Kinh tế thế giới sẽ ra sao nếu ông Trump tái đắc cử?
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng nếu ông Donald Trump đắc cử, thế giới chắc chắn sẽ trải qua nhiều sự thay đổi trong lĩnh vực kinh tế. Thương mại, lạm phát, chứng khoán, bitcoin sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Cơ hội cho nhà đầu tư
Diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới, bởi kết quả cuộc đua này sẽ định hình phần lớn xu hướng quan hệ quốc tế trong 4 năm tiếp theo. Nếu ông Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay, thế giới chắc chắn sẽ trải qua nhiều sự thay đổi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Sau vụ bị ám sát hụt hôm 13/7 tại bang Pennsylvania (Mỹ), các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy khả năng cựu Tổng thống Donald Trump chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay tăng lên.
Theo dự đoán của Financial Times, nếu tái đắc cử, ông Donald Trump có khả năng gia hạn và thậm chí tăng mức cắt giảm thuế năm 2017, mức thuế này dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2025.
Nhiều nhà đầu tư từng lo ngại rằng các chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên gây ra những hậu quả bất lợi về kinh tế và tài chính. Nhưng trên thực tế, GDP của Mỹ đã tăng tổng 8,5%, lên mức cao kỷ lục trong khoảng thời gian từ quý IV/2016 đến quý IV/2019, ngay trước đại dịch.
Chính vì vậy, nhiều chuyên ra cho rằng xu hướng tích cực như vậy cũng có thể xuất hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Các chính sách mà Nhà Trắng theo đuổi có thể có tác động quan trọng đến nền kinh tế và thị trường tài chính. Tuy nhiên, những chính sách đó thường được điều chỉnh trong quá trình Quốc hội ban hành thành luật.
Hiện nay, kinh tế Mỹ đang chịu ảnh hưởng ở khía cạnh công nghệ và đa dạng hóa về mặt công nghiệp. Hơn một nửa nguồn đầu tư vào phát triển công nghệ. Chi tiêu kinh doanh cho phần mềm, nghiên cứu và phát triển đang ở mức cao kỷ lục. Thị trường vốn của Mỹ cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho các công ty khởi nghiệp và đổi mới.
Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ cũng đã trở nên ít nhạy cảm hơn với lãi suất. Năm ngoái, Mỹ cho thấy những dấu hiệu phục hồi tăng trưởng năng suất và có khả năng tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Những diễn biến tích cực này sẽ tác động tới lợi nhuận của các doanh nghiệp và giúp thị trường chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục tăng mạnh hơn.
Mở cửa cho các tài sản số
Trong các cuộc vận động, ông Trump đã thể hiện rõ quan điểm của mình là người ủng hộ tiền điện tử. Vì vậy, khi khả năng tái đắc cử của ông tăng lên đã tạo ra cú hích lớn cho thị trường tiền điện tử, đặc biệt là bitcoin. Kể từ thời điểm ông Trump bị bắn hôm 13/7, giá của đồng tiền số này đã bật tăng mạnh.
Ông Zach Pandl, Giám đốc nghiên cứu tại công ty quản lý tiền số Grayscale Investments, cho rằng giá bitcoin đã tăng mạnh trở lại vì các nhà đầu tư kỳ vọng rằng nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ thì nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho ngành công nghiệp tiền số.
"Trump đã bớt thận trọng hơn trong việc chấp nhận tiền điện tử. Trên thực tế, chiến dịch tranh cử của ông là chiến dịch đầu tiên chấp nhận quyên góp bằng loại hình tài sản này", ông Ramnath Chellappa, giáo sư tại Trường Kinh doanh Goizueta của Đại học Emory (Mỹ), chia sẻ với Fast Company.
Chuyên gia cho rằng sự ủng hộ của ông Trump là giải thích duy nhất cho những mốc tăng trưởng bất thường trên thị trường tiền số.
"Bạn có thể so sánh điều này với lợi nhuận trên thị trường chứng khoán, giá hàng hóa và các chỉ số khác. Nhưng không có loại tài sản nào khác vận hành theo cách này", giáo sư Chellappa nói.
