(Dân trí) - Trước buổi hẹn này, có vài nhận định về Linh Lê khiến tôi e dè, rằng cô khái tính, cô đỏng đảnh và không thích chia sẻ nhiều với người lạ. Giọng nói Linh Lê trầm, lạnh và nói rất gọn khi nhận lời mời của tôi, qua điện thoại. Ừ thì cuối cùng cũng hẹn được nhau, tôi nghĩ tôi nên hỏi gì cô, tôi nghĩ tôi nên hỏi gì về “Đào”? Những trang sách đã ám ảnh và thôi thúc tôi phải có cuộc nói chuyện này.
Thế rồi Linh Lê xuất hiện, ở một quán café cổ nằm gói gọn ngay góc Ngô Quyền. Thành phố đang lập đông, gió se sẽ lạnh. Cô mặc chiếc áo len mỏng màu be, thả hờ hững bên ngoài chiếc áo khoác cùng màu, tóc ngắn mang tai, dáng cao mảnh khảnh, ánh mắt phảng phất nét buồn lãng đãng kèm theo một nụ cười không quá tươi nhưng khá thoải mái. Tâm trí tôi chợt quay lại cuộc hội thoại ngắn ngủi qua điện thoại trước lần hẹn này, để xem nó có liên quan gì đến dáng vẻ vô cùng thanh lịch và hút hồn ngay trước mặt. Tôi nhìn xung quanh và cũng nhận ra một vài người đàn ông cũng đang trao ánh nhìn cho cô. Linh Lê có vẻ không bận tâm đến họ, điều đó thể hiện rõ trong suốt cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi kéo dài đôi tiếng đồng hồ, thậm chí cô cũng không bận tâm đến tôi. Tôi không nắm bắt được suy nghĩ của người đàn bà này, và càng nói chuyện với Linh Lê càng nhận ra một cách rõ ràng rằng, việc muốn nắm bắt cô là điều vô ích.
Dẫu vậy, tôi cần quay về với mục đích của mình, vì ngay trước mặt tôi không phải là nhân vật xa lạ trong làng văn chương trẻ và càng không xa lạ với những người mê đọc sách. Các cuốn tiểu thuyết của Linh Lê: Từ Không khóc ở Kuala Lumpur, đến Mùa mưa ở Singapore, và Người tình Sài Gòn là tuổi thanh xuân của rất nhiều bạn đọc. Tôi có tìm kiếm thử thông tin về những cuốn sách của cô trước khi đến gặp Linh Lê, và hơi ngỡ ngàng nhận ra các tác phẩm của Linh Lê được rate 5 sao trên rất nhiều diễn đàn về sách. Thậm chí, nhiều bạn đọc khi nhắc đến Không khóc ở Kuala Lumpur hay Mùa mưa ở Singapore đều thốt lên rằng đến tận bây giờ họ vẫn còn ám ảnh khôn nguôi và day dứt với những trang viết của Linh Lê, như nuối tiếc một phần thanh xuân như vừa vụt qua trong chớp mắt. Vậy còn cô, Linh Lê đã nghĩ gì khi tạo ra những trang viết ấy? và từ bấy đến nay, đến “Đào” ở hiện tại, liệu có một sự thay đổi lớn lao nào từ người đàn bà có nhan sắc cuốn hút với dáng vẻ thanh lịch và lãng đãng này?
Không khóc ở Kuala Lumpur, Mùa mưa ở Singapore, Người tình Sài Gòn, tất cả đều gắn với một địa danh nào đó, nhưng tiếp theo lại là “Đào”, chị đã không còn hứng thú với việc gắn một địa danh vào tên sách hay không còn mảnh đất nào cho chị nhiều cảm xúc để nhắc đến nó?
Tất cả những tác phẩm vừa được nhắc đến gắn liền với nơi chốn cụ thể đã diễn ra trong những trang viết của tôi, sự hiện diện của những mảnh đất này là linh hồn của tác phẩm. “Đào” là một câu chuyện hoàn toàn khác hẳn, có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Sau Sài Gòn, tôi gắn bó với Hà Nội đến tận bây giờ. Tôi chắc chắn sẽ viết về Hà Nội, nhưng không phải hôm nay và chưa phải ngày mai.
