Nghỉ việc ở Hà Nội, cô gái trẻ về quê mở lớp dạy vẽ cho trẻ em
(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định với mức lương khá cao ở Hà Nội nhưng cô gái trẻ Hoàng Hồng Đóa vẫn quyết định bỏ ngang. Trở về quê, cô mở lớp dạy vẽ cho hàng trăm trẻ em.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Hoàng Hồng Đóa (31 tuổi, trú thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sắm đồ về tự trang trí, mang không khí Tết đến lớp học vẽ cho trẻ em của mình. Cô gái tốt nghiệp khoa Thiết kế thời trang, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Hà Nội năm 2015. Ra trường, cô có một công việc đúng ngành mình học, lương khá cao tại Thủ đô. Thế nhưng, 3 năm sau, Hồng Đóa quyết định nghỉ việc về quê tìm trải nghiệm mới vì yêu thích tự do.
Thời gian mới về, Hồng Đóa thấy các cháu của mình và trẻ em hàng xóm xem quá nhiều tivi và điện thoại. Từ đó, cô gái trẻ quyết định dạy vẽ cho trẻ nhỏ.
"Các cháu rất hào hứng. Thời gian sau, nhiều gia đình trong vùng biết nên mong muốn gửi con họ đến học. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là giúp các cháu. Nhưng số lượng học sinh ngày càng đông nên tôi có ý tưởng mở lớp vẽ cho đến nay", cô gái kể.
Lớp học vẽ của Hồng Đóa rộng khoảng 30m2 ngay cạnh nhà mình. Với số lượng trẻ năm nào cũng duy trì 80 bé, mùa hè lên đến 100 cháu, không gian này không đủ để cô giáo đào tạo. Vì thế, Hồng Đóa đã chia thành 9 lớp, mỗi lớp 7-10 bé, sắp xếp theo nhóm như 4-6, 6-8, 8-10 tuổi và dạy vào các buổi chiều trong tuần. Riêng thứ 7 và chủ nhật, Hồng Đóa dạy thêm buổi sáng từ 8h đến 10h.
Buổi sáng chủ nhật, ngày 15/1 (tức 24 tháng Chạp năm 2022) là một buổi học cuối cùng trong năm trước khi các em nghỉ Tết. Các bé được bố mẹ cho mặc áo dài đến lớp để đón Tết sớm cùng cô giáo và các bạn.
"Đây là các em có đam mê và tâm huyết. Các gia đình muốn con theo học đông lắm. Nhưng tôi chỉ nhận số lượng có hạn. Nhằm giúp học sinh thêm hào hứng, sáng tạo, ngoài giờ trong lớp, tôi còn dẫn các em ra sân nhà hay cánh đồng để vẽ thiên nhiên, thú cưng", Hồng Đóa tâm sự.
Buổi học sẽ kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ. Các lớp nhỏ tuổi chủ yếu học kỹ thuật hội họa, vẽ tượng trưng hình ảnh gần gũi trong đời sống. Còn lớp có độ tuổi lớn hơn sẽ được học kỹ thuật tô màu, cách di chuyển màu theo từng lớp, đi nét đậm khác nhau... Về nội dung, các bé sẽ được sáng tạo chủ đề theo mùa, như mùa hè là bãi biển, du lịch; mùa đông là chủ đề lễ Giáng sinh. Còn thời gian này, tranh của bé có chủ đề Tết, mùa xuân.
Đây là một học sinh đặc biệt của lớp, tên Phan Xuân Bắc (12 tuổi, trú xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân) - nhà cách lớp học khoảng 5km. Bắc không may bị khiếm thính từ nhỏ. Trong các môn, Bắc đam mê mỹ thuật nhất. Năm 2020, khi nghe thông tin về lớp vẽ, mẹ cậu tìm đến và gửi gắm con theo học. Không chút suy nghĩ, Hồng Đóa đã quyết định nhận dạy vẽ miễn phí cho cậu học trò nhỏ với mong muốn bé duy trì đam mê, cởi mở và hòa nhập với mọi người nhiều hơn.
"Ngày đầu đến lớp, Bắc rụt rè, ngại tiếp xúc nhưng tôi rất có tình cảm đặc biệt và tâm huyết với cậu bé. Ngoài thời gian học, tôi luôn tạo không gian trong và ngoài lớp để các bé khác cùng vui chơi với Bắc. Đến nay, em ấy hòa nhập tốt. Em tự vẽ và tô màu được. Sự sáng tạo trên các bức tranh của Bắc rất sinh động", cô giáo nhận xét về cậu học trò.
Buổi học cuối trong năm, Bắc được ông nội chở đến lớp vì bố mẹ bận công việc. Sau khi hoàn thành bức tranh, Bắc chạy ra khỏi lớp khoe với ông.
"Cháu không may bị khiếm thính từ nhỏ. May có lớp học này, cháu ngày càng trưởng thành, vui vẻ, vẽ đẹp hơn. Tôi hy vọng sau này lớn lên, cháu cũng theo được nghề vẽ tranh này", ông Phan Trung Thông (64 tuổi, ông nội Bắc), chia sẻ.
Trong khi đó, anh Đồng Xuân Trà (35 tuổi) - phụ huynh của bé Phương Chi (8 tuổi), cùng vợ con thích thú chụp hình check-in với không gian Tết được trang trí ngoài lớp học. "Cháu rất hào hứng học ở lớp vẽ từ khi bắt đầu đến giờ. Môn học khác có thể nghỉ chứ môn vẽ thì bé không bỏ hôm nào. Trước đây, lớp học vẽ chắc chỉ có ở thành phố Vinh, Nghệ An. Nếu học ở đó thì xa mà chúng tôi thì bận rộn. Vì thế, không những vợ chồng tôi, mà các bậc phụ huynh có con nhỏ khác trong vùng đều cảm thấy may mắn khi có lớp học này", anh Trà nói.
Nhóm học viên nhí thích thú mang sản phẩm của mình chụp hình check-in với cô giáo. Những bức tranh của các bé có nội dung thể hiện một cái Tết vui tươi, đoàn viên, ấm áp bên gia đình.
"Sau buổi học này, lớp sẽ nghỉ Tết đến 15 tháng Giêng. Tôi rất yêu trẻ con và hạnh phúc khi được làm giáo viên dạy vẽ của các em", Hồng Đóa vui vẻ nói.