thế mà tôi quan niệm mỗi một thất bại là một bài học chứ đó không phải là thất bại cá nhân.

Đó là thành tích, còn ở bề sâu, việc kinh doanh bóng đá từ khi anh thành Chủ tịch CLB như thế nào?

- Như chị biết, để đội bóng có thể duy trì được nguồn ngân sách bền vững, ổn định thì phải có các kênh quảng cáo, thương mại. Rất tiếc là bóng đá Việt Nam bây giờ, việc kinh doanh quảng cáo thể thao chuyên nghiệp chưa được chú trọng. Đó là lý do mà các CLB bóng đá ở V. League luôn gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý cũng như huy động nguồn ngấn sách hoạt động. Khi về làm Chủ tịch CLB thì tôi đặt mục tiêu cũng phải dần đa dạng hóa các kênh quảng cáo thương mại để làm sao huy động được nhiều nguồn tài trợ. Chính những nguồn ngân sách đó là động lực, cơ hội để đội bóng có thể cụ thể hóa mục tiêu cũng như CLB vận hành trơn tru, lâu dài, bền vững?

KPI cụ thể anh đặt ra là gì?

- Thật ra về mảng kinh doanh thì khó mà để xác định được một KPI cụ thể vì là một lĩnh vực mà bóng đá Việt Nam chưa thực sự tập trung phát triển. Vì thế chúng tôi xác định mình vừa đi vừa học hỏi những mô hình bóng đá hàng đầu thế giới để áp dụng cho CLB những cái phù hợp nhất. Lúc đó thì mới đánh giá được có thành công không?

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 21

Vậy đã lượng hóa được kết quả chưa?

- Thật ra cần có lộ trình. Để lượng hóa được thực sự cần thời gian cũng như là muốn có một nền bóng đá mạnh, một CLB mạnh thì cần sự chung tay của tất cả các CLB tham gia giải quốc gia chứ không chỉ mình CLB của mình.

Làm sao để anh thuyết phục được thế hệ cũ để có những thay đổi lớn như thuê HLV ngoại, mời đội tuyển nổi tiếng… vì thông thường tư duy của hai thế hệ sẽ khá khác nhau?

- Khi được chính thức đảm nhiệm vị trí chủ tịch CLB thì tôi cũng xác định được mục tiêu là đưa CLB tiệm cận với chất lượng của các nước hàng đầu châu lục. Tôi lập các kế hoạch để chứng minh sự khả thi của những mục tiêu đó bằng các giải pháp cụ thể, và ngay lập tức toàn đội xác định mục tiêu chung là khi tất cả cùng làm việc một cách chuyên nghiệp, cùng có một khát khao. Rồi qua thời gian thì bản kế hoạch cùng tiến độ được đưa ra để tất cả cùng nhau nhìn về một hướng. Thuyết phục được các nhà tài trợ, trong đó có Chủ tịch HĐQT T&T cần phải chuẩn bị rất vất vả. Nhưng may mắn là các lãnh đạo đã chấp nhận bản kế hoạch, động viên từ vị trí cao nhất đến các vị trí bên dưới làm sao để đạt được mục tiêu sớm nhất có thể.

Nếu anh không phải con "bầu" Hiển, có khi nào không được thông qua?

- Thật ra tôi nghĩ ai trong vị trí này cũng sẽ đặt ra mục tiêu cao nhất thôi. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu. Để đạt được thì phải vạch ra định hướng có lộ trình. Người khác ra sao tôi không rõ, nhưng tôi quan niệm trách nhiệm đó thuộc về mình, mình luôn đặt áp lực cho mình để đưa đội bóng từng bước đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất chứ không thể nói đạt được mà lại không có sự chuẩn bị nào.

Vậy kinh doanh bóng đá, theo anh, dễ hay khó?

- Kinh doanh bóng đá có đặc thù. Trong môi trường bóng đá Việt Nam còn chưa chú trọng như bây giờ thì càng khó khăn hơn. Tuy vậy, xu thế tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp và điều cốt lõi chính là kinh doanh. Khi tất cả các CLB đều nhận ra điều quan trọng đó thì hy vọng chúng ta sẽ chung tay, các CLB sẽ cùng nhau ngồi lại để vạch ra những định hướng. Nếu như cùng nhau tạo ra môi trường bóng đá bền vững, phát triển thì chắc chắn trong thời gian tới, kinh doanh thể thao sẽ có nhiều tiềm năng.

Với tất cả mô hình bóng đá trên thế giới, việc kinh doanh phải đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến các nền kinh tế. Kinh doanh bao gồm bán vé, bán sản phẩm lưu niệm của đội bóng, nguồn tài trợ, quảng cáo của các nhãn hàng lớn.

