DMagazine

Chuyện ít biết về quần đảo Comoros, vựa tinh dầu khổng lồ của thế giới

(Dân trí) - Là một trong những nước ít dân và nghèo nhất thế giới, quần đảo Comoros nhỏ bé lại thống trị nguồn cung cấp tinh dầu ylang-ylang và được mệnh danh là "vựa tinh dầu khổng lồ" của thế giới.

Những chuyện ít biết về quần đảo Comoros, vựa tinh dầu khổng lồ của thế giới

Quần đảo Comoros nhỏ bé ở Ấn Độ Dương ngoài khơi phía đông của châu Phi là quốc gia thống trị nguồn cung cấp tinh dầu ylang-ylang (hay hoàng lan) của thế giới.

Quần đảo hương thơm

Lái xe dọc theo những con đường quanh co, đầy ổ gà của đảo Anjouan thuộc quần đảo Comoros, bạn có thể ngửi thấy hương thơm của một loại cây trồng mang tính biểu tượng của quốc gia này trước cả khi nhìn thấy nó. Đó là hoa ylang-ylang, hay còn được gọi là hoàng lan. Mùi hương nồng nàn của hoàng lan gợi cho người ta nhớ đến mùi hoa nhài.

Mặc dù là một trong những quốc gia nghèo nhất và kém phát triển nhất trên thế giới nhưng trong những thập kỷ gần đây, Comoros đã thống trị nguồn cung cấp tinh dầu làm từ hoa ylang-ylang trên thế giới.

Chuyện ít biết về quần đảo Comoros, vựa tinh dầu khổng lồ của thế giới - 1

Ylang-ylang - "hoa của các loài hoa (Ảnh: Panos Pictures).

Ylang-ylang có nguồn gốc ở Đông Nam Á, có nghĩa là "hoa của các loài hoa" trong ngôn ngữ Tagalog của Philippines. Nhưng loài này lại đạt được vị thế thực sự mang tính biểu tượng ở Comoros. Các hãng hàng không, đại lý du lịch, cửa hàng và khách sạn ở quốc đảo này được đặt theo tên của loài hoa này và những bông hoa màu vàng đặc biệt xuất hiện trên hầu như mọi thứ, từ tem bưu chính đến tiền giấy.

Người Pháp đã mang hoa ylang-ylang lên đảo Reunion vào những năm 1700 và vào đầu những năm 1900, và sau đó loài cây được trồng rộng rãi ở đảo xung quanh Comoros và Madagascar.

Tinh dầu từ hoa ylang-ylang được sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ xà phòng đến hương, và là một thành phần trong nước hoa hảo hạng. Đặc biệt, năm 1921, tinh dầu hoa ylang-ylang thậm chí còn là thành phần chính của mùi hương nổi tiếng nhất mọi thời đại, Chanel No. 5.

Nhờ ylang-ylang cùng với các mặt hàng xuất khẩu chính khác của đất nước là vani và đinh hương, quần đảo này từ lâu đã được các thủy thủ, người định cư, thương nhân và những du khách khác biết đến với tên gọi "quần đảo hương thơm".

Nền kinh tế Comoros có gì đặc biệt?

Comoros là một quốc gia quần đảo có chủ quyền ở Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển châu Phi giữa Madagascar và Mozambique. Các quốc gia láng giềng của nó là Mozambique, Madagascar, Seychelles, Tanzania và Mayotte. 

Với diện tích là 1.861 km2, Comoros là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở châu Phi và xếp thứ 182 trên toàn thế giới.

Chuyện ít biết về quần đảo Comoros, vựa tinh dầu khổng lồ của thế giới - 2

Comoros là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển phía đông của châu Phi (Ảnh: Getty).

Tính đến tháng 1 năm nay, dân số của Comoros là 902.437 người và Liên Hợp Quốc ước tính con số này sẽ tăng lên 907.419 người vào ngày 1/7. Comoros là một trong những quốc gia ít dân nhất trên thế giới, nhưng lại là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất với  275 người/km2 - mật độ dân số cao thứ 25 trên thế giới.

Khoảng 1/3 dân số Comoros sống ở các khu vực thành thị, bao gồm Moroni, Mutsamudu và Domoni. Moroni là thành phố lớn nhất và là thủ phủ trên hòn đảo bán tự trị Grande Comore với số dân khoảng 55.000 người.

