(Dân trí) - Là công trình có kiến trúc độc đáo, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng của dân tộc, đền - chùa Hà Cát (Nam Định) đã được công nhận là di tích quốc gia.
Ngôi đền 600 năm tuổi có kiến trúc độc đáo bậc nhất ở Nam Định
Là công trình có kiến trúc độc đáo, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng của dân tộc, đền - chùa Hà Cát (Nam Định) đã được công nhận là di tích quốc gia.
Đền - chùa Hà Cát thuộc xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - cách thị trấn Ngô Đồng khoảng 4 km về phía Đông Nam. Công trình nằm trong một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, có hệ thống nghi môn khang trang, vườn cây tươi tốt.
Xã Hà Cát (nay là xã Hồng Thuận) được hình thành vào thời Hậu Lê, một thời kỳ chính sách ruộng tư đang phát triển, nhu cầu tín ngưỡng trong đời sống cộng đồng dân cư làng xã đã trở thành trào lưu rộng lớn.
Theo sử sách, vùng đất này do quan đại thần Lưu Đình Chất cùng dân khai hoang mở đất lập nên.
Nhiều ngôi đình, chùa được xây dựng ở khắp nơi để thờ thần, thờ thánh và thờ Phật. Trong trào lưu chung của xã hội đương thời, tại Hà Cát, nơi làng xã mới được tạo lập nhân dân cũng dựng ngôi đền thờ vị thành hoàng cùng mười vị tổ để ghi nhớ công lao của những người mở đất lập làng, nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau phải biết giữ gìn thuần phong mỹ tục.
Khu di tích đền - chùa Hà Cát còn là nơi gắn bó, chứng kiến mọi sự thăng trầm hưng vong của làng xã. Đặc biệt thời kỳ đấu tranh cách mạng, Đền - chùa Hà Cát là địa điểm thành lập chi bộ Đảng Hà Cát vào ngày 22 tháng 4 năm 1940, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Giao Thủy.
Tại Đền Hà Cát (xã Hồng Thuận), trong những năm 1941-1942, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Trung ương cử về hoạt động, đã tổ chức nhiều cuộc họp và tập huấn cho các cán bộ cách mạng hoạt động bí mật của các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Khu di tích đền chùa Hà Cát có kiến trúc độc đáo, gồm 4 hạng mục: đền Đông, đền Tây chính điện và tổ đường.
Đền Đông được xây về phía đông theo kiểu chữ đinh gồm tiền đường 3 gian dài 9m và hậu cung 3 gian. Cửa đền làm theo kiểu bức bàn bằng gỗ lim già nổi vân tự nhiên.
Toàn bộ tiền đường có 4 hàng cột cái đường kính 30cm, chân các cột cái được kê lên những tảng đá xanh vững chắc, tạo nét độc đáo của kiến trúc cổ truyền. Tất cả các cột được chạm khắc họa tiết tinh xảo, liên kết với nhau bằng các xà ngang, xà dọc tạo nên bộ khung vững chắc.
Hậu cung 3 gian được liên kết với tiền đường bằng kỹ thuật giao mái bắt vần theo kiểu tứ trụ, tạo nên không gian thoáng đãng nơi thờ tự.
Đền Tây được xây dựng phía tây của quần thể di tích.
Chính điện được xây dựng theo kiểu chữ đinh. Do tác động của thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết khiến công trình bị hư hại nặng nề.
Trong chính điện hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ và di vật có giá trị.
Từ năm 1999 - 2001 nhiều hạng mục của khu quần thể di tích đã được trùng tu lại khang trang, sạch đẹp hơn.
Trải qua biến thiên của lịch sử, tác động của con người, khu đền - chùa Hà Cát vẫn giữ được quy mô bề thế, thể hiện tài năng sáng tạo, thẩm mỹ cao của những nghệ nhân xưa ở một vùng quê gần sông sát biển này.
Không chỉ mang những giá trị to lớn về kiến trúc, văn hóa, khu di tích đền - chùa Hà Cát còn là nơi gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân địa phương, chứng kiến mọi sự thăng trầm hưng vong của làng xã.
Qua những năm tháng kháng chiến gian nan, đền - chùa Hà Cát đã trở thành địa điểm huấn luyện của dân quân, du kích, là nơi nuôi giấu cán bộ của các tổ chức cách mạng ở Trung ương và địa phương về tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng với các tầng lớp nhân dân, nhằm củng cố hậu phương vững chắc, đảm bảo kháng chiến đến thành công.
Tất cả những sự kiện lịch sử diễn ra tại đền - chùa Hà Cát đã góp phần làm tăng thêm những giá trị tiêu biểu của di tích.
Hàng năm theo tập quán của địa phương, cứ 2 năm một lần nhân dân lại tổ chức lễ hội tại đền chùa Hà Cát vào ngày 20/2 âm lịch, thu hút hàng nghìn người dân địa phương cũng như du khách tới tham gia.