(Dân trí) - "65,1% học sinh có biểu hiện stress theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới trung bình, nặng và rất nặng (4 mức độ). Trong số này, có 32,9% ở trong tình trạng stress nặng và rất nặng".
TS. Hoàng Trung Học , Trưởng khoa Tâm lý - giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục đưa ra các số liệu thống kê khiến các nhà giáo dục và phụ huynh "giật mình" về những tác động tâm lý nặng nề mà học sinh phải gánh chịu qua việc học trực tuyến (online) kéo dài.
"Đây là kết quả thực sự rất đáng báo động", TS. Hoàng Trung Học nhấn mạnh.
Phóng viên Dân trí đã trao đổi thông tin với TS. Học để công bố những số liệu này tới độc giả.
Theo TS. Hoàng Trung Học, dịch bệnh Covid-19 là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử, vì vậy những biểu hiện tâm lý hiện hữu do Covid-19 "đôi khi cũng không trùng hợp với những dạng tâm bệnh đã được mô tả".
TS. Học công bố những số liệu đánh giá quan trọng về mức độ ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh và học online dựa trên kết quả khảo sát của gần 5.000 học sinh tiểu học và THCS trên cả nước. Những học sinh này đã trải qua trên 6 tháng học trực tuyến.
Theo kết quả đánh giá trong nghiên cứu trên diện rộng, tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm trong thời gian học trực tuyến do Covid-19 rất đáng quan ngại:
"65,1% học sinh có biểu hiện stress theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng. Trong số này, có 32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng" - theo kết quả nghiên cứu của TS. Học.
Chưa dừng ở đó, số liệu nghiên cứu còn cho thấy, 41,8% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu ở các mức độ khác nhau, trong đó có 14,3% ở mức nặng và rất nặng. Tỷ lệ học sinh rối loạn lo âu khi học trực tuyến cao gần gấp 2 lần so với các học sinh học trực tiếp tại trường.
Những số liệu này rất đáng lưu tâm ở cả phương diện giáo dục và sức khỏe tâm thần. "Như chúng ta đã biết, rối loạn lo âu là một dạng rối loạn tâm thần ở mức nghiêm trọng. Nếu không được can thiệp kịp thời, có thể chuyển hóa thành những thể nặng hơn", TS. Học cho hay.
Số liệu thống kê về biểu hiện của trầm cảm cũng đáng lo ngại. Theo kết quả sàng lọc bằng thang đo DASS21 ở những học sinh học online trên 6 tháng cho thấy, hơn 34,% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm ở các mức độ khác nhau, trong đó 8,3% ở mức độ nặng và rất nặng.
"Trầm cảm là một dạng rối loạn khá nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới học tập và nhiều chức năng tâm lý khác, thậm chí cả sức khỏe và tính mạng của con người". Việc học sinh gặp phải stress, lo âu và trầm cảm do không được đến trường đã đến mức "rất rất đáng báo động".
Về "hội chứng tâm lý do Covid-19" (thuật ngữ chưa chính thức, được TS. Học tạm sử dụng) là tập hợp của nhiều biểu hiện, triệu chứng ảnh hưởng đến các chức năng tâm lý và chất lượng sống của học sinh, xuất hiện phổ biến trong giai đoạn Covid-19, có quan hệ nhưng không trùng lặp với những triệu chứng của những dạng bệnh tâm lý khác.
Việc học online do hay giãn cách xã hội là một trong những tác nhân tạo nên "hội chứng tâm lý do Covid-19" ở học sinh. Dựa trên khảo sát 20.000 học sinh, TS. Học cho thấy, hội chứng tâm lý do Covid-19 có nhiều biểu hiện về thực thể, tâm lý, nhận thức, cảm xúc và hành vi.
"Trước hết là biểu hiện bất thường về nhận thức. Ở học sinh tiểu học và THCS, có 61% học sinh khẳng định rất khó nhớ nội dung và nhiệm vụ học tập. Ở đây chúng ta bác bỏ trường hợp học sinh lười học, cố tình không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là những em có ý thức học tập và hoàn thành nhiệm vụ nhưng gặp khó trong việc nhớ nội dung bài học và bài tập.