Tôn giáo chính thức của Comoros là Hồi giáo Sunni. Comoros cũng là một quốc gia thành viên của Liên đoàn Ả Rập và là quốc gia Ả Rập duy nhất nằm hoàn toàn ở Nam Bán cầu. Người dân Comoros nói 3 ngôn ngữ chính thức: tiếng Comoros, tiếng Pháp và tiếng Ả Rập, và có hai nhóm dân tộc hiện có ở Comoros. Phần lớn dân số là Afro-Arab, và có một nhóm nhỏ là người Malagasy.

Đơn vị tiền tệ của quốc gia này là franc Comoros.

Nền kinh tế của Comoros vẫn chưa đa dạng hóa. Trong đó, ngành dịch vụ và nông nghiệp là động lực chính. Năm 2021, GDP của Comoros ước tính đạt 1,2 tỷ USD, trong đó ngành đóng góp cao nhất là dịch vụ với 56,3%, tiếp theo là nông nghiệp với 31,6%.

Sản phẩm nông nghiệp chính của đảo quốc này là vani, đinh hương, ylang-ylang, dừa, chuối và sắn - cũng là những mặt hàng xuất khẩu chính của Comoros.

Quốc gia này nhập khẩu 70% thực phẩm như thịt, bột, đường, cá và các sản phẩm từ sữa từ các đối tác thương mại chính là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và EU.

Comoros là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với GDP đầu người khoảng 1.350 USD. Hơn 40% số dân ở Comoros đang sống trong tình trạng nghèo khó. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo đói ở quốc gia châu Phi này, theo The Borgen Project, là cơ hội kinh tế và thương mại hạn chế, tăng trưởng dân số nhanh và thiếu tài nguyên thiên nhiên.

Chuyện ít biết về quần đảo Comoros, vựa tinh dầu khổng lồ của thế giới - 3

Comoros là một quốc gia nghèo ở châu Phi với nông nghiệp là ngành sản xuất chính (Ảnh: The Borgen Project).

Quốc gia này đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế đa dạng hơn, có khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài và tạo nhiều việc làm. Với sự giàu có về nông nghiệp và sự quyết tâm của người dân, Comoros hoàn toàn có thể vươn lên thoát nghèo và hướng tới trở thành một quốc gia kiên cường và thịnh vượng.

Sản xuất tinh dầu - ngành sản xuất đầy biến động

Mặc dù là một trong những quốc gia nghèo và nhỏ nhất trên Trái đất nhưng Comoros lại thống trị nguồn cung cấp tinh dầu ylang-ylang trên thế giới.

Trong những năm gần đây, giá của vani, oải hương, hoắc hương và các loại khác đều có sự biến động đáng kể, gây ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất. Nhưng những biến động này không đáng kể gì khi so sánh với ylang-ylang, loại cây có giá tăng 25 lần chỉ trong 5 năm, trước khi giảm trở lại đến mức mà bây giờ gần như không có giá trị thu hoạch.

Chỉ trong vòng 2 thập kỷ, từ năm 1994 đến năm 2015, Anjouan - đảo đông dân nhất và là trung tâm sản xuất ylang-ylang của Comoros - đã mất 80% diện tích rừng tự nhiên. Nguyên nhân dẫn đến điều này được cho là các đồn điền ylang-ylang và nhà máy chưng cất tinh dầu chiếm gần hết diện tích, và dân số tăng nhanh, buộc người dân lấn chiếm rừng để trồng cây lương thực.

Chuyện ít biết về quần đảo Comoros, vựa tinh dầu khổng lồ của thế giới - 4

Một bãi biển trên đảo Anjouan (Ndzuwani), Comoros (Ảnh: Dreamstime.com).

Thời điểm năm 2011 giá của tinh dầu từ ylang-ylang rất thấp và loài hoa này không được các nhà chế tạo nước hoa ưa chuộng. Marie Azihari, cố vấn cho Tập đoàn Bernardi, một trong những bên mua tinh dầu lớn của Comoros, cho biết: "10 năm trước khi tôi đến đây, mọi người nói với tôi là ylang-ylang đã hết thời. Không có loại nước hoa mới nào được sản xuất sử dụng tinh dầu này. Chỉ những nhà sản xuất nước hoa cũ mới dùng nó".

Trong năm 2013, giá trị xuất khẩu tinh dầu ylang-ylang của Comoros chỉ đạt 1,5 triệu euro (tương đương 1,6 triệu USD).

Nhà kinh tế học Nour Allah Alnour Assik cho biết: "Đây là một con số khiêm tốn". Đồng thời ông cho biết thêm rằng lượng kiều hối do những người Comoros sống ở nước ngoài gửi về còn lớn hơn. 

Nhưng Ibrahim Ahamada, một nhà kinh tế học tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết ylang-ylang vẫn là "một nguồn thu nhập tiềm năng đáng kể cho đất nước" với điều kiện là "tổ chức lại ngành một cách nghiêm túc".

Và đúng vậy, với nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp nước hoa của chính quyền và người dân địa phương, theo thời gian, hình ảnh của ylang-ylang bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Azihari nói: "Mọi người đều rất vui. Đã có những cải tiến về chất lượng, thương mại công bằng, tính bền vững. Và khi các nhà sản xuất lớn bắt đầu sử dụng ylang-ylang trở lại, những người khác cũng bắt đầu sử dụng nó".

Khi nhu cầu tăng cao, giá hoa và tinh dầu bắt đầu tăng. Với hy vọng kiếm được tiền, người dân đã trồng thêm hàng nghìn cây ylang-ylang trên khắp Comoros, nhưng nguồn cung vẫn không thể theo kịp nhu cầu.

Chuyện ít biết về quần đảo Comoros, vựa tinh dầu khổng lồ của thế giới - 5

Một người dân địa phương đang thu hoạch hoa ylang-ylang (Ảnh: AFP Photo).

Nhưng nghịch lý thay, ngay sau đó, một cuộc đấu thầu khốc liệt đã nổ ra giữa Bernardi và Biolandes, một công ty nước hoa khác có trụ sở tại Pháp, do nguồn cung hạn chế đã đẩy giá vào một vòng xoáy không thể kiểm soát. Azihari nói: "Mọi thứ vẫn ổn cho đến năm 2014-2015. Thời kỳ đó chứng kiến hành vi rất hung hăng từ một trong những người mua tinh dầu hoa ylang-ylang. Họ muốn độc quyền khiến giá bắt đầu tăng và tăng không ngừng".

Vào năm 2018, ylang-ylang trở thành một cơn sốt trên hòn đảo này. Chỉ trong vòng 4 năm, giá hoa đã tăng vọt từ 100 franc Comoros (0,24 USD)/ kg lên 2.500 franc Comoros (5,88 USD)/ kg. Một lít tinh dầu có thể mang lại một khối tài sản nhỏ ở một quốc gia nơi thu nhập trung bình hàng năm chỉ là 1.350 USD. Hàng nghìn cây ylang-ylang được trồng mới.

Tohedine Abolou, một nông dân trồng và chưng cất hoa ở ngôi làng nhỏ bé Hajoho trên bờ biển phía đông bắc Anjouan, nói: "Cuối cùng thì chúng tôi cũng kiếm được một số tiền lớn. Năm 2015, tôi có thể bán tinh dầu với giá 800 franc/lít. Nhưng bây giờ tôi nhận được 4.150 franc/lít tinh dầu".

Abolou là thế hệ thứ ba trong gia đình làm công việc này. Anh hy vọng rằng lợi nhuận mới của việc sản xuất ylang-ylang sẽ giúp các con mình có nhiều cơ hội để có một tương lai tốt hơn bố mẹ chúng.

Giá tinh dầu bắt đầu tăng chóng mặt ngoài tầm kiểm soát và đạt đỉnh vào năm 2019 khi nhiều người mua nước ngoài không còn đủ khả năng mua. Đến năm 2020, nhu cầu đã giảm nhanh chóng và hoa bị héo trên cây. Khi thế giới lâm vào tình trạng bế tắc vào tháng 3/2020 do đại dịch Covid-19, nhu cầu ít ỏi đó đã hoàn toàn "bốc hơi".

Tương lai nào cho ngành sản xuất tinh dầu ở Comoros?

Kader Ahmed Bakar, 26 tuổi, một công nhân tại nhà máy chưng cất tinh dầu, cho biết: "Chỉ cần đi bộ qua thung lũng kia, bạn sẽ thấy cây ylang-ylang ở khắp mọi nơi. Do giá tốt, mọi người ai cũng trồng. Ngay khi có tiền, tôi cũng sẽ trồng ylang-ylang. Nhưng khi giá tiếp tục tăng, những chủ sở hữu doanh nghiệp vô lương tâm bắt đầu trộn dầu phanh vào tinh dầu ylang-ylang của họ để làm cho nó có vẻ đặc hơn và có vẻ chất lượng tốt hơn".

Saikane Aboubakar, giám đốc của Ylang Flor, một người mua tinh dầu ylang-ylang địa phương cho công ty Bernardi, phải thường xuyên đấu tranh chống lại việc tinh dầu bị pha tạp chất kém chất lượng. Vào cuối năm 2018, nhóm của ông đã ngăn chặn nhiều lô hàng hỏng đến tay người dùng cuối, nhưng thiệt hại vẫn rất lớn.

Chuyện ít biết về quần đảo Comoros, vựa tinh dầu khổng lồ của thế giới - 6

Tinh dầu ylang-ylang được sử dụng trong nhiều sản phẩm (Ảnh: Foodthesis.com).

Azihari, nhà tư vấn cho Bernardi, cho biết: "Các nhà máy ở Pháp có rất nhiều tinh dầu ylang-ylang mua với giá rất cao nhưng họ không thể dùng vì chất lượng quá tệ. Chúng tôi đã nói với những nhà chưng cất rằng điều này sẽ dẫn đến sự cố, và họ không nên bán tinh dầu cho những kẻ lừa đảo này dù giá cao thế nào. Nhưng họ vẫn tiếp tục bán".

Và cái giá họ phải trả cho điều này là việc các nhà sản xuất nước hoa bắt đầu quay lưng lại, sử dụng các loại hương khác, bao gồm cả loại tổng hợp. Đồng thời, nguồn cung cũng tăng đột biến, với những cây ylang-ylang mới đạt độ chín không chỉ ở Comoros mà trên toàn châu Phi. Giá bắt đầu giảm mạnh. Những người nông dân nhận thấy mình không thể bán hoa của họ và các lò chưng cất không còn chỗ để chứa dầu dự trữ, vốn giảm giá trị theo từng ngày. Nhiều người cuối cùng không thể hoàn trả các khoản vay lớn đã vay trong thời kỳ bùng nổ. Sau đó, vào đầu năm 2020, ngay khi mọi thứ dường như sắp chạm đáy, đại dịch Covid-19 bùng nổ. Các nhà máy của Pháp đóng cửa; giao dịch ngừng hoạt động. Azihari nói: "Covid-19 đã dừng mọi thứ lại. Không có nhu cầu nào cả".

Benoit Lemont, người đã kinh doanh nước hoa trong nhiều thập kỷ, coi những biến động mới nhất là một phần của mô hình được tạo ra bởi bản chất của thị trường và quy mô nhỏ của ngành. Ông chỉ ra rằng với sản lượng tập trung cao độ như vậy, một cơn lốc xoáy duy nhất ở Ấn Độ Dương có thể quét sạch một nửa sản lượng ylang-ylang toàn cầu chỉ trong một đêm. "Chu kỳ của ylang-ylang là khoảng10 năm. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cố gắng thiết lập các hợp đồng dài hạn với người dùng cuối", ông nói.

Về lâu dài, ông vẫn đặt niềm tin vào ylang-ylang. "Đó là một loài thực vật tuyệt vời", ông nói và cho biết: "Tôi nhìn thấy một tương lai cho mùi hương tự nhiên này trên quy mô lớn. Hiện tại nhu cầu về tinh dầu ylang-ylang rất thấp nhưng làn sóng sẽ quay trở lại".

Trong khi đó, các nhà sản xuất ylang-ylang của Comoros bất lực trong việc thay đổi các lực lượng thị trường định hình cuộc sống của họ, và họ không thể làm gì hơn ngoài việc chờ đợi. 

Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)