DNews

Ly kỳ huyền tích ông Cụt, ông Lành và tục thờ thần rắn ở xứ Nghệ

Hoàng Lam

(Dân trí) - Có một điều khá trùng hợp, tục thờ thần rắn ở nhiều địa phương đều gắn với câu chuyện ly kỳ về "ông Cụt, ông Lành", dù một số tình tiết có thể khác nhau.

Ly kỳ huyền tích ông Cụt, ông Lành và tục thờ thần rắn ở xứ Nghệ

Kỳ bí huyền tích ông Lành, ông Cụt

Trong điện chính đền Canh (xã Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An) là hình ảnh hai con rắn lớn, quấn trên xà nhà, trong đó một con rắn bị cụt đuôi. Ông Trần Đức Thiết, Phó Ban quản lý đền Canh, cho biết đây là hình ảnh về "ông Lành, ông Cụt", gắn với ngôi đền gần 400 năm tuổi này.

Tích xưa kể lại rằng, ở làng Xuân Hòa, tổng Quỳ Trạch (nay thuộc xã Đức Thành) có vợ chồng ông Hoàng Phúc Hựu, bà Vũ Thị Quyên hiền lành, phúc hậu, hay làm việc thiện nhưng đã 50 tuổi vẫn không có con. Một buổi trưa nóng nực, bà ra bàu Canh tắm mát. Một thời gian sau, bà mang thai, vợ chồng vui mừng khôn xiết, chuẩn bị nhiều quần áo để đón đứa con chào đời.

Ly kỳ huyền tích ông Cụt, ông Lành và tục thờ thần rắn ở xứ Nghệ - 1

Bức tượng đức mẫu Vũ Thị Quyên và 2 rắn thần tại đền Canh, xã Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

Thế nhưng, trải qua cơn trở dạ dữ dội, người vợ sinh ra hai quả trứng. Hai vợ chồng sợ hãi, buồn rầu, nhưng bản tính lương thiện, cho rằng đây là điềm lành trời ban nên động viên nhau cùng chăm sóc "con" chu đáo.

Người chồng lót ổ để ấp hai quả trứng. Hai quả trứng nở thành hai con rắn, vợ chồng ông Hựu đặt tên là Hoàng Tiến Sơn, Hoàng Tiến Kỳ. Được vợ chồng ông Hựu chăm chút, yêu thương hết mực, hai con rắn lớn nhanh, luôn quấn quýt bên cha mẹ.

Một buổi trưa mùa hạ, trời bỗng nổi cơn mưa rào, ông Hựu vội vã vác cuốc ra đồng be bờ, ngăn nước. Hai con rắn bò theo cha. Trong lúc cha đào đất đắp bờ, hai con rắn vui đùa tung tăng dưới nước, ngay chỗ ông Hựu làm việc. Không may, chiếc thuổng của người cha chắn đứt đuôi một con rắn. Tức giận, hai con rắn bỏ về nhà.

Khi người cha vác cuốc về, hai con rắn treo trên cổng, nghển cổ định mổ. Người cha quỳ lạy ba lần, xin tha. Hai con rắn không báo thù người cha nhưng bỏ đi.

Ly kỳ huyền tích ông Cụt, ông Lành và tục thờ thần rắn ở xứ Nghệ - 2

Ông Trần Đức Thiết kể về huyền tích thờ thần rắn tại Đền Canh (Ảnh: Hoàng Lam).

"Theo truyền thuyết, con rắn bị chắn mất một đoạn đuôi là rắn cả (rắn anh). Sau khi bỏ nhà đi, hai con rắn đi theo hai hướng khác nhau. Rắn cả bơi qua vùng đầm Canh, đến gò đất nổi giữa bàu là nơi có ngôi mộ tổ họ Hoàng, đã để lại một giọt máu.

Rắn cả đi lên núi, đi mãi, đi mãi, đến ngàn Thượng - một vùng núi rừng cao đẹp - thì kiệt sức, "thác" ở đây. Rắn em đi theo bàu Ác, về làng Diệu Ốc, nay là xã Phúc Thành và cũng tạ thế tại đó. Có câu "ông Cụt bàu Canh, ông Lành bàu Ác" là như vậy.

Khi các con bỏ đi, vì quá thương nhớ nên ông bà Hoàng Phúc Hựu, Vũ Thị Quyên cũng lần lượt băng rừng, vượt núi đi tìm. Nơi hai ông bà kiệt sức, nằm lại được người dân đặt tên là Ngàn Ông, Ngàn Bà", ông Thiết kể.

Theo ông Hà Huy Quang, Trưởng ban quản lý Đền Canh, khu vực này trước kia là gò đất mộ tổ dòng họ Hoàng, được bao bọc bởi đầm Canh rộng lớn. Tương truyền, những đêm hè nóng nực, người dân quanh khu vực bàu Canh nghe tiếng ào ào như gió thổi, sáng thức dậy thấy cây cỏ đổ rạp theo lối đi kéo dài từ trên rừng xuống tận bàu nước, cho rằng đó là dấu của rắn thần về tắm mát.

