DMagazine

"Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy"

(Dân trí) - Hơn 4 tháng TPHCM giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau là hơn 4 tháng bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation làm việc hết công suất để đồng hành cùng thành phố phòng chống dịch, hỗ trợ người yếu thế.

Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 1

Tranh thủ chút thời gian xen giữa những lịch làm việc dày đặc, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation ghé thăm một bếp ăn do chính các cán bộ nhân viên công ty tình nguyện đảm trách. Bếp ăn này có nhiệm vụ cung cấp hơn 20.000 suất ăn dinh dưỡng đến người dân tại các khu cách ly, lực lượng phòng chống dịch trong đó có đội ngũ y - bác sĩ đang làm nhiệm vụ tầm soát, điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV tại các bệnh viện dã chiến, điểm cách ly tập trung... 

Nhìn những bữa ăn được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ dinh dưỡng, bà Mẫu bất giác cười mà đôi mắt đỏ hoe. Bà cười vì thấy nhân viên của mình đang hăng say làm điều tốt, chia sẻ với lực lượng tuyến đầu. Nhưng bà xúc động khi nghĩ đến những bữa cơm vội vàng, không có gia đình bên cạnh của lực lượng y - bác sĩ nhiều tháng qua. Bà thầm mong, những bữa cơm do Phúc Khang chuẩn bị sẽ góp phần giúp nhiều người cảm nhận được rằng cộng đồng vẫn đang quan tâm và ủng hộ, tiếp sức cho họ thêm vững tin, bền chí với sứ mệnh cứu người đầy gian nan.

"Cũng chính vì thế mà tôi muốn đồng hành, sẻ chia nhiều hơn. Không chỉ lo san sẻ nỗi đau của bệnh nhân qua những món quà như hộp thuốc, thiết bị y tế, bữa ăn dinh dưỡng... mà chúng tôi còn quan tâm đến y - bác sĩ, muốn "ôm" lấy những đôi bờ vai ấy khi họ cảm thấy trống trải vì thiếu gia đình ở bên, hay những đêm thức trắng", bà Mẫu chia sẻ.

Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 3
Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 6

Lâu nay, thị trường bất động sản vẫn được coi là "sân chơi" của cánh mày râu. Những nữ doanh nhân trong ngành này, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh - nơi sự khéo léo và mềm mỏng của nữ giới trở thành thế mạnh. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu là một trong số ít CEO trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản có tên tuổi trên thị trường hiện nay.

Cách bà khởi nghiệp cũng khá đặc biệt. Vào năm 2009, khi nền kinh tế bắt đầu "thấm đòn" khủng hoảng, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đóng cửa, bà Thanh Mẫu và các cộng sự lại thành lập Phúc Khang. Bà chọn đô thị thấp tầng vùng ven - phân khúc được ví như "xác chết" vào thời điểm ấy, bởi ít ai chịu đầu tư và cũng rất khó thành công - để khởi đầu cho hoạt động của công ty. 

Bước đi liều lĩnh nhanh chóng chứng minh được bản lĩnh của nữ CEO này qua thành công của loạt dự án như Eco Sun (Đồng Nai), Eco Village (Long An), Eco Town (TPHCM) và đặc biệt hơn cả là Dự án Làng Sen Việt Nam tại Long An với quy mô hơn 2.450 nền, dự kiến bán trong 18 tháng, nhưng đã hết hàng chỉ sau 6 tháng.

Đang khá thành công với dòng sản phẩm khu đô thị vùng ven, đến năm 2015, Phúc Khang bất ngờ chuyển hướng đầu tư vào thị trường căn hộ, với dự án Diamond Lotus Riverside tại quận 8, TPHCM. Đây cũng là một trong những dự án nhà ở chung cư cao tầng tiên phong áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh LEED (Mỹ) đầu tiên tại Việt Nam.

Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 7

"Ở giai đoạn đầu đúng là tôi rất cô đơn. Tuy nhiên, trong kinh doanh, tôi nghĩ có 2 điều quan trọng, là làm cái người khác cần và định hướng xu hướng tiêu dùng. Đối với Việt Nam, tiêu chuẩn công trình xanh còn khá mới mẻ. Chúng tôi mong muốn tiên phong và thúc đẩy kiến tạo cách sống tốt hơn cho cộng đồng, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu", bà Thanh Mẫu nói.