Và mốc cụ thể anh đặt ra cho chiến lược kinh doanh bóng đá của mình thế nào?

- Để đặt một mục tiêu cụ thể, chi tiết là khó. Tuy nhiên, tôi xác định mỗi năm sẽ thu hẹp dần khoảng cách giữa tiền mình chi ra và tiền mình thu lại được. Hy vọng là thời gian đó khoảng 3-5 năm và để cụ thể được việc đó thì mỗi năm, các bộ phận đặc biệt là bộ phận kinh doanh của CLB sẽ làm việc rất vất vả và phải học hỏi hàng ngày, hàng giờ với những mô hình hàng đầu thế giới để từ đó áp dụng những bài học và giải pháp phù hợp với bóng đá Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều lĩnh vực, với bóng đá thì sao?

- Bóng đá là môn bị ảnh hưởng rất mạnh xuyên suốt 4 đợt dịch. Tất cả hoạt động bóng đá hiện phải dừng lại. Với tôi thì Covid-19 không chỉ ảnh hưởng ở góc độ thể thao chuyên môn mà còn ảnh hưởng đến nhiều về nguồn ngân sách hoạt động của các CLB, Khi kinh tế bị ảnh hưởng, nguồn thu từ doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, khi các đội bóng phải tiết giảm chi phí, nguồn ngân sách hoạt động thì sẽ khó để tự chủ, vận hành vượt qua đại dịch.

Còn tinh thần các cầu thủ trong đại dịch?

- Chắc chắn hoạt động thể thao bị dừng lại thì các cầu thủ chuyên nghiệp sẽ cảm thấy khó khăn hơn trong việc duy trì nền tảng thể lực cũng như cảm giác bóng. Nên cầu thủ không chỉ bị tác động tâm lý mà là phong độ, cảm giác bóng vì sau khi đại dịch qua đi thì kỹ năng, cảm giác bóng rất khó để lấy lại.

Thu nhập của họ có bị tác động?

- Hoạt động thể thao mà bị dừng lại, giải bóng bị trì hoãn thì các cầu thủ cũng sẽ mất đi một nguồn thu nhập lớn là các khoản thưởng. Còn lương cố định thì các cầu thủ cũng sẵn sàng chung tay đóng góp, tự động giảm một phần nhỏ để hỗ trợ doanh nghiệp, CLB, dù chẳng ai đưa ra mức cụ thể cả.

Thật ra mỗi ngành nghề sẽ có đặc thù. Tôi rất vui vì các thành viên trong CLB tự giác nhận thức được khó khăn của nhà tài trợ để cùng chung tay tiết giảm được một khoản dù nhỏ nhưng cũng rất phù hợp với tình hình hiện tại.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 22

Cầu thủ, đặc biệt những cầu thủ nổi tiếng, là thần tượng của giới trẻ. Nhưng thế giới giờ phẳng lắm, bất cứ hành động gì hoặc sự cố gì của họ trong cuộc sống cũng có thể tác động đến hình ảnh về thần tượng. Góc nhìn của anh thế nào?

- Tôi thấy quan điểm đó không sai. Tuy nhiên, khi các cầu thủ được coi là những người hùng quốc gia thì họ phải mang trong mình trọng trách, gánh nặng để làm sao xứng đáng với niềm kỳ vọng, hy vọng của thế hệ trẻ vì hầu như giới trẻ bây giờ đều coi thế hệ cầu thủ bây giờ là tấm gương để học hỏi. May mắn là các cá nhân trong CLB đều được rèn luyện trong môi trường rất bài bản, được định hình rõ về định hướng lâu dài.

Khi được tham gia môi trường bóng đá chuyên nghiệp thì các bạn cũng được trang bị đầy đủ nguồn kiến thức, học hành nên nói thật là đến giờ tôi rất vui khi mà thành tích thi đấu tốt, các bạn được các nước quan tâm nhưng lại cư xử khá chừng mực, ghi nhận tình cảm từ người hâm mộ để luôn luôn hoàn thiện bản thân mình hơn nữa, cho xứng đáng với hình ảnh là tấm gương của thế hệ trẻ noi theo để làm sao thế hệ trẻ đi đúng hướng. Họ cũng luôn đánh giá được những điều tích cực từ những cá nhân tích cực đó.

Những bí mật lần đầu hé lộ về Chủ tịch Hà Nội FC, con thứ hai bầu Hiển - 23

Những bí mật thú vị về đời thường của Chủ tịch 9X của Hà Nội FC