(Dân trí) - Quan hệ Việt - Mỹ trong hơn hai thập kỷ đã có những bước tiến dài, vượt trên kỳ vọng. Đến nay, nhìn lại nhiều chuyên gia đã dùng hai chữ "thần kỳ" để đánh giá về quan hệ hai nước.
KINH TẾ VIỆT - MỸ: XUẤT KHẨU TĂNG MẠNH, KỲ VỌNG LỚN TỪ LUỒNG ĐẦU TƯ MỚI
Quan hệ Việt - Mỹ trong hơn hai thập kỷ đã có những bước tiến dài, vượt trên kỳ vọng. Đến nay, nhìn lại nhiều chuyên gia đã dùng hai chữ "thần kỳ" để đánh giá về quan hệ hai nước.
Dân trí đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) để có thêm góc nhìn sâu hơn về mối quan hệ kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua.
- Khi Mỹ có Tổng thống mới, nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng kinh tế Việt - Mỹ sẽ có nhiều cơ hội mới dưới thời Tổng thống Biden. Sau hơn nửa năm trôi qua, ông thấy sao về nhận định này?
Quan hệ Việt - Mỹ trong hơn 25 năm qua phải nói là sự phát triển vượt trên kỳ vọng. Câu chuyện hợp tác hai nước không chỉ dừng lại ở mức độ song phương mà còn mở rộng ra các vấn đề quốc tế.
Còn nhớ, thời điểm gần cuối nhiệm kỳ ông Donald Trump, chúng ta đã lo lắng về việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Tuy nhiên rất mừng, hồi tháng 4 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã khẳng định không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ như đã nêu vào cuối năm 2020.
Ngoài tin vui đó, khi chuyển sang chính quyền ông Joe Biden, thực tế đã có nhiều tín hiệu tốt về thương mại, đầu tư. Đặc biệt riêng trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh. Theo số liệu của hải quan, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD trong nửa năm đầu 2021, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó năm 2020 là 25,7% và 2019 là 27,3%...
Mức tăng trên 40% là rất cao, có thể gọi là kỷ lục nhiều năm nay. Không chỉ thương mại, đầu tư Mỹ vào Việt Nam cũng đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực.
MỘT SỐ LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VIỆT - MỸ
- Một bài báo quốc tế hồi tháng 9/2020 từng nhận định rằng trong vòng 2 thập kỷ qua, không có đối tác thương mại nào của Mỹ phát triển nhanh như Việt Nam - quốc gia đang dần trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Tuy nhiên chúng ta cũng đã từng lo ngại về vấn đề thặng dư thương mại với Mỹ, thao túng tiền tệ… Thời gian tới, chúng ta cần lưu ý các vấn đề này như thế nào?
Nhìn về tổng thể, đặc biệt trong thời gian gần đây có thể ví von rằng Việt Nam đang viết lên một câu chuyện "cổ tích" về xuất khẩu sang Mỹ. Mức tăng mạnh xuất hiện ngay trong thời kỳ Covid-19, trong khi nhiều nước đều ghi nhận giảm.
Thực sự rất ít nước đạt được mức tăng trưởng liên tục cao như vậy. Đây là một dấu ấn quan trọng giữa thương mại hai nước. Tuy nhiên, việc tăng trưởng xuất khẩu cũng sẽ đặt ra vấn đề khác như cân bằng thương mại.
Việt Nam là một trong nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Vấn đề này không phải mới mẻ nhưng cần được lưu tâm trong giai đoạn tới.
Song ở vấn đề này, tôi cho rằng nên chuyển sang thống kê theo phần giá trị gia tăng hơn là thống kê đơn thuần tổng kim ngạch. Phần giá trị gia tăng của Việt Nam, tôi cho rằng không lớn bởi Việt Nam phải nhập nguyên vật liệu rất nhiều, chủ yếu vẫn còn nặng nề về gia công… Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ với phần giá trị gia tăng rất cao.
Thêm nữa, Việt Nam cần hết sức thận trọng. Nếu bị gán mác thao túng tiền tệ, điều này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới các kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật nêu trên, thời gian qua cũng đã có hiện tượng hàng Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ. Vấn đề này cần hết sức lưu ý. Bởi khi bị phát hiện, ngoài áp thuế cao thì cả ngành hàng sản xuất của Việt Nam trong nước cũng liên đới.
KỲ VỌNG QUAN HỆ HAI NƯỚC GẮN KẾT HƠN BỞI FTA
- Chúng ta từng tiếc nuối khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (nay là CPTPP), nhưng chúng ta có thể kỳ vọng việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước lên tầm cao mới?