Công việc viết văn dường như ngày càng khó khăn hơn, bởi hiện giờ thú vui đọc sách đã không còn là “trend” như ngày trước. Vì sao chị lại gắn bó với công việc này suốt cả thanh xuân của mình. Đó đơn giản là sự thỏa mãn cái tôi nhiều suy tư, hay là cách chị giãi bày những con người khác ẩn sâu trong chị?
Hàng ngày, tôi có những cuộc hẹn hò với dăm ba người, sẽ có đôi lần người ta đang nói gì đó với nhau, mà ngay thời điểm đấy tôi không biết họ nói gì với nhau. Họ đang nói to nhỏ thế nào, họ đang nhìn tôi hay họ đang làm gì khác, tôi cũng không rõ. Những khoảnh khắc ấy, tôi nghĩ mình cần một cuốn sách.
Trong cuộc sống, mỗi khi gặp những niềm vui, tôi nghĩ, hôm nay tôi có hứng khởi để viết cái gì đấy. Nếu có chuyện buồn, tôi nghĩ, có thể hôm nay mình sẽ viết hay. Cứ thế, tôi viết. Có những ngày viết được nhiều, có những ngày viết ít, có những ngày tôi chẳng viết được gì, có những ngày tôi nghĩ tôi nên viết gì. Tất cả những thói quen sinh hoạt và những suy tưởng ấy cứ lặp đi lặp lại, rồi thời gian cứ thế trôi, tôi cũng không để ý bây giờ người ta thay đổi như thế nào…Rồi cứ thế, Không khóc ở Kuala Lumpur, Mùa mưa Singapore, Người tình Sài Gòn, Còn lại tiếng người hót đắng cay, và bây giờ là “Đào” được thành hình…
Tôi không biết mình đã giãi bày được bao nhiêu trong những cuốn sách mình viết ra, tôi chỉ biết mỗi lần hoàn thành xong một cuốn sách, tôi thấy rất sướng, rất đã và tràn đầy hứng khởi cho tác phẩm tiếp theo. Tôi thích cảm giác đó!
Chị đã bắt đầu với nghiệp viết từ khi rất nhỏ, với những tác phẩm được giải cao ở nhiều cuộc thi viết dành cho thiếu nhi, tiếp đó là sự xuất hiện của “Không kchóc ở Kuala Lumpur” khi chị mới chỉ ngoài 20 tuổi. Đâu là động lực để chị bắt đầu công việc này – chắc hẳn là ba chị?
Ba tôi là nhà văn. Thời đi học, tôi cũng là dân chuyên văn. Truyền thống gia đình khiến tôi được tiếp xúc với văn chương từ nhỏ. Tình yêu văn chương được nảy mầm từ đó. Khi đã có tình yêu, có nhiều cảm xúc với nó, thì viết là một nhu cầu. Từ “Người tình Sài Gòn” trở về trước, nếu dùng từ “động lực” thì tôi không có khái niệm này, tôi thích thì tôi viết thôi. Sau “Người tình Sài Gòn”, sự đam mê với viết lách vẫn nguyên vẹn nhưng tôi đã có thêm một động lực khác trong công việc này, đó là ba tôi – nhà văn Đà Linh. Khi viết, tôi luôn cảm thấy mình rất gần với ba mình và tôi không muốn mối liên hệ này mất đi.
Cha chị hẳn là người đã đọc bản thảo đầu tiên, khi chị bước chân vào làng văn?
Tất nhiên.
Ông đã nói gì?
