(Dân trí) - Giáo sư Trần Nam Bình, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh và Giáo sư Lê Văn Cường chia sẻ quan điểm về chiến lược vắc xin, các biện pháp kích cung lẫn kích cầu và sự chia sẻ gánh nặng của đại dịch...
Tình hình diễn biến Covid-19 tại Việt Nam, nhất là TPHCM, hiện nay rất phức tạp. Rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, kinh tế, xã hội đã và đang đóng góp ý kiến cho công việc phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế tại Việt Nam. Từ quan điểm kinh tế học thuật và chính sách, chúng tôi xin phép có vài nhận xét và đề xuất như sau.
Từ đầu năm 2020 cho đến nay, Covid-19 là vấn đề "nóng" nhất và nghiêm trọng nhất cho toàn thế giới. Trong năm 2020 và mấy tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Về y tế, tỷ lệ người nhiễm Covid-19 thấp (0,01% trên tổng dân số) và số người tử vong cũng rất thấp (55 người, chiếm khoảng 0,56% trong tổng số người nhiễm bệnh).
Về kinh tế, tổng sản lượng quốc nội của Việt Nam tăng 2,9% trong năm 2020, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và trong khi rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế. Thành quả chống Covid-19 của Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế công nhận. Theo Viện Lowy, một cơ quan nghiên cứu chính sách độc lập tại Australia, Việt Nam đứng hạng hai trên thế giới trong việc phòng chống Covid-19 trong lần xếp hạng vào đầu tháng 1.
Vì thế, Chính phủ Việt Nam đã có dự báo lạc quan với mức độ tăng trưởng 6,5% năm 2021. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 cho đến nay, đại dịch Covid-19 đã bùng phát tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Đà Nẵng.
Các biện pháp dập dịch thành công năm 2020 như truy tìm, cách ly, giãn cách xem ra không có hiệu quả cao đối với biến chủng lây lan rất nhanh như Delta.
Chương trình tiêm chủng vắc xin bị chậm trễ, đến nay tỷ lệ số người được chích ngừa vắc xin tương đối thấp (7,5% dân số tiêm một liều và 0,5% dân số tiêm hai liều, theo thống kê ngày 4/8/2021).
Tuy nhiên, sau một số lúng túng ban đầu, nhiều cơ quan ban ngành, nhất là UBND TPHCM, đã bắt đầu thực thi một chương trình tiêm vắc xin tương đối bài bản, phù hợp phần nào với lời khuyên của các chuyên gia y tế. Nói chung, chúng tôi cảm thấy lạc quan cho Việt Nam dù rằng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong 12 tháng sắp tới.
Covid-19 tái khẳng định sự cần thiết và quan trọng của chính quyền trong sinh hoạt quốc gia. Trong bối cảnh đại dịch, chính sách của Nhà nước, ngoài ý nghĩa y tế hay kinh tế còn có chiều kích xã hội. Với tư duy đó, chúng ta có thể nhận thấy một hai vấn đề cần thay đổi trong "mục tiêu kép" hiện nay.
Thứ nhất là "mục tiêu kép" có thể gây ra hiểu nhầm trong người dân. Rất nhiều người, kể các một số chuyên gia kinh tế, xem "mục tiêu kép" như hàm ý đánh đổi giữa y tế (sinh tồn) và kinh tế (sinh kế). Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 chủ yếu tấn công người lớn tuổi, không có vắc xin cho nên chúng ta có thể nói về sự đánh đổi giữa sức khỏe và kinh tế, nhưng đây là quan điểm rất ngắn hạn.
Trong năm 2021, biến chủng Delta tấn công cả người trẻ tuổi, và nhiều loại vắc xin hiệu quả đã được sản xuất. Do đó, hiện nay không có đánh đổi giữa sức khỏe và kinh tế mà chỉ có sức khỏe tốt và phát triển kinh tế khi chống dịch Covid-19 thành công qua biện pháp tiêm chủng vắc xin hữu hiệu.
Thứ hai là sự thiếu rõ ràng và cập nhật trong các "mục tiêu kép". Ví dụ, mục tiêu phòng chống đại dịch nên cụ thể hóa như thế nào? Có lẽ cách hiểu hợp lý nhất là giảm thiểu các ca bệnh nặng, phải nhập viện và các ca tử vong với mục đích tránh hệ thống y tế bị quá tải. Thứ hai là nhu cầu cập nhật mức độ tăng trưởng kinh tế.
Dựa trên phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam sẽ rất khó mà đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay. Thật ra, Ngân hàng Phát triển châu Á đã điều chỉnh mức tăng trưởng dự báo của Việt Nam xuống 5,8% cho năm 2021. Đây là một ước lượng có thể chấp nhận được, và Chính phủ Việt Nam cũng nên đồng loạt tuyên bố dự báo tăng trưởng mới, thấp hơn 6,5% cho năm 2021.
