PhotoStory

Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu

Thực hiện: Công Bính

(Dân trí) - Sau khi tháo dỡ nhà bảo vệ trong quá trình trùng tu, Chùa Cầu lộ diện và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đa số nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành ủng hộ hình ảnh Chùa Cầu sau trùng tu.

Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 1
Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 2

Di tích Chùa Cầu - Hội An đã trải qua 400 năm tồn tại. Mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích vẫn không tránh khỏi hư hại, xuống cấp.

Chùa Cầu từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ XX, đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986 và 1996.

Ngày 24/7/1999, hội nghị tư vấn trùng tu Chùa Cầu được tổ chức với sự quan tâm của nhiều chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn di sản kiến trúc trong nước.

Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 3
Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 4

Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Chùa Cầu, ngày 16/8/2016, hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu được tổ chức quy mô với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản.

Trong ảnh, mái Chùa Cầu nhìn từ phía sau lưng hướng ra sông Hoài.

Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 5
Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 6

Tháng 12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy trách nhiệm của đội ngũ những người tham gia thực hiện. Những người yêu mến di sản văn hóa Hội An tin tưởng Chùa Cầu sẽ được tu bổ một cách tốt nhất nhằm giữ gìn nguyên vẹn các giá trị của di tích.

Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 7
Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 8

Chùa Cầu nhìn từ hướng đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Theo Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc "giải phẫu - chữa bệnh" nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích.

Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 9
Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 10

Chùa Cầu nhìn từ hướng đường Trần Phú.

Bên cạnh việc đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn đặc điểm, các giá trị của di tích, các giải pháp can thiệp cần đảm bảo gia tăng độ ổn định, bền vững lâu dài cho di tích trong điều kiện bảo tồn, duy trì toàn vẹn công năng từng thành phần cấu thành (miếu, cầu) của di tích.

Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 11
Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 12

Bên trong Chùa Cầu trước và sau khi được trùng tu.

Quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.

Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê: Có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.

Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 13
Ngắm hình ảnh Chùa Cầu - Hội An trước và sau trùng tu - 14

Gian thờ bên trong Chùa Cầu trước và sau trùng tu không khác nhau bao nhiêu.

Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An khẳng định, Điều 9 Hiến chương Venice năm 1964 về Bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ chỉ rõ: "Tiến trình trùng tu là một thao tác có tính chuyên môn cao. Mục đích của trùng tu là bảo tồn và làm lộ ra giá trị thẩm mỹ và lịch sử của di tích và phải dựa trên cơ sở tôn trọng vật liệu gốc và các cứ liệu xác thực...".

Sau gần 2 năm triển khai thi công tu bổ, cuối tháng 7, công tác tu bổ Chùa Cầu đã hoàn thành. Dự kiến công trình được khánh thành vào ngày 3/8.

Ảnh: Thy Hoài.