“Viết gì như viết nhật kí và dạy đời người khác”. Khi vừa nghe xong, tôi tự ái bảo “Đó là chất của con”. Tuổi đôi mươi, hiếu thắng và nông nổi lắm. Sau này khi đã viết cứng tay hơn chút, có lần tôi buộc phải thừa nhận với ba mình rằng “Công nhận cuốn Không khóc ở Kula Lumpur là cuốn non tay nhất.”, thì ông lại bảo ngay rằng “Ồ, nhưng cuốn đó ba thích vì đó mới là cuốn sách bản năng nhất của con”. Bạn thấy không, tình yêu của một người cha là nhà văn khó hiểu một cách vĩ đại.
Chị có còn nhớ tới cảm xúc của mình khi cuốn truyện đầu tiên được xuất bản, cảm xúc đó chắc hẳn rất linh thiêng và đặc biệt?
Không, tôi không phải kiểu người dễ xúc động như thế và cũng không quen “quan trọng hóa” cảm xúc riêng tư của bản thân. Tôi nhớ là mình cũng rất vui, có chút là lạ khi nhìn thấy những con chữ trên máy tính lại biến thành quyển sách, nhưng cũng chỉ thế thôi. Khi kết thúc xong một tác phẩm, tôi lại nghĩ đến tác phẩm tiếp theo, nên cũng không có nhiều thời gian và tâm trí để suy tưởng về cuốn sách đã qua. Suy cho cùng, tất cả đều có ý nghĩa và tất cả cũng vô nghĩa.
Vậy đã lúc nào, khi đọc những thứ mình viết ra, chị thấy thất vọng và vứt bỏ bản thảo đi để viết lại?
Chưa bao giờ. Khi đang viết, tôi khá cầu toàn trong con chữ, nên không bao giờ để xảy ra việc đó.
Hình như đó cũng như cách chị “đối xử” với thời trang và hội họa vậy. Tôi được biết chị mê thời trang và vẽ tranh cũng không tệ. Chị chắc hẳn là kiểu người hướng tới sự hoàn hảo – cả trong văn chương lẫn đời thường?
Thời trang thì có, hội hoạ thì không. Tôi có thử vẽ và nhận ra mình không có chút năng khiếu nào trong lĩnh vực này nên dừng lại luôn. Thời trang thì đơn giản lắm, cứ thấy đẹp và vừa mắt mình thì mặc thôi. Những thứ khác trong cuộc sống cũng vậy, thích gì thì làm thôi. Làm thứ mình thích thì sướng, sướng thì mới làm hay được. Những điều đó cuối cùng lại thành hợp tạng vài người, cầu kỳ với vài người, xa xỉ với vài người, và thế, người ta bảo tôi cầu toàn và thích hoàn hảo. Có thể, tôi cũng không quan tâm lắm.
Đã có không ít người thử sức ở lĩnh vực viết lách rồi buộc phải ra đi. Bởi văn chương là một mảnh đất rộng nhưng không hề hiếu khách. Thế nhưng chị đã trụ lại được mảnh đất này, bằng chứng là 3 cuốn tiểu thuyết và 1 tập thơ nhận được sự đón nhận nhiệt thành từ độc giả, chị cũng có không ít fan của riêng mình - dù chị kín đáo và ít xuất hiện. Đâu là thứ đã làm nên thương hiệu riêng của Linh Lê, theo chị?
Thật ra câu này tôi nghĩ nên hỏi người đọc thì chính xác hơn hỏi tôi. Tôi không làm thương hiệu cho bản thân. Tôi đam mê thì tôi viết thôi và tất nhiên, tôi phải có những tố chất nhất định và riêng biệt của mình trong công việc này. Có thể, nhiều người đọc thấy đồng cảm với những tố chất ấy của tôi và cũng sẽ có nhiều người không cảm nhận được chút gì.
Tôi luôn nghĩ, một nhà văn chắc hẳn phải là một nhà tâm lý đại tài, bởi họ không chỉ hiểu diễn biến tâm lý của một/ nhiều nhân vật, mà còn biết cách chắt lọc và khiến những diễn biến đó trở nên hấp dẫn. Trải nghiệm của chị về cuộc đời chắc hẳn phải rất nhiều, tuổi trẻ của chị chắc hẳn không chỉ chứa những êm đềm và còn cả đau thương, để khiến chị viết nên những câu chuyện tình buồn như vậy?
Tuổi thanh xuân của tôi rất đẹp, đẹp như một cuốn phim, một cuốn tiểu thuyết, dù chưa từng có một cuốn sách nào tôi thực sự viết về nó. Tất cả những nỗi buồn, những yêu thương, đau khổ, tất cả nhiệt huyết và trăn trở, tiếc nuối hay xót xa của tuổi trẻ đều trở nên rất đẹp. Bạn chỉ thấy một điều gì đó đẹp khi bạn thấy nhớ nó. Nỗi nhớ nhung này là một giai điệu êm đềm luôn vang lên mỗi khi tôi viết. Vì thế, tôi không nghĩ rằng một thanh xuân êm đềm là một thanh xuân đẹp.
Có một điều khiến tôi rất tò mò nữa, đó là, đọc sách của Linh Lê, hầu như trong bất cứ tác phẩm nào đều dễ bắt gặp các nhân vật thuộc giới tính thứ ba. Họ đều đẹp, quyến rũ và đầy mê hoặc. Dường như chị rất gắn bó với thế giới LGBT và có cái nhìn đầy tích cực đối với họ?
Tôi có những người bạn rất thân ở cả 3 định hướng giới tính: đồng tính, dị tính và song tính. Ai cũng có vẻ đẹp của riêng mình, có những ưu điểm và hạn chế của riêng mình. Trong cuộc sống hàng ngày, cũng có nhiều lần tôi tiếp xúc và gặp gỡ những người có định hướng giới tính khác với mình, cảm xúc của tôi với họ không có gì khác biệt so với cảm xúc của tôi với những người có định hướng giới tính giống mình. Không có tích cực hơn và cũng không có tiêu cực hơn.
Nhiều người đọc còn cho rằng, chị đã từng có một mối tình với người thuộc LGBT cơ đấy…?
Thì có sao? Đấy là quyền cơ bản của người đọc. Hình dung và liên tưởng là điều kiện cần và gần như bắt buộc khi đọc một cuốn sách.
Nhiều nhà văn đã tận dụng mạng xã hội như Facebook, Lotus như một kênh truyền thông cho mình. Ở đó, họ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, đăng tải những hình ảnh của mình, thậm chí cả làm quảng cáo. Tại sao với ngoại hình và sức viết của mình, trước đây, chị lại không làm điều đó?. Chị …nhát gan hay là quá an toàn?
Cuộc sống hàng ngày của tôi quá bận. Còn chút thời gian rảnh nào tôi dành cho công việc viết lách, đọc sách, xem phim, đi du lịch và nghĩ ra vài cái hay có thể làm. Từ lâu, tôi không còn sinh hoạt nhiều trên mạng xã hội và không rành các món chơi trên đấy. Xã hội bây giờ nhiều người giỏi, nhanh và biến hóa tốt quá, tôi dường như đi hơi chậm và lại là một tạng khác hẳn. Có thể đến một lúc nào đấy tôi lại nảy sinh nhu cầu nào đó trên mạng xã hội, nhưng chắc chắn chưa phải hôm nay.
Đã bao giờ chị bị nỗi buồn của nhân vật ám ảnh tới mức không thoát ra được trong suốt một thời gian dài?
Chưa. Buồn đến thế thì sao mà buồn tiếp nỗi buồn của nhân vật mới được?
Cuốn tiểu thuyết gần nhất của chị mang tên “Người tình Sài Gòn” được xuất bản cách đây đã 6 năm. Điều gì khiến chị đã có một “giấc ngủ” dài tới vậy?. Hay nó chính là sự thai nghén cần thiết cho một tác phẩm mang đậm tính nghệ thuật như “Đào”?.
Với riêng “Đào”, quá trình viết khá vất vả bởi tôi làm mất bản thảo khi viết gần xong vì cái tính chủ quan và đãng trí của mình, và phải viết lại từ đầu.
