DMagazine

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam

(Dân trí) - Khi tiến lại gần hơn bức tượng, PGS.TS Nguyễn Lân Cường phát hiện một vết nứt khá nhỏ chừng 0,2 cm. Nhìn sâu vào bên trong, ông sững sờ phát hiện ra bí mật bảo quản thi hài "độc nhất, vô nhị".

Khi tiến lại gần hơn bức tượng, PGS.TS Nguyễn Lân Cường phát hiện một vết nứt khá nhỏ chừng 0,2 cm. Nhìn sâu vào bên trong, ông sững sờ phát hiện ra bí mật bảo quản thi hài "độc nhất, vô nhị".

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam - 1

Vị thiền sư mang vào am nhỏ một chum dầu để thắp và một chum nước để uống. Ngài dặn các đệ tử: "Sau một trăm ngày, nếu các ngươi thấy tiếng gõ mõ ngừng thì mới được phép vào bên trong. Nếu thấy thi thể ta có mùi, các người phải lập tức lấp am. Ngược lại, thi thể ta còn nguyên vẹn, không có mùi thì lấy sơn bả lên người ta trước khi xây bịt kín am lại".

Sau ba tháng, mười ngày, tiếng mõ ngừng, các đệ tử làm theo lời thầy dạy, tiến vào am. Họ sững sờ khi chỉ thấy thiền sư ngồi ở tư thế kiết già, đôi mắt nhắm chặt như đang suy niệm về cõi Phật. Ngài đã viên tịch.

Trong phòng không có mùi, các đệ tử liền làm theo lời di huấn của thầy để lại, tạo nên một trong những pho tượng thiền táng hiếm hoi của Việt Nam.

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam - 2

Đó là câu chuyện cổ ở Thường Tín về pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh ở cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 trong chùa Đậu. Nhưng đó vẫn là câu chuyện dân gian, huyền thoại, được truyền nhau qua các thế hệ. Dù chùa có một pho tượng ấn chứng song người dân cũng không thể minh định được câu chuyện trên là thật hay huyền sử.

Cho đến năm 1983, gác chuông chùa Đậu bị hỏng. PGS.TS Nguyễn Lân Cường xuống chùa khảo sát, đánh giá. Khi đi đến một khám nhỏ, ông đã đứng lặng người trước pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh.

Là chuyên gia khảo cổ, ông Cường đã gặp không biết bao nhiêu pho tượng Phật song, bức tượng thiền sư Vũ Khắc Minh có điều gì đó cuốn hút khó tả. Tượng thiền sư ở phía sau rèm tre, thần thái uy nghiêm mà hiền từ.

Rồi ông tiến lại gần hơn và bất ngờ phát hiện ra bức tượng có một vết nứt rất nhỏ chừng 0,2 cm. Nhìn sâu vào bên trong, vị PGS. TS hàng đầu về khảo cổ sững sờ khi thấy xương sọ người. Ông lập tức hiểu, mình đã tìm ra một trong những cách giữ gìn thi hài độc đáo bậc nhất của dân tộc.

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam - 4

Xin phép chùa cùng các cấp chính quyền, ông Cường mang bức tượng đi chụp X-Quang. Thật không ngờ, bên trong pho tượng sơn ta là xương cốt người.

Chấn động hơn, ông Cường cầm xương X-quang mà thảng thốt: "Không có vết đục nào ở hộp sọ vị thiền sư". Là người phân tích hàng nghìn hộp sọ, hàng chục xác ướp, và đi khắp nơi trên thế giới tìm hiểu về các thuật ướp xác, điều này ông Cường chưa bao giờ gặp.

Ngay cả Ai Cập cổ đại, nơi có kỹ thuật ướp xác hàng đầu nhân loại, họ vẫn phải đục phần xương lá mía hoặc đỉnh sọ để lấy não rồi mới độn chất bảo quản vào trong. Đồng nghĩa, hộp sọ không thể nguyên vẹn vì người ta phải đục để lấy não. Song, hộp sọ nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh còn nguyên vẹn, não thiền sư đã hóa vĩnh cửu cùng pho tượng.