GS. TS. Nirmal Kishnani - Giám đốc Chương trình Thạc sĩ khoa học, Thiết kế bền vững tích hợp Đại học Quốc gia Singapore (NUS), tác giả quyển sách Xanh hóa Châu Á đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí FuturArc từng nhận định, một đất nước đang phát triển như Việt Nam cần những tấm gương sáng trong lĩnh vực xây dựng. Không chỉ giúp giảm thiểu tác động của dự án lên môi trường, những tiêu chuẩn công trình xanh còn góp phần tạo ra thương hiệu tích cực cho công ty. Từ đó cải thiện sự hạnh phúc, hài lòng của người sử dụng và truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp khác. 

"Một khi đã chứng tỏ rằng một công trình xanh vẫn có lợi nhuận, thì không có lý do gì để các công ty khác không làm như vậy. Tôi hy vọng rằng Phuc Khang Corporation sẽ chứng minh cho ngành xây dựng tại Việt Nam thấy được cách kết hợp trách nhiệm xã hội - môi trường với lợi nhuận và thành công về mặt thương mại", GS. TS. Nirmal Kishnani chia sẻ.

 
Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 9

Bước sang năm 2020 - khi đại dịch Covid-19 bắt đầu nhen nhóm trên thế giới, không ai có thể hình dung rằng căn bệnh này lại mang đến một cuộc khủng hoảng chưa từng có lên nền kinh tế Việt Nam, trong đó có bất động sản. 

Tự thân khởi nghiệp trong bối cảnh thị trường cũng đang chững lại, thậm chí là khủng hoảng, bà Thanh Mẫu tập cho mình sự bình tĩnh khi đối mặt với khó khăn. Thay vì hoang mang và bối rối, bà tập trung tìm cách khắc phục. Đây cũng là lý do văn hóa Phúc Khang không cho phép nhân viên nói khó khăn hay cố gắng, mà luôn là thử thách và làm hết mình.

Với tâm thế đó, Phúc Khang đã chủ động lên phương án thích ứng với tình hình mới từ rất sớm, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và duy trì sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh. Công ty triển khai tái cấu trúc về công nghệ, giúp nhân viên làm việc trực tuyến hiệu quả và thao tác nhuần nhuyễn với thiết bị, duy trì giao tiếp với nhau để thúc đẩy công việc. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kịp thời chuyển đổi mô hình kinh doanh, doanh thu không đến từ bán lẻ sản phẩm như trước mà chủ yếu từ hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án với đối tác nước ngoài. Nhờ đó, dù trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng Phúc Khang vẫn duy trì được doanh thu và lợi nhuận, tạo cơ hội cho doanh nghiệp chăm sóc tốt cho người lao động và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Sau 2 năm chống chịu với dịch bệnh, Phúc Khang là một trong số hiếm hoi các doanh nghiệp vẫn duy trì được 3 chỉ số quan trọng: 

Thứ nhất, 100% cán bộ nhân viên đều được nhận lương đầy đủ trong suốt giai đoạn làm việc tại nhà do dịch bệnh. 

Thứ hai, chỉ số "ổn định cuộc sống" của từng cán bộ, nhân viên thể hiện qua những vấn đề như an sinh, sức khỏe và tinh thần của người lao động. Công ty chăm lo bằng cách thăm hỏi thường xuyên, động viên tinh thần, cung cấp thực phẩm, tổ chức tiêm vắc xin. Với những nhân viên sống trong "vùng dịch", doanh nghiệp lập ra những group "F1 lạc quan", "F2 yêu thương" để truyền tải thông tin chính quy và lạc quan động viên họ giữ vững tinh thần.

Thứ ba, chỉ số "ổn định doanh nghiệp" tức là doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, không có tình trạng phải cho nhân viên nghỉ việc hoặc cắt giảm lao động. Không những vậy, Phúc Khang còn tuyển dụng thêm được những nhân tài từ các doanh nghiệp khác, tạo động lực mới giúp đơn vị vượt qua giai đoạn này.

Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 11
Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 13

Trong hội trường rộng với sức chứa hàng trăm người lúc bình thường của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bà Thanh Mẫu ngồi đối diện với một vị bác sĩ già (đề nghị giấu tên). Khoảng cách giữa họ, ngoài chiếc bàn rộng 2 m còn là những chiếc khẩu trang - thứ từng gây khó chịu trong văn hóa giao tiếp của người Việt.

Không ít lần chứng kiến lằn ranh sinh - tử sau hơn nửa đời gắn với việc điều trị các bệnh nhân lao nặng, người bác sĩ ấy vẫn không giấu được sự xúc động khi nói về cuộc chiến khốc liệt với Covid-19. Giọng ông gần như nghẹn lại khi đề cập đến việc trang thiết bị của bệnh viện không theo kịp lượng bệnh nhân chuyển về quá đông trong một số thời điểm.

Ông kể, từ đầu tháng 6/2021, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch bắt đầu hoạt động theo mô hình "bệnh viện tách đôi". Một nửa vẫn đảm bảo phục vụ cho người dân đến khám chữa bệnh hô hấp, đặc biệt là khám chữa bệnh nặng, cấp cứu. Nửa còn lại chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, với quy mô 550 giường bệnh trong đó có 5 buồng áp lực âm và 66 giường hồi sức tích cực. 

Khi số ca nhiễm tại thành phố tăng cao, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch được chuyển thành bệnh viện tuyến đầu, chỉ điều trị cho những ca chuyển nặng. Quy mô điều trị cũng tăng lên 714 giường, nhưng có nhiều lúc phải tiếp nhận đến hơn 900 bệnh nhân. Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện được thiết kế chỉ đáp ứng cho khoảng 100 giường có máy thở gắn vào hệ thống khí nén âm tường. Trong khi, bệnh viện thường xuyên phải điều trị cho gần 500 ca bệnh chuyển nặng và nguy kịch cần thở máy cùng lúc.

"Khó khăn lớn nhất là không đủ máy thở, nhưng có máy thở mà không có hệ thống khí nén thì cũng thua. Cho nên những chiếc máy thở có tích hợp khí nén mới là giải pháp thật sự lúc này", vị bác sĩ này bộc bạch.

Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 15

Đó là một trong những cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến đầu khiến nữ CEO của Phúc Khang xúc động nhất. Mỗi bệnh viện có điều kiện cơ sở vật chất khác nhau, quy mô tiếp nhận điều trị khác nhau nhưng đều rất cần thêm những máy thở tích hợp hệ thống khí nén, máy siêu âm, chụp X-quang di động. Chúng được xem như những "đôi mắt thần", "cánh tay nối dài" của bác sĩ hô hấp, giúp họ chẩn đoán xác định, đánh giá đáp ứng điều trị cho người mắc các bệnh có tổn thương phổi như Covid-19. Nhưng quan trọng là chúng có thể di chuyển đến từng bệnh nhân và hoạt động độc lập, bởi những bệnh nhân đang sử dụng hệ thống máy thở kết nối với hệ thống khí nén gắn tường không thể di chuyển về phòng siêu âm hoặc chụp X-quang cố định.

 
Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 17

"Những lúc ấy, tôi lại ước mình có thể giúp đỡ nhiều hơn để sẻ chia cùng đội ngũ y - bác sĩ trong sự nghiệp cứu người. Hơn ai hết tôi cảm nhận sự ấm áp và yêu thương ngay trong chính bản thân mình chứ không phải chỉ là một phong trào hay một khẩu hiệu", bà Mẫu bày tỏ.

Hơn 4 tháng TPHCM giãn cách xã hội với những mức độ khác nhau cũng là hơn 4 tháng bà phải làm việc với công suất tối đa. Bà tận dụng khoảng thời gian đặc biệt này để chăm sóc từng thành viên trong gia đình nhỏ của mình, chăm sóc cả sức khỏe và tinh thần cho "gia đình lớn" Phúc Khang và chung sức cùng thành phố chăm lo cho cộng đồng - xã hội. 

Một ngày của bà thường là những cuộc họp kéo dài hàng giờ liền với lãnh đạo thành phố, hiệp hội doanh nghiệp để hiến kế và triển khai những kế hoạch quan trọng về công cuộc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Cũng từ những cuộc họp này, một kế hoạch hành động cho chương trình thiện nguyện "Trái tim xanh tình nguyện" đã ra đời và được triển khai thần tốc. Khi thì 10.000 phần quà cho người nghèo thành phố hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), khi thì hơn 10.000 túi thuốc dành cho F0… rồi đến hàng nghìn suất ăn mỗi ngày được trao tặng trong khuôn khổ chương trình này. 

Tiếp đến là những cuộc họp với ban lãnh đạo công ty, ban cố vấn, đội ngũ quản lý và nhân viên nhằm trao đổi về những hoạt động tình nguyện để động viên, truyền lửa, chăm lo kịp thời sức khỏe, đời sống, tinh thần cho nhân viên, cư dân và khách hàng. Bà cũng có những cuộc họp online với các bác sĩ, nghe trăn trở, tâm sự về những khó khăn, mong muốn của đội ngũ tuyến đầu trong công cuộc cứu chữa và bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân. 

Có những cuộc họp online với 5 bệnh viện dã chiến cùng lúc, để kịp thời nắm bắt nhu cầu và mong muốn của đội ngũ tuyến đầu, từ đó có những hỗ trợ phù hợp. 

Bà còn đích thân lựa chọn từng trang thiết bị y tế sao cho đáp ứng nhu cầu điều trị trước mắt tại các bệnh viện tuyến đầu nhưng vẫn có thể sử dụng lâu dài sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bà cũng luôn có mặt trong những chuyến làm việc với các bệnh viện để được đích thân thăm hỏi, động viên và trao tận tay các trang thiết bị y tế tối tân cho các bác sĩ. 

Cũng trong quá trình này, bà được nghe nhiều hơn về những khó khăn, gian khổ của lực lượng áo trắng và những tấm gương y đức ngời sáng trong mùa dịch. Những điều này lại trở thành động lực, thôi thúc bà mạnh mẽ, cố gắng hơn mỗi ngày và từ lúc nào, bà nhen nhóm mong ước một trong ba đứa con của mình sẽ có một người theo sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.

Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 19

"Trong thử thách, nghịch cảnh, chúng ta nhìn thấy những ánh sáng lấp lánh của tình yêu thương và yêu thương một cách vô điều kiện, cho đi không cần báo đáp. Đó là tinh thần thiện nguyện, tình nguyện mà chỉ những lúc cùng kiệt nhất chúng ta mới thấy được giá trị của dân tộc, nghĩa đồng bào rất tuyệt vời và tôi rất hạnh phúc", nữ thuyền trưởng của Phúc Khang chia sẻ.

Tinh thần cho đi một cách vô điều kiện của "nữ tướng" Phúc Khang khiến cánh mày râu cũng phải nể trọng. Ông Yeo Fong - Phó chủ tịch Tập đoàn UL LLC khu vực châu Á bày tỏ sự ngạc nhiên và thán phục trước hành động hỗ trợ hết mình cho người dân đang gặp khó khăn và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc chống dịch của bà Lưu Thị Thanh Mẫu.

"UL có cùng tầm nhìn và tin tưởng vào chiến lược của Phuc Khang Corporation là mang đến những gì tốt nhất cho đất nước Việt Nam. Với tinh thần đó, chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với bà Lưu Thị Thanh Mẫu và Phúc Khang trong việc nỗ lực không ngừng để xây dựng các dự án xanh và an toàn cho người dân Việt Nam", ông Yeo Fong nói.

Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 22

Năng lượng yêu thương và sẻ chia đó còn được truyền đến toàn bộ cán bộ và nhân viên Phúc Khang. 176 nhân viên đồng loạt đăng ký vào những đội tình nguyện, chia nhau động viên, giúp đỡ các trường hợp khó khăn do giãn cách trong công ty; vận chuyển rau sạch và bình oxy đến nơi cần kíp; tham gia các bếp ăn miễn phí…

Nhìn những "con người Phúc Khang" làm thiện nguyện mà hăng say, hạnh phúc và chu đáo, bà Mẫu liên tưởng đến chương trình "Mùa hè xanh" truyền thống nhiều năm qua của Hội Sinh viên Việt Nam và đặt tên cho chiến dịch thiện nguyện của công ty mình là "Trái tim xanh tình nguyện". Bà trực tiếp đồng hành, không phải để theo dõi, đôn đốc mà để thấu hiểu, dẫn dắt và hỗ trợ kịp thời.

Đến nay, chiến dịch "Trái tim xanh tình nguyện" của Phuc Khang Corporation đã trao tặng 500 giường bệnh, 10.000 phần quà cho người nghèo, 1.500 máy tính bảng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 2.000 bộ test Covid-19, hàng nghìn hộp khẩu trang và túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà... 

Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 23

Với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh và đồng lòng không để ai bị bỏ lại phía sau, chiến dịch tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan ban ngành trao tặng hơn 11.000 phần quà nhu yếu phẩm cho người dân gặp khó khăn; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Thành đoàn TPHCM triển khai hơn 20.000 suất ăn dinh dưỡng đến với lực lượng phòng chống dịch, đội ngũ y bác sĩ, người dân tại các khu phong tỏa, cách ly. 

Đơn vị còn triển khai trao tặng nhiều trang thiết bị y tế cao cấp và nhu yếu phẩm cho 8 bệnh viện tuyến đầu tại TPHCM với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ công tác cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19 được kịp thời, đạt hiệu quả cao cũng như chia sẻ bớt gánh nặng cho đội ngũ y - bác sĩ. Ngoài ra, Phúc Khang còn có nhiều hoạt động chia sẻ khó khăn với người nghèo các tỉnh thành lân cận TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai… Tổng giá trị chương trình "Trái tim xanh tình nguyện" đến nay đã chi hơn 25 tỷ đồng.

"Tinh thần thiện nguyện, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng trở thành một trong những chiến lược phát triển bền vững của Phúc Khang. Nó không còn đơn phương đến từ tổng giám đốc nữa; mà còn đến từ cô tạp vụ, ông bảo vệ, người lái xe khi họ đi chợ lựa mớ rau, khuân những chuyến hàng và kể cả những nhân viên trong văn phòng thao thức ngày đêm để tư vấn cho F0 qua online, rồi những học bổng 'xanh' trích ra từ ngày lương… Tôi thấy lan tỏa tinh thần thiện nguyện, tinh thần sẻ chia và yêu thương trong chính ngôi nhà Phúc Khang", nữ doanh nhân xúc động nói.

 
Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 25

Có một công thức chung trong các hoạt động thiện nguyện ở Phuc Khang Corporation là phải xuất phát từ sự thấu hiểu. Bởi bà Mẫu quan niệm, chỉ khi thật sự thấu hiểu và yêu thương thì những nỗ lực, kể cả là sự cho đi mới đạt hiệu quả, thiết thực và có ý nghĩa. 

Bà kể, khi Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ 37.000 phần quà cho người nghèo thành phố, Phúc Khang ngay lập tức đáp ứng 10.000 phần. Khi có danh mục các phần quà rồi, bà lại băn khoăn không biết những sản phẩm mình tặng có phải điều mà người nhận cần không. Suy nghĩ một lát, bà quyết định cầm điện thoại gọi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc các quận để hỏi xem người dân tại địa bàn đó có cần gạo, mì gói không. Khi họ trả lời cần rau củ quả hơn thì ngay hôm sau, Phúc Khang cho nhập nhiều tấn rau củ quả thay thế. 

Việc trao tặng máy móc y tế đến các bệnh viện tuyến đầu cũng vậy, nếu không trực tiếp trao đổi và thấu hiểu sự chia sẻ từ cấp quản lý 8 bệnh viện, bà sẽ không biết được cái họ đang cần là những chiếc máy thở tích hợp hệ thống khí nén chứ không phải máy thở thông thường. 

"Nếu không thấu hiểu, mình có thể cho cái mà người ta không sử dụng đến hoặc sử dụng không tối ưu hiệu quả. Cho đi cũng cần thiết thực và trách nhiệm với thứ mình cho đi, tức là cho cái người nhận cần, không phải cái mình đang có", bà tâm sự.

Chưa bao giờ thành phố có nhiều hạt tốt được gieo như vậy - 27

Nội dung: Ánh Thúy

Thiết kế: Trung Lê