Tranh cãi về hình ảnh Chùa Cầu - Hội An sau trùng tu
(Dân trí) - Sau khi Chùa Cầu - Hội An được trùng tu, nhiều ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội cho rằng "không còn nhận ra Chùa Cầu", "làm mới di tích", "trùng tu bất chấp"…
Vài ngày nay, sau khi Chùa Cầu được tháo tôn che để chuẩn bị khánh thành, nhiều người bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội không vừa lòng với kiểu trùng tu Chùa Cầu lần này.
Ông N.Q.V. viết trên mạng xã hội: "Cần phải có cách gì đó, hơn cả việc báo động về cái gọi là "trùng tu". Nếu công trình này và một số công trình đã nhỡ làm do lo ngại xuống cấp này kia thì sau khi hoàn thành phải tìm chất liệu cũ hóa công trình".
Theo ông N.Q.V., trùng tu làm sao giữ lại cả vết nứt, vết vỡ, rong rêu, dấu tích thời gian.
Ông N.Q., nêu quan điểm, nhìn Chùa Cầu mới như không liên quan đến công trình hiện tại vậy, giống xây nhà thờ họ.
"Trùng tu công trình không những phải tôn trọng thiết kế, không làm đẹp hơn được thì đừng làm cho nó xấu hơn, phải xét tới trầm tích thời gian khoác lên nó và phù hợp với cảnh quan xung quanh", ông Q. bày tỏ.
Cũng theo ông Q., sao cứ phải sơn trắng phau, vẽ màu lung linh trong khi thứ mang lại vẻ đẹp cho cây cầu này là sự cổ kính; không tìm cách gia cố, tôn tạo mà cứ phải làm mới?
"Nhìn tổng quan xung quanh, cầu quá mới khiến nó trở nên lạc lõng, tổng thể của một khu vực nên thơ bỗng dưng biến mất. Giống trồng một cái răng sứ trắng bóng vào trong khi những chiếc răng khác vẫn nguyên màu thời gian vậy", ông Q. đánh giá.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - nguyên Trưởng Phòng nghiệp vụ Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam - người Việt Nam duy nhất được chọn trao thưởng Daifumi về bảo tồn kiến trúc gỗ - chia sẻ với phóng viên Dân trí về Chùa Cầu sau trùng tu.
Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, về tổng quan trùng tu Chùa Cầu không có vấn đề gì lớn; màu sắc có mới, nhưng vài năm nữa cũng cũ.
Họa sĩ Hỷ cho biết, Chùa Cầu trước đây không chỉ là để đi lại, mà còn có chỗ ngồi nghỉ ngơi, lần này trùng tu làm lại chỗ ngồi là đẹp nhất.
"Giống như cầu ngói Thanh Toàn ở Thừa Thiên Huế và nhiều cây cầu ở tỉnh Nam Định cũng có chỗ ngồi, nghỉ ngơi thư giãn. Tôi đứng về nhóm trùng tu, vì đôi khi trùng tu cũng có cái mới, người dân nhìn vào thấy có khi bị "sốc", thời gian vài năm sau rồi cũng sẽ rêu phong trở lại", ông Hỷ nói.
Đánh giá chung, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng nhóm trùng tu làm việc rất tốt. Màu sơn và màu ngói có mới cũng nên chấp nhận.
Chia sẻ với phóng viên, một người chuyên nghiên cứu về phố cổ Hội An cho rằng, sau trùng tu có người phản đối là chuyện bình thường. Như chuyện "đẽo cày giữa đường", nếu theo ý người này người kia, cuối cùng không thể đẽo được chiếc cày hoàn chỉnh như ý muốn.
Về những ý kiến trái chiều sau khi Chùa Cầu được trùng tu, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho biết, vài ngày qua, nhiều người xem hình ảnh chụp trên báo, mạng xã hội… có ý kiến về màu sắc của công trình có cảm giác hơi mới.
Theo ông Ngọc, trùng tu di tích có quy tắc của nó. Công trình Chùa Cầu hơn 20 năm nay, các chi tiết bờ mái, bờ góc… hầu như không đụng đến. Khi hạ giải để trùng tu lại, các chi tiết này bị mài mòn, chỉ còn lớp vữa bên trong.
Ông Ngọc cũng cho rằng, câu chuyện khi trùng tu, phục hồi có nguyên tắc rất rõ ràng là phải tìm ra màu gốc nguyên trạng là cái gì, từ đó phục hồi các màu sắc công trình di tích.
"Màu sắc công trình di tích khi phục hồi lại không thể rêu phong ngay được", ông Ngọc nói và dẫn chứng công trình chùa Bà Mụ, khi mới phục hồi cũng có màu sắc mới, cũng có nhiều người có ý kiến như Chùa Cầu hiện nay nhưng thời gian sau, màu sắc lên, đẹp ngỡ ngàng.
Cuối năm 2022, dự án đại trùng tu Chùa Cầu với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng được tỉnh Quảng Nam triển khai. Đây được xem là lần trùng tu theo phương pháp hạ giải quy mô, bài bản nhất.
Thành phố Hội An đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để đưa di tích Chùa Cầu phục vụ du lịch.