"Bảo tàng" cổ vật quý hiếm của thầy giáo làng

Dân trí

(Dân trí) - Nằm bên dòng Túy Loan, ngôi nhà ngói của thầy giáo Nguyễn Văn Chín là nơi trưng bày hàng trăm cổ vật quý hiếm, đặc biệt trong số đó có nhiều món đồ có niên đại lên tới nghìn năm tuổi.

Lặn lội ngược xuôi sưu tầm đồ cổ

Những ngày này, thầy giáo Nguyễn Văn Chín (SN 1963, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thảnh thơi hơn vì đã nghỉ hè. Thời gian này, ông tranh thủ chăm chút nhiều hơn các đồ vật cùng căn nhà mái ngói do chính tay mình phục dựng. Đây có lẽ là điều khiến ông tự hào sau hơn 3 thập kỷ ngược bắc xuôi nam trong hành trình sưu tầm những món đồ cũ kỹ nhưng mang đậm giá trị truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Chín sinh ra từ một vùng quê của xứ Quảng, sau nhiều năm bôn ba, ông dừng chân tại mảnh đất cổ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) và hiện là giáo viên dạy văn của trường THCS Phạm Văn Đồng.

Bảo tàng cổ vật quý hiếm của thầy giáo làng - 1

Căn nhà mái ngói 3 gian, 2 chái do chính tay thầy giáo Nguyễn Văn Chín phục dựng (Ảnh: Văn Trực).

Nói về hành trình sưu tầm những kỷ vật của mình, ông kể ông từng có thời gian dạy học trên miền núi của tỉnh Quảng Nam. Ở đây, ông thấy người dân thường hay đem những cái chum, ché cũ nhiều tuổi đời đem cất đi, giữ lại.

Sau khi về định cư ở cái làng cổ này, ông nghĩ đến chuyện người ta trân trọng các món đồ cũ như vậy, tại sao mình lại không. Nghĩ thế, ông Chín bắt đầu đi sưu tầm thử và mê cho tới tận bây giờ.

Bắt đầu từ năm 1987, sau những giờ lên lớp, ông Chín rong ruổi khắp mọi cung đường. Ngắn thì ngược lại thượng nguồn sông Cu Đê, Thu Bồn, dài hơn thì lên tới tận những vùng núi của tỉnh Quảng Nam, hay thậm chí là đi đến tận các tỉnh Tây Nguyên, hễ ông nghe nơi nào có món đồ gì lâu đời là ông tìm tới.

Bảo tàng cổ vật quý hiếm của thầy giáo làng - 2

Một chiếc cối đá của người Chăm trong bộ sưu tập của ông Chín (Ảnh: Văn Trực).

Khắp các hành trình đó, mỗi lần trở về, ông đều mang theo từ cái cột gỗ, phiến đá cho đến từng bức phù điêu, cái chum, cái chậu... Điểm chung của chúng toàn là những thứ cũ kỹ, nhìn vào những thứ đồ đó, có người bảo ông gàn dở.

Đến năm 1991, những thứ ông "nhặt" về đã chất đầy khu vườn rộng 1.000m2. Lúc này, ông Chín mới suy nghĩ về ý tưởng làm nên một nơi trưng bày, mà làm sao phải mang đậm giá trị truyền thống của người Việt. Từ những suy nghĩ đó, căn nhà mái ngói 3 gian, 2 chái được ông bắt tay vào xây dựng và hoàn thành trong vòng 5 năm.

"Căn nhà này phục dựng được không gian văn hóa sinh hoạt của người Việt. Với lối kiến trúc 3 gian, 2 chái, trong đó gian chính giữa nhà dành cho việc thờ cúng, 2 gian bên cạnh dành cho người con trai trong gia đình sinh sống. Còn 2 chái chính dành cho những người phụ nữ. Nó thể hiện rõ ràng lối sinh hoạt của người Việt xưa. Để làm được căn nhà này phải cần đến 36 cây gỗ mít", ông Chín tâm sự.

