DNews

Cơn khát vé "Anh trai": Đến thời khán giả Việt đổ tiền cho thần tượng Việt?

Bích Phương

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận xét ngành công nghiệp biểu diễn và xu hướng hâm mộ của khán giả Việt đã có nhiều điểm sáng trước hiện tượng fan đổ xô săn vé xem các đêm nhạc "Anh trai".

Cơn khát vé "Anh trai": Đến thời khán giả Việt đổ tiền cho thần tượng Việt?

Hơn 150.000 người chạy đua săn vé concert "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Gần đây, cơn sốt săn vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai khiến mạng xã hội bùng nổ. Hôm 12/11, khi chương trình vừa mở bán vé cho đêm nhạc ở Hà Nội, hệ thống kênh phân phối ngay lập tức bị sập chỉ sau vài giây. Sau khi hệ thống khôi phục lại, có hơn 150.000 người "xếp hàng online" và cháy vé sau 50 phút. 

Ticketbox - đơn vị phân phối vé - cho biết chỉ trong một phút đầu mở bán, lượng người truy cập vào kênh lên tới 126.000 người. "Nếu mỗi người xếp cách nhau 0,5m, thì hàng này sẽ dài khoảng 63km", phía Ticketbox đưa ra con số so sánh.

Tổng cộng trong gần một tiếng mở bán vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai, kênh phân phối nhận được 8,3 triệu lượt xem trang. Đây là những con số ấn tượng nói lên "cơn khát vé" hiếm có của một chương trình ca nhạc trong nước.

Cơn khát vé

Các nghệ sĩ của "Anh trai vượt ngàn chông gai" chụp hình cùng fan tại buổi tổng duyệt concert TPHCM hôm 19/10 (Ảnh: Ban tổ chức).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, khán giả Vũ Thanh Huyền (27 tuổi, TPHCM) cho biết cô cùng nhóm bạn đã chuẩn bị tinh thần săn vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai nhưng cuối cùng lại thất bại.

"Tôi sẵn sàng một điện thoại, một laptop, chờ khi đến lượt để mua vé thì hệ thống sập. Đến lúc truy cập lại được thì con số xếp hàng trước mình đã hàng chục ngàn người. Ít phút sau thì hết vé. Bỏ lỡ lần này, tôi chỉ mong ban tổ chức có thêm các đêm nhạc khác", Huyền cho hay.

Trước đó, vào hôm 7/11, khi concert Anh trai say hi mở bán vé cho đêm nhạc ở Hà Nội, tình trạng đổ xô săn vé, xếp hàng chờ và cháy vé sau thời gian ngắn cũng từng diễn ra.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, các đêm nhạc "Anh trai" có giá vé dao động từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng. Ngay sau khi hai concert Anh trai say hiAnh trai vượt ngàn chông gai tại Hà Nội hết sạch vé trên kênh phân phối, thị trường "vé chợ đen" rộn ràng với nhiều lời chào mời, trong đó giá vé được đẩy lên cao gấp nhiều lần.

Ví dụ, hạng vé Cat1 của concert Anh trai say hi giá gốc 900.000 đồng, nhưng phe vé chợ đen rao bán với giá 3,5 triệu đồng. Hạng vé Mứt gừng của Anh trai vượt ngàn chông gai giá gốc 1,2 triệu đồng nhưng có người "hét giá" lên tới 10 triệu đồng.

Cơn khát vé

Phe vé chợ đen đẩy giá cao gấp nhiều lần trước cơn "khát vé" của fan (Ảnh: Chụp màn hình).

Trên mạng xã hội, nhóm "Pass và trao đổi vé Anh trai vượt ngàn chông gai - Anh trai say hi" có gần 69.000 thành viên, mỗi ngày có hàng chục bài đăng "vé tìm người, người tìm vé" hoặc chia sẻ kinh nghiệm giao dịch "vé chợ đen". Trong khi một số khán giả e dè, sợ bị lừa đảo khi săn vé ngoài, vẫn có nhiều fan sẵn sàng bỏ số tiền lớn để tìm đầu mối chuyển nhượng vé.

Khán giả Trần Hương Thảo (30 tuổi, TPHCM) cho biết, cô cần tìm 2 vé hạng ngồi cho concert Anh trai vượt ngàn chông gai: "Ở tuổi 30, tôi không thể đứng xem concert suốt 4-5 tiếng đồng hồ. Tôi có thể bỏ ra 5 triệu/vé cho Đỉnh Nóc, Kịch Trần (giá gốc 3,5 triệu đồng - PV), 4 triệu/vé cho Bay Phấp Phới (giá gốc 2,5 triệu đồng - PV), 3 triệu/vé cho Tinh Hoa, Sao Sáng (giá gốc 2 triệu đồng) miễn là giao dịch uy tín".