Nói tóm lại, thay vì quảng bá "mục tiêu kép", Chính phủ nên quảng bá rộng rãi một chiến lược vắc xin quốc gia hợp lý, nhất quán và mạch lạc, theo đúng tinh thần lá thư ngỏ ngày 29/7 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với mục tiêu tăng trưởng mới thấp hơn dự báo năm ngoái, Chính phủ sẽ chứng tỏ quyết tâm trong việc tập trung săn sóc sức khỏe của toàn dân. Thiết kế và quảng bá chính sách như thế sẽ có những tác dụng tích cực về mặt ổn định tâm lý người dân, đến nay đã rất mệt mỏi vì các hậu quả tiêu cực của Covid-19.
Hiện nay, đã có sự đồng thuận giữa các chuyên gia y tế về tiêm chủng vắc xin như là biện pháp hữu hiệu nhất cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Chiến lược tiêm chủng vắc xin phải nhanh, hợp lý và không phí phạm.
Tỷ lệ người dân được tiêm hai liều tăng nhanh không những làm giảm thiểu gánh nặng y tế cộng đồng trong dài hạn mà còn sớm giúp bình thường hóa các hoạt động kinh tế, tiến đến miễn nhiễm cộng đồng nhanh còn giúp tránh việc sản sinh các biến chủng nguy hại mới. Muốn tiêm chủng nhanh cần huy động tất cả tổ chức và nhân viên có khả năng tiêm (ví dụ như các nhà thương tư hay đào tạo thêm y tá).
Tiêm chủng hợp lý đòi hỏi thứ tự ưu tiên đúng theo các đề xuất của các chuyên gia y tế và kinh tế: (i) tuyến đầu, (ii) người lớn tuổi và có bệnh nền, (iii) công nhân sản xuất, tài xế đường xa, người bán chợ đầu mối, shipper, và (iv) những người siêu lây nhiễm hay muốn trở về quê sinh sống. Một lộ trình như thế đòi hỏi nhiều thông tin và điều phối hơn chiến lược vắc xin ngay hiện nay. Để tránh phí phạm, các cơ quan hữu trách cũng cần lưu ý nhiều hơn về điều phối cung cầu ở các cấp bậc quốc gia, tỉnh thành và địa phương.
Ngoài các liều vắc xin đã và sẽ được viện trợ, nếu cần phải mua vắc xin mới, Chính phủ nên chú ý đến các yếu tố như sau: (i) hiệu quả, (ii) giá cả, (iii) chuyên chở, phân phối và bảo quản, (iv) cung cấp nhanh và (v) sự chấp nhận của người dân. Trong danh sách các loại vắc xin đã được tổ chức WHO chấp thuận, có lẽ AstraZeneca thỏa mãn tất cả các yếu tố bên trên tương đối nhiều hơn cả.
Khác với các khủng hoảng trước đây, ví dụ như khủng hoảng tài chính các năm cuối thập niên 1990s hay 2008-2009, Covid-19 tấn công cả tổng cung và tổng cầu cùng một lúc. Phong tỏa, giãn cách thể hiện một cú sốc tiêu cực lớn cho tổng cầu. Đồng thời, chuỗi cung ứng trong một số ngành cũng bị ảnh hưởng xấu, không chỉ vì ngoại thương nói chung giảm đáng kể, mà còn vì trong nước, dẫn đến nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng giá.
Trong bối cảnh đó, các biện pháp kích cung và kích cầu có thể xem là cần thiết và thích hợp. Tuy nhiên có hai vấn đề cần phải đặt ra: thứ nhất, khả năng kích cung cầu của Chính phủ Việt Nam bị giới hạn như thế nào, và thứ nhì, kích cung cầu như thế nào thì có thể xem là hữu hiệu?
Theo các thống kê chính thức, thu ngân sách ước gần 24% GDP và cho đến giữa năm 2021, Chính phủ sử dụng tương đối rất ít ngân sách quốc gia cho các chính sách liên quan đến Covid-19 (so với các nước mới nổi). Có thể Chính phủ muốn dành nguồn lực cho các biện pháp tốn kém hơn trong các năm tháng sắp tới.
Theo sự tính toán của một số chuyên gia kinh tế, Chính phủ Việt Nam có thể sử dụng gói kích cung cầu vào khoảng 5% của GDP cho mỗi năm 2021 và 2022 (ước lượng khoảng 433.000 tỷ đồng mỗi năm) mà không gây ảnh hưởng bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Tuy nợ công sẽ tăng lên trong những năm sau nhưng Chính phủ vẫn có tiềm năng quản lý được, nhất là trong bối cảnh lãi suất quốc tế rất thấp hiện nay. Về góc cạnh vĩ mô, Chính phủ cũng nên lưu ý vấn đề trượt giá, tuy rằng đó không phải là trọng tâm của bài viết này.
Các chi phí công liên quan đến tiêm vắc xin vừa có thể xem là kích cung lẫn kích cầu vì tỷ lệ tiêm vắc xin cao sẽ dẫn đến việc bỏ lệnh phong tỏa và tiếp nối chuỗi cung ứng và giá trị. Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được một số thành quả nhất định trong công việc phòng chống Covid-19, kể cả sản xuất khẩu trang, kit test và ngay cả vắc xin. Hiện Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam đã có những đề án và tiến bộ đáng khích lệ trong việc sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ vắc xin, đây có thể là một cơ hội để Việt Nam có thể đầu tư phát triển ngành này.
