DMagazine

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về "an toàn"

(Dân trí) - Theo TS Hồ Quốc Tuấn, khi TPHCM mở lại hoạt động sản xuất, ai an toàn có thể tham gia, quan trọng là người đó đã tiêm vắc xin hay chưa, từng nhiễm bệnh không, không phải ở "vùng đỏ" hay "vùng xanh".

TPHCM nên mở lại hoạt động sản xuất trên toàn thành phố. Ai an toàn có thể tham gia. Quan trọng là người đó đã tiêm vắc xin hay chưa, từng nhiễm bệnh không, xét nghiệm âm tính hay không, không phải ở "vùng đỏ" hay "vùng xanh".

Từ Anh, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp của Đại học Bristol, nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của việc khôi phục ngay hoạt động sản xuất khi TPHCM lên kế hoạch mở cửa trở lại. TS Tuấn nhấn mạnh không chỉ mở cửa, TPHCM cần giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất lâu dài thay vì nguy cơ mở rồi lại đóng. 

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 1

TPHCM đã bắt đầu lên kế hoạch để sống chung với virus SARS-Cov-2. Theo ông, việc mở cửa lần này cần lưu ý những gì? 

- Nhiều người đang đánh đồng giữa việc mở cửa và bỏ giãn cách. Thực chất, khi mở cửa, cần khôi phục hoạt động sản xuất trước tiên. Nếu số ca mắc Covid-19 vẫn nằm trong ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế, chúng ta có thể tiếp tục mở lại những hoạt động dịch vụ, bắt đầu từ những hoạt động chủ yếu là mua sắm mang đi, ít tiếp xúc trực tiếp. 

TPHCM phải mở lại hoạt động sản xuất ngay. Chuỗi cung ứng đứt gãy nếu đóng cửa quá lâu thì chúng ta sẽ mất đơn hàng. Ngay những sản phẩm Việt Nam nhập khẩu về cũng sẽ tăng giá mạnh do khó khăn về việc vận chuyển khiến chi phí đội lên. 

Hơn nữa, khi Việt Nam bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chúng ta cũng gián tiếp làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu trục trặc, tăng chi phí ở nước khác, và rồi lại buộc phải nhập thành phẩm với giá cao hơn. Mở lại sản xuất là cách chúng ta tự giúp mình và giúp cả thế giới.

TPHCM còn một điểm khó là có nền kinh tế vỉa hè, kinh tế phi chính thức rất lớn. Khu vực đó cũng đang rất khó khăn. TPHCM cũng cần mở cửa dần dần ngành dịch vụ.

Trong những kiến nghị gần đây, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như AmCham, EuroCham, Kocham đang cần một lộ trình mở cửa cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời chi tiết. Chúng ta muốn mở lại sản xuất kèm với an toàn nhưng như thế nào mới là an toàn thì chưa rõ ràng. Việc thực thi chính sách vẫn còn cách xa so với quan điểm chung.

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 3

Vậy TPHCM nói riêng và Việt Nam sẽ cần những tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn như thế nào về sự an toàn để tự tin sống chung với virus?

- Chúng ta cần cách tiếp cận mới với dịch bệnh, áp dụng cho thành phố chứ không chỉ cho một vài khu vực nhỏ. Nếu một vùng xuất hiện dịch nhưng toàn thành phố còn có thể chống đỡ được, không nên đóng cửa toàn bộ, chỉ khống chế khu vực nào cần thiết. Nếu đóng cửa, phong tỏa cũng không thể kéo dài.

TPHCM sẽ cần một bộ tiêu chí an toàn để doanh nghiệp có thể hoạt động được trong thời gian dài. Nếu để họ mở cửa ra một vài tuần rồi phải đóng cửa lại, tổn thất sẽ càng lớn.

Bộ tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh hiện tại của Bộ Y tế đang có vẻ đi theo hướng dẫn của WHO. Tuy nhiên, lấy ví dụ ở Anh, các tiêu chí về mức độ dịch bệnh đơn giản hơn nhiều, không nhất thiết phải theo WHO.

Nước Anh dựa vào các chỉ số như có bao nhiêu giường bệnh, tỷ lệ sử dụng giường bệnh, hệ số lây lan R, tốc độ tăng số ca bệnh phải sử dụng ICU, tốc độ tăng số ca tử vong trong tuần để áp dụng các kịch bản cụ thể.

