Mơ ước "được vinh dự trên bục phát biểu" của nam sinh xuất sắc Ngoại thương
(Dân trí) - "Không dưới 3 lần đứng sau cánh gà, em ước ao được một lần vinh dự đứng trên bục phát biểu. Trong ngày trọng đại hôm nay, em rất hồi hộp, hạnh phúc vì ước ao ấy đã thành sự thật".
Trên đây là chia sẻ của Lê Đỗ Thành Trung, sinh viên K59, lớp Anh 3 ngành Kinh tế đối ngoại, Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, trong lễ tốt nghiệp sớm đợt 1, diễn ra ngày 21/4 tại Hà Nội.
Với điểm trung bình toàn khóa 3,93/4,00, Lê Đỗ Thành Trung vinh dự đại diện cho 1.355 sinh viên phát biểu tri ân.
Cán bộ đoàn xuất sắc tốt nghiệp sớm
Trong bài phát biểu ngắn gọn đầy xúc động, Trung nói rằng những năm qua, không dưới 3 lần em từng đứng sau cánh gà, điều phối chương trình, hỗ trợ các anh chị trong các lễ tốt nghiệp. Em ước ao được một lần vinh dự đứng trên bục phát biểu. Trong ngày trọng đại hôm nay, em rất hồi hộp, hạnh phúc vì ước ao ấy đã thành sự thật.
Được biết trong số các sinh viên tốt nghiệp sớm năm nay, Trung có điểm trung bình tích lũy toàn khóa (GPA) 3,93/4,00, điểm rèn luyện 100/100 - một trong những sinh viên top đầu của trường; là Phó Bí thư Đoàn trường Ngoại thương nhiệm kỳ 2022-2024; thành viên Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025; 5/6 kỳ đạt học bổng dành cho sinh viên có kết quả học tập tốt (học bổng A); đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt thành phố Hà Nội năm 2023.
Trong suốt quá trình học, Trung có 5/7 học kỳ đạt điểm tích lũy GPA toàn khóa đạt tối đa 4,00/4,00.
Ngoài thành tích học tập đáng nể, Trung còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen về phong trào hoạt động đoàn cấp trường, cấp thành phố.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Trung cho biết, em nghĩ mình đã tìm được phương pháp học phù hợp nên ngay từ năm nhất, việc học không còn là gánh nặng.
Nam sinh tự nhận, phương pháp học đơn giản nhất là học tốt kiến thức trong sách giáo khoa, không bao giờ bỏ buổi học nào trên lớp và chú tâm bài giảng của thầy cô.
Đến mỗi giai đoạn của năm học, Trung tiếp tục đặt ra kế hoạch ôn cao điểm cho từng môn. Điều đó giúp em có kết quả học tập tốt hơn.
Cũng theo nam sinh này, mặc dù gia đình không bao giờ tạo áp lực học tập cho con nhưng từ thời phổ thông đến nay, em luôn đặt kỳ vọng vô hình lên vai mình để giữ thành tích học tập tốt. Do vậy, trong khoảng thời gian đại học, em đã làm hết sức để đạt mục tiêu ấy.
Chọn Ngoại thương là bước ngoặt cuộc đời
Lê Đỗ Thành Trung sinh ra và lớn lên ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Cấp 3, em là học sinh chuyên toán, Trường THPT chuyên Hùng Vương. Tại đây, cậu học trò gặt hái nhiều giải thưởng lớn nhỏ như: danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, giải Ba HSG cấp tỉnh môn tiếng Anh, học bổng Nay Der…
Với điểm thi tốt nghiệp THPT gồm toán 9,2; tiếng Anh 9,6; ngữ văn 8,5; vật lý 9,0, năm 2021, Trung xét tuyển vào chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Đại học Ngoại thương.
Chia sẻ về việc vì sao chọn Hà Nội thay vì đăng ký vào ngôi trường nào đó gần nhà, Trung cho hay, sở dĩ mình chọn Đại học Ngoại thương và ngược lối ra Bắc bởi từ nhỏ em đã thích Hà Nội.
Đặc biệt, khi còn học phổ thông, em chỉ là cậu bé tự ti, rụt rè, e sợ tất cả mọi thứ xung quanh, chỉ đâm đầu vào học nên em có mục tiêu chọn môi trường để "cải thiện bản thân".
"Mục tiêu lớn nhất em đặt ra khi vào trường là để bản thân năng động, tự tin bởi những năm cấp 3 em đã tập trung học tập nhiều. Một người, dù có nền tảng tốt nhưng nếu quá ù lì, sẽ thiếu sự năng động.
Vậy nên em muốn mình trở nên tự tin hơn, có kỹ năng ngoài sách vở, có thêm những mối quan hệ…, để bước ra khỏi vùng an toàn trước đây. Với mục tiêu này, em đã quyết định chọn vào Ngoại thương và đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời", Trung chia sẻ.
Cũng theo nam sinh này, em luôn tâm niệm đã vào được môi trường mong ước, bản thân phải nỗ lực trong guồng quay để không bị "chệch đường ray". Ngay từ năm nhất, nhà trường có hoạt động gì, cậu sinh viên nhút nhát ấy đều đăng ký tham gia. Có lẽ đó cũng một phần lý do khiến điểm rèn luyện của em gần như tối đa.
Nam sinh nhớ lại, những ngày đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, em thật sự choáng ngợp. Mặc dù mình cũng đã hình dung trước trong đầu, nhưng mọi thứ tại đây đều khiến em quá bất ngờ bởi sự năng động quá sức tưởng tượng của bạn bè đồng trang lứa.
Ngay lập tức em xung phong làm lớp trưởng, ứng tuyển vào các CLB, đi làm thêm, cố gắng học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa, dần hòa nhập được với bạn bè.
Đầu năm 2, em được giới thiệu vào Ban chấp hành đoàn trường. Năm thứ 3, Trung đắc cử vào vị trí Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Ngoại thương.
Nhận xét về cậu học trò xuất sắc Thành Trung, TS Võ Xuân Lộc, Bí Thư đoàn Trường Đại học Ngoại thương, cho hay Trung rất có tố chất, tư duy thông minh nhạy bén, ham học hỏi.
Để Trung làm Phó Bí thư đoàn trường, nhà trường đã mất 2 năm thử thách và theo dõi nam sinh này trong số 200 sinh viên được sàng lọc vào tổ chức văn phòng đoàn từ trước.
Việc sàng lọc ngoài các yếu tố như điểm số và quá trình học hỏi, Trung rất lắng nghe, có kết nối tốt với giảng viên, thầy cô với các bạn sinh viên. Trung bình mỗi năm nhà trường có khoảng 150-170 hoạt động, Trung sẽ là người kết nối giữa thầy cô với các sự kiện đó.
"Mặc dù công tác đoàn chiếm thời gian của Trung rất nhiều nhưng ngược lại, điểm GPA của em rất tốt, chứng tỏ nam sinh này có tư duy học tập rất tốt.
Việc nhà trường chọn Trung đại diện cho hàng nghìn sinh viên phát biểu trong lễ tốt nghiệp đợt 1, ngoài các yếu tố điểm số, đòi hỏi những người có tố chất sân khấu lớn, phát biểu lưu loát, khả năng viết tốt và Trung đáp ứng được điều đó", TS Lộc nói.