Có không ít trường hợp khán giả bị lừa đảo khi mua vé qua mạng. Trên hội nhóm trao đổi vé, khán giả Trần Ngọc Trang (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện bị lừa 14,6 triệu đồng khi đặt cọc mua 6 vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai. "Sau khi chuyển tiền giao dịch, người bán chặn số điện thoại, tài khoản Facebook của tôi", Trang kể.

Trước tình hình hỗn loạn của thị trường vé chợ đen, chuyển nhượng vé, khán giả của các concert "Anh trai" cho rằng người hâm mộ nên tìm kiếm các nguồn trao đổi vé uy tín, không nên tiếp tay cho kẻ gian trục lợi.

Khán giả Việt không còn "sính ngoại"?

Cơn sốt săn vé các concert "Anh trai" ở Hà Nội và trước đó là các đêm nhạc tại TPHCM được khán giả, giới chuyên môn nhận định là điểm sáng trên thị trường ca nhạc trong nước.

Trước đây, hiện tượng hàng trăm ngàn người xếp hàng đợi mua vé online, đổ xô săn vé xem concert ở Việt Nam thường diễn ra với nghệ sĩ quốc tế, điển hình như nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink với 2 đêm nhạc ở Hà Nội hồi tháng 7/2023.

Những con số kỷ lục khi mở bán vé của concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi... thậm chí được đánh giá vượt qua cả những tên tuổi Vpop như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm...

Cơn khát vé

Khán giả cổ vũ tại đêm nhạc "Anh trai say hi" hôm 19/10 ở TPHCM (Ảnh: Ban tổ chức).

Gần đây, một đêm nhạc hội tụ nhiều sao Hàn dự kiến tổ chức vào 16 và 17/11 ở Sân vận động Mỹ Đình đã phải hủy bỏ vì số lượng bán vé ra khá ít, ban tổ chức phải hoàn trả tiền cho khán giả.

Việc concert sao Hàn "ế vé" trong khi concert "anh trai Việt" được khán giả săn đón, khiến dân mạng nhận định thị trường âm nhạc tại Việt Nam đã có sự chuyển dịch.

Một số ý kiến trên mạng xã hội: "Cùng tổ chức ở sân vận động Mỹ Đình, concert Anh trai say hi cháy vé, còn đêm nhạc có thành viên Super Junior, Apink, Highlight... lại ế ẩm. Có thể đây sẽ là thời điểm diễn ra cuộc đổi ngôi của Vpop và Kpop"; "Từng xem nhiều concert sao Hàn, từng mê mẩn văn hóa "đu idol" (theo đuổi thần tượng - PV) quốc tế, nhưng bây giờ mới nhận ra âm nhạc, ca sĩ trong nước cũng hấp dẫn không kém quốc tế"....

Cơn khát vé
Cơn khát vé

Các nhóm nhạc Kpop như Highlight, Apink... dự kiến biểu diễn ở SVĐ Mỹ Đình vào 16-17/11 nhưng chương trình "ế vé", phải hủy bỏ (Ảnh: Instagram).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhiều chuyên gia cho rằng ca sĩ, âm nhạc và chất lượng tổ chức concert ở Việt Nam hiện đã có sự nâng cấp về chất lượng, tạo nên những giá trị để kết nối với khán giả. Do đó, xu hướng người hâm mộ "không còn sính ngoại", sẵn sàng chi tiền, đổ xô mua vé ca nhạc trong nước ngày càng tăng.

Chuyên gia Hồng Quang Minh nói: "Nếu các nghệ sĩ Việt có thể xây dựng một cộng đồng khán giả vững chắc, việc hâm mộ sẽ không chỉ dừng lại ở một đêm nhạc mà sẽ phát triển thành một phong trào văn hóa tích cực", ông Minh cho hay.

Ông Hoàng Huy Thịnh - nhà sáng lập chuyên trang âm nhạc Cổ Động, kênh thông tin về văn hóa, nhạc indie tại Việt Nam - nhìn nhận, việc các concert hút hàng chục ngàn người xem vừa qua là tín hiệu, làn sóng tích cực cho thị trường nhạc Việt.

"Lâu lắm rồi Việt Nam mới có lại làn sóng này. Nhiều năm về trước, với các thế hệ diva, divo gạo cội như Tấn Minh, Hà Trần, Hồng Nhung, Thanh Lam, cộng đồng fan vẫn chỉ dừng lại ở việc thưởng thức qua truyền hình.

Cụm từ "đu idol" vốn bắt nguồn từ làn sóng Kpop và từng vướng nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí cực đoan. Nhưng ngày nay, chuyện "fan Việt đu idol Việt" tạo ra những giá trị rất hay, khơi dậy bản sắc dân tộc, giống như chuyện người Việt dùng hàng Việt", ông Thịnh chia sẻ.

Cơn khát vé

Các ca sĩ Việt Nam ngày nay hội tụ nhiều thế mạnh về ngoại hình, phong cách, khả năng tương tác với fan (Ảnh: Hải Long).