Khi các tiêu chí nằm trong ngưỡng báo động tương ứng được xếp hạng 1-2-3-4, và công khai, dễ kiểm tra, doanh nghiệp, người dân sẽ có thể dự đoán những chính sách sắp tới và biết mình phải làm gì để chuẩn bị. Ví dụ khi các tiêu chí của mức báo động 3 đều gần kịch trần, doanh nghiệp dự đoán được chính phủ sẽ nâng kiểm soát dịch lên mức 4, và những biện pháp tiếp theo sẽ là gì. 

Tuy nhiên, dù dịch bệnh đang ở ngưỡng nào, nước Anh vẫn duy trì sản xuất. Họ hiểu nếu sản xuất đình đốn, đất nước sẽ khó khăn và chống dịch cũng cần tiền. 

Trong hầu hết các mức báo động, chính phủ Anh vẫn cố gắng để hoạt động của nền kinh tế ít bị gián đoạn nhất, ngoại trừ khu vực giải trí tập trung đông người, nhà hàng, dịch vụ ăn uống tại chỗ. Hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống qua mạng và mua mang về vẫn luôn được duy trì. 

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 5

Bài học từ nhiều nước trên thế giới cho thấy mở cửa đồng nghĩa với rủi ro số ca mắc Covid-19 sẽ tăng trở lại. TPHCM cần chuẩn bị gì để sẵn sàng cho tình huống trên khi mở cửa lại kinh tế?

- Với nhiều quốc gia, chiến lược hiện nay là giảm số người nhập viện, trở nặng đến mức thấp nhất để hạ tỷ lệ tử vong. Đây mới là mục tiêu tối thượng. 

Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định tiêm chủng vắc xin Covid-19 đầy đủ giảm mạnh tỷ lệ tử vong. Khi tỷ lệ người dân TPHCM được tiêm vắc xin đã ở mức cao, thành phố cần tự tin có thể khống chế được tỷ lệ tử vong ở mức thấp dù có nhiều ca Covid-19. 

Ngoài ra, Anh còn có một bài học về áp dụng chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth) ngay từ trước khi có vắc xin. Khi áp dụng telehealth, tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt khi nhiều người, đặc biệt nhóm rủi ro như người già, có bệnh nền được chăm sóc y tế từ xa kịp thời.

Khi mở cửa sản xuất trở lại, có thể sẽ có những ca nhiễm mới trong nhà máy. Do đó, cần có giải pháp để công nhân tự tin làm việc. Ví dụ, nếu trước cửa nhà máy, khu công nghiệp có sẵn trạm y tế có thể chăm sóc tại chỗ, công nhân sẽ bớt lo lắng nếu không may mắc Covid-19. 

Khi hệ thống y tế quá tải, số ca tử vong sẽ tăng. Vì vậy, cần nhìn nhận Covid-19 là một vấn đề y tế và giải pháp căn cơ là Chính phủ cần tăng nguồn lực chi cho y tế nhiều hơn nữa. Tỷ trọng chi ngân sách cho y tế của chúng ta hiện vẫn thấp.

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 7

TPHCM đã giãn cách qua nhiều cấp độ suốt gần 4 tháng từ ngày 31/5 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Theo ông, TPHCM nên mở cửa kinh tế theo lộ trình thế nào?

- Sản xuất là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế nên cần mở cửa ngay. Nếu không mở sản xuất, chúng ta sẽ mất đơn hàng cho mùa đông tới. Khi các nhà nhập khẩu ký hợp đồng với đối tác mới, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất đơn hàng vài tháng mà có thể lên đến vài năm vì khi người ta đã quen với đối tác mới thì sẽ có khả năng không quay trở lại. 

Hiện tại các thị trường châu Âu, Mỹ đều đang thiếu hàng hóa. Cũng có thể họ sẽ quay lại đặt hàng các nhà sản xuất ở Việt Nam trong tương lai nhưng không có gì để chắc chắn vào kịch bản này.