Ly kỳ huyền tích ông Cụt, ông Lành và tục thờ thần rắn ở xứ Nghệ - 3

Đền Canh trở thành địa điểm tâm linh, thu hút đông đảo người dân và khách thập phương (Ảnh: Hoàng Lam).

Vào những năm đại hạn, đồng ruộng nứt nẻ, cây cối chết khô, người dân lập đàn cúng tế, cầu đảo (cầu mưa) ở bàu Canh thì trời đều ban mưa, mùa màng lại tươi tốt. Những lần lũ lụt, dòng nước có nguy cơ nhấn chìm cả làng, người dân sắm lễ đến bàu Canh cầu khấn, tức thì lũ rút, mọi người đều được bình an.

Người dân cho rằng rắn anh đã hóa thành vị phúc thần, giúp đỡ, che chở cho bà con nên đã lập đền thờ, gọi là đền Canh.

Nơi rắn em "thác", chính là đền Đức Hoàng, thờ Sát Hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn (một vị tướng giỏi đời nhà Trần) và Bạch Y công chúa (con gái của vua Hồ Quý Ly), Phật Thích ca, công chúa Liễu Hạnh và thờ thần rắn. Đây cũng là những địa điểm tâm linh nổi tiếng ở Yên Thành, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách. Xung quanh hai ngôi đền này đã có nhiều câu chuyện linh thiêng được kể lại.

Ước mơ về mưa thuận, gió hòa của cư dân nông nghiệp

Ông Hồ Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, cho biết ngoài đền Canh và đền Đức Hoàng, chỉ tính riêng địa bàn huyện Yên Thành và Diễn Châu (Nghệ An), còn 7 ngôi đền có thờ thần rắn.

Ở các đền thờ này, theo câu chuyện dân gian lưu truyền, các bản sắc phong và thần tích ghi lại, đều gắn với tích "ông Lành (ông Dài), ông Cụt", dù một số tình tiết có khác nhau. Trong các huyền tích lưu truyền, người dân tin "ông Dài, ông Cụt" vốn là long xà, phụng mệnh thiên đình đầu thai xuống hạ dưới, được phong thánh, có thể hiển ứng thần thông, hô phong, đảo vũ, giúp người dân tránh đại họa hạn hán, lũ lụt.

Ly kỳ huyền tích ông Cụt, ông Lành và tục thờ thần rắn ở xứ Nghệ - 4

Hình tượng "ông Lành, ông Cụt" trong điện chính đền Canh (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo ông Hà, các nghiên cứu cho thấy tục thờ rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ và được lưu truyền cho đến tận ngày nay, hiện khá phổ biến ở vùng châu thổ Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nam bộ.

Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn liền với điều kiện sông nước, đầm phá, ao hồ, khe suối, bên cạnh đó, nền sản xuất nông nghiệp cần tới nước để tưới tiêu nên người dân rất tôn sùng nước. Vì tôn sùng nước và cần một thế lực đủ mạnh để cai quản nguồn nước, dẫn đến tục thờ rắn, vốn được xem là đại diện cho thủy thần.

Ông Hà chỉ ra rằng, trong đời sống nông nghiệp, dấu ấn nước được xây dựng trên một mô típ căn bản nhưng lại giàu bản sắc và gần gũi với cư dân trồng lúa, gắn với tín ngưỡng thờ thủy thần, trong đó người ta nói rất nhiều về thần rắn. Đây là một trong những tín ngưỡng được xem là khá quan trọng của người Việt, phản ánh quan niệm, ứng xử đối với nước.

Ly kỳ huyền tích ông Cụt, ông Lành và tục thờ thần rắn ở xứ Nghệ - 5

Đền Sò (thị trấn Diễn Châu, Nghệ An) là một trong 9 ngôi đền ở Nghệ An có thờ thần rắn (Ảnh: Hoàng Lam).

"Nước có tính hai mặt, nó có thể hủy diệt mọi thứ nhưng đồng thời nước lại là sự hồi sinh. Nó không chỉ cung cấp nước uống cho con người và vạn vật, tưới tiêu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, đảm bảo cuộc sống ấm no cho con người mà nước còn gây ra những tai họa với những cơn đại hồng thủy. Tính hai mặt này dẫn đến tâm lí cần nước và vừa sợ nước, vừa muốn chế ngự, vừa muốn sùng bái nước.

Tục thờ thần rắn đại diện cho nguồn nước theo tính biểu trưng có lẽ ra đời cũng từ những cơ sở tâm lí ấy. Nó cũng phản ánh sâu sắc mối liên hệ chặt chẽ về một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước phụ thuộc chặt chẽ vào thiên nhiên, nương tựa vào tự nhiên và chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc về thái độ, cách ứng xử của con người với thiên nhiên cũng như với quy luật khắc nghiệt của tự nhiên", ông Hồ Mạnh Hà phân tích.