(Dân trí) - Lò gạch Mang Thít, Vĩnh Long là một làng nghề truyền thống lâu đời ở miền Tây. Nơi đây tạo nên vẻ đẹp không thể cưỡng nổi với những người thích khám phá nét đẹp Việt Nam.
Lạc vào "vương quốc" lò gạch trăm tuổi ở Vĩnh Long
(Dân trí) - Lò gạch Mang Thít, Vĩnh Long là một làng nghề truyền thống lâu đời ở miền Tây. Nơi đây tạo nên vẻ đẹp không thể cưỡng nổi với những người thích khám phá nét đẹp Việt Nam.
Lò gạch Mang Thít, dọc theo dòng sông Cổ Chiên là hàng loạt lò gạch khác nhau. Tuy vậy không phải nơi đâu cũng tập trung nhiều lò gạch như ở nơi đây.
Đường đi lò gạch miền Tây khá dễ tìm. Nó nằm cách phà Đình Khao (Vĩnh Long) khoảng 10km, đối diện cồn Phú Đa. Bạn đi dọc đường tỉnh 902 đến rạch Thầy Cai, hỏi thăm thêm người dân là tới.
Lò gạch là ngành nghề truyền thống lâu đời. Nó là một trong những ngành công nghiệp truyền thống của miền Tây và Vĩnh Long.
Tàu bè di chuyển dọc con kênh để vận chuyển gạch đến nhiều vùng khác nhau trên dòng sông Cửu Long.
Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Người dân ở đây thường hay gọi nơi đây là "vương quốc gạch ngói/lò gạch".
Khói thỉnh thoảng bốc lên nghi ngút từ các lò gạch.
Các dòng sông ở huyện Mang Thít hầu như đều bắt nguồn từ 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Vì thế, vùng đất Mang Thít - Vĩnh Long hàng năm vẫn luôn nhận được lượng phù sa dồi dào, bồi đắp nguồn đất đỏ nguyên sinh giàu giá trị cho vùng đất nơi đây.
Nhà nhà ở huyện Mang Thít hầu như đều có từ 2 - 3 miệng lò và cuộc sống của người dân địa phương đều gắn liền với từng viên gạch nung đỏ, từng lò gạch luôn cháy lửa bập bùng.
Kiến trúc lò gạch như một cây nấm màu cam. Ở trên là mỗ lỗ lớn như giếng trời, hai bên là ống khói. Ở trên có nhiều bậc thang đi lên để sửa chữa khi cần thiết.
Làng lò gạch Mang Thít đẹp mộng mơ trong sương sớm.
Một người dân leo lên nóc lò gạch để xem xét
Nơi đây rất nhiều người khi đến Mang Thít đều muốn một lần trải nghiệm quá trình sản xuất cũng như đời sống của người dân làng gạch - gốm bởi làng nghề có những nét đặc trưng riêng mà không phải ở đâu cũng có.
Một lò gạch thường cao tầm 12 mét và mất khoảng 5 ngày để tải và dỡ gạch, 15 ngày để nung và 10 ngày để xây cửa lò và chờ gạch nguội.
Người dân Vĩnh Long thường dùng trấu để đốt lò và phải luôn túc trực canh lửa thường xuyên để đảm bảo gạch được nung chín đúng ngày.
Trải qua hơn một tháng, mỗi mẻ gạch thường thu khoảng hơn 120.000 viên gạch và tùy vào từng kích thước lò.