Khi sản xuất trở lại, việc duy trì phân loại quận, huyện "vùng xanh", "vùng đỏ" theo số lượng ca nhiễm có thể khiến doanh nghiệp khó ổn định sản xuất. Vì một quận có thể chuyển từ xanh sang đỏ rất nhanh. Khi quận, huyện trở thành vùng đỏ, doanh nghiệp vừa mở vài ngày nếu lại phải đóng sẽ càng khó khăn. Họ cần sự ổn định lâu dài để sản xuất.

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 8

Một thực trạng khác có thể dự báo trước là tình trạng thiếu lao động khi sản xuất trở lại. Ở Anh, nhiều ngành đến nay vẫn thiếu lao động trầm trọng sau vài tháng mở cửa. Tại Việt Nam, có thể nhìn thấy câu chuyện này qua tin tức các địa phương đón người từ TPHCM về nhiều tháng qua. Khác với TPHCM, nhiều tỉnh chưa có tỷ lệ tiêm chủng cao. Cần nhìn thấy trước vấn đề nếu muốn đưa các công nhân từ tỉnh trở lại TPHCM sản xuất để xác định giải pháp phù hợp.

Còn ngay tại TPHCM, không phải người lao động nào cũng ở gần nhà máy. Nếu nhà máy ở vùng xanh, công nhân ở vùng đỏ, họ có được di chuyển đến nơi làm việc hay không?

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 10

Vậy theo ông, cần cách tiếp cận quản lý ra sao để doanh nghiệp có thể sản xuất ổn định mà vẫn hạn chế rủi ro lây nhiễm?

- TPHCM nên để mở lại hoạt động sản xuất trên toàn thành phố. Ai an toàn có thể tham gia sản xuất. Quan trọng là người đó đã tiêm vắc xin hay chưa, có từng nhiễm bệnh không, xét nghiệm âm tính hay không chứ không phải ở "vùng đỏ" hay "vùng xanh". 

Ở Anh, có những câu chuyện cho thấy trong một số khu sản xuất, văn phòng, tình trạng lây lan Covid-19 được phát hiện không nhiều như lây nhiễm ở gia đình. Có những doanh nghiệp nhận thấy tỷ lệ người đi làm mắc Covid-19 lại thấp nhưng tỷ lệ những người làm việc ở nhà nhiễm lại cao hơn. 

Kết quả của nhóm nghiên cứu lây nhiễm của chính phủ Anh cho thấy tỷ lệ lây nhiễm phụ thuộc vào nhiều yếu tố của đặc tính nghề nghiệp và nơi làm việc, chứ không phải đơn giản là cứ đi làm là lây nhiễm. Với một số người dân phải sống ở nơi chật hẹp, sinh hoạt ở gia đình có thể còn có nhiều rủi ro lây nhiễm hơn trong doanh nghiệp vì bản thân doanh nghiệp kiểm soát quy trình rất chặt chẽ.

Nói vậy để thấy cần có sự phân loại các rủi ro của từng ngành nghề mà có phương án khôi phục sản xuất phù hợp. TPHCM cần ngồi lại với các doanh nghiệp để tính toán phương án tổ chức sản xuất trở lại vì không ai hiểu họ cần gì nhất bằng chính họ. Chúng ta không nên tìm cách kiểm soát ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quá chặt mà thay vào đó tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ y tế như thực hiện các tổ y tế cộng đồng, cũng như khuyến nghị giữ các qui định 5K. 

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 12

TPHCM cần tiếp tục duy trì các biện pháp y tế công cộng sau khi mở cửa trở lại nhưng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất (Ảnh: Hữu Khoa, Tiến Tuấn).

Ngoài ra, không nên đặt ra các tiêu chí khiến chi phí tăng lên quá cao, không thực hiện được. Chúng ta cần doanh nghiệp quay lại sản xuất được chứ không phải đánh đố họ với một đầu bài là sản xuất trong điều kiện phải chấp nhận quá nhiều giới hạn và quá tốn kém chi phí đến mức họ bỏ cuộc, không sản xuất nữa.

Hiện nay, khi đọc qua một vài dự thảo, tôi nhận thấy phương án sản xuất của doanh nghiệp cần được cơ quan chức năng thông qua mới được sản xuất lại. Nhưng thực tế, họ có thể lên kế hoạch nhưng lại không thực hiện đúng theo như vậy. Còn các cơ quan lại chịu áp lực duyệt quá nhiều hồ sơ. Thay vì tiền kiểm, các cơ quan có thể chuyển sang hậu kiểm nhiều hơn.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhiều tháng qua là lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Vậy làm sao để giải quyết bài toán này khi TPHCM mở cửa trở lại?