Hiệp định song phương hay đa phương thì mục tiêu cuối cùng vẫn là thúc đẩy kinh tế. Dù hiệp định chưa được ký kết nhưng tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta đã rất cao. Vấn đề đặt ra chúng ta có nên tiếp tục kỳ vọng một hiệp định song phương giữa hai nước được ký kết?
Tôi cho rằng cần thiết. Bởi FTA làm mối quan hệ kinh tế hai nước thắt chặt hơn, ổn định, trao đổi thường xuyên hơn, minh bạch hơn. Không chỉ thương mại, FTA cũng sẽ thúc đẩy mở đường đầu tư Mỹ vào Việt Nam nhiều hơn.
Dù chính quyền Mỹ xem xét gia nhập và cải thiện CPTPP hay tiến hành đàm phán song phương, tôi tin rằng vẫn sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế hai nước, đem lại lợi ích cho cả người dân Việt Nam và Mỹ.
- Ông có đề cập đến thúc đẩy đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Nhưng xem ra đây vẫn là vấn đề còn vô cùng thách thực. Bởi thực tế cho thấy kết quả đạt được vẫn chưa đáng kể, thưa ông?
Đầu tư Mỹ vào Việt Nam thực tế là chưa xứng với tiềm năng hai nước. Mỹ đầu tư ra nước ngoài chủ yếu theo hướng công nghệ cao, hạ tầng và lĩnh vực dịch vụ. Về công nghệ, Việt Nam là lựa chọn của một số công ty Mỹ như Intel, Procter & Gamble, Chevron... hay một số tập đoàn như Apple, Google, Dell... đầu tư vào Việt Nam thông qua các doanh nghiệp sản xuất ODM/OEM thuộc chuỗi cung ứng của mình.…
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến tháng 6 năm nay, Mỹ vẫn là quốc gia xếp thứ 11 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng số dự án là 1.100, tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD.
Tôi nghĩ rằng con số này vẫn có nhiều tiềm năng để lớn hơn nữa. Việt Nam có thế mạnh về công nghệ, hạ tầng, năng lượng… Và đó cũng chính là những lĩnh vực chúng ta cần tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã từng tìm cách đa dạng hóa các khoản đầu tư ra khỏi Trung Quốc, khi chi phí lao động tại nước này tăng cao và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Nhờ đó, những quốc gia khác trong khu vực trở nên hấp dẫn FDI hơn. Nếu làm tốt, chúng ta hy vọng sẽ chứng kiến ngày càng nhiều công ty quốc tế chuyển dây chuyền sản xuất và mở rộng ở Việt Nam.
Thu hút được nguồn đầu tư từ Mỹ, tôi tin Việt Nam sẽ có những bước tiến rất quan trọng thời gian tới. Chúng ta đã thu hút Samsung và nếu có một tập đoàn công nghệ lớn khác như Apple cũng vào Việt Nam thì rất tuyệt vời.
MUỐN LÀM ĂN VỚI MỸ, PHẢI HIỂU VĂN HÓA CỦA HỌ
- Như ông nói, thúc đẩy dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra và Việt Nam được dự báo có nhiều cơ hội hơn với Mỹ hơn. Song đến thời điểm này, liệu có phải mọi thứ vẫn nằm ở sự kỳ vọng quá nhiều thưa ông?
Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng diễn ra dưới hai tác động: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Một số công ty thực tế đã chuyển sang Việt Nam.
Nhiều người kỳ vọng sự dịch chuyển này diễn ra mạnh mẽ nhưng đến thời điểm này thì dịch bệnh vẫn còn đang chi phối rất nhiều. Việt Nam đã thành công trong kiểm soát Covid-19 nhưng hiện nay dịch bệnh lại bùng phát, vẫn còn rất phức tạp, khó khăn.
Nhiều nhà đầu tư họ vẫn đang tính toán, cân nhắc, dịch chuyển cũng không phải một sớm một chiều. Chưa kể chúng ta có nhiều "đối thủ" khác trong thu hút làn sóng dịch chuyển.
Do vậy tôi nghĩ, cơ bản xu hướng đa dạng hóa nhà cung ứng vẫn tiếp tục. Và Việt nam vẫn là nước có lợi thế bởi những yếu tố "truyền thống" như giá nhân công tốt, chính trị ổn định.
Thực tế thì chúng ta nhiều khi đánh giá chưa tốt kỹ năng lao động Việt Nam nhưng rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài lại đánh giá cao năng lực. Không phải ngẫu nhiên Intel, Foxconn, Samsung… lại đầu tư nhiều tỷ USD vào Việt Nam.
- Góc nhìn cả ông về việc có doanh nghiệp Việt Nam than khó làm ăn với Mỹ? Liệu vì Việt Nam quen "dễ" hay vì Mỹ quá "khó"?
Giá trị xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng rất mạnh. Nhưng để đi được vào thị trường Mỹ, thực sự vô cùng khó khăn. Thị trường Mỹ là thị trường có tốc độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt, yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa vô cùng khắt khe.
Trong khi đó, việc tiếp cận thông tin của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, điều này buộc họ phải thuê công ty tư vấn dịch vụ bản địa với chi chí lớn. Làm ăn với họ là phải hiểu, phải nghiên cứu rõ pháp luật, quy định, cách làm ăn của họ.
Mỹ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, câu chuyện hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam vẫn còn phổ biến. Vấn đề này cũng cần được lưu tâm trong mối quan hệ giữa hai nước.
Thực tế, Việt Nam từng đi chậm so với các quốc gia khác trong tiếp cận thị trường này nhưng chúng ta cũng đang dần dần, từng bước tiếp cận rất tốt, đem lại nhiều kết quả khả quan. Song khó khăn còn nhiều, mỗi thời kỳ mỗi khác, học hỏi, nghiên cứu, linh hoạt… là cách thức để doanh nghiệp tồn tại trong "sân chơi" với Mỹ.
QUAN HỆ HAI NƯỚC NGÀY CÀNG GẮN KẾT HƠN TRONG BỐI CẢNH COVID-19
- Là một trong những người có chiều sâu trong nghiên cứu quan hệ Việt - Mỹ, ông nghĩ gì về triển vọng quan hệ hai nước trong tương lai? Covid-19 đã khiến bối cảnh thế giới thay đổi. Liệu nó đã và sẽ tác động như thế nào giữa mối quan hệ hai nước Việt - Mỹ về mặt kinh tế? Còn có yếu tố nào khác ngoài Covid-19 mà chúng ta cần lưu tâm trong mối quan hệ kinh tế hai nước thời gian tới?
Covid-19 ập đến và nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Năm 2020, Việt Nam từng được ví như "ngôi sao" trong phòng chống dịch, nâng tầm quốc gia trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Riêng về quan hệ Việt - Mỹ, mối quan hệ hai nước từ lúc dịch tới giờ thì càng tốt hơn trên tinh thần hỗ trợ nhau nhiều hơn. Mỹ đã có những hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam trong phòng chống dịch. Mới đây Mỹ khẳng định hỗ trợ Việt Nam sớm tiếp cận vắc xin Covid-19 là một điều vô cùng tích cực, cần thiết trong bối cảnh này. Hy vọng thời gian tới hai nước sẽ ngày càng tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau hơn trong phòng chống dịch bệnh.
Ngoài vấn đề Covid-19, một vấn đề khác cũng cần được lưu tâm đó sự linh hoạt để kịp thời hưởng lợi trước làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, nhất là những công ty lớn mà chúng ta kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ tốt hơn cho Việt Nam.
Vấn đề vi phạm bản quyền cũng cần được chú ý. Đây là vấn đề rất lớn trong quan hệ song phương.
Hội nghị G7 vừa qua cũng là một tín hiệu rất tốt cho thấy Mỹ sẽ can dự sâu hơn vào các vấn đề toàn cầu nhất là mặt hạ tầng theo chương trình tái thiết thế giới với 40.000 tỷ USD. Việt Nam cần tích cực gặp gỡ trao đổi và đưa ra các sáng kiến của mình.
Quan hệ Việt - Mỹ không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế. Trong kinh tế có yếu tố chính trị. Chúng ta muốn thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện. Nếu chúng ta thúc đẩy tốt mối quan hệ hai nước thì sẽ hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam trong thực hiện mục tiêu chiến lược lớn đặt ra đến 2045.
- Theo ông, hai bên cần làm gì để cải thiện cán cân thương mại và tăng cường mối quan hệ kinh tế trong tương lai? Những lĩnh vực nào sẽ là tiềm năng để hai nước có thể khai thác tốt hơn thời gian tới?
Chúng ta cần hướng đến mối quan hệ kinh tế thương mại lành mạnh. Việt Nam có thể duy trì xuất siêu, nhưng cũng cần đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa Mỹ, mở cửa cho đầu tư Mỹ. Hai bên đều có lợi.
Vừa qua Mỹ đánh giá cao việc Việt Nam chuyển sang năng lượng sạch, tái tạo. Mỹ cũng sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra Việt Nam cũng có thể ưu tiên các công ty Mỹ, nhất là lĩnh vực hạ tầng, công nghệ cao, dịch vụ…
Tiếng nói của doanh nghiệp Mỹ là rất quan trọng. Muốn thu hút được đầu tư từ họ thì cần hiểu họ, biết được vấn đề họ thấy cản trở ở đâu, hướng tới xây dựng một bộ máy thực sự tinh gọn, cải cách pháp luật đầu tư tiên tiến, tạo lập một môi trường minh bạch….
- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!