"Mua trước, trả sau" có khiến giới trẻ Mỹ rơi vào vòng xoáy nợ nần?
(Dân trí) - Mua trả góp không lãi suất và các khoản vay ngắn hạn đang kích thích nhu cầu mua sắm trong giới trẻ Mỹ. Tuy nhiên, hình thức cho vay này có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Tài khoản âm tiền và nợ tín dụng phình to khi lạm phát "ăn sâu" vào tiền lương khiến ngày càng nhiều người trẻ Mỹ tìm đến phương thức thanh toán "mua trước, trả sau" (BNPL - Buy Now, Pay Later). Theo Bloomberg, số người Mỹ sử dụng mô hình cho vay vốn rất phổ biến ở Úc, tăng 300% mỗi năm kể từ năm 2018.
Theo các công ty BNPL nổi tiếng như Afterpay, Klarna và Affirm, mô hình BNPL phù hợp về mặt tài chính cho những người không thể tiếp cận các hình thức tín dụng truyền thống. Tuy nhiên, những nhà hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng cho rằng mô hình này khó kiểm soát, và do đó nguy cơ gây rủi ro cho người tiêu dùng.
Elyse Hicks, cố vấn chính sách người tiêu dùng tại American for Financial Reform, cho biết: "Trên thực tế, BNPL vô tình khiến người tiêu dùng gánh nhiều khoản nợ trong thời gian ngắn". Và do đó, nếu mô hình này tiếp tục phát triển, nó có thể đẩy một thế hệ người trẻ Mỹ vào bẫy nợ nần.
Sự bùng nổ của BNPL ở Mỹ
Dịch vụ BNPL cho phép người tiêu dùng thanh toán một mặt hàng hoặc dịch vụ thành 4 lần không tính lãi trong một khoảng thời gian thường là 2 tuần. Ngoài áp dụng cho thanh toán trực tuyến, BNPL hiện bắt đầu len lỏi vào các cửa hàng truyền thống.
Dịch Covid-19 bùng nổ, kích thích sự phát triển của phương thức thanh toán "mua trước, trả sau" do người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến. Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn và dịch vụ CNTT Accenture do Afterpay ủy quyền, lượng mua sử dụng phương thức thanh toán BNPL đã tăng 230% kể từ đầu năm 2020.
Theo các nghiên cứu, khoảng 1/3 đến phân nửa người dân Mỹ đã và đang sử dụng dịch vụ BNPL. Mô hình này cũng đang thâm nhập nhanh vào nhóm dân số trẻ.
Một số công ty dịch vụ tài chính và công nghệ lớn cũng gia nhập cuộc chơi. Vào tháng 6, Apple chính thức công bố dịch vụ thanh toán trả góp Apple Pay Later.
"Mua nhiều bây giờ rồi sau đó không thể trả"
Đối với người tiêu dùng, các công ty như Klarna và Affirm thường quảng cáo dịch vụ cho vay trả góp không lãi suất như một sự giải phóng khỏi ngành thẻ tín dụng và những kẻ cho vay săn mồi khác. Tuy nhiên, người dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đang nợ nần chồng chất.
Chuyên gia lý giải nguyên nhân là người trẻ không kiểm soát được nhu cầu mua sắm, dẫn đến việc họ mua nhiều hơn mức họ có thể chi trả.
Đối với nhiều người tiêu dùng, việc chia nhỏ các khoản thanh toán rất hợp lý và do đó, họ có xu hướng mua hàng thường xuyên hơn. Và đó là lý do các nhà bán hàng sẵn sàng trả phí 2-8% cho dịch vụ BNPL, cao hơn phí của các công ty thẻ tín dụng.
Theo chuyên gia kinh tế Hicks, lời hứa về khả năng chi trả của các dịch vụ BNPL là không thực tế và hình thức thanh toán này "khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn so với khi họ sử dụng thẻ tín dụng". Điều đó được chứng minh khi gần 40% người dùng BNPL nói rằng họ đã thanh toán chậm ít nhất một lần, theo Credit Karma.