- Không phải các tỉnh không tính đến thiệt hại nếu không thể lưu thông hàng hóa, nguyên liệu. Rõ ràng ai cũng nhìn thấy tình trạng người nông dân không bán được hàng, phải đổ bỏ.

Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đều đã quán triệt không được làm khó việc lưu thông hàng hóa. Các doanh nghiệp FDI cũng đã khẳng định một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là lưu thông hàng hóa phải dễ dàng.

Nhưng rõ ràng nhiều tỉnh vẫn đặt ra các quy định gây khó khăn cho lưu thông. Có thể họ sợ số ca nhiễm trên địa bàn tăng. Nếu không thể đả thông tư tưởng của các địa phương, sẽ vẫn còn có những tỉnh đóng cửa để dịch không lan tới. 

Một trong những giải pháp hiện nay là đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng tại các địa phương. Trong khi chờ bao phủ vắc xin, các tỉnh tự xác định hoạt động nào có thể gây rủi ro cao nhất, còn lại phải tạo ra luồng xanh thống nhất để nguyên vật liệu lưu thông dễ dàng, đi vào sản xuất. Tư duy sợ số ca bệnh tăng cần phải được thay thế bằng tỷ lệ tử vong trong tầm kiểm soát chấp nhận được. 

Không phải cứ dương tính là bệnh nặng và không phải cứ bệnh nặng là tử vong. Rủi ro tăng tử vong là có, nhưng rủi ro do đứng yên, không làm kinh tế còn đáng sợ hơn khi ngân sách cho chống dịch đang khó khăn. Không khôi phục kinh tế thì sẽ sớm thiếu tiền chống dịch.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm vấn đề ùn tắc tại các cảng. Đây đang là nút thắt của cả thế giới. Để tháo gỡ vấn đề này, không có cách nào tốt hơn là lắng nghe giải pháp của chính các doanh nghiệp logistics. Chính họ là những người đang làm hàng ngày, hiểu được điểm nghẽn nằm ở đâu, quy định nào không cần thiết. 

Thực tế, đã có nhiều quy định khi triển khai không hiệu quả. Tại sao không để chính những doanh nghiệp, người trong cuộc trực tiếp đề xuất ý kiến? Nếu cảm thấy hợp lý, chính quyền có thể áp dụng thử nghiệm, đánh giá rồi nhân rộng. Các chính sách cần xuất phát từ chính cơ sở, doanh nghiệp thay vì đặt ra một khung tổng thể rồi cố áp vào thực tiễn.

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 13

Một trong những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp được nhắc đến nhiều là giảm lãi suất. Nhưng theo ông, cần tập trung vào sự hỗ trợ về khía cạnh nào nữa?

- Chính sách tiền tệ cũng có sự giới hạn. Nếu ngân hàng không được nhận nguồn vốn giá rẻ, họ cũng không thể giảm lãi suất. Các ngân hàng Việt Nam đang được hỗ trợ bởi các thông tư mới liên quan đến tái cơ cấu nợ. Bản chất của việc này là dùng lợi nhuận tương lai trích lập cho phần nợ xấu hiện tại.  

Ở một số nước, tiền ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hoặc không tính lãi trong giai đoạn phong tỏa cũng thuộc ngân sách rót xuống. Ngân hàng chỉ làm giúp nhiệm vụ giải ngân thay cho Nhà nước. 

Nhiều nước đang dùng nguồn lực lớn nhất trong cả thập kỷ để chống dịch. Họ sẽ tăng thuế trong tương lai để bù lại các khoản đã chi ra. Thu ngân sách của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn tăng so với cùng kỳ. Bộ Tài chính vừa công bố số thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm nay, với kết quả đạt gần 75% kế hoạch năm, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần sẵn sàng chi ngân sách mạnh hơn để hỗ trợ nền kinh tế như các nước đã làm.

Nhìn rộng hơn, nếu Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ ngay lúc này để họ có thể "sống" được, sản xuất được thì mới có người nộp thuế. Nếu doanh nghiệp "chết", cũng sẽ không còn người nộp thuế. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp bây giờ chính là cách nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.