Trong căn nhà trưng bày nhiều hiện vật mà đối với ông Chín, từng món đồ đến như một cơ duyên khác nhau.

Bảo tàng cổ vật quý hiếm của thầy giáo làng - 3

Theo ông Chín, chiếc rìu đá trên tay ông có từ thời kỳ đồ đá (Ảnh: Văn Trực).

Nhưng thứ khiến ông nhớ mãi là chiếc cối đá của một ông cụ tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Theo như lời ông Chín, để có được chiếc cối này, ông phải giải được câu hỏi của ông cụ là vì sao chiếc cối lại có một cục u ở giữa, khác biệt khi so với những chiếc cối khác.

Cuối cùng, chính ông Chín cũng không giải được nhưng sau khi nghe về mong muốn của ông Chín, ông cụ tặng cối đá này cho ông mà không giải thích gì thêm.

Dẫn chúng tôi một vòng quanh nhà, ông Chín cầm lên một lưỡi rìu bằng đá mà ông thu về được sau một chuyến lên Tây Nguyên. Đây là một chiếc rìu đá có từ rất lâu mà thậm chí chính ông cũng không xác định được niên đại.

Bảo tàng cổ vật quý hiếm của thầy giáo làng - 4

Một bức tranh nguyên khối bằng đồng nằm trong bộ sưu tập cổ vật của ông Chín (Ảnh: Văn Trực).

Ngoài ra, còn một số món đồ như các đồng tiền cổ, chum, vại, chén, bát và một số bức phù điêu cùng một số đồ kỷ vật thời chiến như chiếc tivi cầm tay, radio. Thậm chí ông còn có cả một bộ sưu tập các loại đạn pháo với kích thước khác nhau.

"Mỗi khi nhìn những đồ vật này, tôi dường như nhìn thấy từng hình ảnh tái hiện cuộc sống sinh hoạt xoay quanh các đồ vật này, cũng như biết được cái trình độ phát triển của thời đó qua từng chi tiết, hoa văn", ông Chín nói.

Lan tỏa các giá trị văn hóa

Được biết, ông Chín từng giúp một gia đình phục dựng lại căn nhà có tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Ngoài ra, ông cũng kết hợp đưa kiến thức cổ vật trong việc dạy học ở trường. Nhiều bài giảng, ông mang những đồ sưu tầm liên quan đến tác phẩm lên làm ví dụ minh họa. Đồng thời cũng diễn giải về nguồn gốc và cho các em tham quan căn nhà do mình phục dựng.

"Một số tác phẩm như bài "Đi bộ ngao du", tôi dùng các mẫu hóa thạch, mẫu khoáng sản rồi rìu đá... để minh họa cho bài giảng. Cách dạy học như vậy rất trực quan, dễ hiểu, học sinh ghi nhớ lâu", ông Chín bộc bạch.

Bảo tàng cổ vật quý hiếm của thầy giáo làng - 5

Bộ sưu tập các đồng xu của người Việt qua các thời đại (Ảnh: Văn Trực).

Bảo tàng cổ vật quý hiếm của thầy giáo làng - 6

Các đầu đạn trong bộ sưu tập về ký ức chiến tranh (Ảnh: Văn Trực)

Cầm trên tay một chiếc đĩa sứ mẻ cạnh, ông Chín chỉ tay vào những hoa văn trên đó và nói đây là những đường nét tượng trưng cho một nền văn hóa. Nhìn vào đây không quan trọng xấu hay đẹp mà là thấy được dấu ấn văn hóa cũng như lịch sử ông cha ta đã từng đi qua.

"Một ngày nào đó, có thể hôm nay cũng có thể là ngày mai và cả sau này đi nữa, những đồ vật này chính là những thứ góp phần giữ lại các giá trị truyền thống. Để sau này, những thế hệ sau vẫn còn thấy và biết được ông cha ta đã từng đi qua một thời như thế", ông Chính nói.

Văn Trực

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm