DMagazine

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh

(Dân trí) - Suốt gần 30 năm đứng lớp, ông không nhớ nổi mình có bao nhiêu em học sinh đã theo học. Ông chỉ biết, sau mỗi năm lượng học sinh đến gửi gắm niềm tin vào mình ngày một nhiều hơn.

Suốt gần 30 năm đứng lớp, ông không nhớ nổi có bao nhiêu em học sinh đã theo học. Ông chỉ biết, sau mỗi năm lượng học sinh đến gửi gắm niềm tin vào mình ngày một nhiều hơn.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 1

Về xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh hỏi đến ông Đặng Tiến Dũng (SN 1957), không ai là không biết. Vốn là người bị tật ở chân, học chỉ mới đến lớp 5 nhưng ông lại được hàng ngàn học sinh, phụ huynh gọi là thầy.

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông nằm sát bên sườn đồi. Phần lớn diện tích căn nhà được ông sử dụng làm lớp học. Khi chúng tôi đến thăm ông, có khá nhiều học sinh với các lứa tuổi khác nhau đang say sưa học bài. 

Thấy có khách tới nhà, ông ra bài tập cho các em học sinh tự làm, rồi tiếp chuyện chúng tôi. Ông đi lại khá khó khăn, do sau hai lần mắc bệnh khiến đôi chân bị teo lại.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 2

Ông sinh ra vốn là một đứa trẻ bình thường, như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng năm lên 6 tuổi, sau một lần ốm, sốt nặng, đôi chân của ông bị liệt, dù được cha mẹ đưa đi chữa bệnh khắp nơi nhưng vẫn không đỡ. Từ đó, việc đi lại của ông gần như phải phụ thuộc vào người khác.

"Cha mẹ hỏi tôi "con có muốn đi học nữa không?". Tôi bảo có và nói ước mơ sau này muốn làm thầy giáo. Vì thương tôi còn nhỏ, lại bệnh tật nên cha mẹ đồng ý tiếp tục cho tôi đi học. Ngày ngày, cha cõng tôi đến trường. Lúc ấy, tôi cũng chưa hiểu chuyện, thấy được cha cõng đi học nên khoái chí lắm", ông Dũng nhớ lại.

Năm cuối của cấp tiểu học, căn bệnh cũ tái phát và chuyển biến xấu hơn. Qua 2 năm điều trị, nhưng cũng chỉ chữa được một chân, chân còn lại của ông teo dần. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng thêm bệnh tật nên giấc mơ được đi học để trở thành thầy giáo buộc phải dừng lại khi ông chỉ mới học đến lớp 5.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 3

"Lúc ấy, khi biết mình không được đến trường nữa, tôi đã khóc rất nhiều. Nhưng không còn cách nào khác, sau một thời gian tôi cũng bắt đầu quen dần với việc không được đến trường", ông Dũng nhớ lại.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 4

Không còn được đi học, ông Dũng làm đủ thứ nghề để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình từ sửa xe đến làm thợ mộc. Thế nhưng, niềm say mê với sách vở chưa bao giờ "tắt" trong con người ông.

"Những lúc đi làm, thấy nhà ai có cuốn sách hay, tôi đều tranh thủ đọc vội. Đọc chưa hết thì mượn về nhà để đọc. Nhiều người thấy tôi mê học đã đem sách đến tặng, hoặc cho mượn", ông Dũng cho biết.

Năm 1984, ông gặp bà Phạm Thị Hồng (SN 1961) ở cùng xã rồi nên duyên vợ chồng. Hạnh phúc như được nhân lên khi 5 người con khỏe mạnh của ông bà lần lượt chào đời.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 5

Cũng từ khi có con, niềm say mê con chữ trong ông lại "bùng cháy" mạnh mẽ hơn. Sau thời gian làm việc mỗi ngày, ông tranh thủ tìm đến sách vở. Ông đem hết những cuốn sách của các con và sách mình có, học từ đêm cho đến gần sáng. Lúc ấy ông chỉ nghĩ, mình phải có chút kiến thức để khi con có hỏi còn biết mà chỉ bày. 

"Tôi từng dở dang việc học hành, nên các con của tôi không thể như mình được. Các con phải được đi học, có kiến thức làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Chính vì vậy, việc học của con lúc nào cũng được tôi đưa lên hàng đầu", ông Dũng chia sẻ.

Cũng giống như ông, những người con đều say mê việc học và học rất giỏi. Cứ thế, sau những giờ đến trường, cha con lại ngồi cùng nhau, xem nhau như những người bạn, cùng học tập. Cha học con, con học cha, cứ như thế cùng giúp nhau bổ sung kiến thức.

Cuối cùng, sự khổ luyện của 6 cha con cũng được đền đáp. Cả 5 người con của ông đều đỗ đạt vào những trường tốp đầu và hiện đã tốt nghiệp, có việc làm ổn định.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 6

Ông kể, năm 1994, có 28 em ở nhiều địa bàn trong tỉnh Hà Tĩnh đến xin ông học làm thợ mộc. Sau đó, qua nói chuyện, ông mới biết các em đều vừa mới trượt trong kỳ thi vào lớp 10 THPT. 

