DNews

Cuộc đời bi kịch của thần đồng học Đại học Harvard năm 11 tuổi

Bích Ngọc

(Dân trí) - William James Sidis được coi là thần đồng đa lĩnh vực nổi tiếng trong lịch sử ngành giáo dục Mỹ. William có năng lực học toán và ngôn ngữ ở mức "ngoại hạng", nhưng cuộc đời về sau rất buồn chán.

Cuộc đời bi kịch của thần đồng học Đại học Harvard năm 11 tuổi

Cha của thần đồng William James Sidis (1898-1944) - nhà tâm lý học Boris Sidis - đã theo đuổi các biện pháp giáo dục đặc biệt dành cho con trai từ sớm. Ông Boris kỳ vọng rằng con trai ông sẽ là một thiên tài lừng lẫy. Quả thực, William sớm được truyền thông và công chúng Mỹ biết tới vì năng lực trí tuệ đặc biệt.

Tuổi thơ của thần đồng

2 tuổi, William James Sidis đã có thể đọc báo giấy trôi chảy. 6 tuổi, cậu bé đã nói được nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Nga... 11 tuổi, William bắt đầu theo học tại Đại học Harvard và là một trong những sinh viên ít tuổi nhất trong lịch sử của trường.

Ở tuổi trưởng thành, gia đình Sidis tuyên bố William có chỉ số IQ vượt trội, trong khoảng từ 250 tới 300, chàng thanh niên có thể sử dụng 25 ngôn ngữ.

Dù những tuyên bố của gia đình Sidis chưa từng được một tổ chức uy tín nào chính thức công nhận, nhưng nhiều giảng viên, nhà khoa học từng tiếp xúc với William như nhà toán học Norbert Wiener, nhà vật lý học Daniel Frost Comstock, nhà tâm lý học William James... đều khẳng định William thông minh vượt trội.

Cha mẹ của William cũng đều là những trí thức có học vấn ấn tượng. Người cha - ông Boris Sidis - là một nhà tâm lý học nổi tiếng tại Mỹ. Người mẹ - bà Sarah Sidis - là một bác sĩ. Cả hai người đều rất tham vọng và không ngừng thúc đẩy sự phát triển của cậu con trai nhỏ.

Cuộc đời bi kịch của thần đồng học Đại học Harvard năm 11 tuổi - 1
Cuộc đời bi kịch của thần đồng học Đại học Harvard năm 11 tuổi - 2

Thần đồng William James Sidis thuở nhỏ (Ảnh: NPR).

Điều khác biệt lớn nhất ở William so với các thần đồng khác chính là cậu bé sớm bộc lộ năng lực tiếp thu mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thực tế, William đã đáp ứng đủ các điều kiện về kiến thức để có thể nhập học tại Đại học Harvard từ năm 9 tuổi, nhưng nhà trường có phần lo ngại nên muốn cậu bé đủ 11 tuổi mới bắt đầu việc học tại đây.

Sau 5 năm theo học, William tốt nghiệp và có bằng cử nhân chuyên ngành khoa học xã hội. Dù vậy, những năm tháng sinh viên của cậu thiếu niên rất buồn bã.

Bên cạnh việc phải chịu đựng áp lực từ những kỳ vọng của cha mẹ, William còn âm thầm chịu đựng những trải nghiệm khốn khổ ở trường. Cậu không ngừng bị bạn học - những sinh viên nhiều tuổi hơn - trêu chọc, rượt đuổi, bắt nạt...

Quãng thời gian học đại học đối với William rất cô đơn, đầy khủng hoảng. Cậu thiếu niên không chia sẻ điều này với ai bởi cậu không có bạn bè, thầy cô ở trường đại học cũng không còn đồng hành sát sao bên sinh viên.

Trong khi đó, cha mẹ của cậu chỉ biết thúc đẩy con trai nhanh chóng tiến bước trên con đường học vấn. Họ chỉ kỳ vọng được thấy những điều xuất sắc vượt trội ở con, không quan tâm tới cảm nhận của con ra sao.

Trải nghiệm tồi tệ này khiến William có những cảm xúc tiêu cực về việc học. Ngay sau khi hoàn tất việc học Đại học năm 17 tuổi, William đã thể hiện mong muốn rời xa con đường học vấn. Cậu tuyên bố với giới truyền thông: "Tôi muốn sống một cuộc đời hoàn hảo. Cách duy nhất để sống một cuộc đời như vậy là sống ẩn dật".

Bi kịch ở tuổi trưởng thành

Tuyên bố là vậy, nhưng ở tuổi 17, William vẫn còn chịu nhiều sự kiểm soát của cha mẹ nên phải tiếp tục học tiếp lên tiến sĩ. Tuy nhiên, trải nghiệm của William ở Đại học Harvard quá tệ, do đó, cha mẹ cậu đã thu xếp cho con trai làm trợ giảng trong khoa toán của Đại học Rice. Ngôi trường nằm ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ.

Dù vậy, công việc giảng dạy của William nhanh chóng xuất hiện nhiều bất cập. Cậu thiếu niên không thể cộng tác tốt với các giảng viên trong khoa. William còn bị những sinh viên lớn tuổi hơn mình quấy phá mỗi khi cậu xuất hiện với tư cách trợ giảng.

Cuộc đời bi kịch của thần đồng học Đại học Harvard năm 11 tuổi - 3

William James Sidis ở tuổi thanh niên (Ảnh: NPR).

Chỉ sau một năm làm việc, William cảm thấy quá mệt mỏi và xin nghỉ việc. Cậu cũng quyết định bỏ dở việc học tiến sĩ toán học để chuyển hướng sang học luật tại Trường Luật Harvard. Khi chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp ngành luật, William lại bỏ dở việc học dù có điểm số tốt.

Trong những năm tháng trưởng thành, William chủ động né tránh truyền thông và sống kín tiếng. Cậu thanh niên liên tục thay đổi nơi ở, nhảy việc và sử dụng tên giả để tránh thu hút sự chú ý. William ở trọ trong những căn hộ giá rẻ và nhận làm đủ dạng công việc. Điểm chung của những công việc này là không đòi hỏi trình độ cao và có mức thù lao thấp.

William sống rất giản dị, cậu chỉ cần có đủ tiền trang trải sinh hoạt phí. Trong suốt cả cuộc đời mình, William né tránh các mối quan hệ xã hội. Chàng thanh niên chỉ đi làm rồi về nhà viết sách.

William liên tục thay đổi bút danh, không để các nhà xuất bản biết mình chính là thần đồng từng thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Vì vậy, các sách do William viết ra chỉ được in với số lượng hạn chế, không được nhiều người biết đến. Thực tế, các nhà nghiên cứu tiểu sử không biết chính xác William từng viết bao nhiêu cuốn sách.

Chàng thanh niên viết sách ở nhiều mảng đề tài khác nhau, nhiều nhất ở lĩnh vực vũ trụ và lịch sử. William tận hưởng cuộc sống lặng lẽ cho tới năm 1937 khi tờ tin tức New Yorker quyết định tìm bằng được thần đồng năm xưa để độc giả biết cuộc sống hiện tại của William như thế nào.

Động thái của New Yorker khiến William kiện tờ tin tức này ra tòa vì vi phạm quyền riêng tư và gây ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân. William được xử thắng kiện trong năm 1940. 4 năm sau, William đột ngột qua đời vì xuất huyết não ở tuổi 46.

Câu chuyện có tính cảnh tỉnh

Cho tới hôm nay, câu chuyện về cuộc đời thần đồng William James Sidis vẫn được nhắc tới như một minh chứng có tính chất cảnh tỉnh. Những giáo sư từng trực tiếp giảng dạy William vốn kỳ vọng thần đồng sẽ trở thành một học giả lỗi lạc, một nhà khoa học xuất chúng.

Nhưng sau cùng, ở tuổi trưởng thành, William từ bỏ con đường học vấn, sống ẩn dật và viết nên những đầu sách không tạo được tiếng vang.

Cuộc đời bi kịch của thần đồng học Đại học Harvard năm 11 tuổi - 4

William James Sidis ở tuổi trung niên (Ảnh: NPR).

Từ hành trình trưởng thành của William, người ta thấy được cái giá của việc chỉ tập trung thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, mà bỏ qua các khía cạnh khác của xã hội.

Cha mẹ của William đã làm mọi cách để con trai họ tiến nhanh, tiến xa trên con đường học vấn, nhưng họ lại bỏ qua những cảm nhận của con. Điều này khiến William bị tổn thương nhiều trong quá trình học đại học hay làm trợ giảng. Cậu luôn có cảm giác mình là con người dị biệt và không được chào đón.  

Sau cùng, dù từng có những năm tháng phát triển vượt trội về năng lực học tập, nhưng ở tuổi trưởng thành, William lại lựa chọn cuộc sống độc thân, ẩn dật. Chàng thanh niên lựa chọn làm những công việc lao động bình dị để được sống "một cuộc đời hoàn hảo" của người lao động bình thường, thu nhập thấp.

Theo NPR/HistoryEnhanced