Để không chỉ là "hiện tượng ăn xổi"

Các chuyên gia nhận định các chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi... có nhiều yếu tố hấp dẫn khán giả. Do đó, khi gameshow kết thúc phát sóng, ê-kíp sản xuất thuận lợi trong việc tổ chức các đêm nhạc, tận dụng hiệu ứng bùng nổ hiếm có.

Chuyên gia truyền thông Ngô Bá Lục chia sẻ: "Nhạc Việt lên ngôi, đó là sự thật. Ngành công nghiệp biểu diễn âm nhạc của Việt Nam đang được chính khán giả trong nước ủng hộ và ngưỡng mộ".

Theo ông Ngô Bá Lục, giá vé VIP của các đêm nhạc "Anh trai" từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng, là mức giá khá đắt, tương đương nhiều show của ngôi sao thế giới từng đến Việt Nam, nhưng vẫn được đông đảo khán giả săn lùng.

"Các tiết mục được dàn dựng cực kỳ công phu, sân khấu và âm thanh ánh sáng vô cùng hoành tráng và đầy sáng tạo khi sử dụng hiệu ứng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Về chất lượng nghệ sĩ, cho dù là những ca sĩ đã thành danh hay mới vào nghề, các "anh trai" của 2 chương trình đều tài năng, có ngoại hình và câu chuyện hấp dẫn. Chính những câu chuyện và khoảnh khắc tại hậu trường mới lại là những nội dung gây sốt nhất, góp phần tạo nên hiệu ứng rầm rộ cho show", chuyên gia Ngô Bá Lục nhận định.

Cơn khát vé

Một tiết mục trong chung kết "Anh trai say hi" (Ảnh: Hải Long).

Theo ông Ngô Bá Lục, thị trường biểu diễn tại Việt Nam nhờ các chương trình nói trên đã được nâng tầm, vươn lên mạnh mẽ không thua kém gì các nước có nền công nghiệp biểu diễn phát triển mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc…

"Hy vọng thừa thắng xông lên, các công ty sản xuất chương trình sẽ tiếp tục tạo nên các show mới để đưa nền công nghiệp giải trí ở Việt Nam phát triển một cách chuyên nghiệp hơn, mạnh mẽ hơn", chuyên gia nói.

Chuyên gia Hồng Quang Minh cho rằng đây là "thời điểm vàng" để các ê-kíp sản xuất lẫn nghệ sĩ xây dựng thương hiệu, củng cố vị thế trong lòng khán giả Việt Nam.

"Cần có sự chuẩn bị chu đáo và những chiến lược marketing thông minh để tạo ra không chỉ những buổi diễn chất lượng mà còn là những trải nghiệm đáng nhớ cho khán giả. Hãy coi đó như một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, nếu thực hiện tốt thì không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn củng cố vị thế của nghệ sĩ trong lòng khán giả", ông Minh cho hay.

Cơn khát vé

Cơn sốt "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Anh trai say hi" là cơ hội vàng để ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam phát triển (Ảnh: Ban tổ chức).

Chuyên gia Hoàng Huy Thịnh nhận xét xu hướng thưởng thức, giải trí của khán giả Việt Nam ngày càng được nâng cao.

"Bây giờ, khán giả có rất nhiều lựa chọn. Ví dụ như ngày 10/11 vừa qua, riêng ở Hà Nội đã có 4 sự kiện âm nhạc khác nhau. Tôi hy vọng từ âm nhạc giải trí cho tới văn hóa truyền thống hay những loại hình nghệ thuật sân khấu khác cũng phát triển, góp phần kích cầu du lịch cho nước nhà", ông Thịnh nói.

Trước câu hỏi của phóng viên Dân trí về xu hướng fan Việt "trở về" với nhạc Việt, thần tượng Việt và cơ hội để "Vpop soán ngôi Kpop" trên sân nhà, ông Thịnh phản hồi: "Tôi rất mong xu hướng này xảy ra và tiếp tục lan tỏa. Nghệ sĩ Việt Nam ngày nay không những thể hiện tốt ở trong nước mà hoàn toàn có thể có chỗ đứng ở các thị trường âm nhạc lân cận.

Tuy nhiên, về khía cạnh lâu dài, bền vững, tôi chưa dám khẳng định. Khi trào lưu các đêm nhạc "Anh trai" hạ nhiệt, chúng ta hãy chờ xem thị trường biểu diễn Việt Nam có lặp lại hiện tượng tranh nhau mua vé, fan Việt hâm mộ nhiệt tình như vừa qua hay không".

Chuyên gia nhận định, khán giả Việt Nam hiện nay có khả năng tìm hiểu, chắt lọc thông tin và tính toán. Khi thần tượng quốc tế sang Việt Nam biểu diễn, nếu thích, họ vẫn tìm cách để xem. "Ví dụ, sắp tới 2NE1 có 2 đêm diễn ở TPHCM, tôi tin chắc fan sẽ chuẩn bị tiền và chờ ngày mở bán vé để săn vé", ông Thịnh nói.