DMagazine

Chủ tịch Vinatex: Nửa đầu năm tốt... bất thường, nửa cuối có dấu hiệu xấu

(Dân trí) - Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Vinatex - nhấn mạnh 2022 là năm phục hồi về tăng trưởng doanh thu dù nhiều khó khăn, song về giữ thị phần, chiếm lĩnh thị trường thì 2022 vẫn là năm thành công.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) - nhấn mạnh 2022 là năm phục hồi về tăng trưởng doanh thu, giữ thị phần dù còn nhiều khó khăn.

Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây thì tập đoàn vẫn ước đạt doanh thu hợp nhất 19.535 tỷ đồng, tăng 15%, lợi nhuận vượt 14,6% kế hoạch, ước đạt 1.090 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex - cho rằng, bài học lớn nhất năm 2022 của doanh nghiệp này đó là liên tục dự báo, cập nhật tình hình, ứng phó kịp thời, quyết liệt, đáp ứng được biến động rất nhanh của thị trường.

Chủ tịch Vinatex: Nửa đầu năm tốt... bất thường, nửa cuối có dấu hiệu xấu - 1

 Nếu nhìn lại hành trình cả năm 2022 thì có thể thấy ngành xuất khẩu xuất hiện đan xen nhiều cơ hội lẫn thách thức. Nhưng tựu trung lại với kết quả đạt được, ông có nghĩ 2022 là một năm phục hồi?

- 2022 có sự phục hồi về tăng trưởng doanh thu. Nếu xét về khía cạnh chiếm lĩnh thị trường, giữ thị phần thì dù có khó khăn, 2022 vẫn là một năm thành công với chúng tôi.

Nhưng nếu xét tới lợi nhuận thì chưa hẳn. Tại thời điểm tháng 9, lợi nhuận Vinatex vẫn đạt 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Nhìn chung quý I, II phục hồi rất tốt. Nhưng bắt đầu từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống. Sự sụt giảm không phải từ từ mà khá đột ngột.

Những tháng cuối năm, các doanh nghiệp dệt may rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh và thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, nhất là các doanh nghiệp sợi.

Chủ tịch Vinatex: Nửa đầu năm tốt... bất thường, nửa cuối có dấu hiệu xấu - 3

Bối cảnh khó khăn chung, chúng tôi cắt giảm bớt tăng trưởng lợi nhuận để chăm lo tốt hơn cho người lao động. Nếu chỉ để mức tiền lương có tăng trưởng khoảng 5-6% thì lợi nhuận vẫn được coi là thành công, phục hồi rất tốt. Song ở đây chúng tôi phải cân nhắc bài toán chia sẻ, tạo đà tăng trưởng bền vững.

Tính trung bình trên toàn hệ thống của Vinatex, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt 9,69 triệu đồng/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021. Các đơn vị thành viên vẫn cố gắng duy trì chế độ thưởng Tết cho người lao động với 100% đều chi tháng lương thứ 13, thậm chí có những đơn vị như Hòa Thọ, Phong Phú, Dệt May Huế… thưởng thêm từ nửa tháng tới 2 tháng lương ngoài lương tháng 13.

Như ông chia sẻ, nửa đầu năm, diễn biến thị trường thuận lợi, nhờ vậy lợi nhuận Vinatex vượt kế hoạch được giao rất lớn?

6 tháng đầu năm tăng trưởng tốt, trong đó có một yếu tố khách quan là do tâm lý tiêu dùng. Sau thời gian dài đi lại khó khăn vì giãn cách do Covid-19, không được mua bán thoải mái nên khi dịch được kiểm soát, xuất hiện tâm lý mua nhiều hơn cái mình dùng.

Đến tháng 4, những người làm nghiên cứu thị trường cho biết xuất hiện hiện tượng "quá mua" ở một số thị trường. "Quá mua" tới mức lượng đơn hàng tăng vọt lên. Thị trường dệt may thế giới ổn định qua các năm. Cầu của năm nào kinh tế tốt cũng chỉ tăng 5-6%, chứ chưa bao giờ xuất hiện tăng tới 30% như năm nay.

Bản thân những người làm dệt may chúng tôi cũng nhận thấy có gì đó hơi bất thường, đơn hàng quý I,II rất cao.

Chủ tịch Vinatex: Nửa đầu năm tốt... bất thường, nửa cuối có dấu hiệu xấu - 5

Nguyên nhân thứ 2 khiến thị trường tăng vọt là do tâm lý dự phòng rủi ro của bạn hàng. Nhiều đơn vị mua hàng bị ám ảnh bởi sự gián đoạn về thời gian giao hàng của ngành logistic 2 năm Covid-19.

Trước đây vận chuyển hàng hóa may xong của Việt Nam, Trung Quốc tới các thị trường khoảng 3 tuần. Nhưng thời điểm Covid-19, 2-3 tháng hàng vẫn không về được đến nơi. Do vậy, họ đặt nhiều hơn lên hẳn để dù hàng từ từ cũng không đứt quãng hoạt động kinh doanh.

Quý I, cả thế giới có cảm giác phục hồi mạnh mẽ chứ không riêng gì những người làm dệt may ở Việt Nam. Câu chuyện ở đây không chỉ là vĩ mô thông thường mà còn cả yếu tố tâm lý tiêu dùng, dự phòng rủi ro làm tăng đột biến đơn hàng. Tuy nhiên, đến hết tháng 6 năm nay thì nhiều nhà cung cấp lớn trên thế giới có mức tồn kho khá cao. Thị trường trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, bất ngờ đột ngột đi xuống.

Dù cầu thế giới thay đổi nhanh, song cả năm nay toàn ngành dệt may vẫn ước đạt khoảng 44-45 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Nếu nhìn con số đạt được này, thì thực sự 2022 không phải là năm tệ nhưng là năm có nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược.

Chủ tịch Vinatex: Nửa đầu năm tốt... bất thường, nửa cuối có dấu hiệu xấu - 6

Đâu là bài học cho doanh nghiệp trong hành trình vượt khó khăn, tạo sự phục hồi đáng kể cho 2022?

- Bài học lớn nhất năm 2022 của Vinatex đó là liên tục dự báo, cập nhật tình hình, ứng phó kịp thời, quyết liệt, đáp ứng được biến động rất nhanh của thị trường.

Chúng tôi đã và đang thực hiện có hiệu quả 5 mục tiêu: Thứ nhất, kiên định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi chỉ nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì mức độ bấp bênh, sụt giảm trước những biến động sẽ thấp hơn ở ngoài chuỗi.

Thứ 2, kiên định xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để Vinatex trở thành một điểm cung cấp từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác, cắt giảm khâu trung gian.

Thứ 3, kiên định thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội, sản xuất xanh.

Thứ 4, kiên định về chuyển đổi số và tự động hóa vì đây là xu thế của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ 5 là kiên định trong phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số, giao dịch số.

Chủ tịch Vinatex: Nửa đầu năm tốt... bất thường, nửa cuối có dấu hiệu xấu - 8

Ông có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành dệt may nói chung cũng như doanh nghiệp phải đối mặt?

- Đồng Việt Nam chỉ mất giá so đồng USD khoảng 3,5%, trong khi nhân dân tệ của Trung Quốc là hơn 9%, đồng taka của Bangladesh là 13-14%, đồng rupee của Pakistan 24-25%. Như vậy trong 6 tháng cuối năm, cầu xuống, giá xuống, nhưng đồng Việt Nam lại cao hơn so với các nước cũng cạnh tranh về dệt may với chúng ta.

Vô hình trung, giá hàng hóa Việt Nam đắt hơn trong bối cảnh cầu thấp. Trong bối cảnh cầu tiêu dùng thấp, các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau để có đơn hàng, nhưng giá bán của Việt Nam lại cao hơn nên doanh nghiệp phải chấp nhận giai đoạn kinh doanh không hiệu quả, mức lợi nhuận bình quân chỉ 5% vẫn phải giảm giá, không có lợi nhuận để tìm cách duy trì.

 Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chống đỡ. Với các doanh nghiệp vốn không có tích lũy tốt thì rất khó có thể duy trì được.

Chủ tịch Vinatex: Nửa đầu năm tốt... bất thường, nửa cuối có dấu hiệu xấu - 10

Cũng chính bởi điều này nên vừa qua thị trường dệt may Việt Nam xuất hiện 2 bức tranh đối lập: Vẫn có doanh nghiệp tăng 5%, 10%, kín việc cả năm; cũng có doanh nghiệp thiếu đơn hàng thì thiếu đến kiệt quệ.

Cầu có thể quay lại nhanh hoặc chậm. Nhưng đã quay lại thì phải làm sao để mình có thể là người quay lại đầu tiên. Làm sao để sóng phục hồi đến với mình trước tiên.

Ông dự báo như thế nào về kịch bản phục hồi trong năm 2023 của ngành xuất khẩu dệt may?

- Phương án tốt là hết quý I năm sau sẽ phục hồi. Song đến giờ này tôi chưa thấy gì ở câu chuyện giảm lãi suất, lạm phát. Về tỷ giá, cơ quan quản lý cũng phải cân đối vì tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu cũng ngang nhau nên bài toán này cũng cần được cân đối. Thêm nữa, kinh tế thế giới còn bất định, thay đổi nhanh và khó lường. Ngành dệt may lại chủ yếu là xuất khẩu nên bị ảnh hưởng lớn bởi tổng cầu thế giới. Tổng cầu lại phục thuộc vào tăng trưởng, lạm phát và thu nhập.

Chủ tịch Vinatex: Nửa đầu năm tốt... bất thường, nửa cuối có dấu hiệu xấu - 12

Nhìn chung, con đường duy nhất của doanh nghiệp là bám sát thị trường, dự báo tốt, phản ứng nhanh. Vinatex cũng đề ra một số giải pháp ứng phó cụ thể: Khi cầu còn thấp thì tận dụng triệt để tiêu dùng nội bộ, kết nối thành chuỗi; liên thông về nguồn vốn lưu động, giảm tải tồn kho trên hệ thống của nhau; tạo ra dư địa cạnh tranh với giá tốt hơn và đảm bảo việc làm, giữ lao động.

Xin cảm ơn ông!

Chủ tịch Vinatex: Nửa đầu năm tốt... bất thường, nửa cuối có dấu hiệu xấu - 14

Nội dung: Nguyễn Mạnh

Thiết kế: Đỗ Diệp

Ảnh: NVCC