Chàng trai Việt nghỉ việc đi du lịch, 60 ngày tiêu hết 120 triệu đồng
(Dân trí) - Kết thúc hành trình 8.000km vào đúng ngày sinh nhật, An Linh thấy vừa vui, vừa tiếc. Anh dự tính mỗi ngày tiêu hết 1 triệu đồng nhưng đã tiêu lên gần gấp đôi.
Mười ngày sau khi nghỉ việc, cùng với chiếc mô tô cũ, Nguyễn Diệp An Linh (SN 1997, Hòa Bình) lên đường khám phá dải đất hình chữ S với một sự nhẹ nhõm trong lòng.
Trước đó, Linh từng đi phượt và cắm trại khắp miền Bắc nhưng vẫn chưa cảm nhận được nhiều. Bởi lẽ, những chuyến đi của anh đều khá vội vã, dài nhất cũng chỉ một tuần.
Kết thúc 60 ngày xuyên Việt, Linh vẫn nuối tiếc vì ở đâu cũng có những cảnh đẹp ngắm chưa đã, đồ ăn ngon chưa có cơ hội thử và con người đáng mến còn vấn vương.
Được người lạ mời về nhà ăn cơm, ngủ
An Linh từng làm việc ở bộ phận marketing (tiếp thị) cho công ty thương mại điện tử quốc tế và tự mở một quán cà phê thuần thực vật ở TPHCM. Dù được cất nhắc lên vị trí điều hành, anh từ chối lời đề nghị trong sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp.
"Công việc không vất vả, chỉ là tôi cảm thấy ngồi một chỗ không hợp với mình. Tôi cũng đắn đo và tự hỏi bản thân sống để làm gì, muốn cuộc sống như thế nào rồi dần có đáp án. Vậy là tôi nghỉ việc", chàng trai 27 tuổi nhớ lại.
Ngày cuối cùng của tháng 7, Linh bàn giao xong công việc và chính thức… thất nghiệp. Trong 10 ngày sau đó, anh lên một kế hoạch qua loa rằng sẽ đi xuyên Việt, tân trang lại chiếc mô tô mua 4 năm nhưng không mấy khi lăn bánh và sắm sửa ít đồ.
Hôm 10/8, Linh xuất phát từ TPHCM với hành trang có ba lô đựng đồ cá nhân, túi quần áo, đồ cắm trại (lều, tăng che, đệm hơi, gối hơi, đồ nấu ăn, bếp, bàn ghế gấp, đèn pin và sạc dự phòng loại lớn…). Dành hơn nửa tháng khám phá miền Tây, anh trở lại TPHCM vào dịp nghỉ lễ 2/9, rồi lại tiếp tục đi thăm thú các tỉnh miền Đông.
Rời miền Nam, Linh quyết định đi theo đường dích dắc để vừa được ngắm cảnh đồi núi ở Tây Nguyên, vừa tận hưởng vẻ đẹp của vùng duyên hải miền Trung. Ngồi trên xe, anh khoan khoái đắm chìm vào những cung đường đèo thơ mộng của miền cao nguyên nắng gió, rồi lại mở to đôi mắt khi thấy cung đường biển Phú Yên.
Ra tới Quảng Ngãi, đường từ đó chỉ đi thẳng, anh chạy một lèo ra Bắc, cắm trại xen kẽ thuê nhà nghỉ để tắm rửa, nghỉ ngơi.
An Linh đi xuyên Việt một mình sau khi quyết định từ bỏ cơ hội thăng tiến trong công việc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trên hành trình từ Nam ra Bắc, nhiều biến cố dở khóc dở cười đã xảy ra với Linh. Ở Phú Quốc, anh đau bụng nguyên 5 ngày do ăn đồ bị hỏng. Đến Bạc Liêu, xe của anh đứt xích, đòi "đình công" vì đi đường nhiều ổ gà.
Hay khi đặt chân tới Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), Linh tá hỏa vì không tìm được chỗ ngủ, phải xin phép cán bộ kiểm lâm được cắm trại trong rừng.
Bù lại những "kiếp nạn" này, chàng trai vẫn thấy vui vì cảnh đẹp, đồ ăn ngon và đặc biệt là tình cảm của người dân trên từng mảnh đất mình đi qua.
"Bà con miền Tây nhiệt tình, thật thà và dễ mến. Thấy xe tôi chở đồ lỉnh kỉnh, ai nấy đều hỏi han và động viên khi biết tôi đi xuyên Việt. Nhiều cô chú thấy đi đường lóng ngóng còn mời tôi về nhà ăn cơm và ngủ nghỉ", anh kể.
Linh nở nụ cười khi nhắc về 3 cô bé lớp 5 mình tình cờ gặp gỡ trên đảo Lý Sơn. Nhờ những "hướng dẫn viên" nhí dễ mến này, anh được dẫn đi dạo quanh hòn đảo xinh đẹp và có trải nghiệm đáng nhớ như đi tắm biển lúc 4h. Chàng trai cũng được một người dân đảo tốt bụng dẫn đường ra bến khi mải chơi mà quên mất giờ để ra tàu về đất liền.
An Linh mang theo đồ cắm trại để được nằm ngủ ở những nơi có cảnh đẹp, ngắm nhìn thiên nhiên một cách tự do (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Kế hoạch tài chính đổ bể
Sau 2 tháng đi xuyên Việt, An Linh về tới Hà Nội hôm 10/10, đúng ngày sinh nhật mình. Chàng trai lòng vừa vui, vừa tiếc, các kế hoạch gần như đều đổ bể.
Ban đầu, Linh dự tính, mỗi tỉnh, thành chỉ ở lại một ngày. Thế nhưng, vì cảnh đẹp, đồ ăn ngon và con người dễ mến, anh nấn ná lại mỗi nơi thêm ít lâu.
Linh cũng dự trù hết khoảng 100 triệu đồng cho cả hành trình, bao gồm sắm đồ cắm trại (20 triệu đồng) và chi tiêu trên đường đi. Kết quả, kế hoạch tài chính cũng… vỡ nhẹ.
"Mỗi ngày, mình dự tính tiêu hết 1 triệu đồng. Nhưng ở khách sạn, mỗi đêm hết khoảng 500.000 đồng, tiền ăn ngày 3 bữa, uống nước dọc đường, vé tàu xe, vé tham quan, mua quà cáp gửi gia đình, bạn bè… nên không như tính toán. Cả chuyến mình tiêu hết 120 triệu đồng", anh kể.
Linh cho rằng, nếu chỉ đi chơi và ngắm cảnh, mỗi ngày chi khoảng 1 triệu đồng là thoải mái. Anh nhận thấy, ở các tỉnh chưa phát triển du lịch, giá khách sạn khá cao. Còn tại những địa phương có nền du lịch mạnh, đồ ăn và khách sạn đều khá rẻ, chỉ có vé tham quan sẽ tốn hơn.
An Linh đi quãng đường 8.000km sau 60 ngày, hoàn thành mục tiêu đặt dấu chân lên 63 tỉnh, thành của Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hỏi Linh cả chuyến đi "lãi" nhất điều gì, chàng trai hài hước nói: "Đó là làn da ngăm đen, chiếc miệng rộng vì cười nhiều, hàm răng ố vì uống cà phê, mái tóc dài ngoằng, thêm kênh YouTube làm vội chỉ vài trăm lượt đăng ký".
Trên hành trình này, nhận thấy tiềm năng về nông sản của đất nước, Linh cũng đã có định hướng mới trong công việc. Anh đang nghiên cứu để khởi nghiệp mảng nông sản.
"Có thể là xuất khẩu thô, sau đó đóng gói nông sản của bà con tại các vùng miền rồi tinh chế và đưa ra nước ngoài. Mình mong muốn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia với quốc tế", chàng trai nói.
Sau khi đi xuyên Việt, An Linh sống linh hoạt ở Hà Nội và ở quê nhà Cao Phong (Hòa Bình). Hành trình 8.000km đặt dấu chấm hết cho công việc cũ nhưng cũng là khởi đầu mới, đầy hứa hẹn với anh ở tuổi 27.