Khám phá "cổng trời" có từ thời vua Minh Mạng trên đỉnh Đèo Ngang
(Dân trí) - Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh Đèo Ngang, nằm giữa ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ngoài di tích cổ kính, phong cảnh nơi đây rất hùng vĩ và nên thơ.
Di tích Hoành Sơn Quan (tức cửa Hoành Sơn) được xây vào năm 1833, thời vua Minh Mạng, để kiểm soát việc qua Đèo Ngang. Người dân hay gọi đây là "cổng trời" - nghĩa là điểm cao nhất vùng đất này, ví như lên đây có thể chạm tay đến bầu trời.
Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên giữa Đại Việt - Chiêm Thành từ xa xưa, nay là ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Lối lên Hoành Sơn Quan phía Hà Tĩnh có bậc hàng trăm bậc thang lên xuống, do thợ xẻ núi làm ra.
"Cổng trời" 190 tuổi đứng sừng sững, uy nghi và cổ kính. Công trình này cao hơn 4m, hai bên có thành dài hơn 30m, xây bằng gạch đá trát vữa, đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.
Trên cổng vòm hướng ra phía Hà Tĩnh có tấm biển màu trắng khắc 3 chữ Hoành Sơn Quan bằng chữ Hán. Có thể thấy tấm biển này đã bị nứt vỡ do tác động ngoại lực.
Di tích đang bị xâm hại với nhiều vết vẽ bẩn của người dân, du khách. Nhiều vết chữ khắc sâu vào tường từ hàng chục năm trước.
Phía sau cổng có nhiều cây cối mọc trên nóc, rêu phong phủ bám.
Trước đây, từ đường lớn lên di tích có những bậc thang nhỏ bằng đá, quanh co, di chuyển khó khăn, theo thời gian đã xuống cấp. Trong năm 2022, UBND xã Kỳ Nam đã tiến hành tu bổ, nâng cấp các bậc cầu thang này với kinh phí khoảng 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Hà Tĩnh. Việc cải tạo giúp du khách thuận tiện di chuyển và không ảnh hưởng đến tổng thể cảnh quan.
Một biển chỉ dẫn cũng được đầu tư mới, lắp đặt bên đường lớn, đối diện bậc thang lên di tích.
Từ Hoành Sơn Quan nhìn ra phía Bắc là vùng đất Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nơi đó có núi đồi, biển cả, đồng ruộng, khu dân cư và Quốc lộ 1A chạy qua.
Ở hướng ngược lại về phía Nam là vùng đất thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với núi đồi trùng điệp.
Khung cảnh hùng vĩ, nên thơ. Đèo Ngang trong lịch sử Việt Nam chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng. Có thể kể đến như: Nơi đây diễn ra nhiều cuộc giao tranh giữa Đại Việt và Chăm pa; vào thời nhà Nguyễn, Đèo Ngang và dãy Hoành Sơn còn gắn liền với sự kiện trấn thủ Thuận Hóa, mở mang bờ cõi. Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Ngoài - Đàng Trong (1570-1786), lấy sông Gianh thuộc Quảng Bình là ranh giới phân chia Nam - Bắc, nhưng chốt án ngữ quan trọng của quân Trịnh ở bờ Bắc là Đèo Ngang.
Năm Minh Mạng thứ 14, vua cho xây dựng Hoành Sơn Quang trên đỉnh đèo. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, Đèo Ngang là nơi trọng điểm, chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của quân đội ta trong việc gìn giữ con đường huyết mạch.
Ngoài gắn liền với lịch sử bi hùng, Đèo Ngang (nơi có cổng trời) cũng đậm chất thi ca lãng mạn, là nguồn cảm hứng cho bao văn nhân. Trong đó có bài thơ Qua Đèo Ngang nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan: "Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/Cỏ cây chen lá, đá chen hoa/ Lom khom dưới núi, tiều vài chú/Lác đác bên sông, chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/Dừng chân đứng lại trời non nước/Một mảnh tình riêng, ta với ta".
Cách đây 20 năm, Hoành Sơn Quan cùng được Quảng Bình và Hà Tĩnh xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.
Quốc lộ 1A uốn lượn quanh Đèo Ngang với chiều dài khoảng 6km. Từ khi có hầm đường bộ, con đường này vắng người và phương tiện qua lại. Tuy nhiên, một số tài xế hoặc khách du lịch vẫn lựa chọn cung đường này để thưởng ngoạn cảnh đẹp và check-in "cổng trời".
Hầm đường bộ Đèo Ngang được khởi công vào tháng 5/2003 và hoàn thành tháng 7/2004 giúp rút ngắn thời gian và khoảng cách.