Cơ duyên nhìn thấy vết nứt trong pho tượng cổ đã giúp PGS. TS Nguyễn Lân Cường soi tỏ câu chuyện cổ trong vùng. Đó không phải là một câu chuyện trong truyền thuyết.

Hơn thế, chùa Đậu còn có tượng của thiền sư Vũ Khắc Trường. Bên trong tượng cũng là nhục thân của vị thiền sư này.

Qua phim chụp X-Quang, hộp sọ trong nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường cũng còn nguyên vẹn. Điều này tái khẳng định kỹ thuật ướp xác của các thiền sư chùa Đậu đã đạt được những bước tiến rất lớn trong việc bảo quản thi hài.

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam - 6

Câu chuyện về hai vị thiền sư viên tịch ở thế tọa thiền và sau hơn 300 năm vẫn giữ nguyên được dáng vẻ nhục thân thanh khiết là câu chuyện vô cùng hiếm hoi trên thế giới.

Điều đáng ngạc nhiên là, ở Việt Nam, ngoài nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường kể trên, các nhà khoa học còn tìm thấy nhục thân thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) và thiền sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh).

Câu chuyện về việc tìm thấy nhục thân thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu Sơn cũng ly kỳ không kém.

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam - 7

Một ngày mưa năm 1971, ni sư Đàm Chính (trụ trì chùa Tiêu Sơn) khi ấy mới chỉ ngoài 21 tuổi quét dọn tháp Viên Tuệ (chùa Tiêu Sơn) như mọi ngày. Bỗng dưng, một viên gạch trên tường rơi xuống. Qua khe hở, ni sư sững sờ khi thấy một nhà sư đang ngồi thiền. Chân ngài khoanh tròn, đầu ngài hơi cúi xuống, hai tay đặt trước bụng, đôi mắt khép hờ, mặt khoan thai như đã hoàn toàn ngộ đạo.

Sợ mình làm phiền vị cao tăng đắc đạo, ni sư vội đặt viên gạch lại chỗ cũ. Bà cũng chôn chặt câu chuyện ở tháp Viên Tuệ. Song, không hiểu vì sao, lời đồn về câu chuyện trong tháp có vị thiền sư bí ẩn vẫn lan truyền tới dân làng.

Vào một đêm, một người đàn ông trong làng vì tò mò đã lén lật viên gạch bị rơi trước đó. Hắn dùng gậy chọc thử vào người vị thiền sư. Lúc đó, người ta mới biết thiền sư đã viên tịch từ lâu. Ngài đã được các đệ tử tượng táng và nhục thân ngài ngồi thiền cả mấy trăm năm. Đáng tiếc, do người đàn ông dùng cành cây chọc vào di thể người, bức tượng đã bị hư hỏng rất nặng.

Sau sự kiện đó, người đàn ông cũng sợ mà không dám bén mảng tới tháp cổ. Câu chuyện về vị thiền sư ngồi thiền trăm năm trong tháp vẫn chỉ là câu chuyện kể được lưu truyền trong làng.

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam - 9

Đến năm 1996, khi Hòa thượng Thích Thanh Từ- Trụ trì thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt) và Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt (tổng thư ký thiền phái Trúc Lâm) đến thăm chùa Tiêu Sơn. Ni sư Đàm Chính đem câu chuyện bí mật trong tòa tháp kể với hai vị cao tăng. Từ đó, câu chuyện về nhục thân thiền sư ở chùa Tiêu Sơn mới được giới chư tăng cũng như khảo cổ biết đến.

Qua quá trình lần lại lịch sử, các tăng chúng trong chùa cũng như các nhà khoa học khẳng định đó là nhục thân của thiền sư Như Trí, đệ tử của thiền sư Chân Nguyên. Sinh thời, ông đã có nhiều công lao trong việc trùng tu, khắc in các cuốn sách thời Trần.

Đặc biệt, khi nghiên cứu nhục thân của thiền sư Như Trí,  PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã phát hiện ra một khối hợp chất bên trong. Sau chuyển đi giám định, kết quả đó là nội tạng. Tức là, việc thiền táng nhục thân các thiền sư cũng không lấy nội tạng. Đây được xem là một trong những phát hiện đặc biệt của khảo cổ Việt về thuật thiền táng của các thiền sư.

