1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những điểm lưu ý trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ thời ông Biden

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là cách tiếp cận của ông Biden trong quan hệ kinh tế với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, khi ông trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ.

Những điểm lưu ý trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ thời ông Biden - 1
Ông Biden đã vượt qua đối thủ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 (Ảnh: Reuters)

Những vấn đề cần quan tâm trong chính sách của ông Biden

Các hãng tin lớn đã đồng loạt đưa tin ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 46. Cuộc bầu cử căng thẳng sắp đi đến hồi kết và đây cũng là lúc các quốc gia có những chú ý đặc biệt về những chính sách kinh tế của Đảng Dân chủ và ông Joe Biden.

Không thể phủ nhận, người dân các nước dù không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 nhưng tất cả đều bị ảnh hưởng bởi kết quả.

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới cho rằng, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là cách tiếp cận của ông Biden trong quan hệ với Trung Quốc khi trở thành Tổng thống. Đây cũng lưu ý lớn khi phân tích tác động chính sách của Tổng thống đắc cử tới kinh tế Việt Nam.

Dù ông Biden thắng cử, ông Lược cho rằng, sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào đó trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã căng thẳng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Ông Lược nhận định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp tục, dường như đó chiến lược thống nhất giữa hai đảng của Mỹ. Tuy nhiên, người ta đón đợi những giải pháp khác, cách thức khác nhau giữa ông Trump và ông Biden.

Xét về mặt tích cực, ông Lược cho biết, một số mặt hàng Mỹ đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc nằm trong thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam thêm thị phần.

Tuy nhiên, khi Mỹ duy trì đánh thuế cao vào hàng Trung Quốc khiến xuất khẩu vào Mỹ khó khăn hơn thì nước này sẽ đẩy mạnh sang các nước khác để bù lại, trong đó có thị trường Việt Nam và ASEAN.

Bên cạnh những yếu tố tích cực thì cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc tại Việt Nam và ASEAN sẽ là “một sức ép” lớn mà doanh nghiệp phải đối diện.

Giới chuyên gia cũng bình luận nhiều về chủ đề “chuỗi cung ứng” trong cuộc đua trở thành Tổng thống Mỹ giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden.

Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Biden đã liên tục nhấn mạnh rằng, Mỹ cần "gia cố chuỗi cung ứng" của mình, nhất là khi Covid-19 đã phơi bày hàng loạt điểm yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

“Ngay việc Mỹ kêu gọi doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc, nếu Việt Nam có chính sách tốt thì sẽ thu hút được một luồng đầu tư rất quan trọng”, ông Lược bình luận.

Theo vị chuyên gia, FDI Mỹ là khoản đầu tư được trông chờ ở Việt Nam, tuy nhiên việc cạnh tranh với Trung Quốc không phải là dễ khi quy mô thị trường chúng ta khá nhỏ. Trong khi đó, ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng có nhiều đối thủ ngay tại khu vực trong cuộc đua hút vốn dịch chuyển.

Một vấn đề lớn khác cũng nhận được sự quan tâm lớn, đó là vấn đề thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng cao. Liệu vấn đề này có được chú ý trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ mới hay không.

Ông Lược cho rằng đây sẽ là vấn đề Việt Nam cần tiếp tục lưu tâm, bởi khả năng ông Biden vẫn sẽ tiếp tục quan tâm vấn đề này, chỉ khác nhau ở cách thức, giải pháp…

Chính sách kinh tế - thương mại - đầu tư của Mỹ sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể dù ai là tổng thống

Dù kết quả bầu cử Mỹ như thế nào thì quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia. Thậm chí có chuyên gia còn kỳ vọng việc ông Biden quay lại bàn đàm phán CPTPP, tiếp nối chính sách và khuynh hướng toàn cầu. 

GS. Võ Đại Lược cũng nhận định, chính sách kinh tế thương mại đầu tư của Mỹ đối với Việt Nam dưới thời ông Biden không có những thay đổi đáng kể. Gia tăng quan hệ kinh tế với Việt Nam vẫn là xu hướng chính.

Đáng lưu ý, ông Biden là người quan điểm cởi mở về tự do thương mại. Tuy nhiên ông Lược không kỳ vọng quá lớn việc Biden ký lại CPTPP. Đến thời điểm này cũng chưa có phát biểu gì chứng tỏ ông Biden sẽ nối lại đàm phán.

Vậy chính sách của Việt Nam trong bối cảnh mới nên như thế nào? Trả lời câu hỏi này, GS. Võ Đại Lược nhấn mạnh một số phương diện.

“Đã từng có lo ngại về khả năng Trung Quốc lắp ráp sản phẩm và dán nhãn 'Made in Việt Nam' để tránh thuế của Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Trung Quốc. Đây là điều chúng ta cần cực kỳ chú ý, kiểm soát tốt”, ông Lược nói.

Ngoài ra, ông Lược lưu ý đặc biệt đến vấn đề hút dòng vốn từ Mỹ chảy khỏi Trung Quốc. Tiếp cận dòng vốn này, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận được khoa học công nghệ hiện đại bởi Mỹ là nước tiên tiến hàng đầu thế giới.

"Chúng ta khuyến khích đầu tư Mỹ vào Việt Nam, tận dụng cơ hội từ thị trường Mỹ, khai thác công nghệ Mỹ để bứt phá. Rất nhiều nước trên thế giới bứt phá được là nhờ thị trường, công nghệ Mỹ", ông Lược nói.

Tuy nhiên, muốn thu hút được luồng vốn này, bản thân Việt Nam phải nỗ lực thay đổi từ bên trong. Hiện nay chiếm phần lớn FDI vào Việt Nam vẫn là từ châu Á, Âu - Mỹ chỉ chiếm phần nhỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm