DBiz

Chân dung Becamex IDC, đại gia đang hút tiền từ thị trường chứng khoán

Khổng Chiêm
Chân dung Becamex IDC, đại gia đang hút tiền từ thị trường chứng khoán

Liên tiếp phát hành trái phiếu, cổ phiếu

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa đưa ra loạt quyết định về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, phát hành cổ phiếu ra công chúng để thu về lượng tiền lớn.

Hội đồng quản trị (HĐQT) thống nhất phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2024 trị giá tối đa 1.080 tỷ đồng. Công ty dự kiến chào bán 1 đợt trong quý IV năm nay. Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được bảo đảm bằng tài sản, phát hành tại thị trường trong nước.

Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu tiên (tương đương 2 kỳ thanh toán lãi đầu tiên) là 10,7%/năm. Lãi suất áp dụng cho các kỳ thanh toán lãi tiếp theo bằng tổng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 4,4%/năm nhưng không thấp hơn 10,3%/năm, định kỳ trả lãi 6 tháng/lần.

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương; trong đó có 17 lô tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng và 2 thửa đất ở phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Tổng diện tích của các thửa đất rộng hơn 15ha, được định giá hơn 1.723 tỷ đồng.

Trước đó, Becamex IDC cũng muốn chào bán thêm 300 triệu cổ phiếu ra công chúng, thu về tối thiểu 15.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chào bán trong quý IV/2024 và/hoặc năm 2025, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.

Huy động lượng lớn tiền từ thị trường chứng khoán, công ty dự kiến sử dụng vào nhiều mục tiêu khác nhau, như cơ cấu nợ, đầu tư dự án.

Theo phương án phát hành cổ phiếu dự thu tối thiểu 15.000 tỷ đồng, doanh nghiệp dự kiến dùng để đầu tư dự án (6.300 tỷ đồng) như Khu công nghiệp Cây Trường, Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng; góp tăng vốn các công ty hiện hữu (3.634 tỷ đồng); còn lại 5.066 tỷ đồng để trả nợ trái phiếu, các khoản nợ ngân hàng.

Còn phát hành 1.080 tỷ đồng trái phiếu, công ty dự kiến thanh toán các khoản gốc, lãi của các khoản nợ vay ngắn hạn có giá trị 2.600 tỷ đồng, kỳ hạn 11 tháng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); 1.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), kỳ hạn 12 tháng.

Trước đó, từ tháng 6 đến nay, trong 5 tháng, đại gia Bình Dương đã phát hành tổng cộng 5 lô trái phiếu với giá trị 2.120 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm, công ty không có đợt phát hành mới.

Tính tới thời điểm này, Becamex IDC có 11 lô trái phiếu đang lưu hành với giá trị 12.326 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu còn lại là 11.126 tỷ đồng, trong đó hơn 8.088 tỷ đồng dùng đầu tư chương trình, dự án; 2.120 tỷ đồng để cơ cấu các khoản nợ và gần 1.262 tỷ đồng để tăng quy mô vốn hoạt động.

Thực hiện nhiều dự án, gia tăng nợ vay tài chính

Becamex IDC là nhà phát triển bất động sản công nghiệp và đô thị kết hợp với nhiều dự án lớn; có nhiều công ty thành viên đang hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ, viễn thông - công nghệ thông tin, sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, cảng, y tế và giáo dục.

Với mảng bất động sản, trước đây công ty tập trung khai thác lĩnh vực phát triển khu công nghiệp và khu dịch vụ đô thị tại tỉnh Bình Dương. Sau đó, Becamex IDC có góp vốn liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, lập Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).

Liên doanh này triển khai các dự án ở nhiều tỉnh, thành khác như VSIP Bắc Ninh, VSIP Hải Phòng, VSIP Hải Dương, VSIP Nghệ An, VSIP Quảng Ngãi, VSIP Bình Định, VSIP Bình Dương. Công ty cũng nhận chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều khu công nghiệp và dự án ở các tỉnh thành khác nhau khắp cả nước.

Theo báo cáo thường niên 2023, diện tích khu công nghiệp còn lại tới cuối năm 2023 của Becamex IDC là 3,5 triệu m2, gồm các khu công nghiệp Mỹ Phước 1 2-3, Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Thới Hòa (Bình Dương).

Để tạo quỹ đất khu công nghiệp cho thuê trong giai đoạn tiếp theo, Tổng công ty đã đầu tư dự án khu công nghiệp Cây Trường (Bình Dương, diện tích quy hoạch 700ha, vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, đã được chấp thuận chủ đầu tư của Thủ tướng Chính phủ).

Các dự án khu dân cư, tái định cư cuối năm 2023 tại TP Bến Cát, huyện Bàu Bàng, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An (Bình Dương) với diện tích hơn 12,2 triệu m2, do Becamex IDC sở hữu 100%.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, Becamex IDC đang là nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất các dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương như dự án đường Vành Đai 4 TPHCM đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn (tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng); Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (trên 18.000 tỷ đồng); Dự án hoàn thiện tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn theo hình thức PPP (trên 17.000 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty cũng đang triển khai thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc Lộ 13 (trên 1.500 tỷ đồng).

Cũng theo báo cáo trên, Becamex IDC đã đầu tư trên 9.000 căn nhà ở xã hội. Công ty đặt mục tiêu tiếp tục phát triển loại hình này xung quanh các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ hiện hữu. Doanh nghiệp dự kiến đầu tư xây dựng 40.336 căn nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại Khu VietSing (TP Thuận An); Khu Định Hòa (TP Thủ Dầu Một); Khu Mỹ Phước (Thị xã Bến Cát); khu Bàu Bàng (Huyện Bàu Bàng), tầm nhìn đến năm 2030.  

Về sức khỏe tài chính, giai đoạn 2019-2023, Becamex IDC có 3 năm đạt lợi nhuận sau thuế trên 2.100 tỷ đồng. Năm 2023, doanh nghiệp đạt doanh thu 7.883 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.280 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 32% so với năm trước. Công ty cũng hoàn thành vượt 1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong 9 tháng, Becamex IDC đạt doanh thu 3.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 769 tỷ đồng (gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước).

Do đặc thù phát triển nhiều dự án cùng lúc nên trong thời gian qua, tổng công ty tăng nợ vay tài chính, đáp ứng nguồn vốn đầu tư các dự án. Tuy nhiên, cơ cấu vốn cũng được duy trì ổn định trong 5 năm, nợ vay tài chính dài hạn luôn cao hơn nợ vay tài chính ngắn hạn.

Tại ngày 30/9, doanh nghiệp cũng có 20.665 tỷ đồng nợ vay tài chính, tăng 5% so với cuối năm trước. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,02 lần.

Công ty cũng có lượng hàng tồn kho lớn qua các năm nhưng đang giảm dần so với tổng tài sản. Giai đoạn 2019-2022, tồn kho trên 20.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 40-50% tổng tài sản. Năm 2023, tồn kho về dưới mức trên, đạt 19.834 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản.

Trong 9 tháng, tồn kho ghi nhận 20.903 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản. Phần lớn trong hàng tồn kho là chi phí xây dựng dở dang của các dự án, gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, các chi phí phải trả để có được quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các chi phí khác có liên quan đến dự án.