Trong thời gian viết lại, tôi trải qua những cảm giác khó chịu và dễ chịu với bản thảo này, đặc biệt tôi cũng có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khác với văn chương cũng như đời sống riêng. Những trải nghiệm này đã không xuất hiện trong thời gian tôi thai nghén bản thảo đã mất. Càng về sau, càng viết tôi càng thấm, càng viết tôi càng nhận ra vẻ đẹp của câu chuyện, và “Đào” trở thành tác phẩm tôi yêu thích nhất của mình từ trước đến nay. Có lẽ, tôi nên cảm ơn sự việc hy hữu và có phần “duyên phận” này.
“Đào” dường như là cuốn tiểu thuyết dành cho những kỹ nữ thời hiện đại, và lại là một câu chuyện rất buồn. Có phải tất cả những áng văn chương về kỹ nữ (Hồi ức một Geisha, Lời kỹ nữ...) đã mặc định làm kỹ nữ phải buồn, dù sự thật ngoài đời đôi khi không như vậy?
Con người nhìn chung là đã buồn và nên biết buồn, nói gì đến kỹ nữ.
Vậy chị đã gặp Lâm, Cát, Tiểu My, Na, hay Mạ - những người làm phụ nữ làm kỹ nữ ngoài đời chưa?. Và nếu có, cảm nhận của chị về họ như thế nào?
Tất nhiên là tôi gặp rồi chứ. Có những người đã ngồi tâm sự chân tình với tôi. Có những người tôi chỉ ngắm nhìn họ từ xa. Tất cả họ đều có những điểm giống cơ bản và khác cơ bản so với các nhân vật của tôi trong truyện.
Cảm xúc qua những lần gặp gỡ cũng nhiều, vui buồn đủ cả, và những thân phận đàn bà trong nghề này mà tôi tiếp xúc, họ chỉ cần ba điều: Cần tiền, cần yên ổn và cần cả niềm vui từ đàn ông.
So với những cuốn sách được chị viết vào những năm 20 tuổi, “Đào” – tác phẩm của người đàn bà đã ngoài 30, đang trong giai đoạn viên mãn của cuộc đời khác biệt như thế nào?
Viên mãn hay không không liên quan đến công việc viết lách của tôi. Độ tuổi thì có thể tạo ra khác biệt, càng sống càng tích luỹ nhiều trải nghiệm và nhiều tri thức hơn thì đương nhiên sẽ phải viết hay hơn, sâu hơn.
Thế giới của “Đào” là một thế giới vừa thực, vừa ảo, vừa đẹp đẽ vừa thê lương. Hay chính xác hơn, nó giống như một bộ phim điện ảnh với tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng và những hình ảnh mang đầy cảm xúc. Chị có từng nghĩ việc sẽ chuyển thể tác phẩm này thành phim?
Theo cảm nhận của tôi, không chỉ riêng “Đào”, những câu chuyện tôi viết đều có dáng dấp của một bộ phim điện ảnh, vì bản thân tôi khi viết đều hoá mình thành nhân vật và đang tồn tại trong bối cảnh nào đó. Tôi lắng nghe giai điệu của sự tưởng tượng ấy và viết. Tuy nhiên, liệu “Đào” hay cuốn sách nào khác của tôi có được chuyển thể thành phim không thì tôi ở thời điểm này, tôi chưa thể nói trước được điều gì.
Nghề kỹ nữ trong tác phẩm của chị đã được đưa lên một nấc thang mới, các cô gái trong đó vừa là biểu trưng của sắc dục, vừa là biểu trưng của cái đẹp và sự lãng mạn. Liệu rồi đây, sẽ có những cô gái sẵn sàng làm công việc này, bởi cái ma lực quá lớn từ nghề kỹ nữ, như nhân vật Quyên trong truyện?
Cái đẹp nằm trong đôi mắt những người ngắm nhìn, bản thân cái đẹp - liệu có biết mình đẹp?
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị này!