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam - 11

Chùa Tiêu Sơn cũng là trung tâm tu thiền huyền bí có từ thời Lý (cách đây hơn 1000 năm). Thiền sư Lý Vạn Hạnh cũng đã từng trụ trì ở chùa này. Ông là người có công nuôi dạy Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của triều Lý, người đã có quyết định lịch sử khi dời đô về Thăng Long. Cũng vì thế, ngôi cổ tự mang những hương thầm sắc ẩn kỳ bí ngàn năm. Và câu chuyện về nhục thân thiền sư Như Trí là một trong số đó.

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam - 13

Lần các đầu mối từ các câu chuyện cổ cùng những soi chụp khoa học hiện đại, PGS.TS Nguyễn Lân Cường phần nào đã tái dựng được quá trình thiền táng các vị thiền sư như sau: Nhục thân các vị thiền sư cũng được xử lý rất kỹ trước và trong khi tượng táng. Cụ thể, bản thân các nhà tu hành sinh thời đều phải tuân thủ chế độ ăn uống rất thanh đạm. Đến một trăm ngày cuối, các ngài chỉ uống nước. Bởi vậy, nhục thân các vị thiền sư cũng đã được chuẩn bị cho quá trình vĩnh cửu hóa từ rất lâu.

Khi các ngài viên tịch, đệ tử của họ đã dùng đất mối đùn, mùn cưa, sơn ta, giấy dó để bồi bên ngoài nhục thân.

Có những pho tượng táng, các nhà khoa học phát hiện cả các tấm kim loại để làm trụ đỡ cho thân. Đáng nói, quá trình tượng hóa các vị thiền sư trải qua lần lượt các bước: sơn, hom, thì, lót… Đây là quy trình làm hoành phi câu đối vẫn được áp dụng trong dân gian. Cuối cùng, nhục thân các vị thiền sư được dát những lá bạc, lá vàng ở bên ngoài.

 "Về lý, các lớp phủ bên ngoài của các pho tượng táng cũng đảm bảo không để vi khuẩn xâm nhập như cách ướp xác trong quan ngoài quách. Song, quá trình tu luyện khổ hạnh của các nhà sư đã khiến nhục thân các ngài trở thành những pho tượng táng trường cửu."- PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định.

Vết nứt trên tượng cổ, lộ chấn động về bí thuật ướp xác độc nhất Việt Nam - 14

Cho đến thời điểm hiện tại, kỹ thuật thiền táng chỉ mới phát hiện được ở Trung Quốc và Việt Nam. Người Trung Quốc gọi kiểu táng này là "Giáp chữ tất" (Sơn ta bó lụa).

Trong chính sử Việt, các vị Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, thiền sư Giác Hải để lại toàn thân xá lợi sau khi hóa. Song, qua thời gian với bao binh biến của lịch sử, nhục thân các ngài còn tồn tại tới nay hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Hiện nay, để bảo quản nhục thân các vị thiền sư, giới khoa học đã đưa các vị vào tủ kính, rồi bơm ni tơ để bảo quản. Các câu chuyện tượng táng của các vị thiền sư đã được giới khảo cổ giải đáp một phần. Nhiều bí ẩn khác vẫn lẩn khuất quanh màn sương huyền sử mà khoa học chưa thể soi tỏ.

Người ta chưa thể giải đáp, bằng cách nào, nội tạng bên trong nhục thân các vị thiền sư vẫn còn tới tận ngày nay. Người ta cũng chưa thể đoán chắc, rằng còn hay không nhục thân các vị thiền sư đang ở gian mật thất nào đó bên trong các tòa cổ tự.

Song, có một điều chắc chắn, đó là kỹ thuật ướp xác kiểu tượng táng của người Việt đã đạt được những thành tựu mang tầm nhân loại. Và, dân tộc đã có những vị thiền sư kiệt xuất mà tới tận bây giờ, nhục thân các ngài vẫn lưu lại như lời nhắn gửi về độ cao minh của Phật Pháp tới hậu thế.