Bà nội U70 cùng cháu gái 18 tuổi đi thi tốt nghiệp THPT năm 2023
(Dân trí) - Ở tuổi 64 tuổi, bà Ngô Thị Kim Chi (TPHCM) chuẩn bị cùng cháu gái bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cách đây 7 năm, bà vượt qua bao dị nghị khi ở tuổi 57 mới đăng ký học lớp 6.
Bà nội U70 cùng cháu gái 18 tuổi thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Ở tuổi 64 tuổi, bà Ngô Thị Kim Chi (TPHCM) chuẩn bị cùng cháu gái bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cách đây 7 năm, bà vượt qua bao dị nghị khi ở tuổi 57 mới đăng ký học lớp 6.
U60 đi xin học
Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức trên cả nước. Thời điểm này, bà Ngô Thị Kim Chi (sinh năm 1959, ngụ quận 7) - học viên của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7, TPHCM lại hồi hộp, lo lắng xen lẫn chút háo hức.
Ở độ tuổi mà bạn bè đồng trang lứa đã về hưu, dành thời gian đi du lịch, nghỉ dưỡng thì bà Chi vẫn miệt mài cắp sách đến trường mỗi ngày.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Chi kể về những ngày tuổi thơ sống trong cơ cực. Nhà nghèo nên học đến lớp 8, bà đành phải từ bỏ ước mơ làm bác sĩ để ở nhà phụ giúp cha mẹ làm ăn.
Sau khi lập gia đình, bà tiếp tục bị cuốn vào cuộc sống mưu sinh, chăm lo cho con cái. Tuy nhiên, ước mơ được đi học, được tới trường, được tham dự các kỳ thi... luôn đau đáu trong lòng.
Bà từng tham gia học lớp bổ túc văn hóa buổi tối do địa phương tổ chức. Thế nhưng, vì bận mải nên một lần nữa, bà Chi lại bỏ dở.
Đến khi kinh tế gia đình đã ổn định; các con học hành thành tài, làm thạc sĩ, định cư ở nước ngoài... bản thân bà vẫn luôn tự ti khi giao tiếp với người khác.
"Tôi tự ti vì mình học ít, không có bằng cấp, không đủ trình độ. Trong nhiều cuộc trò chuyện, có người nói mình học trường nọ trường kia; có bằng cấp thế nào... tôi cũng cảm thấy ngại. Không lẽ nói mình chỉ mới học đến lớp 8", bà nội U70 nhớ lại những ngại ngùng khi nói chuyện với bạn bè.
Quay đi, quay lại cũng hơn 40 năm trôi qua, đến năm 2016, bà Chi quyết tâm trở lại trường học để theo đuổi ước mơ của mình.
Ban đầu, bà cũng e dè, sợ người đời nói ra nói vào, sợ hàng xóm dị nghị khi lớn tuổi còn đi học nên bà mang hồ sơ sang trung tâm ở một quận khác để nộp. Vì lớn tuổi, trung tâm này từ chối.
Không từ bỏ, bà Kim Chi trở lại quận 7 để nộp hồ sơ xin học. Vì không có học bạ, bà phải học lại từ lớp 6.
"Tôi cứ tưởng không thể thực hiện được ước mơ của mình nên khi được nhà trường chấp nhận, tôi mừng muốn khóc. Lúc đấy, tôi bảo với cô giáo nhận hồ sơ rằng học từ lớp 6 hay lớp mấy cũng được, tôi chỉ mong được đi học mà thôi", bà Chi nghẹn ngào.
Chạnh lòng vì câu nói "Già vậy rồi còn đi học làm gì?"
Ngày đầu tiên đến lớp, bà Kim Chi được học sinh gặp đều chào là cô giáo. Thậm chí, ngay cả giáo viên mới về trường cũng nhầm tưởng bà là đồng nghiệp.
Sau khi biết bà đến để đi học, nhiều học viên thấy khác thường, lạ lẫm.
Bà kể, nhiều lúc đi qua nhóm học viên trẻ, bà rất chạnh lòng khi nghe các câu như "Trời đất, già như trái cà rồi còn đi học"; "Già vậy rồi còn đi học làm gì?"...
Mỗi lần bạn bè rủ rê tụ tập, bà từ chối với lý do bận học nên nhiều người nói rằng, "Rảnh quá hay sao mà đi học", "Già vậy đi học không thấy xấu hổ à?"...
Trải qua thời gian đầu với nhiều muộn phiền, nữ học viên lớn tuổi không nản chí. Bà cố gắng hòa nhập với môi trường học đường mới.
Bà tập làm bạn với những người với những đứa nhỏ chỉ mới 11 tuổi - bằng tuổi cháu mình. Bà nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của bọn nhỏ như làm báo tường, hội trại, văn nghệ… hay rủ bạn cùng lớp đến nhà để học nhóm.
Từ những ánh mắt dò xét, hoài nghi và những câu nói vô tình, bà Chi dần trở thành một thành viên của tập thể. Mỗi sáng đến trường, thấy bà khệ nệ mang chiếc cặp nặng nề lên, xuống cầu thang, các bạn dù cùng lớp hay khác lớp đều tranh nhau mang phụ và trò chuyện với người bạn đặc biệt.
