DNews

Chuyên gia: Doanh nghiệp sớm đầu tư vào chữ S sẽ có lợi thế tiên phong

Thảo Thu Phương Liên Dương Tâm

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, các chuyên gia cho rằng việc tạo dựng nhân lực bền vững có nhiều thách thức. Tuy nhiên, thực thi ESG, doanh nghiệp đầu tư vào chữ S sớm sẽ có lợi thế tiên phong.

Chuyên gia: Doanh nghiệp sớm đầu tư vào chữ S sẽ có lợi thế tiên phong

Bên lề hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm của chữ "S" trong ESG?" trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức ngày 30/10, các chuyên gia bàn nhiều về chữ S (Social - xã hội). 

Thách thức trong việc tạo dựng nhân lực bền vững

TS Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture, Quỹ Vì tương lai xanh, cho biết những quy chuẩn về ESG, đặc biệt là các tiêu chuẩn xã hội, đang tạo ra tác động mạnh mẽ đến định hướng phát triển nguồn nhân lực bền vững. "Doanh nghiệp không chỉ cần quan tâm đến lương và phúc lợi mà còn đến các yếu tố như công bằng, đa dạng, hòa nhập và phát triển kỹ năng lâu dài cho nhân viên", bà Hà Nói.

Theo bà Hà, những yếu tố này giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài, xây dựng một môi trường làm việc gắn kết và có khả năng phát triển bền vững. Song song đó, định hướng này thúc đẩy doanh nghiệp nhìn xa hơn lợi nhuận trước mắt để đầu tư vào con người toàn diện và lâu dài.

Theo bà, lợi ích của việc tạo dựng nhân lực bền vững và việc làm hạnh phúc là doanh nghiệp sẽ gia tăng năng suất, gắn kết đội ngũ, và cải thiện hình ảnh và thương hiệu. Rộng hơn, việc phát triển nhân lực bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho lực lượng lao động.

Bên cạnh lợi ích, TS Lê Thái Hà chỉ rõ những thách thức trong việc tạo dựng nhân lực bền vững và việc làm hạnh phúc là dễ gây áp lực tài chính nhưng khó đo lường hiệu quả ngay lập tức.

Đo lường hiệu quả đầu tư vào nhân lực bền vững thể hiện qua chỉ số giữ chân nhân viên và tỷ lệ nghỉ việc; đo lường sự hài lòng và gắn kết nhân viên qua khảo sát; chỉ số năng suất lao động trước và sau các chương trình phúc lợi.

Nêu ví dụ thực tiễn từ Microsoft, bà Hà cho biết tập đoàn này đã thực hiện chính sách đào tạo và phát triển suốt đời cho nhân viên mọi độ tuổi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng áp dụng những chính sách phúc lợi chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân viên, cho phép nhân viên làm việc từ xa linh hoạt trước cả khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Đồng thời, doanh nghiệp còn thúc đẩy một văn hóa đa dạng và bao hàm, cam kết tạo ra môi trường làm việc không phân biệt giới tính, sắc tộc, hay xuất thân.

Hay như Tập đoàn IKEA có chính sách làm việc linh hoạt cho các nhân viên lớn tuổi; Tập đoàn Unilever tập trung vào bình đẳng giới và môi trường làm việc đa dạng, bao gồm chính sách nghỉ thai sản và hỗ trợ cho nhân viên quay lại làm việc.

"Nhân lực bền vững và việc làm hạnh phúc là yếu tố then chốt để thành công trong ESG. Vì vậy, khía cạnh này cần sự đầu tư và kiên trì để đạt hiệu quả. Hãy coi nhân viên là tài sản quý giá nhất trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp", TS Lê Thái Hà khẳng định.

Chuyên gia: Doanh nghiệp sớm đầu tư vào chữ S sẽ có lợi thế tiên phong - 1

TS Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture, Quỹ Vì tương lai xanh (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, với nguồn lực và quy mô khác nhau, các doanh nghiệp nên bắt đầu đầu tư vào nhân lực bền vững bằng cách tập trung vào các yếu tố có tiềm năng mang lại tác động cao nhưng không đòi hỏi chi phí lớn. Đầu tiên, doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc công bằng và hòa nhập để nhân viên cảm thấy được tôn trọng và gắn bó.

Tiếp theo, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kỹ năng qua các chương trình đào tạo nội bộ hoặc trực tuyến sẽ giúp nhân viên nâng cao năng lực, không tốn kém nhiều. Bên cạnh đó, các tổ chức có thể cân nhắc chính sách linh hoạt về thời gian, địa điểm hoặc cách làm việc, giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những cách thức này vừa tối ưu chi phí vừa mang lại hiệu quả lâu dài, phù hợp cho mọi quy mô doanh nghiệp.

Theo bà Hà, tại Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh, các nhân viên luôn được khuyến khích tham gia các hoạt động tập thể từ quỹ và Tập đoàn Vingroup phát động. Các chính sách phúc lợi cho cán bộ nhân viên cũng rất đa dạng.

Đầu tư cho nhân lực trong từng doanh nghiệp không quá hoành tráng

Nói với phóng viên Dân trí về cách thực hành chữ S trong doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), nói không chỉ các doanh nghiệp lớn mới thực hiện được những hoạt động quan tâm, chăm lo cho người lao động. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có những cách thức riêng linh hoạt, phong phú.

Theo ông, mỗi doanh nghiệp dù to hay bé, nếu đã quan tâm đến người lao động bằng cái tâm của mình thì có rất nhiều cách để biểu thị và việc đầu tư cho chữ S, cho nhân lực trong từng doanh nghiệp không quá hoành tráng mà nhiều trường hợp rất thân thuộc.

Cũng theo ông, việc triển khai đầu tư về con người không dễ. "Ai cũng muốn trả lương cao, điều kiện kinh doanh tốt. Nhưng vấn đề nguồn lực là sống còn với nhiều doanh nghiệp", ông nêu.

Chuyên gia: Doanh nghiệp sớm đầu tư vào chữ S sẽ có lợi thế tiên phong - 2

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (Ảnh: Mạnh Quân).

Hiện nay, thế giới đánh giá mức độ bền vững không chỉ ở từng doanh nghiệp, mà đánh giá theo chuỗi cung ứng. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia chuỗi sản xuất quốc tế thì phải tiệm cận được tiêu chuẩn của họ.

Về quản trị, doanh nghiệp phải tính đến chi phí, hiệu suất để biết khi thị trường biến động, làm sao để lao động gắn bó với mình. "Bài toán chi phí trong việc giữ chân lao động hay tuyển mới lao động là rất lớn. Về năng suất, khi môi trường làm việc tốt thì năng suất, hiệu quả lao động cũng tăng lên", ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp đầu tư vào chữ S sớm sẽ có lợi thế của người tiên phong

TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng việc thực hành chữ S trong ESG tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn vì có tới 96% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên phải cân nhắc mỗi khi đầu tư.

"Việc đầu tư vào nhân lực là vấn đề doanh nghiệp rất cần quan tâm bởi cạnh tranh trên thị trường lao động hiện nay vô cùng gay gắt. Nếu không có phúc lợi, môi trường phát triển, hình ảnh doanh nghiệp tốt thì lao động sẽ có xu hướng chuyển sang các doanh nghiệp khác", ông phân tích.

Ông Minh nêu, thực hành ESG nói chung và đầu tư cho nhân lực bền vững là vô cùng quan trọng với doanh nghiệp cả trong ngắn và dài hạn. Nhu cầu của người tiêu dùng hiện tại không chỉ là tiêu dùng sạch mà còn là tiêu dùng có trách nhiệm. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp đầu tư vào ESG sớm thì sẽ có được lợi thế của người tiên phong, không mất chi phí chuyển đổi sau này và có cơ hội nhận được hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng việc thực hành chữ S tại các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc định lượng; thiếu các hướng dẫn và quy định chung; rủi ro vi phạm quyền riêng tư; kỳ vọng của các bên liên quan khác nhau.

Chuyên gia: Doanh nghiệp sớm đầu tư vào chữ S sẽ có lợi thế tiên phong - 3

TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) (Ảnh: Mạnh Quân).

Việc thực hành chữ S trong ESG hay hỗ trợ phát triển người tài vẫn cần gắn với lợi ích sát sườn của doanh nghiệp. Nếu không giữ chân lao động tốt, họ sẽ nghỉ việc. Việc phát triển bền vững thời gian gần đây có sự thay đổi cấp độ vĩ mô. Còn cấp độ vi mô, doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng, thể hiện qua việc nhắc đến yếu tố về mặt xã hội, nhân lực được đề cập hơn những yếu tố về môi trường, quản trị.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần tiên phong, thu hút nhân tài bằng môi trường làm việc hấp dẫn về chế độ phúc lợi, môi trường làm việc lành mạnh… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải thể hiện được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

Ông Minh lấy ví dụ, những doanh nghiệp lớn thu hút người tài bằng cách quan tâm đến đào tạo, tạo cơ hội phát triển cho người lao động. Như một tập đoàn lớn về công nghệ hỗ trợ thêm đào tạo cho con em, đẩy mạnh chính sách tăng cường gắn bó nhân viên giúp tỷ lệ nghỉ việc giảm đi, tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp may mặc cũng có các chương trình hỗ trợ lao động nữ trong thời kỳ thai sản, nuôi con…

Về xu hướng ESG toàn cầu, ông cho biết, trách nhiệm xã hội trước đây là khuyến khích thì nay đã chuyển sang bắt buộc. Năm 2023, 96% các công ty G250 (cách gọi tên 250 công ty hàng đầu thế giới trong Báo cáo toàn cầu của KPMG) báo cáo về các vấn đề bền vững hoặc ESG; 64% các công ty G250 coi biến đổi khí hậu là một rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.

Nói về trọng tâm chữ S trong một số ngành, ông Minh cho biết, mỗi ngành khác nhau có mối quan tâm và cấp độ khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp muốn thực hành theo tiêu chí này phải xác định rõ điểm xuất phát, mục đích, đặc thù ngành nghề của mình…

Bên cạnh đó, ông Minh đánh giá việc chuyển động ở địa phương chưa theo kịp chuyển động vĩ mô hay sự cần thiết cấp độ vi mô. Chính sách về môi trường, lao động mới, nhiều địa phương cũng chưa nắm được. Khi nằm trong danh sách kiểm kê lao động, doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm đến nhân lực bền vững. Tại các địa phương, ông Minh cho rằng cần có những hỗ trợ về vốn giúp thúc đẩy phát triển nhân lực bền vững.

Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm của chữ "S" trong ESG?" sáng 30/10 tại Hà Nội là sự kiện vệ tinh tiếp theo, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024.

Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương quan tâm tới phát triển bền vững, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.