PhotoStory

Phật tử Huế dự lễ Quán thế âm, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Có mặt tại lễ hội Quán thế âm, Phật lịch 2568, hàng ngàn Phật tử tại Huế đã thành kính tưởng niệm, cầu nguyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phật tử Huế dự lễ Quán thế âm, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 1

Trong 2 ngày 23-24/7, tại Trung tâm Du lịch tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm (núi Tứ Tượng, thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, thành phố Huế), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trọng thể Lễ hội Quán Thế Âm, Phật lịch 2568, kỷ niệm cúng dường ngày khánh đản Đức Bồ tát Quán Thế Âm.

Đây là 1 sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của lễ hội "Huế vào thu", thuộc khuôn khổ Festival Huế 2024.

Phật tử Huế dự lễ Quán thế âm, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 2

Trong khuôn khổ lễ hội, để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trang trọng lễ cầu nguyện, tưởng niệm vào sáng 24/7.

Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cũng điều chỉnh các chương trình trong lễ hội cho phù hợp.

Theo đó, các nghi lễ truyền thống Phật giáo cầu nguyện quốc thái dân an sẽ được diễn ra bình thường. Một số hoạt động, chương trình trong lễ hội dừng tổ chức, như: khai mạc hội trại, văn nghệ, triển lãm, thuyết giảng, dâng lễ cúng dường,...

Phật tử Huế dự lễ Quán thế âm, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 3

Hàng ngàn Tăng ni, Phật tử đến tham dự lễ hội Quán thế âm kính cẩn tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phật tử Huế dự lễ Quán thế âm, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 4

Phật tử từ khắp nơi về núi Tứ Tượng tham dự lễ hội Quán thế âm, Phật lịch 2568.

Phật tử Huế dự lễ Quán thế âm, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 5

Lễ hội Quán thế âm năm nay do Hòa thượng Thích Khế Chơn (người cầm chuỗi tràng hạt) Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế làm Trưởng Ban tổ chức.

Theo Ban tổ chức, lễ hội Quán Thế Âm là minh chứng hùng hồn về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và Phật giáo, là sự hòa quyện bất khả phân ly giữa tính dân tộc và tính văn hóa tôn giáo. 

Phật tử Huế dự lễ Quán thế âm, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 6

Phật tử Nguyễn Cửu Yến Vy, đoàn sinh của chùa Thiên Hương (thành phố Huế) đến núi Tứ Tượng dâng hoa, dâng hương lễ hội Quán Thế Âm.

Lễ hội Quán thế âm hằng năm thu hút đông đảo các gia đình phật tử tại Huế đến dâng hương, dâng hoa.

Sự kiện năm nay còn thu hút nhiều người hơn vì có lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phật tử Huế dự lễ Quán thế âm, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 7

Có 2 đường dẫn lên tượng đài Quán Thế Âm, trong đó cổng chính phía trước mặt tượng, ở giữa dốc chia làm 2 lối đi với 1 bên có 145 bậc cấp được xây bằng xi măng. Nhiều người thường chọn lối đi này để thể hiện sự thành tâm khi đến đây cầu may.

Hương cắm trên chai nước lọc là hình ảnh quen thuộc tại khu tượng Quán Thế Âm, không chỉ có trong dịp lễ hội mà cả những ngày thường khi nơi đây thu hút đông đảo người dân đến vãn cảnh, cầu nguyện.

Trung tâm Thánh tích tượng đài Quán Thế Âm (người dân địa phương thường gọi là tượng Phật Đứng, Phật bà) được xây dựng năm 1968 trên đỉnh núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, TP Huế.

Hàng năm, vào các dịp lễ Phật đản, mùng 1 âm lịch, ngày rằm, đầu xuân năm mới, tượng đài Quán Thế Âm thu hút đông đảo phật tử, người dân khắp mọi miền đất nước hành hương về đây cầu phúc, cầu lộc, tham quan vãn cảnh.