Ra mắt từ 68 năm trước, chiếc túi Chanel này vẫn cháy hàng liên tục
(Dân trí) - Đây là mẫu túi xách mang tính cách mạng trong lĩnh vực thời trang, được tạo nên bởi một trong những nhà thiết kế hàng đầu thế giới.
Tháng 2/1955 được xem như một trong những cột mốc quan trọng của ngành công nghiệp thời trang, theo Harper's Bazaar. Lúc bấy giờ, Gabrielle "Coco" Chanel giới thiệu một chiếc túi xách rất đặc biệt, tạo nên cuộc cách mạng về xu hướng ăn mặc của nữ giới. Đó chính là mẫu túi Chanel 2.55.
Chanel 2.55 được đặt tên theo tháng và năm ra mắt. Túi 2.55 nằm trong nhóm "It Bags" - những chiếc túi nổi tiếng, có thể nhận ra ngay lập tức.
Chiếc túi xách đầu tiên có dây đeo
Trở về quá khứ vào những năm 1920, túi xách có sự "gò bó" khi sử dụng, phải dùng tay để xách túi hoặc ôm vào người như một chiếc ví.
Coco Chanel là người có tầm nhìn xa. Bà mang tư tưởng đi trước thời đại, mong muốn giải phóng phụ nữ khỏi mọi giới hạn.
Coco Chanel đã nảy sinh ý tưởng thiết kế chiếc túi có dây đeo (lấy cảm hứng từ dây đeo trên túi của binh lính). Do ảnh hưởng của Chiến tranh thế giới thứ 2, phải đến tháng 2/1955, bà mới cho ra mắt mẫu túi 2.55.
Coco Chanel bổ sung thêm dây đeo vai cho túi 2.55, biến nó trở thành chiếc túi có dây đeo đầu tiên trên thế giới.
Túi Chanel 2.55 mang tính cách mạng đối với thời trang nữ giới, đáp ứng nhu cầu thiết thực về ăn mặc của phụ nữ.
Vào thời điểm này, phụ nữ Pháp đang nỗ lực tạo chỗ đứng bằng việc tham gia vào mọi hoạt động trong xã hội. Họ cần một chiếc túi xách giúp mình rảnh tay, thay vì phải cầm nắm liên tục.
Coco Chanel từng nói: "Tôi chán việc cầm ví trên tay và làm mất chúng. Vì vậy, tôi đã thêm một sợi dây để đeo nó qua vai".
Khi túi 2.55 ra đời, phụ nữ có thể mang túi trên vai, hoặc đeo chéo qua người. Nhờ đó, họ thoải mái làm việc bằng tay ở văn phòng, trong sinh hoạt hàng ngày hay đơn giản chỉ là đút tay vào túi áo khoác lúc đi dạo - một sở thích của Coco Chanel.
Túi 2.55 có kiểu dáng hình chữ nhật, bọc bằng da bê thượng hạng. Nắp túi cài chặt vào thân túi bằng khóa dạng xoay. Dây túi dạng mắt xích kim loại, xuyên qua lỗ xỏ trên nắp.
Thực tế, túi 2.55 thể hiện nhiều khía cạnh cuộc đời Coco Chanel.
Khóa túi 2.55 được đặt tên "Mademoiselle" nhằm nói về tình trạng chưa kết hôn của bà. Bề mặt túi may chần bông lấy cảm hứng từ áo khoác và miếng đệm chèn dưới yên ngựa. Lúc sinh thời, Coco Chanel yêu thích bộ môn cưỡi ngựa.
Đường may chần bông trên túi 2.55 gợi liên tưởng đến cửa sổ kính màu, với họa tiết trừu tượng ở tu viện nuôi trẻ mồ côi Aubazine, vùng Corrèze, Pháp - nơi Coco Chanel trải qua thời thơ ấu.
Lớp lót màu đỏ tía bên trong túi cùng màu với đồng phục học sinh Công giáo tại tu viện. Dây đeo mắt xích kim loại phía trên túi lấy cảm hứng từ móc chìa khóa phát ra âm thanh leng keng của những nữ tu chăm sóc trẻ mồ côi.
Đặc biệt, túi 2.55 có một ngăn nhỏ được thiết kế ẩn bên trong nắp trước. Người ta cho rằng, đó là nơi Coco Chanel cất giữ những bức thư tình. Bà đã trải qua nhiều mối tình lãng mạn với nhà soạn nhạc Igor Stravinsky, nghệ sĩ Salvador Dalí, Đại công tước nước Nga Dmitri Pavlovic, thuyền trưởng người Anh Arthur Edward "Boy" Capel.
Biểu tượng phong cách mọi thời đại
68 năm sau, kiểu dáng túi 2.55 hầu như không thay đổi. Túi được thiết kế nhiều kích cỡ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng từ người tiêu dùng, gồm "maxi" (cỡ đại, 11.500 USD - 280 triệu đồng), "large" (cỡ lớn, 11.000 USD - 268 triệu đồng), "medium" (cỡ trung, 10.200 USD - 248 triệu đồng) và "mini" (cỡ nhỏ, 4.900 USD - 119 triệu đồng).
Túi 2.55 thường bị nhầm lẫn với một mẫu túi Chanel khác mang vẻ ngoài tương đồng - Classic Flap. Túi Classic Flap có tên gọi khác là 11.12, do Karl Lagerfeld thiết kế, ra mắt vào năm 1983 - thời điểm ông đến làm việc cho Chanel.
Túi Classic Flap tựa như sự tôn vinh đặc biệt dành cho túi 2.55 của người tiền nhiệm.
Khóa Mademoiselle trên túi 2.55 không có logo thương hiệu. Dây đeo hoàn toàn bằng kim loại.
Trong khi đó, túi Classic Flap với phần khóa hình hai chữ C lồng ghép vào nhau, tạo nên nét đặt trưng dễ nhận ra. Dây đeo túi Classic Flap gồm dây da đan xen kẽ mắt xích kim loại.
Mua túi Chanel 2.55 có thể xem như một hình thức đầu tư sinh lời. Lý do là bởi giá túi 2.55 tăng đáng kể hàng năm, dù mua trực tiếp từ nhà mốt hay qua các kênh bán lại.
Theo hãng bán đấu giá Sotheby's, nhu cầu mua túi xách Chanel luôn cao hơn nguồn cung. Ngoài ra, Chanel còn thường xuyên tăng giá một số kiểu túi được ưa chuộng nhất của nhà mốt.
Chiếc túi 2.55 lần đầu tiên được bán vào năm 1955, với giá khoảng 250 USD (6,1 triệu đồng). Đến nay, giá túi 2.55 tăng lên gấp nhiều lần. Đơn cử, phiên bản "medium" có giá 10.200 USD (248 triệu đồng).
Hiện tượng tăng giá diễn ra tương tự với một số mẫu túi khác từ nhà mốt như Boy, Gabrielle, 19, Classic Flap.
Trên thị trường bán lại, túi Chanel 2.55 trong tình trạng bảo quản tốt có giá bằng hoặc thậm chí cao hơn mệnh giá ban đầu.
Một số mẫu túi 2.55 trên các trang web bán lại có dán nhãn "2.55 Reissue". Đây là tên gọi mà Karl Lagerfeld đặt cho thiết kế mô phỏng chính xác túi 2.55 ban đầu, được giới thiệu vào năm 2005 nhằm kỷ niệm 50 năm ra mắt chiếc túi nổi tiếng.
Theo chia sẻ từ Chanel, giá tiền một chiếc túi xách do nhà mốt sản xuất không chỉ phản ánh cảm giác độc quyền (giá càng cao sẽ càng ít người có thể mua được), mà còn thể hiện giá trị của thương hiệu.
Bạn không phải lo lắng về chất lượng túi 2.55, cũng như các sản phẩm thời trang khác từ Chanel. Túi xách Chanel được chế tác tại công xưởng Ateliers de Verneuil-en-Halatte - một trong những địa điểm thuộc Chanel Métiers d'art, tọa lạc ở Oise, phía Bắc Paris, Pháp.
Nghệ nhân tại đây trải qua ít nhất 4 năm kinh nghiệm cùng quãng thời gian đào tạo rất dài, với sự thành thạo, tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất túi.
Chanel cam kết không ngừng nghỉ trong việc bảo tồn kỹ năng tay nghề thủ công, sản xuất cải tiến hàng đầu, đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu thô đầu vào.
Túi Chanel 2.55 được đông đảo người tiêu dùng, bao gồm các ngôi sao của làng giải trí thế giới yêu thích. Kate Moss, Penelope Cruz, Janelle Monae, Katie Holmes, Apple Martin, Alessandra Ambrosio… đã mang chiếc túi xách nổi tiếng này vào ban ngày lẫn trên thảm đỏ buổi tối.
Điều đó là minh chứng cho một thiết kế mang tính biểu tượng mọi thời đại, không phân biệt độ tuổi hay phong cách.