Chuyên gia: Không để các hãng nước ngoài chi phối thị trường dệt may

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Chuyên gia đã nhấn mạnh như vậy khi tham gia góp ý xây dựng hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn từ 2030 - 2035.

Chuyên gia: Không để các hãng nước ngoài chi phối thị trường dệt may  - 1

Dệt may và da giày là 2 trong số những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động (Ảnh: T.H).

Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đang phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách Công Thương cùng với Hiệp hội Dệt may Việt Nam xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong năm nay.

Theo vị này, dệt may và da giày là 2 trong số những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm cho hơn 3,4 triệu lao động. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phải nhập khẩu nhiều, đặc biệt là vải.

Do vậy, dự thảo Chiến lược có định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn…

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết, để đạt được mục tiêu đặt ra, một số giải pháp đưa ra như hoàn chỉnh hệ thống luật, xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất và bảo quản da nguyên liệu-thuộc da có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành này di dời vào các khu, cụm công nghiệp…

Góp ý về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, các hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nếu đáp ứng được các quy tắc xuất xứ.

Ở tầm chiến lược quốc gia, ông Giang cho rằng Việt Nam cần có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của các ngành công nghiệp dệt may, da giày để tận dụng lợi ích từ dòng thuế đó. Theo đó, chiến lược cần chú trọng giải quyết vấn đề này.

Tham gia góp ý xây dựng hoàn thiện dự thảo chiến lược, luật sư Trần Hữu Huỳnh - thành viên Ban điều hành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - nhấn mạnh cần đặt chiến lược ngành trong tương quan Việt Nam hội nhập, chuyển đổi nền kinh tế, chuỗi giá trị, giá trị toàn cầu, cách mạng công nghệ và trên tinh thần phát huy một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Bên cạnh đó theo ông Huỳnh, chiến lược cũng không thể tách rời việc nghiên cứu, tổng hợp, phân tích những thành công và thất bại của ngành dệt may trong 30 năm qua như tỷ lệ nội địa hóa phải cao lên; những ngành phụ trợ cho dệt may (cúc, khóa…) mà sản xuất được thì phải sản xuất gấp…

Đồng thời, cần định rõ nguồn lực, phân công cơ quan/đơn vị thực hiện, giám sát việc triển khai Chiến lược. Chiến lược cho ngành dệt may phải đặt trong bối cảnh quốc tế là "bay cùng đàn sếu" theo nguyên lý rằng khi đã hội nhập thì xuất phát điểm có thể bay sau cùng nhưng trong quá trình bay phải vươn lên thứ nhất.

Thêm nữa theo vị này, cần đẩy mạnh thị trường trong nước, dứt khoát không để các hãng nước ngoài chi phối thị trường dệt may trong nước. Chúng ta đã có hàng loạt doanh nghiệp nội địa lớn, phải coi đây phong trào để chiếm lĩnh thị trường nội địa, tăng cạnh tranh với nước ngoài.