Các gói kích cung cầu ngoài ảnh hưởng kinh tế ngắn hay dài hạn, còn có ý nghĩa về ổn định tâm lý người dân. Vì thế, chúng tôi ủng hộ đề xuất của TS Huỳnh Thế Du là Chính phủ có ngay gói ngân sách để cứu trợ cho tất cả hộ gia đình, đặc biệt là các hộ khó khăn, có thu nhập thấp để đảm bảo việc chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu (thức ăn và điện nước) trong khoảng 3 tháng.
Số tiền cứu trợ sẽ tùy theo đầu người trong hộ, và tổng chi phí ước lượng khoảng 2,5% GDP. Vì Việt Nam hiện nay chưa có mạng lưới an sinh xã hội sâu rộng, cho nên gói cứu trợ như vậy có thể xem là cần thiết và hữu hiệu.
Đa số ngân sách dành cho Covid -19 cho đến nay tập trung vào doanh nghiệp, phần lớn dưới dạng hoãn nộp thuế thu nhập, tiêu thụ gia tăng hay tiền thuê đất. Tác động tích cực của các gói hỗ trợ này tương đối nhỏ. Chính sách kích cung cần nhắm đúng đối tượng và theo sát với tình hình của doanh nghiệp hơn.
Cụ thể, Chính phủ cần lưu tâm đến những ngành nghề chịu tác động tiêu cực nhiều nhất như du lịch, vận tải, dệt may, giày dép, bán lẻ và giáo dục và đào tạo. Dựa theo khai báo về doanh thu quý của từng doanh nghiệp trong các lĩnh vực này, Chính phủ có thể đưa ra gói hỗ trợ bằng tiền mặt tùy theo mức độ giảm doanh thu.
Gánh nặng kinh tế của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã và đang được người dân, doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện, Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước bạn chia sẻ.
Về phần Chính phủ Việt Nam, ngoài giảm tiền thuế thu được, còn phải tăng chi phí cho chiến lược vắc xin, các gói hỗ trợ cung và cầu. Điều này sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và tăng nợ công tuy rằng đây là những chính sách thích hợp trong bối cảnh hiện tại như nói bên trên.
Trong dài hạn, để giảm nợ công, Chính phủ sẽ phải kết hợp các biện pháp sau đây: Cổ phần hóa tài sản công hay công ty quốc doanh, giảm chi tiêu hay tăng thu thuế. Như vậy cuối cùng người dân, hôm nay hay ngày mai, sẽ phải gánh chịu các nợ công do bội chi vì đại dịch Covid-19. Đây là vấn đề mà ít người, kể cả các chuyên gia, quan tâm đến.
Để có câu trả lời thích hợp, chúng ta cần quan sát các xu hướng phân phối thu nhập và tài sản trong và ngoài nước. Có nhiều chứng cớ cho thấy trong các thập niên vừa qua, bất bình đẳng thu nhập và tài sản tăng mạnh, nhất là khi kinh tế phát triển chậm.
Nghiên cứu năm 2020 của Viện McKinsey cho thấy đối với các nước đã phát triển từ các năm 1990s đến nay, năng suất lao động tăng 25% trong khi lương công nhân việc chỉ tăng 11% và thu nhập từ vốn của những người giàu nhất tăng hai phần ba (10% những người giàu nhất làm chủ 87% tổng tài sản).
Tại Việt Nam cũng thế. Khoảng cách giữa thành thị và thôn quê, giữa người giàu và người nghèo càng lúc càng tăng. Các nghiên cứu lấy số liệu từ các khảo sát trong nước có xu hướng đánh giá thấp khoảng cách này vì có sự sai biệt giữa thu nhập khai báo và thu nhập thật. Đại dịch Covid-19 càng làm sự bất bình đẳng này rõ nét và xấu đi thêm. Có một số bằng chứng cho thấy phụ nữ, người trẻ tuổi và người ít tài sản ở Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề nhất.
Như vậy, theo nguyên tắc công bình xã hội của chính sách công (mà rất nhiều người đồng ý và ủng hộ), những người có thu nhập hay tài sản cao, phải gánh chịu một tỷ lệ rất cao của gánh nặng chi phí công này. Điều này đòi hỏi một hệ thống thuế và chuyển giao rất lũy tiến, trong đó thuế suất trung bình phải gia tăng đều đặn khi thu nhập tăng lên.
Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, hệ thống thuế, nhất là thuế thu nhập cá nhân, ở Việt Nam chưa làm được việc này. Do đó, sau khi Việt Nam đã vượt qua đại dịch, cải tổ chính sách thuế theo chiều hướng làm tăng công bình xã hội là chuyện cần phải nghĩ tới cho phát triển kinh tế bền vững.
GS Trần Nam Bình - TS Nguyễn Ngọc Anh - GS Lê Văn Cường