Năm trước, Việt Nam đã thành công khi đẩy mạnh "cỗ xe tam mã" tiêu dùng - xuất khẩu - đầu tư công để kích thích kinh tế tăng trưởng sau dịch. Lần này, khi đại dịch ảnh hưởng nặng nề hơn, công thức trên liệu còn đúng?

- Đây vẫn sẽ là ba trụ cột cơ bản nhất khi tái mở cửa nền kinh tế. Sau khi mở cửa lại nền kinh tế, vốn đầu tư của doanh nghiệp sẽ còn dè dặt. Do đó, Nhà nước càng cần đẩy mạnh chi tiêu công, đầu tư công.

Dù nền kinh tế khó khăn, nhiều hoạt động bị giới hạn do giãn cách, nhưng nhu cầu chi tiêu thời gian qua đang bị dồn nén nên nếu được bung ra có thể sẽ bùng lên. Thực tế ở Anh, Mỹ, khi bỏ phong tỏa, mở cửa trở lại, nhu cầu chi tiêu bùng lên rất lớn trong khoảng một tháng đầu tiên rồi sau đó giảm dần. Nhà nước sẽ kéo lại nhu cầu tiêu dùng đó bằng chính sách hỗ trợ. 

Việc Nhà nước đẩy mạnh chi tiêu công sẽ tạo ra vốn mồi để giúp nền kinh tế ổn định hơn, khuyến khích đầu tư nước ngoài và chi tiêu của người dân tăng trở lại, khiến các doanh nghiệp hưởng lợi và họ sẽ mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư tư nhân ra. Ở Việt Nam, một lượng tiền lớn đang tích lũy trong thị trường chứng khoán, có thể chảy ra lại kênh sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế hồi phục. 

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 15

Ông có lạc quan về triển vọng hồi phục của kinh tế TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung khi mở cửa trở lại?

- Các con số của các nước ASEAN đã mở cửa kinh tế trước ta trong tháng 9 cho thấy tín hiệu lạc quan khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Ví dụ một số dự báo kinh tế như tăng trưởng GDP của Thái Lan đã được điều chỉnh từ âm sang dương. 

Hay ở Anh, khi mở cửa, dù vẫn còn đó rủi ro, lo ngại về sự khó khăn, thiếu hụt lao động nhưng kinh tế đã tăng trưởng tốt. Một khi mở cửa trở lại, tâm lý lạc quan sẽ lan tỏa, người dân sẽ chi tiêu, thúc đẩy nền kinh tế. 

Việt Nam đang trong giai đoạn có tỷ lệ dân số vàng, có lợi thế lớn thu hút đầu tư nước ngoài trong ít nhất 4-5 năm nữa. Tôi vẫn lạc quan với triển vọng Việt Nam sẽ phục hồi nhanh khi mở cửa trở lại.

Tất nhiên, TPHCM không thể chỉ sau 2 tháng có thể quay về như trước dịch. Thành phố sẽ cần thời gian, có thể mất 7-9 tháng để khôi phục hoàn toàn lại tiềm lực. Kinh tế của TPHCM có thể sẽ phục hồi nhanh ban đầu rồi chậm lại. Khi đó, cần gói chi ngân sách để kích thích hoạt động kinh tế.

Mở cửa ngay lĩnh vực xương sống của TPHCM và định nghĩa lại về an toàn - 17

Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn nhận, xóa bỏ những chính sách còn đang làm khó doanh nghiệp. Covid-19 là một cuộc khủng hoảng nhưng đừng phí phạm nó. Cái gì đang cản trở kinh tế, hãy loại bỏ luôn để phát triển tốt hơn sau này. Quốc gia nào làm tốt sẽ đi nhanh hơn, còn không làm được sẽ loay hoay.

Chúng ta cần tận dụng cơ hội để xóa bỏ, tháo gỡ những lực cản với nền kinh tế. Doanh nghiệp nào thiếu hiệu quả, thua lỗ triền miên thì không nên giải cứu, vì đó là những cái hố không đáy nuốt mất nguồn lực của quốc gia. Khi đó, chúng ta sẽ phát triển tốt hơn trong tương lai.

Xin cám ơn ông!