Ngược lại, ông Rajiv Garg, giáo sư tại Đại học Emory (Mỹ), lại không đồng ý rằng sự gia tăng của bitcoin và các loại tiền điện tử khác có liên quan đến Trump. Ông Garg cho rằng những diễn biến gần đây trên thị trường cho thấy các nhà đầu tư lại một lần nữa chuyển sang tiền điện tử nhờ kỳ vọng về mức tăng đột biến trong tương lai.
"Nếu thị trường chứng khoán biến động mạnh hơn, tiền điện tử sẽ trở thành thiên đường cho các nhà đầu tư. Tương tự như vậy, nếu chính phủ có nguy cơ bất ổn, chủ sở hữu tiền điện tử có thể sẽ toàn quyền nắm giữ tài sản kỹ thuật số của họ.
Biến động giá phụ thuộc vào tâm lý của thị trường đối với tất cả loại hình tài sản khác nhau. Tiền điện tử thường được coi là công cụ đầu tư kỹ thuật số, phi tập trung, không được kiểm soát. Vì vậy, mọi người cho rằng những cú sốc trên thị trường tài chính, xã hội hoặc chính trị sẽ ảnh hưởng đến biến động giá cả", vị chuyên gia lý giải với Fast Company.
Trung Quốc đón "bão" thương chiến?
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực, các chuyên gia cũng cho rằng chiến lược kinh tế của ông Trump mang tính bảo hộ cao, thiếu mạch lạc và có phần mạo hiểm.
Trên thực tế, các chính sách về thuế quan của ông Trump sẽ đẩy mức giá tăng cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, gây tổn hại nhiều nhất cho những người có thu nhập thấp và trung bình. Việc cắt giảm thuế chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các tập đoàn và người giàu.
Chính sách thuế quan của ông Trump có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nghiêm túc chuẩn bị cho trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và tái khởi động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho làn sóng thuế quan nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
Theo South China Morning Post, trong giai đoạn 2018-2019, chính quyền ông Trump đã áp thuế quan tới 25% lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trên đường tranh cử năm nay, ông còn đưa ra những cảnh báo đanh thép hơn, bao gồm việc đánh thuế từ 60% lên mọi sản phẩm nhập từ Trung Quốc.
"Một cuộc chiến thương mại mới có vẻ là điều không thể tránh khỏi", bà Chen Fengying, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), nhận định với SCMP.
"Có vẻ Trung Quốc đang thích nghi dần dần. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn đang đối phó với thuế quan của Mỹ bằng cách di dời chuỗi cung ứng", bà nói thêm.
Sau khi làn sóng thuế quan đầu tiên vào năm 2018 khiến doanh nghiệp bối rối, Trung Quốc đã tái cơ cấu mô hình thương mại, khai thác các thị trường mới nổi đồng thời nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Bà Chen nhấn mạnh: "Trung Quốc có tâm lý hoàn toàn khác so với 6 năm trước".
Các nhà phân tích nhận định đề xuất tăng mạnh thuế quan của ông Trump có thể được lòng một số cử tri, nhưng chưa chắc đã diễn ra trong thực tế bởi nó có thể khiến lạm phát tăng vọt trong lúc người tiêu dùng đang đau đầu vì giá cả tăng cao.
Cùng quan điểm, ông Nick Marro, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của tổ chức Economist Intelligence Unit, cho rằng rất nhiều nhà sản xuất Mỹ không có khả năng cạnh tranh tốt trên toàn cầu, đồng thời họ còn phụ thuộc vào hàng hóa trung gian và tư liệu sản xuất từ nước ngoài, bao gồm Trung Quốc.
Việc thiếu các lựa chọn thay thế tức thời cho những mặt hàng trên có nguy cơ khiến giá cả tăng vọt, trước mắt là giá sản xuất. Ông Marro nói thêm rằng dù giá cả có hạ xuống trong những năm tiếp theo, có thể chúng vẫn sẽ duy trì ở mức cao hơn so với trước khi ông Trump tăng thuế quan.
Dưới nhiệm kỳ của ông Trump, 2 siêu cường có thể sẽ tìm ra điểm thỏa hiệp trong những lĩnh vực như năng lượng. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn còn Mỹ là nhà xuất khẩu lớn.
Trong ngắn hạn, ngành xuất khẩu của Trung Quốc có thể được thúc đẩy nếu ông Trump đắc cử. Các nhà nhập khẩu Mỹ có khả năng sẽ cố gắng nhập hàng sớm và tích lũy tồn kho trước khi thuế quan có hiệu lực.
Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Standard Chartered, cho rằng nếu ông Trump tái đắc cử, xu hướng dịch chuyển chuỗi công nghiệp ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp diễn.
Tuy muốn dựng hàng rào với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Trump lại ủng hộ doanh nghiệp nước này xây nhà máy ở Mỹ và thuê lao động địa phương. Ông Ding dự đoán điều này có thể sẽ chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các nước tại khu vực Đông Nam Á tới Mỹ.
Lạm phát sẽ "nóng" hơn bao giờ hết
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng nếu cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử, lạm phát toàn cầu có thể bùng lên mạnh mẽ, bởi chính sách nước Mỹ trên hết của ông sẽ đẩy giá cả tăng cao trên khắp thế giới.
Chủ trương kinh tế với thuế quan cao và thuế trong nước thấp, vốn đã là những nét đặc trưng trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Trump, có thể là những chính sách gây hiệu ứng lạm phát.
Nhiều nhà phân tích cho rằng những chính sách như vậy sẽ càng khiến lạm phát "nóng" hơn ở thời điểm này.
"Có một rủi ro lớn hơn, đó là chính sách của ông Trump có thể sẽ gây lạm phát mạnh mẽ hơn nếu ông ấy tái đắc cử, so với ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy", ông Michael Metcalfe, chiến lược gia trưởng của công ty nghiên cứu State Street Global Markets, nhận định với CNBC.
"So với năm 2016, khi lạm phát và kỳ vọng lạm phát còn ở mức thấp, thì năm 2024-2025 sẽ là một câu chuyện khác. Mức lạm phát cao hơn, kỳ vọng lạm phát cao hơn, và chúng ta vẫn đang mang tư duy lạm phát", ông Metcalfe nói thêm, cho rằng điều này có thể đẩy giá cả tăng lên không chỉ ở Mỹ mà còn ở các khu vực khác như châu Á và châu Âu.
Chính sách áp thuế quan được cho là gây hiệu ứng lạm phát đặc biệt lớn bởi làm gia tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu, cho phép các nhà sản xuất trong nước tăng giá bán sản phẩm và buộc người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn trước cho cùng một mặt hàng. Trong khi đó, việc giảm thuế có thể thúc đẩy tiêu dùng, do đó đẩy giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên.
Và nếu ông Trump trúng cử lần nữa, lạm phát từ Mỹ có thể sẽ "lây" sang châu Á. "Nhìn ở góc độ vĩ mô, một nhiệm kỳ nữa của ông Trump sẽ gây lạm phát toàn cầu, thậm chí là tình trạng "stagflationary" (lạm phát cao kết hợp tăng trưởng trì trệ), và khiến chuỗi cung ứng ở châu Á dịch chuyển mạnh mẽ hơn", ông Gareth Nicholson, chuyên gia của ngân hàng Nomura, nhận định với Bloomberg.
Vị chuyên gia cho rằng một số công ty hiện đã phải đa dạng hóa địa chỉ sản xuất để giảm bớt ảnh hưởng. Đối với châu Âu, một báo cáo mới đây của ngân hàng Goldman Sachs dự báo việc ông Trump tái đắc cử sẽ khiến tốc độ lạm phát của khu vực này tăng thêm 0,1 điểm phần trăm do thuế quan cao hơn đè nặng lên thương mại toàn cầu.