Khắp nơi ngập lụt, giải bài toán cung ứng thực phẩm ở miền Bắc ra sao?
(Dân trí) - Trong bối cảnh nhiều nhà cung ứng phía Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3, các siêu thị đã tăng nhập rau củ từ các tỉnh miền Nam, Lâm Đồng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dân.
Chiều 11/9, ghé cửa hàng Winmart+ gần nhà mua thực phẩm, bà Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) phải thất vọng ra về vì quầy thịt, rau, củ tươi trên kệ trống trơn. "Mưa gió nên tôi đi siêu thị gần nhà, nhưng thực phẩm tươi đều hết sạch, đành phải chạy ra chợ ở xa hơn", bà than.
Thực tế, nhiều ngày gần đây, các địa phương khu vực ven Hà Nội bị thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra khiến diện tích lúa, hoa màu của người dân bị hư hỏng nặng nề. Thống kê cho thấy gần 124.600ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tập trung nhiều tại Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên. Ngoài ra, có hơn 22.000ha hoa màu và gần 6.900ha cây ăn quả hư hại, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều này đã khiến nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, giá mặt hàng này tăng cao gấp 2-3 lần ngày thường. Trong khi đó, tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng hết hàng tươi sống diễn ra thường xuyên, đặc biệt vào chiều, tối.
Rau ở chợ đắt đỏ, rau trong siêu thị "cháy" hàng
Ghi nhận khoảng 3-4 ngày gần đây của phóng viên Dân trí cho thấy, nhiều mặt hàng rau, củ, đặc biệt là rau gia vị tại một số chợ dân sinh ở TP Hà Nội có giá tăng vọt gấp 2-3 lần. Chẳng hạn, hành lá, thì là ở mức 100.000 đồng/kg, cà chua 40.000-45.000 đồng/kg, rau muống 25.000 đồng/bó, rau mồng tơi 15.000 đồng/bó...
Theo nhiều tiểu thương, do các vườn rau tại các địa phương quanh Hà Nội hư hỏng nặng nề nên nguồn cung khan hiếm, giá cũng bị đẩy lên cao từng ngày. Đặc biệt khi tình trạng ngập lụt lan rộng ở các quận, huyện ven Hà Nội trong 2 ngày gần đây.
Tại các siêu thị, dù giá bán hàng hóa tươi, sống ổn định, tuy nhiên giá vẫn ở mức cao và thường xuyên có tình trạng hết hàng, nhất là vào thời điểm chiều, tối. Khảo sát tại cửa hàng Winmart+ trên đường Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chiều ngày 11/9, cửa hàng chỉ còn 2 loại rau cải, nhiều sản phẩm thịt cũng gần hết hàng.
"Mỗi ngày chỉ có một chuyến hàng về, gần đây mưa ngập nên lượng hàng không nhiều, đa dạng như trước, buổi chiều, tối thường sẽ gần hết hàng", nhân viên cửa hàng cho biết.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện WinCommerce - chủ sở hữu chuỗi WinMart/WinMart+/WiN thừa nhận việc thiếu hàng hóa chỉ xảy ra cục bộ tại một số cửa hàng ở các khung giờ cao điểm. "Có thể do nhiều nguyên nhân như tắc đường, xe vận chuyển đến trễ, người dân tăng mua sắm tích trữ nên hàng có thể hết cục bộ một vài cửa hàng", đại diện chuỗi siêu thị lý giải.
Vị này cho biết tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn về thiệt hại cơ sở vật chất, hàng hóa. "Hiện có khoảng 700 cửa hàng tại miền Bắc của doanh nghiệp bị thiệt hại, nặng nhất là hư hỏng hàng hóa do ngập nước, cắt điện kéo dài. Bốn nông trại WinEco tại miền Bắc cũng thiệt hại nặng nề do bão", đại diện chuỗi siêu thị cho biết.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa từ kho hàng đến các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN gặp trở ngại do tình trạng ngập lụt, sạt lở tại các tỉnh miền Bắc. Trước tình hình đó, đại diện WinCommerce cho biết đã lựa chọn các siêu thị và cửa hàng có diện tích lớn, dễ dàng giao nhận hàng hóa để quy hoạch thành các điểm nhận hộ.
Theo đó, nhân viên vận hành tại các siêu thị, cửa hàng này sẽ tiếp nhận hàng hóa, từ đó mang hàng đến các siêu thị, cửa hàng mà xe hàng không thể tiếp cận được. Mỗi ngày, WinEco cung ứng 100 tấn rau, củ sạch phục vụ cho thị trường miền Bắc, giá cả bình ổn.
Bà Trần Thu Quỳnh - Giám đốc thu mua Khu vực miền Bắc và miền Trung, AEON Việt Nam - cho biết trong thời gian ngắn hạn, bão số 3 đã gây những ảnh hưởng cục bộ đối với các nhà cung cấp, đặc biệt đối với hàng tươi sống.
"Cụ thể, đối với các mặt hàng rau, củ, mưa lớn làm cho cây trồng hoa màu dập nát, úng nước. Đối với các mặt hàng thủy hải sản, do biển động nên ảnh hưởng tới việc đánh bắt xa bờ", bà nói và cho biết đang tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy với giá cả ổn định.
Tăng nhập hàng từ phía Nam
Với chuỗi hệ thống GO!, Big C, Tops Market, đại diện Central Retail Việt Nam cho biết để đáp ứng đủ nhu cầu, doanh nghiệp đã tăng nhập hàng từ các đơn vị cung ứng ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc là 40 tấn/chuyến, nay tăng lên 75-80 tấn/chuyến.
"Với sản phẩm thịt, cá, thủy hải sản các loại, do ảnh hưởng bão, ngập lụt gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất và cung ứng hàng hóa tại các siêu thị. Các khu nuôi cũng như nhà máy của một số nhà cung cấp nằm trong tâm bão bị hư hỏng, mất nước, mất điện ảnh hưởng tới việc sản xuất. Trong khi nhu cầu mua sắm tích trữ của người dân trước, sau bão tăng mạnh...", đại diện chuỗi siêu thị chia sẻ.
Doanh nghiệp cho biết các nhà cung cấp cũng đang cố gắng khắc phục sau lũ và tăng cường sản xuất để đáp ứng hàng hóa cho siêu thị, lượng hàng vẫn đang đảm bảo giao từ 90% nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, siêu thị cũng tăng cường nhập hàng đông lạnh để bổ sung thêm nhu cầu tăng rất cao của khách hàng.
Tương tự, đại diện MM Mega Market cho biết doanh nghiệp đang tăng cường vận chuyển 2 chuyến xe rau củ quả/ngày (tương đương 16 tấn) từ Lâm Đồng/Bình Dương ra Hà Nội. "Việc di chuyển xe hàng từ Nam ra Bắc, từ các kho miền Bắc đến các khách hàng của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo và tăng cường số lượng gấp 3 lần", đại diện chuỗi siêu thị cho biết.
Bên cạnh đó, từ lâu, doanh nghiệp cũng tập trung mạnh vào việc xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, được củng cố bởi các 5 trạm thu mua - cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 kho giao hàng B2B (depot) từ miền Trung ra Bắc như Phan Thiết, Đồng Hới, Thanh Hóa, Sapa… Do đó trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến 1 tháng cho miền Bắc.
"Bên cạnh đó, MM Mega Market còn có hệ thống xe tải nhỏ giao hàng tại các depot có khả năng vận chuyển hàng hóa đến các khu vực lân cận. Tuy nhiên không tránh khỏi sẽ có chậm trễ do điều kiện đường xá đang chịu ảnh hưởng của lũ và mưa ở khu vực Trung Bắc Bộ", vị này nói.
Tập trung cung ứng nhu yếu phẩm đến khu vực ngập lụt
Tại Yên Bái, cập nhật ngày 11/9, Sở Công Thương tỉnh này cho biết hàng hóa vẫn đáp ứng nhu cầu, giá tăng chủ yếu là rau xanh 15-20%. Tuy nhiên do ngập sâu cục bộ tại TP Yên Bái nên công tác vận chuyển hàng hóa đi các huyện gặp khó khăn.
Tương tự tại Quảng Ninh, báo cáo của Sở Công Thương địa phương cho thấy đến ngày 11/9, một số mặt hàng rau xanh, thịt có mức tăng nhẹ 10-15% so với thời điểm trước bão.
Tại Hà Nội, nhiều khu vực bắt đầu ngập sâu từ ngày 10/9, khiến công tác vận chuyển hàng hóa vào các điểm bán chậm hơn so với thông thường. Giá các mặt hàng rau, củ, quả tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng, khó khăn khi thu hoạch và vận chuyển.
"Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam", đại diện Sở Công Thương TP cho biết.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết đối với các khu vực ngập lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp đang phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh chưng, nước uống đóng chai đến cho người dân.
Ngày 11/9, Bộ này cũng đã ban hành công điện hỏa tốc tổ chức triển khai tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường, nhu cầu hàng hóa thiết yếu.
Đồng thời thực hiện điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.