Thứ hai, 72% học sinh gặp khó khăn trong việc giải các bài tập mà bình thường các em có thể làm được.
Thứ ba, 58% học sinh khẳng định thường xuyên bị mất tập trung khi học online; 47% học sinh nói rằng, các em thường xuyên quên không làm bài tập về nhà.
Chúng tôi cho rằng đây một loạt là biểu hiện của hiện tượng suy giảm khả năng trí nhớ, tư duy và sức tập trung chú ý", TS. Học cho biết.
Biểu hiện về mặt cảm xúc của "hội chứng tâm lý do Covid-19", có 3 biểu hiện chính: 42% học sinh cho biết thường mất kiểm soát về cảm xúc; 41,5% cho rằng bản thân trở nên dễ bị kích động, dễ xung đột với người xung quanh; hơn 33% có biểu hiện suy giảm động cơ học tập.
Biểu hiện bất thường về hành vi: 75% học sinh lạm dụng Internet; 74% lạm dụng trò chơi điện tử và mạng xã hội; 44,6% hạn chế và không mong muốn tiếp xúc với mọi người; 42% thu mình vào thế giới riêng; 39% không tự chủ được nề nếp sinh hoạt; 23,2% (tương ứng với 1003 học sinh) khẳng định đã từng có suy nghĩ đến việc tự tử.
TS. Học đặc biệt nhấn mạnh, "Con số 23,2% học sinh đã nghĩ tới việc tự tử (với các tần suất khác nhau: ít khi, đôi khi hoặc thường xuyên) là một con số đáng lo ngại. Mặc dù có thể chưa xảy ra hành vi tự tử, nhưng suy nghĩ này cần được đặc biệt quan tâm".
Kết luận lại, chuyên gia cho rằng, học sinh cần phải được trả về môi trường học đường càng sớm càng tốt. "Không phải là môi trường học online, mà là môi trường học trực tiếp, với những mối quan hệ thực, trong không gian thật. Trẻ cần được học tập cùng với các bạn và thầy cô. Quan điểm của tôi là khi chúng ta đã đảm bảo độ phủ vaccine cần thiết và độc lực của virus đã thay đổi, cần cân nhắc đưa trẻ đến trường càng sớm càng tốt. Không thể trì hoãn thêm. Ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý do Covid-19 là nghiêm trọng, không thấy hết trong ngắn hạn, mà có thể để lại hậu quả lâu dài, đến vài chục năm sau", Tiến sĩ nói.
Theo TS. Học, ngoài việc đưa học sinh trở lại trường học càng sớm càng tốt, cần phải giảm thiểu thời gian làm việc với máy tính, điện thoại của học sinh. Nếu bắt buộc vẫn phải làm việc online, thầy cô giáo không nên tập trung "nhồi nhét" kiến thức. Cần lưu tâm giảm tải, chú ý đến cảm xúc của học sinh trong quá trình học tập.
"Thời gian đứa trẻ vận động ngoài trời tỷ lệ nghịch với mức độ stress, lo âu và trầm cảm". TS. Học cho rằng, cần để cho học sinh thoát ra khỏi thế giới ảo, có cơ hội phát triển trong môi trường thực. Đồng thời, cha mẹ, thầy cô cũng cần tăng cường giao lưu với học sinh về mặt cảm xúc, giúp các em học kỹ năng sống hàng ngày trong thời kỳ Covid-19.
"Điều hòa hoạt động là biện pháp quan trọng để ổn định tâm lý cho học sinh. Một đứa trẻ phải được học tại trường, được tiếp xúc với bạn bè thật, được vận động thể chất ngoài trời. Khi nào điều hòa được những chỉ số này, trẻ sẽ đạt được trạng thái cân bằng tâm lý".
Khi học sinh trở lại trường, phụ huynh, giáo viên cần phải chuẩn bị tâm lý, thiết lập lại thói quen cho các em. Phải mất 3-6 tháng để phá vỡ thói quen cũ, thiết lập thói quen mới. Việc này khiến cả học sinh và gia đình đều mất thời gian. Do đó, các em cần được hỗ trợ và có sự chuẩn bị trước khi đi học trở lại.
Thiết kế và nội dung: Mai Châm