Nghẹn lòng bức thư nữ tiểu đội trưởng gửi mẹ 5 ngày trước khi hy sinh
(Dân trí) - "Mẹ ơi! chiều nay, chúng con lại thắng Mỹ một keo nữa. Con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc…".
Ngã ba Đồng Lộc, ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh những năm kháng chiến là con đường độc đạo để hậu phương miền Bắc chi viện vào miền Nam. Biết được điều đó, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Mỹ tập trung lực lượng không quân đánh phá và ném xuống ngã ba này gần 50.000 quả bom các loại.
Hơn 50 năm trôi qua, nơi từng được mệnh danh là "vùng đất chết" đã trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt với nhiều hạng mục công trình.
Khu di tích Đồng Lộc đang lưu giữ, trưng bày hơn 1.000 hiện vật của thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, số kỷ vật của 10 cô gái hy sinh tại Đồng Lộc được chú ý hơn cả.
Đây là bức thư của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi cho mẹ 5 ngày trước khi chị hy sinh. Nội dung bức thư thể hiện tinh thần gan dạ, dũng cảm và lòng yêu nước sắt son.
"Mẹ ơi! Chiều nay, chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa.
Con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc. Với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa.
Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu là đường sá đã bị tan nát vì cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt cũng như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường đang được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con...".
"... Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, mẹ chắc là lo cho chúng con lắm. Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ.
Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con mẹ ạ…", giữa mưa bom, bão đạn nhưng những nữ thanh niên xung phong vẫn hiên ngang, yêu đời. Trong ảnh, bức thư của chị Võ Thị Tần được khắc lên phiến đá lớn trong khu di tích.
Ngoài bức thư gửi mẹ, kỷ vật lọn tóc thề cùng chiếc lược màu trắng ngà của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, tái hiện câu chuyện tình sắt son còn dang dở trong tuyến bom đạn giữa chị và chàng trai cùng làng.
Họ có lời hẹn thề rằng, ngày đất nước thống nhất sẽ nên duyên vợ chồng. Để chứng minh tình yêu và lòng chung thủy, chị Tần gửi lọn tóc của mình cho người yêu, còn chàng trai trao tặng chiếc lược. Song, những ước hẹn đó mãi không thành hiện thực khi người con gái gan dạ đó đã hy sinh. Trước khi giao lại cho bảo tàng, 2 kỷ vật đó được chàng trai cất giữ suốt nhiều năm.
Ba chiếc áo còn lấm lem bùn đất của các chị Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân và Trần Thị Hường.
Dép cao su và cuốc xẻng được tìm thấy ngay tại hố bom - nơi 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh.
Sổ ghi chép lời ca, học bạ và chiếc valy. Đây là kỷ vật của chị Trần Thị Hường. Người thân từng trân trọng số kỷ vật này như bảo bối trước khi giao lại cho bảo tàng.
Lưu bút của liệt sĩ Hồ Thị Cúc viết cho người em tên Hường.
Ống nhòm và áo dù của chị La Thị Tám. Nữ anh hùng là người được giao nhiệm vụ đếm những loạt bom của địch thả xuống Đồng Lộc trong những năm chiến tranh.
Bức hình thể hiện sự ác liệt trong chiến tranh ở ngã ba Đồng Lộc. Đó là những ngày các nữ thanh niên xung phong theo dõi máy bay thả bom, rồi phá bom, lấp hố giữ mạch máu giao thông.
Khu di tích cũng trưng bày nhiều loại vũ khí, bom đạn, xác máy bay. Trong hình là pháo 12.7mm - loại vũ khí từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.
Câu chuyện về sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong cùng anh linh của các chiến sĩ ngã xuống Đồng Lộc được tái hiện qua sa bàn. Tất cả đã làm nên biểu tượng về một Đồng Lộc linh thiêng, bất tử.