Dịch vụ BNPL thường không tính lãi suất như thẻ tín dụng, nhưng lại tính phí hoặc áp dụng các khoản phạt khi người dùng thanh toán muộn. Ngoài ra, việc chậm trễ trong thanh toán khoản nợ thậm chí có thể kích hoạt phí thấu chi trong tài khoản ngân hàng của người mua.
Người trẻ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất
Theo Công ty tư vấn tài chính và đầu tư tư nhân Motley Fool, gần 50% người trẻ sử dụng dịch vụ BNPL đã thanh toán muộn hoặc phải trả phí trễ hạn.
Không giống như thẻ tín dụng, người dùng dịch vụ BNPL khó theo dõi chính xác số tiền họ còn nợ. Nếu người dùng vay nhiều BNPL cùng một lúc, họ có thể nhanh chóng gặp rắc rối. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoang mang về dịch vụ BNPL. Một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 1/3 người dùng BNPL không thực sự hiểu rõ về dịch vụ này.
Chemareea Biggs là một trong người đã rơi vào bẫy nợ của BNPL. Sau khi mất việc làm do đại dịch, cô không thể trả khoản vay mua vé máy bay đúng hạn, khiến cô rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Một nguyên nhân khác khiến người tiêu dùng mắc bẫy nợ là do các dịch vụ BNPL hầu như không được kiểm soát.
Nếu vay các khoản tín dụng truyền thống, người tiêu được bảo vệ bởi Đạo luật Sự thật trong Cho vay (TILA). Tuy nhiên, những người cho vay BNPL có thể lảng tránh áp dụng TILA vì luật chỉ bao gồm các khoản cho vay được chia thành 5 khoản thanh toán trở lên, trong khi BNPL dừng lại ở mức chia 4 lần thanh toán.
Với việc từ chối TILA, các công ty BNPL sẽ chịu ít trách nhiệm pháp lý hơn trong việc đảm bảo người dùng có thể trả lại khoản vay. Một số dịch vụ có thể thực hiện kiểm tra tín dụng nhẹ đối với các mặt hàng có giá trị lớn, nhưng đối với hầu hết các khoản vay thì vẫn là một ẩn số.
BNPL nên chịu sự kiểm soát như thẻ tín dụng?
Mặc dù các dịch vụ BNPL cụ thể có thể cấm người dùng cho đến khi họ thanh toán xong các khoản nợ, nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản người tiêu dùng vay tiền tại các công ty BNPL khác.
Theo một nghiên cứu từ cơ quan báo cáo tín dụng tiêu dùng Mỹ TransUnion, người dùng BNPL có xu hướng sở hữu nhiều thẻ tín dụng, thẻ bán lẻ, các khoản vay trả góp hoặc các sản phẩm tín dụng khác. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy gần 1/5 khách hàng BNPL chỉ sử dụng dịch vụ sau khi đã tiêu hết thẻ tín dụng.
Taylor Roberson, cố vấn chính sách liên bang tại nhóm vận động người tiêu dùng Trung tâm cho vay có trách nhiệm, nói với DW: "Một trong những điểm mạnh của BNPL là khuyến khích người tiêu dùng thanh toán đúng hạn để có lịch sử thanh toán được ghi nhận tích cực trong báo cáo tín dụng".
Ông Roberson giải thích rằng người tiêu dùng không được các tổ chức xếp hạng tín dụng khen thưởng cho việc thanh toán các khoản vay BNPL đúng hạn một phần do những người cho vay này không bị yêu cầu báo cáo dữ liệu.
Tuy vậy, ngay cả khi các công ty BNPL lựa chọn báo cáo dữ liệu, điểm tín dụng của người dùng vẫn dễ bị ảnh hưởng một khi họ chậm trễ thanh toán khoản vay.
"Theo quy chế và quy định thì BNPL về cơ bản là những thẻ tín dụng. Vì vậy, chúng nên được kiểm soát bởi TILA", ông kết luận.