Phong cảnh hoang sơ của vùng đất ngập nước lớn nhất châu thổ sông Hồng
(Dân trí) - Vân Long là một vùng đất ngập nước lớn nhất của châu thổ sông Hồng, đây cũng là nơi trú ngụ lớn nhất của loài voọc mông trắng tại Việt Nam.
Năm 1960, sau khi xây dựng con đê trị thủy sông Đáy dài 30 km, Vân Long (Gia Viễn, Ninh Bình) trở thành vùng đầm rộng lớn có tổng diện tích lên đến 3.500 ha. Sự xuất hiện của vùng đất ngập nước này đã trở thành nơi trú đông để sinh sống của nhiều loài chim di cư từ phương Bắc xuống.
Năm 1999, nơi đây trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, được ghi trong danh sách khu rừng đặc dụng Việt Nam và được công nhận là một khu Ramsar của Thế giới. Đây là hiện là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Một số quả núi trở thành những đảo giữa biển nước mông mênh đã góp phần giúp cho nhiều loài động, thực vật thoát khỏi tác động tiêu cực của con người. Trong số những loài động, thực vật may mắn được bảo vệ, đáng kể nhất là trường hợp của loài voọc mông trắng.
Vách núi đá dựng đứng tạo nên hình ảnh ngoạn mục trên mặt nước của đầm Vân Long. Ngọn núi này được người dân gọi là núi "mèo cào".
Vùng đất ngập nước Vân Long là một khu vực đa dạng về hệ sinh thái, với các ngọn núi đá vôi là nơi sinh sống của đàn voọc tránh xa những tác động tiêu cực từ con người.
Ngoài hai hệ sinh thái chủ yếu là đất ngập nước và rừng trên núi đá vôi, còn có cả hệ sinh thái đồng ruộng, bãi cỏ, nương rẫy và hệ sinh thái thôn làng. Hệ động thực vật của nơi đây rất đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của đồng bằng Bắc Bộ.
Khu đất ngập nước Vân Long thuộc địa phận 7 xã: Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân và Gia Thanh. ảnh là một người dân tại xã Gia Vân.
Cũng nằm trong quần thể thiên nhiên này còn có vùng đầm Cút, cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn với các đàn cừu nhởn nhơ trên triền đê.
Vùng mặt nước đầm Cút.
Làng mạc lẫn với thiên nhiên vùng đầm Vân Long tạo nên cảnh sắc thanh bình, vừa hoang dã lại vừa gần gũi với con người. Trong ảnh là nhà thờ giáo xứ Lãng Vân thuộc xã Gia Lập trong một buổi hoàng hôn trầm lắng.
Toàn cảnh vùng đất ngập nước Vân Long và ngọn núi đá vôi "mèo cào".
Nơi đây có khoảng 100 loài chim, 39 họ, 13 bộ và hiện có hàng vạn con cò bợ, cò ruồi, cò trắng thường xuyên kiếm ăn ở bãi sình lầy và ruộng lúa. Tuy vùng đất ngập nước ở Vân Long chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng đây cũng rất có thể là nơi quan trọng đối với các loài chim nước di cư như sâm cầm
Ngoài voọc mông trắng, còn có gấu ngựa, sơn dương, khỉ mặt đỏ... Ếch nhái bò sát có 38 loài thuộc 16 họ, 3 bộ, 2 lớp. Trong đó có 9 loài bò sát được ghi trong sách đỏ Việt Nam vẫn có ở Vân Long như rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn sọc đầu đỏ…
Tuy vậy, hiện tại Vân Long vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nhà máy xi măng, công trường khai thác đá ở xung quanh.
Khu Vân Long có nhiều hang động đẹp, lớn có giá trị phát triển du lịch như: Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Riêng hang Cá là hang xuyên thủng dài 250 m, cao 8 m, rộng 10 m là một động rất đẹp. Đây là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối. Hang Bóng là một hang động đẹp dài hơn 100 m, hang Duối 4 tầng, hang Cánh Cổng…