Mây mù phủ kín lối đi tại thôn bản cao nhất Việt Nam
(Dân trí) - Nhiệt độ giảm mạnh khiến, sương mù dày đặc bao phủ toàn bộ thôn Ngải Thầu Thượng (xã A Lù, huyện Bát Xát, Lào Cai) nằm ở điểm cao 2.300m so với mực nước biển.
Thôn Ngải Thầu Thượng (xã A Lù, huyện Bát Xát, Lào Cai) được biết đến là thôn bản cao nhất Việt Nam khi nằm ở độ cao lên tới 2.300m so với mực nước biển.
Đợt không khí lạnh đổ bộ xuống miền Bắc ít ngày qua khiến nền nhiệt tại Ngải Thầu Thượng giảm mạnh, nhiều thời điểm xuống -3 độ C, tuy nhiên vẫn chưa xuất hiện băng tuyết, thay vào đó được bao phủ bởi lớp mây mù dày đặc.
Cung đường lên đến thôn bản của người Mông ở Ngải Thầu Thượng cũng trở nên mờ mịt bởi lớp mù dày đặc.
Dù ban ngày nhưng các phương tiện khi lưu thông trên đoạn đường này thường xuyên phải bật đèn pha để tìm lối đi.
Những đám sương đọng lại trên mạng nhện hay cây cỏ xung quanh thôn tạo nên cảnh tượng bắt mắt.
Người đi đường phải trang bị cho mình áo mưa nếu không muốn bị sương mù vây quanh dễ làm ướt quần áo khi di chuyển một quãng đường dài.
Điểm thu hút khách du lịch tới với Ngải Thầu Thượng là rừng cây tống quá sủ cổ thụ, rêu phong ẩn hiện trong màn mây mù mờ ảo.
Theo tiếng dân tộc Mông, "tống quá sủ" có nghĩa là cây sống được qua mùa đông (tống quá sủ là cây qua đông, sủ là cây, tống là đông, quá là qua). Những hàng cây cao vút ẩn hiện trong màn sương vừa tô điểm cho núi rừng vừa khẳng định sức sống không chịu khuất phục trước gió mưa, giông bão.
Không còn thấy rõ bản làng hay bất kỳ một ngôi nhà nào phía bên dưới khi đứng nhìn từ trên đỉnh Ngải Thầu Thượng.
Lớp sương mù dày đặc bao trùm một trường học nằm trong thôn Ngải Thầu Thượng.
Việc đi làm, đi học của người dân, đặc biệt là các bạn nhỏ trở nên khó khăn khi sương mù làm hạn chế tầm nhìn và gây ẩm ướt.