Không chỉ là tấm gương về học tập, bà Chi còn là người bạn lớn của các học viên vì luôn đưa ra lời khuyên hữu ích, kịp thời ngăn chặn xích mích và hỗ trợ khi gặp có bạn khó khăn.
Chia sẻ ấn tượng về người bạn đặc biệt, Huỳnh Thị Quyết Tâm - học viên lớp 12A1 - cho biết rất vui và hạnh phúc khi có một người bạn đặc biệt.
"Cô Chi giống như người thân, người bà của chúng em vậy. Cô gắn kết mọi người lại với nhau. Mới đầu vào lớp em tưởng cô là giáo viên. Khi biết cô mới đi học, em rất bất ngờ", Tâm chia sẻ.
Nữ sinh này cho biết thêm, cả lớp đều rất ngưỡng mộ tinh thần, nghị lực của cô Chi. Dù đã lớn tuổi nhưng cô rất chăm chỉ và học rất tốt. Những bài Tâm không hiểu sẽ thường nhờ cô chỉ giùm.
"Cô còn gửi nhà trường dành những phần quà cho bọn em mà mãi sau này em mới biết do cô đóng góp", Quyết Tâm nói.
Hai bà cháu cùng thi học sinh giỏi, thi đại học
Đi học khi đã lớn tuổi nhưng với quyết tâm thực hiện ước mơ, nữ học viên Ngô Thị Kim Chi luôn nỗ lực học tập để đạt thành tích tốt nhất.
Ở tuổi của bà Chi, việc tiếp thu kiến thức không hề dễ. Bà cho biết mình may mắn khi bắt đầu học trở lại từ lớp 6 nên không bị mất gốc quá nhiều. Thời gian học ở trường, chỗ nào không hiểu, bà đều chủ động hỏi giáo viên hay xin đi học cả ca tối để tiếp thu thêm kiến thức.
Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực của mình, trong những năm qua, bà Chi luôn đạt danh hiệu học viên giỏi. Năm học lớp 9 và lớp 12, bà còn giành giải Nhì và giải Ba môn địa lý tại kỳ thi học viên giỏi cấp thành phố dành cho hệ giáo dục thường xuyên.
"Tôi có cháu nội năm nay cũng đang học lớp 12 THPT. Vậy là hai bà cháu cùng khối. Hồi thi học sinh giỏi, hai bà cháu đều thi môn địa lý và năm nay cũng sẽ cùng thi tốt nghiệp và vào đại học. Điều này cũng thật ý nghĩa", bà Chi kể.
Chia sẻ về dự định sau tốt nghiệp THPT, nữ học viên cho biết, bà muốn thi vào trường sư phạm để trở thành giáo viên, giúp đỡ những em nhỏ có điều kiện khó khăn.
"Nếu sức khỏe cho phép, tôi muốn học sư phạm và mở một lớp học miễn phí dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố. Tôi muốn các em sẽ được học hành, không ai phải dang dở trong nuối tiếc như tôi trước đây", bà Chi bày tỏ.
Thầy giáo Nguyễn Quang Phú - chủ nhiệm lớp 12A1 - chia sẻ, lần đầu gặp bà Chi năm 2019 tại lớp học, thầy cứ ngỡ có bà của học sinh trong lớp đến dự giờ. Lúc đó, thầy cũng cảm thấy rất bất ngờ và lúng túng vì không nghĩ sẽ có một học viên lớn tuổi như vậy.
"Ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có nhiều học viên lớn tuổi đi học nhưng cô Chi là người lớn tuổi nhất tại đây. Tôi khâm phục cô vì sự ham học, nghị lực và quyết tâm học hỏi rất cao", thầy Phú chia sẻ.
Theo nam giáo viên 9X, việc phải dạy một người đã lớn tuổi ban đầu cũng khiến thầy giáo trẻ không khỏi áp lực, ngượng ngùng nhưng sau đó cả thầy và học viên đều cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ dạy và học.
Bà Hồ Thị Phước Thọ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7 - đánh giá cao những nỗ lực học tập của học viên Ngô Thị Kim Chi.
"Cô Chi không chỉ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ mà ngay cả giáo viên trong trường cũng rất kính trọng tấm gương học tập của cô", bà Thọ chia sẻ.
Suýt không được thi tốt nghiệp THPT… vì lý lịch
Trong đợt đăng ký thi tốt nghiệp THPT vừa qua, bà Chi suýt không được thi vì họ tên không thống nhất trong các giấy tờ. Sau đó, nhờ nhà trường hỗ trợ mới có thể dự thi.
"Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7 không chỉ tiếp nhận tôi đi học mà còn cho tôi một môi trường học bổ ích. Nếu không có các thầy cô hướng dẫn, hỗ trợ, chắc tôi cũng khó có cơ hội tham dự kỳ thi sắp tới. Tôi thực sự biết ơn vì tất cả những điều mà các thầy cô đã dành cho tôi trong những năm qua", bà Ngô Thị Kim Chi chia sẻ.
Huyên Nguyễn