"Tôi hỏi "các em có muốn đi học tiếp không"? thì em nào cũng gật đầu bảo có. Lúc ấy, tôi lại nghĩ đến hoàn cảnh của mình trước đó, rồi thương các em nhiều hơn. Thế là buổi ngày tôi dạy chúng làm mộc, đêm về dạy chữ. Sau đó, cả 28 em đều đậu vào cấp 3, rồi lần lượt đậu vào các trường đại học, trong đó có những trường thuộc tốp đầu cả nước", ông Dũng cho biết.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 7

Sau lớp học đặc biệt đầu tiên ấy, nhiều người đã biết đến ông. Từ đó, hầu như mỗi ngày đều có học sinh đến xin theo ông học.

Lượng học sinh theo học quá đông, nên nhiều phụ huynh góp ý và nhờ ông nghỉ các công việc khác để tập trung đứng lớp. Những phụ huynh này sẽ có trách nhiệm làm thay công việc đồng áng, cũng như hỗ trợ tiền để ông trang trải cuộc sống. Đến cuối năm 2000, ông quyết định bỏ hết các công việc để tập trung dạy, ôn tập cho các em học sinh.

"Thầy dạy trình bày ngắn gọn, đơn giản, đi vào trọng tâm của vấn đề nên rất dễ hiểu bài", em Nguyễn Quỳnh Trang (học sinh lớp 11, ở huyện Hương Khê) nhận xét về cách giảng dạy của "thầy Dũng".

Điều đặc biệt là ông Dũng có thể dạy được các môn học từ cấp một đến cấp 3, nhất là các môn Toán, Lý và Hóa, Văn. Hầu hết các học sinh theo học tiếp thu kiến thức nhanh và trong các kỳ thi đều đạt được kết quả tốt.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 8

"Sau gần 30 năm "đứng lớp" cũng phải có đến vài nghìn học sinh theo học rồi. Nhiều em ra trường đi làm rồi, lâu lâu lại gọi về hỏi thăm. Đến ngày Nhà giáo Việt Nam, các em lại gọi điện về chúc mừng tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại được gọi là thầy", ông Dũng cười.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 9

Anh Nguyễn Viết Hưng (SN 1993, quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), là một học sinh khá đặc biệt của ông Dũng. Năm 2007, anh Hưng thi vào cấp 3 nhưng không đậu. Thời điểm ấy, anh Hưng khá chán nản và muốn bỏ cuộc.

Thế nhưng, khi biết thông tin về ông Dũng, anh Hưng đã vượt quãng đường hơn 40km lên tìm gặp người thầy đặc biệt này để xin học. Sau một năm theo lớp học của ông Dũng, anh Hưng đã vượt qua các kỳ thi một cách dễ dàng.  

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 10

"Thầy không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn cho tôi cả nghị lực, niềm cảm hứng. Thầy khơi gợi niềm đam mê học trong mỗi học sinh. Hơn thế nữa, thầy là một tấm gương về sự nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua số phận, thực hiện giấc mơ của mình", anh Hưng chia sẻ.

Hiện anh Hưng đang làm công tác điều dưỡng tại một cơ sở y tế ở Hà Nội. Dù đã xa lớp học của ông Dũng hơn 10 năm, nhưng anh luôn ghi nhớ về công ơn của người thầy đặc biệt này.

"Tôi luôn biết ơn các thầy cô giáo, và người thầy đặc biệt Đặng Tiến Dũng. Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ công ơn của các thầy cô đã dạy bảo, yêu thương. Giờ đi làm rồi, tôi luôn tâm niệm phải cố gắng rèn luyện, tu dưỡng bản thân để làm một người có ích cho xã hội", anh Hưng chia sẻ thêm.

Anh Hưng là một trong vô số những người từng theo học tại nhà ông Dũng. Người thầy đặc biệt này chia sẻ, với ông niềm hạnh phúc lớn nhất là thấy các em khôn lớn, trưởng thành.

Chuyện kỳ diệu về người thầy tàn tật học đến lớp 5, có hàng ngàn học sinh - 11

Ghi nhận những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người, "thầy giáo làng" Đặng Tiến Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của xã, huyện và tỉnh. Đặc biệt, năm 2010, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê cho biết, ông Đặng Tiến Dũng là người rất tâm huyết, có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học. 

"Bản thân ông là người có sức khỏe yếu, chỉ mới học hết lớp 5, nhưng lại có rất nhiều học sinh từ nhiều địa phương tìm đến để theo học. Điều đó thể hiện sự uy tín, hiệu quả trong việc dạy học của ông. Ông là một tấm gương tiêu biểu trong công tác khuyến học", ông Phan Quốc Thanh nói.

Nội dung: Xuân Sinh

Thiết kế: Tuấn Huy